“Tổ quốc và lòng yêu nước” – Giá trị, phẩm chất cốt lõi trong giáo dục thế hệ trẻ

“Tổ quốc và lòng yêu nước” – Giá trị, phẩm chất cốt lõi trong giáo dục thế hệ trẻ

(GDTĐ) – Giáo dục có sứ mệnh cao cả là truyền bá và sáng tạo các giá trị. Trong nội dung giáo dục cho thế hệ trẻ “Tổ quốc và lòng yêu nước” là “Giá trị và phẩm chất cốt lõi” – như học giả Trần Văn Giàu đã chỉ ra trong tác phẩm “Những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”: “Đây là tiêu điểm của tiêu điểm, giá trị của các giá trị”.

Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về lòng yêu nước trong Đại hội Đảng lần thứ 2 (1951)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ 2 (11/2/1951) đã nói về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam và nhiệm vụ phát triển tinh thần yêu nước: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó vượt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước… Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý, có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến” (TT_ 2011, tập 7, trang 38/39).

Giáo dục nhà trường có nhiệm vụ chủ đạo là giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Năm 1947, Bác Hồ đã nêu nhiệm vụ của nhà trường Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

“Sự học tập ở trong nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà. Vì vậy cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước thương nòi. Phải dạy cho họ có ý chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ…”

(TT_ 2011, tập 5, tr 120, 121)

“Quốc văn – Quốc ngữ – Quốc sử” – những môn học trọng yếu trong nhà trường có tác dụng quyết định đến việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

“Quốc văn – Quốc ngữ – Quốc sử” đã ghi lại bao thông điệp truyền cảm sâu sắc lòng yêu nước cho thế hệ trẻ từ trên ghế nhà trường. Dưới đây là một số lời thơ văn từng được truyền giảng:

  1. “Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này”.

(Thiên nam ngữ lục áng sử ca dân gian cuối thế kỷ XVII)

  1. “Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một Triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là báo phục, hai là Bá Vương…”.

(Thơ Lê Ngô Cát – Phạm Đình Toái trong sách “Đại nam quốc sử diễn ca” thế kỷ XVIII).

3. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan Thủ bại hư”

(Lời thơ Lý Thường Kiệt động viên quân Nam kháng Tống thế kỷ thứ X). Bản dịch từ sách “Lịch sử Việt Nam” – NXB KHXH 1976, tr 181

“Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

4.“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo

Như nước Việt ta từ trước

Vốn xưng văn hiến đã lâu

Sơn hà cương vực đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Đinh – Lê – Lý – Trần gây nền độc lập

Cùng Hán – Đường – Tống – Nguyên hùng cứ một phương

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có”.

(Nguyễn Trãi – Bài cáo Bình Ngô – Thế kỷ XV)

5. “Vạn lý Đông minh quy bả ác

Ức niên nam cực điện long bình

Ngũ kim dục triển phù nguy lực

Vãn khước quan hà cựu đế thành”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm 1491 – 1585 – Bài Cự Ngao Đới Sơn)

“Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ

Đất Việt muôn năm vững trị bình

Chí những phù nguy, xin gắng sức

Lấy lại thành xưa, non nước mình”

Đây là lời dự báo thiên tài của cụ Trạng Trình: Hoàng Sa dù bị chiếm nhưng không bị mất. Thế hệ trẻ phải có tâm nguyện “lấy lại thành xưa non nước mình” (Lời dịch của Nguyễn Khắc Mai).

6.“Đồng Trụ chí kim đài dĩ lục

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”

(Đôi câu đối: Vế 1 là lời khiêu khích của Minh Tự Tông “Đồng Trụ rêu vẫn xanh”

Vế 2 là lời đáp trả khí phách của Giang Văn Minh – sứ thần Việt 1753 – 1637 “Sông Bạch Đằng còn loang máu đỏ”.

7.“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho Sử Tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

(Lời hiệu triệu của Nguyễn Huệ với quân sĩ khi hành quân ra Thăng Long tiêu diệt quân Thanh năm 1789).

8.“Hỡi đồng bào toàn quốc

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng

Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp”

(TT 2011, tập 4, tr 534 Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/12/1946).

9.“Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

(Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Hùng trên đường về giải phóng Thủ đô tháng 10/1954).

10.“Không có gì quý hơn độc lập tự do”

(Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cao trào cuộc kháng chiến chống Mỹ nói ngày 17/7/1966).

 

Giáo dục Tổ quốc và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay

Đất nước hiện nay đã sạch bóng quân xâm lược và có hòa bình nhưng kẻ thù nham hiểm vẫn có âm mưu xâm phạm chủ quyền quốc gia và phá hoại cuộc sống bình an của nhân dân. Lúc này, nội dung giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ vừa giáo dục họ luôn có tinh thần cảnh giác trước kẻ thù, đồng thời giúp cho họ biết duy trì tình hữu nghị chân chính với những người bạn tốt. Bên cạnh đó còn phải giáo dục cho thế hệ trẻ, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, thái độ tự trọng dân tộc, biết xấu hổ khi đất nước đang còn thua kém nhiều đất nước khác về tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế và khi đứng trước các vấn nạn xã hội: lười biếng, tham nhũng, phù hoa, xa xỉ.

Lời Bác Hồ truyền cảm lúc đất nước nguy nan: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” không chỉ cho cả dân tộc mà còn cho mỗi cá nhân trong cuộc sống thường nhật. Tinh thần độc lập tự cường, lòng khao khát tự do cho bản thân và trân trọng tự do của người khác phải được mỗi học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường thấm dần vào kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi sống.

Ngày 19/1/1955, Bác Hồ đến dự khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người căn dặn thanh niên, sinh viên “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn. Mình đã vì lợi ích nước nhà hy sinh phấn đấu đến chừng nào” (TT_ 2011, tập 9, tr 264).

Ngày 20/1/1961, Kennedy khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đã nói điều tương tự: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc (Theo tư liệu của Trần Văn Nhung trong chuyên khảo “Về giáo dục và đào tạo Đôi điều ghi lại, NXBGDVN, H 2014, tr212)

Lòng yêu nước trong bối cảnh hiện đại của thanh niên, học sinh Việt Nam là biết gìn giữ phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và còn biết thâu nạp các giá trị nhân văn của nhân loại vào hành trang sống của bản thân mình.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo – Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 73+74, tháng 1-2/2016