Sự táo bạo trong nghiên cứu khoa học

Sự táo bạo trong nghiên cứu khoa học

(GDTĐ) – Có những nhà khoa học mong muốn trả lời những câu hỏi lớn, táo bạo như Vũ trụ bao nhiêu tuổi? Nó bắt đầu như thế nào? Sẽ kết thúc ra sao? Họ tiến hành nghiên cứu gai góc ngay cả khi nó dẫn tới sự từ chối, những công kích về cá nhân, mất tiền tài trợ và thậm chí một vài tranh cãi pháp lý khác. Họ thách thức những giả thuyết được đưa ra trước đó, tạo ra những thay đổi trong lĩnh vực của họ, trải nghiệm sự nổi tiếng bất kể tốt hay xấu thường đi kèm với người làm thay đổi cuộc chơi.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÀ KHOA HỌC TÁO BẠO

Không phải tất cả các nhà khoa học đều theo đuổi những ý tưởng có thể thay đổi hệ thức. Theo Steven McKnight, nhà sinh hóa thuộc Đại học Texas Southwestern, Dallas, mỗi nhà nghiên cứu có phong cách riêng, cả hai phong cách thận trọng tiến từng bước và táo bạo tìm kiếm sự đột phá đều có giá trị như nhau.

Khi những đề xuất của bạn làm thay đổi cái mà mọi người vẫn tin, bạn dễ dàng đụng phải rắc rối trong sự nghiệp. Joan Roughgarden, nhà sinh vật học của trường Đại học Stanford nghĩ rằng các nhà khoa học trẻ chỉ nên làm nghiên cứu mang tính mạo hiểm nếu thực sự tin tưởng.

Tuy nhiên niềm tin không phải là động cơ duy nhất cho những nghiên cứu táo bạo. Một vài nhà khoa học được hỏi thừa nhận rằng khi họ làm những nghiên cứu theo hướng tiến triển dần dần, là sự nối dài của tri thức đã được thừa nhận, họ nhanh chóng chán, điều này gợi ra thiên hướng về phía khoa học táo bạo. Nhiều nhà khoa học có khuynh hướng này thường không dừng lại ở việc làm thay đổi một quan điểm, nhiều người còn làm thay đổi hệ thức.

Nếu sự táo bạo là nền tảng của khoa học tạo ra đột phá, sự kiên trì là phẩm chất đồng hành. Sự kiên trì đi đôi với sự táo bạo đóng vai trò như là khả năng tin tưởng vào tầm nhìn của bản thân về sự phát triển của khoa học và cách kiểm chứng nó. Sự thông minh là một trong những phẩm chất cần có của khoa học táo bạo, nhưng chỉ đóng vai trò trợ giúp. “Có chỉ số IQ cao và đạt được các điểm A không thực sự cần thiết trong làm khoa học. Nhiều sinh viên có được những điều này làm tốt mọi công việc bình thường nhưng họ lại không muốn trở thành những người vươn tới những điều lớn lao”, Snyder nhận xét.

Sự sáng tạo cũng quan trọng, nhưng định nghĩa về sự sáng tạo không rõ ràng. “Một trong những điều tôi thường thấy là các nhà khoa học lớn thường có trí tưởng tượng phong phú. Họ dễ dàng nhìn ra sự gắn kết từ những ý tưởng tản mát. Đó là một trong những dấu hiệu của sự sáng tạo mà chúng tôi tìm kiếm”, Fitzsimmons, phó giám đốc chương trình học bổng McArthur, nói. Có những ý tưởng lớn nhưng vấn đề là phải làm gì đó với chúng. Nếu bạn rụt rè, bạn sẽ không làm gì cả. Trong số các nhà khoa học chỉ có 1-2 người trong số 10 người là thuộc dạng không muốn làm những điều hiển nhiên. Họ muốn khám phá những miền đất lạ trong lĩnh vực họ nghiên cứu, McKnight nói.

Sự nổi tiếng tới với người khám phá ra những điều mà thậm chí không ai nghĩ tới. Có thể phải làm tới 10 thí nghiệm, 9 cái thất bại nhưng cái thành công sẽ có tầm quan trọng rất lớn. Nhưng bao nhiêu nhà khoa học trẻ có thể chịu được thất bại tới 9 lần? Nếu bạn muốn an toàn cho sự nghiệp, rất khó để tỏ ra táo bạo, chấp nhận nguy hiểm vì nếu như bạn thất bại bạn sẽ bị xem như là người non nớt và khó có được biên chế hay tài trợ.

 


CẨM NANG ĐỂ THEO ĐUỔI NGHIÊN CỨU TÁO BẠO

Sự táo bạo trong khoa học cần phải bắt đầu với niềm say mê về một chủ đề nào đó, tiếp đó lựa chọn chính xác một cơ sở nghiên cứu hoặc một người cố vấn và tìm ra bài toán quan trọng cần giải quyết.

Có những lĩnh vực trong khoa học và những thời điểm trong lịch sử đặc biệt thuận lợi cho những thay đổi căn bản. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải hoạt động trong lĩnh vực này hoặc trong những thời điểm quan trọng. Điều quan trọng trong việc lựa chọn một lĩnh vực là niềm say mê.

Phẩm chất tiếp theo là phải có sự tận tâm với công việc của mình. “Trong sự nghiệp của mình, nhiều nhà khoa học say mê làm việc theo cảm tính của mình”, Sara Seager nhà khoa học về hành tinh học tại MIT nhận xét. Cô thậm chí không đặt ra mục tiêu là phải có sự nghiệp trong khoa học. Điều này, một phần nào đó, đã giúp cô có thể dễ dàng nhận lấy rủi ro trong sự nghiệp: nghiên cứu một lĩnh vực mới mẻ về các hành tinh bên ngoài (exoplanets). Khi cô dấn sâu vào nghiên cứu, trách nhiệm tăng lên. “Một khi bạn cam kết làm điều gì đó, bạn sẽ hiểu sâu vấn đề hơn những người khác và bạn chỉ chăm chú vào nó”, cô nói. Sự tận tâm trong công việc đã giúp cô có được những công bố đầu tiên về khí quyển của hành tinh bên ngoài.

Để có thể táo bạo trong nghiên cứu khoa học, cần phải có một người cố vấn cũng mong muốn theo đuổi những câu hỏi lớn, dựa vào một cơ sở nghiên cứu có tầm nhìn xa. Theo Steven McKnight nhà sinh hóa của trường Đại học Texas, Viện Carnegie Washington, Viện Y tế Stowers, Viện Y Howard Hughes như là những vườn ươm cho những ý tưởng táo bạo.

Tìm ra các vấn đề để giải quyết không phải là điều khó đối với nhiều nhà khoa học. Họ không những có khả năng xác định vấn đề mà còn tạo ra những tiến bộ trong vấn đề quan trọng. Lựa chọn vấn đề có thể làm bạn phải đau đầu khi bạn đang ở giai đoạn bắt đầu. Một giải pháp để tránh đi vào các lối mòn khi xác định đề tài nghiên cứu là tránh đám đông. Vì những hướng nghiên cứu có nhiều người tham gia có thể tạo ra vầng hào quang giả tạo về tầm quan trọng.

XIN TÀI TRỢ CHO CÁC NGHIÊN CỨU TÁO BẠO


Các nhà khoa học đều cho rằng: rất khó tìm tài trợ cho các nghiên cứu táo bạo của họ. Họ phải tìm cách xoay sở.

Như nhiều thực tập sinh khác, nhà sinh học cấu trúc Rachelle Gaudet không gặp phải những khó khăn về tài chính khi làm nghiên cứu sinh và hậu tiến sĩ vì hai người hướng dẫn cô đều là những người được Viện Y tế Howard Hughes tài trợ. Nhưng khi thành lập phòng thí nghiệm cho riêng mình, cô lập tức phải đối mặt với khó khăn tìm tài trợ cho những nghiên cứu tham vọng của mình. Hiện tại là phó giáo sư tại Đại học Harvard, Gaudet nghiên cứu cấu trúc protein nối các màng tế bào. Đề cương nghiên cứu đầu tiên của Gaudet gửi cho Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã bị từ chối. Cô đã gửi đề cương tới lần thứ 4 nhưng vẫn bị từ chối. Những người xét duyệt chỉ ra rằng để được tài trợ cô phải lập lại kế hoạch nghiên cứu, tập trung vào một vài mẫu protein chứ không phải toàn bộ vào một lần. Nói cách khác cô phải bớt tham vọng đi. Những người xét duyệt đều hứng thú với dự án nghiên cứu nhưng nghi ngờ về cách tiếp cận, cho rằng hướng tiếp cận quá tham vọng, các đề cương nghiên cứu phải tập trung hơn và có cách tiếp cận thực tế hơn.

Chấp nhận rủi ro trong giai đoạn làm hậu tiến sĩ có thể giúp bạn có được một ví trí ở một cơ sở nghiên cứu nào đó nhưng khi bạn đã hạ cánh xuống đây, tình hình đã thay đổi. “Bạn được tuyển dụng vì những ý tưởng táo bạo nhưng bạn sẽ không nhận được tài trợ”, Gaudet cho biết. Tình hình tài trợ cho nghiên cứu 5 năm gần đây khiến cho các nhà nghiên cứu trẻ rất khó cân bằng giữa xin được tài trợ và tiến hành nghiên cứu táo bạo. Một trong những cách tiếp cận khôn ngoan đó là tìm những quỹ tài trợ có những yêu cầu đa dạng hơn. Chương trình học giả McArthur là một ví dụ cụ thể. Chương trình này trao những khoản tài trợ khoảng 500000 USD trong 5 năm cho những cá nhân có khả năng tạo nên những bước nhảy lớn, những đóng góp lớn không chỉ trong lĩnh vực khoa học.

Làm thế nào để có thể xin được tài trợ cho nghiên cứu táo bạo tại những quỹ tài trợ có xu hướng “bảo thủ” hơn như NIH hay NSF? Một số nhà khoa học được hỏi đã tiết lộ bí quyết của họ: Chúng tôi xin tiền tài trợ cho những nghiên cứu không mạo hiểm nhưng đồng thời tiến hành làm những điều làm chúng tôi thực sự say mê. Quan trọng là NIH không tiếc phải chi thêm 10-20% cho những vấn đề thú vị chừng nào bạn có thể chứng minh được chúng có liên quan tới đề tài nghiên cứu của bạn.


 

 

LAN ANH (Theo Science Careers), Tạp chí Tri thức và Phát triển