Tìm hiểu kỹ thông tin, nộp hồ sơ sớm

Tìm hiểu kỹ thông tin, nộp hồ sơ sớm

(GDTĐ) – Số liệu công bố của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh cập nhật đến hết ngày 25/8 từ 127 trường ĐH, CĐ cả nước cho thấy đã có 41 trường báo cáo tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1.

Trong đó, trường có chỉ tiêu lớn nhất là ĐH Công nghiệp Hà Nội với 9.600 cả hệ ĐH và CĐ, nhưng đã tuyển 10.068 hồ sơ. Những trường top đầu đều tuyển vượt chỉ tiêu như: ĐH Y Hà Nội 1.027/1.000, ĐH Ngoại thương 3.490/3.450, ĐH Kinh tế quốc dân 4.802/4.800… Có 38 trường còn chỉ tiêu xét tuyển đợt II, như ĐH Mỏ địa chất còn 1.453 chỉ tiêu ĐH và 566 chỉ tiêu CĐ; ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn 3.850 chỉ tiêu ĐH và 416 chỉ tiêu CĐ…
Theo đó, các trường còn chỉ tiêu sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2 từ 26/8. Nhiều quy định đã được thay đổi để khắc phục những khó khăn phát sinh trong đợt xét tuyển đầu tiên. So với đợt đầu, thời hạn thu nhận hồ sơ đợt 2 ngắn hơn 10 ngày nên thí sinh (TS) cần nhanh chóng tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ sớm. Đặc biệt, sau khi đã đăng ký xét tuyển vào trường, TS sẽ không được thay đổi nguyện vọng, không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, TS sử dụng số mã vạch của mỗi Giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký vào một trường duy nhất; TS có thể gửi Phiếu đăng ký xét tuyển tại Sở GD&ĐT hoặc trường THPT do Sở GD&ĐT quy định; qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường.
Để đảm bảo thuận lợi cho TS, tại Hà Nội, 281 đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT đã cập nhật đầy đủ hướng dẫn về việc hỗ trợ TS đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2. Trao đổi với phóng viên, ông Đào Trọng Hùng – Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tất cả các trường THPT, trung tâm GDTX… đều được giao nhiệm vụ hỗ trợ TS đăng ký xét tuyển trực tuyến nếu TS ở xa không có điều kiện đến đăng ký trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ trong đợt 2. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý: “TS nên trực tiếp đến những trường mà mình lựa chọn ngành đào tạo để có thể được tư vấn đầy đủ, đảm bảo quyền lợi của mình. Đối với các đơn vị của Sở, chúng tôi chỉ có thể giúp các em về khâu kỹ thuật, thủ tục chứ không đủ điều kiện thông tin để tư vấn cho TS”.
Được biết, sau khi TS đăng ký hồ sơ xét tuyển, thông tin từ các trường sẽ được đưa về 20 cụm rải đều các quận, đặc biệt là các huyện ở xa, được phép truy cập vào hệ thống dữ liệu của Bộ GD&ĐT và chuyển tới các trường ĐH, CĐ. Như vậy với TS Hà Nội, ngoài việc trực tiếp đến các trường ĐH, CĐ để nộp hồ sơ xét tuyển, các em sẽ được tạo điều kiện tối đa trong việc đăng ký trực tuyến qua hệ thống các trường THPT, trung tâm GDTX các quận, huyện.

Theo Kinh tế và Đô thị