Sự phản đối mạng xã hội gia tăng trong giới trẻ Anh

Sự phản đối mạng xã hội gia tăng trong giới trẻ Anh

(GDTĐ) – Một cuộc khảo sát ở Anh mới đây đã chỉ ra, gần 2/3 (63%) học sinh không bận tâm nếu phương tiện truyền thông xã hội chưa bao giờ được phát minh. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng về sự phản ứng dữ dội ngày càng gia tăng ở những người trẻ bị vỡ mộng đối với các mặt tiêu cực của công nghệ như lạm dụng trực tuyến và tin tức giả mạo. Thậm chí 71% học sinh cho biết đã dùng các chương trình giải độc kỹ thuật số tạm thời để thoát khỏi các phương tiện truyền thông xã hội.

 

Cuộc khảo sát với sự tham gia của khoảng 5.000 học sinh trong độ tuổi từ 11-18 tại các trường tư thục và công lập ở Anh đã được Digital Awareness UK – một trong những tổ chức an toàn trực tuyến hàng đầu Vương quốc Anh và Hội đồng Hiệu trưởng (HMC), đại diện cho các hiệu trưởng của các trường tư thục trên khắp thế giới tiến hành.

Nhiều người khi được hỏi đã chỉ ra rằng phương tiện truyền thông xã hội có tác động tiêu cực đến sức khoẻ tinh thần của họ. 57% cho biết họ đã nhận được những lời bình luận lăng mạ trực tuyến, 56% thừa nhận suýt bị nghiện và 52% nói rằng các phương tiện truyền thông xã hội khiến họ cảm thấy không tự tin về vẻ ngoài của mình hay sự viên mãn thực sự trong cuộc sống. Trong khi hơn 60% tin rằng bạn bè đã phô ra “phiên bản giả mạo” của chính họ trên các phương tiện truyền thông xã hội, 85% số học sinh được hỏi đã phủ nhận bản thân họ phạm lỗi này.

Tuy nhiên, phản hồi từ cuộc khảo sát không hoàn toàn mang màu sắc tiêu cực khi nhiều học sinh thừa nhận các tính năng như “memes” (có thể hiểu là một biểu tượng về mặt văn hóa hoặc một ý tưởng nào đó được lan truyền trên mạng internet), “lenses” (hiệu ứng khuôn mặt), filters (bộ lọc) và storytelling (tự kể chuyện bản thân), chẳng hạn như Snapchat Stories, là những đặc điểm họ thích ở phương tiện truyền thông xã hội. Khi được yêu cầu đề xuất những cải tiến, các học sinh đã kêu gọi có ít quảng cáo hơn (71%), ít tin giả mạo hơn (61%), nội dung sáng tạo hơn (55%) và bảo vệ sự riêng tư tốt hơn (49%). 1/3 số những người được khảo sát cho biết họ mong muốn chứng kiến các phương tiện truyền thông xã hội tạo nhiều cơ hội hơn cho người dùng kiếm thêm thu nhập.

Tại Benenden – một trường nữ sinh nội trú tư thục ở Kent, các học sinh mới đây đã tham gia một buổi truyền thông xã hội tự nguyện kéo dài ba ngày khi họ giao lại những chiếc điện thoại của mình. Cô Samantha Price, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ban đầu, tôi đã lo lắng về cách học sinh sẽ đối phó, nhưng sau đó các em đã tự hỏi những thứ ồn ào diễn ra trên mạng xã hội thực sự có ý nghĩa gì và nói rằng chúng tôi nên tiếp tục tổ chức một buổi như vậy nhưng trong thời gian dài hơn. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất yên tâm. Khi những người trẻ có thời gian tránh xa các phương tiện truyền thông xã hội, họ sẽ thấy được những lợi ích như: ngủ ngon hơn, tập trung hơn, do đó học tập tốt hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn. Tất nhiên, truyền thông xã hội và internet không phải là kẻ thù, chúng có những điểm tích cực to lớn đối với các em. Vấn đề là tìm kiếm sự cân bằng đúng cách và tất cả các trường học cần nỗ lực để giúp các em đạt được sự cân bằng đó”.

Charlotte Robertson, đồng sáng lập của Digital Awareness UK, nói: “Chúng tôi nói chuyện với hàng nghìn học sinh về việc sử dụng internet an toàn hàng ngày. Trước vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tác động tiêu cực của các phương tiện truyền thông xã hội gây ra đối với sức khoẻ tinh thần của giới trẻ, chúng tôi khuyến khích các nhà nghiên cứu sử dụng các chiến lược thông minh như giải độc kỹ thuật số để kiểm soát việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của giới trẻ”.

Cô cũng nhấn mạnh: “Phương tiện truyền thông xã hội cho phép chúng ta trở nên sáng tạo, kết nối lẫn nhau, vận động cho những điều chúng ta tin tưởng, để trở thành doanh nhân. Đó là một nền tảng cần được coi trọng nhưng nếu để lạm dụng trực tuyến hoặc tin giả mạo ngăn cản nó phát triển thì tất cả chúng ta sẽ là người thua cuộc. Nghiên cứu này là một lời kêu gọi thật sự cho tất cả chúng ta, những người đang làm việc trong các phương tiện truyền thông xã hội để đảm bảo rằng chúng ta lắng nghe nhu cầu của giới trẻ, những người cuối cùng sẽ quyết định hướng đi của truyền thông xã hội”.

Trong khi đó, Chris King, Chủ tịch của HMC đồng thời là Hiệu trưởng trường ngữ pháp Leicester nói: “Kết quả của cuộc thăm dò này đã khiến giáo viên và cha mẹ học sinh ngạc nhiên nhưng nó giúp họ hiểu được những áp lực mà con em họ đang cảm nhận trong thời đại số. Thật là thú vị khi trông thấy những dấu hiệu đầu tiên của cuộc nổi dậy chống lại các phương tiện truyền thông xã hội và nhắc nhở chúng ta rằng các em có thể cần sự giúp đỡ để thoát khỏi những đòi hỏi liên tiếp của nó. Những người được khảo sát cũng đã đưa ra lời khuyên rõ ràng cho các mạng xã hội về sự cần thiết phải xem xét tới chất lượng và mức độ đáng tin cậy trong nội dung của chúng. Các trường học có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này để giúp học sinh cảm thấy thoải mái, an toàn trong môi trường trực tuyến và đưa ra những bình luận tích cực khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.

TRẦN THẮNG (Theo The Guardian) – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 94+95, tháng 11/2017