Thi và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2019-2020: Không gây áp lực cho học sinh
(GDTĐ) – Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên TP Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập thay cho phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển đã được thực hiện nhiều năm qua. Riêng về tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 công lập, Hà Nội duy trì ổn định phương thức xét tuyển. Xoay quanh vấn đề này, PV Tạp chí GDTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội.
PV:Năm 2019, trước những thay đổi trong phương thức tuyển sinh vào lớp 10, xin ông cho biết Hà Nội sẽ triển khai tổ chức kì thi này thế nào?
– Ngày 09/10/2018, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 5417/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020, theo đó công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 thành phố Hà Nội có một số điểm thay đổi cơ bản như sau:
Về phương thức tuyển sinh:Việc tuyển sinh vào các trường THPT công lập theo phương thức “Thi tuyển”; tuyển sinh vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập theo phương thức “Xét tuyển” căn cứ trên Điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020 hoặc dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Về bài thi môn Ngoại ngữ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên: Thí sinh được tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng Ngoại ngữ đang học ở trường THCS).
Điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên là tổng điểm bài thi của 04 môn với Điểm cộng thêm, trong đó điểm bài thi môn Toán và Ngữ văn tính hệ số 2. Thực hiện Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018, điểm cộng thêm không có điểm khuyến khích mà chỉ có điểm ưu tiên.
Công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tiếp tục được vận dụng thực hiện theo Quy chế thi THPT quốc gia hiện hành.
Ngày 11/3/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn số 802/SGDĐT-QLT gửi các Phòng GD&ĐT, các trường THPT, các trung tâm nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên về thông báo các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 – 2020. Theo đó, kì thi sẽ được tổ chức vào ngày 2 – 3/6 với 4 bài thi bắt buộc, độc lập bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Bài thi hoặc phần thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo hai nguyên tắc: Hai thí sinh liền kề không trùng mã đề, thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phầm mềm máy tính.
Đề thi gồm các câu hỏi theo chuẩn kiến thức kĩ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Đề thi môn Toán, Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp, vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ, Lịch sử chủ yếu ở cấp độ: Nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng thấp.
*Điểm mới quan trọng trong kỳ tuyển sinh sắp tới là học sinh có thể được sử dụng hình thức xác nhận nhập học trực tuyến để được tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập.Xin ông nói rõ hơn về qui định này?
-Tất cả những thay đổi, điều chỉnh, bổ sung của Sở GD&ĐT ngoài mục đích là đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan còn nhằm một mục đích cao hơn đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và cha mẹ học sinh, giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân; việc nghiên cứu và triển khai hình thức xác nhận nhập học trực tuyến để tuyển sinh vào các trường công lập.
Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay, về lý thuyết học sinh có thể có tối đa 07 nguyện vọng trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Khi học sinh sử dụng hình thức xác nhận nhập học trực tuyến thì học sinh không cần đến trường mà có thể ở bất nơi đâu có internet, có thiết bị truy cập internet (máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động, …) đều có thể thực hiện thao tác xác nhận nhập học một cách dễ dàng; đồng thời nếu học sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng thì trong thời gian được phép xác nhận nhập học trực tuyến học sinh có thể tự đổi nguyện vọng xác nhận nhập học ngay trên các thiết bị điện tử.
Ngoài ra Sở GD&ĐT cũng vẫn giữ hình thức xác nhận nhập học trực tiếp dành cho những học sinh, CMHS không có điều kiện về công nghệ thông tin. Với hình thức trực tiếp, học sinh phải đến trực tiếp trường trúng tuyển để xác nhận, khi muốn đổi nguyện vọng trúng tuyển, học sinh phải hủy xác nhận nhập học ở trường đã xác nhận nhập học và đến trực tiếp trường mới có nguyện vọng để xác nhận nhập học.
*Qui định về chế độ xét tuyển thẳng năm nay có gì mới, thưa ông?
Chế độ tuyển thẳng vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 vẫn được thực hiện theo đúng Quy chế tuyển sinh, tương tự năm học 2018-2019. Có 4 đối tượng được tuyển thẳng là: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc rất ít người; Học sinh khuyết tật; Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học (các cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức, được thông báo tại công văn số 4520/SGDĐT-QLT ngày 22/12/2017 của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thông tin các cuộc thi, Olympic dành cho HS phổ thông từ năm học 2018-2019). Học sinh chỉ được tuyển thẳng vào một trường THPT công lập trong KVTS nơi học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có Hộ khẩu thường trú.
*Thời điểm này, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đang đến cận kề, các trường cần tập trung thế nào cho công tác ôn tập thi cho học sinh?
– Ngay từ đầu năm học, Thành phố đã ban hành Kế hoạch công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT, điều này đã giúp cho các trường chủ động sớm xây dựng được kế hoạch tuyển sinh thống nhất với các kế hoạch dạy và học của nhà trường.
Trên cơ sở các nội dung tập huấn về đổi mới dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, … đã được Sở GD&ĐT vàcác phòng GD&ĐT triển khai trong những năm vừa qua, đặc biệt nội dung các buổi tập huấn trong hè năm 2018, nội dung chỉ đạo chuyên môn trong buổi giao ban công tác giáo vụ đầu năm học, trong các buổi giao ban hàng tháng và những chỉ đạo sát sao trong buổi Sơ kết học kỳ I, các trường THCS cần tổ chức thực hiện kế hoạch, tiếp tục tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên trong trường và giữa các nhà trường với nhau; các phòng GD&ĐT đẩy mạnh chỉ đạo, theo dõi, lan tỏa những kinh nghiệm hay, những ý tưởng tốt để nâng cao chất lượng dạy – học.
Các trường đảm bảo dạy đủ chương trình, đủ thời lượng ở tất cả các môn, không cắt xén, không dạy dồn ép.Quan tâm sâu sát, kịp thời nắm bắt những vướng mắc của học sinh, có biện pháp tháo gỡ, khắc phục nhanh chóng, hợp lý và hiệu quả.
Trong quá trình tổ chức dạy-học và ôn tập, khi có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời về phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, khi cần thiết có thể trao đổi, báo cáo về công tác chuyên môn với phòng GDPT, về công tác khảo thí với phòng Quản lý thi và Kiểm định CLGD thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội (hòm thư điện tử tuyensinh10@hanoiedu.vn).
*Việc đổi mới phương thức tuyển sinh phần nào tác động đến tâm lý học sinh. Lời khuyên đối với các em trước khi bước vào kỳ thi?
– Để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới, các em học sinh cần lưu ý học tập, ôn tập trong chương trình quy định ở cấp THCS, chủ yếu ở lớp 9, không học tủ, học lệch, không học thêm tràn lan, tăng cường làm quen với các câu hỏi và các kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm khách quan. Thí sinh nên tham khảo đề thi minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố để có định hướng học tập và làm quen các dạng câu hỏi trong đề thi.
Học sinh phải chuyên cần chăm chỉ trên lớp, nắm chắc kiến thức, kỹ năng cơ bản; học đâu chắc đấy; không nên mất nhiều thời gian học thêm, cần dành thời gian để tự học.
Qua đây chúng tôi cũng xin được kiến nghị với các bậc phụ huynh: Cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, nhất là với giáo viên chủ nhiệm để động viên, nhắc nhở kịp thời học sinh trong quá trình học tập, ôn tập đảm bảo học đều các môn; không gây áp lực không cần thiết cho học sinh; tìm hiểu kỹ lưỡng về các quy chế, các văn bản hướng dẫn thi tuyển sinh và đặc điểm các trường để có lựa chọn đúng đắn, hợp lý, vừa sức với học sinh. Không nên cho con em mình học thêm quá nhiều, động viên con em mình cần dành thời gian để tự học, đảm bảo học đâu chắc đấy.
Đối với môn thi Lịch sử, yêu cầu thi chỉ tương đương như bài kiểm tra 45 phút hoặc thi học kỳ trên lớp của học sinh, đó là những nội dung học sinh được kiểm tra diễn ra hàng ngày, rất quen thuộc, không hề đánh đố, không áp lực. Học sinh chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản trên lớp là có thể làm bài tốt vì đề thi bám theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT.
*Năm nay, thành phố tiếp tục thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại 7 trường THCS công lập. Phương thức tuyển sinh sẽ được triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?
– Năm học 2019-2020, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm chương trình đào tạo quốc tế học chương trình THCS Quốc gia Việt Nam và chương trình giáo dục nhận chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE tại 07 trường THCS: Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và lớp 6 THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Thực hiện theo phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực, học sinh phải thực hiện 02 bài kiểm tra, đánh giá năng lực:
Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn tiếng Anh, gồm 02 phần:
+ Phần viết: Thời gian làm bài là 45 phút;
+ Phần nghe: Thời gian làm bài là 30 phút.
Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Toán bằng tiếng Anh theo chuẩn CAIE; thời gian làm bài là 60 phút.
*Năm học 2019-2020, Hà Nội vẫn áp dụng song song hai hình thức tuyển sinh: Trực tiếp hoặc trực tuyến đối với tuyển sinh học sinh vào lớp 1 và lớp 6 các trường công lập. Các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã cần làm gì để phân tuyến tuyển sinh hợp lý vừa huy động được số trẻ đến trường với tỷ lệ cao nhất, đồng thời không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các nhà trường trên địa bàn?
– Phòng GD&ĐT chỉ đạo và tổ chức việc phối hợp giữa UBND các phường, xã, thị trấn với các trường trong công tác điều tra số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; Triển khai kế hoạch tuyển sinh, tổ chức hướng dẫn công tác tuyển sinh cho Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn; Phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn công bố công khai việc phân tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh; các quy định về độ tuổi, hồ sơ tuyển sinh tại các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn trước khi bắt đầu tuyển sinh 15 ngày để cha mẹ học sinh biết và chuẩn bị nộp hồ sơ nhập học cho học sinh tại các trường.
Chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS cấp mã học sinh cho cha mẹ học sinh, hướng dẫn cha mẹ học sinh truy cập vào trang sổ liên lạc điện tử để theo dõi, kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả học tập, kết quả tuyển sinh của học sinh theo đúng quy định;Tiếp tục nghiên cứu và báo cáo UBND quận, huyện, thị xã về công tác luân chuyển cán bộ, giáo viên, xây dựng thêm trường và phòng học (đối với những địa phương chưa đủ phòng học theo quy định), tăng cường cơ sở vật chất cho những trường khó khăn để đảm bảo chất lượng, nâng cao độ đồng đều giữa các trường.
Năm nay, lượng tuyển sinh vào lớp 1 ở Hà Nội giảm khoảng 13.000 học sinh so với năm trước, nhưng so với số học sinh lớp 5 hết cấp vẫn tăng khoảng 30.000 học sinh. Do đó, Sở GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo các nhà trường, các phòng GD&ĐT cần xem xét tham mưu với lãnh đạo các quận huyện, thị xã để có kế hoạch tuyển sinh hợp lí. Cần huy động tối đa cơ sở vật chất và giáo viên để giảm số học sinh trên lớp và điều hòa số lượng học sinh từ trường này sang trường khác.Các phòng GD&ĐT cần phải phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của các trường, đảm bảo tuyển sinh an toàn, hạn chế tối đa tình trạng trái tuyến.
*Xin cảm ơn ông!
Kiều Giang – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 112, tháng 4/2019