Phát triển nhân lực trình độ cao: Để mối quan hệ đào tạo – sử dụng đến gần nhau hơn
(GDTĐ) – Mới đây, Văn phòng Chương trình Khoa học Giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã tổ chức Tọa đàm các giải pháp đột phá phát triển nhân lực trình độ cao, chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Nhiều nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp đã “hiến kế” các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Sứ mạng của giáo dục đào tạo là số một
Nguồn nhân lực chất lượng cao thường được đào tạo ở trình độ cao đẳng trở lên, có kiến thức và kĩ năng để làm các công việc phức tạp, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ và vận dụng sáng tạo những kiến thức, những kĩ năng đã được đào tạo trong quá trình lao động sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực này chính là một trong những giải pháp tối ưu để phát triển xã hội, phát triển đất nước. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đặt ra cho ngành GD&ĐT là phải tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đủ đức, đủ tài để phục vụ sự phát triển chung của đất nước.
Trong gần 5 năm qua, ngành GD&ĐT đã nỗ lực không ngừng để cung cấp cho đất nước một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao. Và trên thực tế, ngành GD&ĐT đã đạt được những thành tựu không nhỏ như: Phát triển nhanh về mặt số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo chất lượng đầu ra với tỉ lệ người có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên có việc làm ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành Giáo dục vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: Tỉ lệ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kĩ thuật đạt trình độ cao đẳng trở lên so với tổng số lực lượng lao động chưa cao, chỉ chiếm khoảng 13% tổng số lực lượng lao động (Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II/2018). Một bộ phận nguồn nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên chưa bắt kịp với nhu cầu, đòi hỏi của xã hội. Tỉ lệ thất nghiệp ở lực lượng lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên còn lớn, chiếm khoảng 18,6% tổng số người thất nghiệp và chiếm 2,74% trong tổng số người có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên.
Là chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình Khoa học giáo dục “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”, PGS. TS Trần Thị Thái Hà cho biết, bất cập lớn nhất hiện nay của các cơ sở đào tạo là thiếu những liên kết cơ bản với nơi sử dụng, nguyên nhân là do thiếu thông tin, thiếu động lực kết nối và thiếu năng lực kết nối. Tính hội nhập và sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 cũng chưa đáp ứng được. Từ đó, bà Hà đưa ra 3 thay đổi: Thay đổi trong cách dạy và học; thay đổi trong cách kiểm định, quản lý để tăng cường giám sát; thay đổi cách tổ chức trong nhà trường.
Theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT, trong vòng 15-20 năm nữa chúng ta sẽ chuyển sang thế giới số, nhiều kĩ năng sử dụng trong thế giới hiện nay sẽ không cần trong tương lai. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta phải chuyển thật nhanh, thật tốc độ. Trong cuộc chuyển đổi này, sứ mạng của giáo dục và đào tạo là số một; giáo dục đại học là nền tảng và tiên phong để thực thi chính sách phồn vinh của đất nước. “Thành công đều do con người mà ra và người Việt Nam đang có lợi thế” – ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Gắn kết hữu cơgiữa nhà trường và doanh nghiệp
Ông Trương Gia Bình đặt vấn đề: cần có cơ chế nào để nhà trường và doanh nghiệp chủ động, thực hiện hiệu quả hoạt động hợp tác có tính gắn kết hữu cơ này, trong đó các trường phải đáp ứng nhanh, ngay lập tức được với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. “Nếu hứa hẹn 3-4 năm, doanh nghiệp sẽ đi ngay” – Chủ tịch FPT cho hay.
Ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Quy mô đào tạo ngành CNTT mỗi năm không nhỏ, chỉ riêng Học viện Bưu chính Viễn thông mỗi năm tuyển sinh trên 3.000 sinh viên, còn rất nhiều trường khác đào tạo CNTT nhưng doanh nghiệp vẫn kêu thiếu, các doanh nghiệp CNTT giành giật nhân lực, thậm chí dẫn đến “phá giá” tuyển dụng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, như vậy vẫn có độ lệch về cơ cấu cung – cầu: cơ cấu “cầu” khác so với cơ cấu “cung”; lệch về yêu cầu trình độ, kĩ năng giữa hai bên “cung” và “cầu”; bên “cung” chậm thay đổi để vận hành theo cơ chế thị trường. Để giải quyết vấn đề này, trước hết phải tiến hành công việc dự báo “cung”, dự báo “cầu”, để có một dự báo tốt, hai bên phải ngồi với nhau để đưa ra mẫu số chung, sau khi xác định rõ về “cầu” thì xác định điểm nghẽn bên “cung”.
Ông Tâm nhận định: Hiện nay cơ sở đào tạo đẳng cấp quá ít; lực lượng giảng viên chất lượng cao thiếu, phương thức giảng dạy còn xa mới đáp ứng được yêu cầu 4.0, vì vậy nên dồn nguồn lực để đầu tư có trọng điểm, không nên dàn trải. Bên cạnh đó cần có sự ràng buộc giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo để kết nối “cung”, “cầu”, sự ràng buộc đó phải trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
Đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học QGHN) cho rằng “chưa có nơi đâu doanh nghiệp được hưởng lợi như doanh nghiệp Việt Nam. Phải có đầu tư của doanh nghiệp quay ngược trở lại với hệ thống của chúng ta. Không chỉ đòi hỏi một phía”.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là các trường phải đổi mới tư duy để chủ động tiếp cận thị trường. Cùng với đó là sự hỗ trợ của nhà nước về dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; đầu tư có trọng tâm trọng điểm đối với những ngành nghề xã hội cần; có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi họ bắt tay với cơ sở đào tạo…
Trước những đóng góp của các nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ GD&ĐT có thêm thông tin để hoàn thiện báo cáo đánh giá chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo 10 năm (2011-2020) và giải pháp 10 năm tới, nằm trong tổng thể chiến lược quốc gia. Đây là cơ sở để Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức các diễn đàn lớn về phát triển nguồn nhân lực, qua đó kết nối đào tạo với sử dụng, khắc phục điểm nghẽn cung – cầu đang cản trở việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao.
“Không có cách tiếp cận nào tốt hơn là tiếp cận từ thị trường. Qua những diễn đàn này, các trường sẽ biết mình phải làm gì, thay đổi như thế nào để đáp ứng nhu cầu từ doanh nghiệp. Bộ GD&ĐT với vai trò của mình sẽ tạo môi trường kết nối và hỗ trợ chính sách để mối quan hệ cung – cầu, đào tạo – sử dụng đến gần nhau hơn” – Bộ trưởng nêu rõ.
Diệp Anh – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 112, tháng 4/2019