Quán triệt tinh thần “Học – Tư kết hợp” vào dạy học trong đổi mới giáo dục
(GDTĐ) – Hiện nay, trên các diễn đàn xã hội đang vang lên thông điệp “Kiến tạo quốc gia, khởi nghiệp thành công”. Để thực hiện được mục tiêu này, đất nước cần xây dựng được các nhà trường dạy học tư duy, ở đó thế hệ trẻ được rèn luyện mười loại tư duy cơ bản…
Nhân tố tư duy trong đời sống con người
“Tư duy” hiểu khái quát là “mạng lưới các suy nghĩ của con người”, là sản phẩm của hoạt động bộ não người phản ánh thế giới khách quan.
Nhà nghiên cứu Thế Trường có lời bàn xác đáng: “Trong đời sống có rất nhiều người tin vào số phận, gặp trắc trở cho là “số trời”, kỳ thực suy nghĩ kỹ sẽ thấy chẳng phải số trời mà là mô hình tư duy của mỗi người quyết định số phận của người đó” (Hành trang thời đại kinh tế tri thức – NXBGTVT, H2004, tr 255).
Ông chia sẻ nhận thức: “Một số người nghĩ rằng, tư duy là một cái gì rất trừu tượng, rất “huyền”. Tư duy tồn tại ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Ở đâu có con người là có quá trình tư duy”.
Ông bày tỏ cảm nghĩ: “Người không thích tư duy là kẻ cố chấp; Người không thể tư duy là một gã khờ; Người không chịu tư duy chịu kiếp nô lệ”.
Pascan (1623-1662) và Descartes (1596-1650) đã có những phát biểu có ý nghĩa sâu sắc về tư duy đó là: “Con người là cây sậy biết tư duy. Sự vĩ đại của con người là khả năng tư duy của anh ta (chị ta)” và “Tôi tư duy nên tôi tồn tại. Tư duy là nhân tố để con người sinh tồn, phát triển”.
“Học tư kết hợp”: Những lời dạy của các nhà văn hóa lớn
Khổng tử (551-479 TCN) đã nêu quy trình để con người phát triển nhân cách: “Bác học – Thâm vấn – Thận tư – Minh biện – Đốc hành” (Học cho rộng – Hỏi cho sâu – Suy nghĩ cho cẩn thận – Phản biện cho rõ ràng – Làm cho hết sức).
Ông nhấn mạnh: “Cũng có điều học chưa được, nhưng đã học điều gì mà không được thì không thôi. Cũng có điều chưa hỏi, nhưng đã hỏi điều gì mà chưa rõ thì không thôi. Cũng có điều chưa nghĩ ra, nhưng đã nghĩ điều gì thì phải nghĩ cho chín chắn. Cũng có điều chưa phân biệt được, nhưng đã phân biệt điều gì thì phân biệt cho minh bạch, không được ngụy biện, càng không được quỷ biện. Cũng có điều chưa làm, nhưng đã làm điều gì thì làm cho trọn vẹn không được buông xuôi. Người ta dụng công một mà không được thì ta dụng công gấp trăm lần. Người ta dụng công mười, ta dụng công mười mà chưa được thì dụng công gấp ngàn lần, kỳ được mới thôi. Nếu làm được điều ấy thì đầu ngu cũng hóa sáng, yếu cũng thành mạnh”
Hồ Chí Minh đã Việt Nam hóa “Bác học – Thâm vấn – Thận tư – Minh biện – Đốc hành” thành 4 phạm trù “H”: Học – Hỏi – Hiểu – Hành. Một số nhà trường ngày nay trong đổi mới giáo dục đã lấy “4H” làm triết lý hành động của mình.
Sau này, thầy giáo họ Khổng cô đọng năm bước trên thành chủ thuyết “Học tư kết hợp” với thông điệp “Học nhi bất tư tắc vong. Tư nhi bất học tắc đãi” (Học mà không tư duy – suy nghĩ thì mờ mịt uổng phí. Tư duy – suy nghĩ mà không học chu đáo thì nguy hiểm). Cuộc sống đã chứng tỏ điều thầy Khổng khuyến dụ là rất cần thiết để mỗi con người tiến bộ.
Albert Einstein (1879-1955) nói về tầm quan trọng của tư duy trong tiến trình dạy học.
“Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ bởi bằng cách đó anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không với kiến thức chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa… Những điều trân quý đó được truyền cho thế hệ trẻ nhờ quan hệ trực tiếp với người thầy chứ không phải chủ yếu qua sách vở…
Ngoài ra một điều nữa cũng thuộc về bản chất của một nền giáo dục giá trị là lối tư duy phê phán độc lập phải được phát triển ở những người trẻ tuổi – một sự phát triển đang bị đe dọa trầm trọng bởi sự nhồi nhét (hệ thống điểm số)… Cần có cách dạy làm sao để học sinh cảm thấy những điều họ được học là một quà tặng quý giá chứ không phải là một nhiệm vụ ngán ngẩm” (Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và giải pháp – Nhiều tác giả, NXB Tri thức, H 2007, tr 9).
“Đối với con người, kiến thức không quan trọng lắm. Để có kiến thức, con người không cần đến đại học. Cái đó người ta có thể học từ sách. Giá trị của giáo dục đại học không nằm ở chỗ học thuộc lòng thật nhiều kiến thức mà ở chỗ tập luyện tư duy, cái mà người ta không bao giờ học được từ sách giáo khoa… Bởi vì tất cả những gì vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi cá nhân (Trích lại theo Giản Tư Trung – Đúng việc NXB Tri thức ).
Ba nhà khai sáng nền giáo dục cách mạng Việt Nam với tư duy sâu sắc
về “Học tư kết hợp”
Hồ Chí Minh (1890-1969) đã gắn ba phạm trù “Học – nghĩ – làm” vào một thể thống nhất.
Người dạy: “Siêng học thì mau biết.
Siêng nghĩ ngợi thì mau có sáng kiến.
Siêng làm thì nhất định thành công”.
(TT 2011, tập 6, tr 118).
Phạm Văn Đồng (1906-2000) ông nhắc đến lời dạy của Bác Hồ “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” và liên hệ vào công việc của người thầy: “Dĩ bất biến là phải lấy người học làm trung tâm. Vạn biến là thể hiện sự rất khác nhau của hoàn cảnh của người học. Người dạy gặp những người học trình độ cao thấp khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, lúc đó người dạy phải có phương pháp cho thích hợp”.
Ông nhắn nhủ người thầy: “Biết đâu trong bộ óc “bí ẩn” của học sinh nào đó có một nguồn tư duy về một lĩnh vực nào đấy trong cuộc sống bình thường ở gia đình, xã hội mà nhà trường chưa có cơ hội khơi dậy, làm xuất hiện và nảy nở. Tôi kể một ví dụ: Ai cũng biết Beethoven là nhà sáng tác nhạc vĩ đại nhất của mọi thời đại cho đến nay. Thế mà ông không biết làm toán nhiều. Sau một đợt nhiều cuộc biểu diễn với số tiền thù lao giống nhau cho mỗi cuộc, ông cộng những số tiền giống nhau đó để có con số chung. Tôi kể câu chuyện khá lý thú (để muốn nhấn mạnh) phép màu nhiệm trong việc dạy là khơi dậy kho báu tư duy của mỗi người và ở đây là của mọi học sinh (Về vấn đề giáo dục và đào tạo – NXB CTQG, H 1990, tr 18).
Võ Nguyên Giáp (1911-2013) trong luận văn tâm huyết “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục nước nhà (viết năm 2007), ông có lời kêu gọi: Nhà trường Việt Nam phải đào tạo được những con người có:
– “Những hiểu biết và cảm thụ sâu sắc đối với tinh hoa của truyền thống văn hóa dân tộc.
– Những kiến thức khoa học và công nghệ hiện đại.
– Năng lực tư duy độc lập từ sự kết hợp tư duy khoa học với phương pháp tư duy hệ thống, tư duy phức hợp để có khả năng sống và hoạt động một cách linh hoạt sáng tạo trong một thế giới phức tạp, đầy những bất định và đổi thay, đan xen những thách thức và cơ hội”.
(Những vấn đề giáo dục hiện nay – NXB Tri thức, H 2007, tr15).
10 loại tư duy cơ bản nhà trường cần rèn cho người học
Cuộc đổi mới giáo dục đang diễn ra lấy yêu cầu then chốt: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.
“Phẩm chất” xét đến cùng cũng là một thành phần của năng lực. Con người phải có nhiều năng lực để sinh tồn, trong đó có 3 năng lực cơ bản: Năng lực tư duy; Năng lực công việc; Năng lực quan hệ với con người. Ba năng lực này như một kiềng ba chân cho sự phát triển nhân cách. Thiếu vắng hoặc hẫng hụt một trong ba năng lực này con người không phát triển hài hòa. Năng lực tư duy là năng lực chủ chốt cho hai năng lực còn lại trong bộ ba năng lực đã nêu.
Nhà trường trong cuộc đổi mới đang diễn ra phải là nhà trường từ bỏ được mô hình “2-4-8” (hai bìa sách giáo khoa lạnh lùng, bốn bức tường khép kín, tám giờ làm việc cứng nhắc quan liêu) chuyển thành nhà trường dạy học tư duy.
Mười loại tư duy mà nhà trường này cần chú ý rèn luyện cho người học đó là: Tư duy logic; Tư duy hình tượng; Tư duy biện chứng; Tư duy ngôn ngữ; Tư duy Angôrit; Tư duy khoa học chứng nghiệm; Tư duy kỹ thuật – công nghệ; Tư duy kinh tế; Tư duy chính trị và Tư duy quản lý.
Tư duy chính trị hiện đại không phải là tư duy “Bạn – thù” cứng nhắc mà là tư duy w/w (win/win – cùng thắng). Tư duy biết đưa đối thủ thành đối tác. Đối tác thành đồng minh. Đồng minh thành đồng chí. Đồng chí thành tri âm – tâm giao.
Tùy theo từng lứa tuổi học sinh mà các nhà sư phạm, thầy giáo tìm ra nội dung, phương pháp hình thức dạy học thích hợp để rèn luyện 10 loại tư duy nói trên nhằm phát triển tư duy sáng tạo cho mỗi con người trong tiến trình hoàn thiện nhân cách.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo- (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 79, tháng 8/2016)