NSND Thu Hiền: Tiếng hát trên hố bom…. và khúc khải hoàn

NSND Thu Hiền: Tiếng hát trên hố bom…. và khúc khải hoàn

(GDTĐ) – Những năm tháng gắn bó với tuyến lửa miền Trung ác liệt dù đã xa nhưng vẫn luôn ở trong ký ức của NSND Thu Hiền. Tuổi thanh xuân, chị đã cất tiếng hát cho đồng đội nghe giữa tiếng bom đạn của kẻ thù, hát để gửi gắm ước mong về ngày hai miền Bắc Nam sum họp. Hơn 50 năm ca hát, NSND Thu Hiền vẫn bền bỉ cống hiến cho công chúng những khúc hát mang âm hưởng dân ca thuộc về “nguồn cội”. Chị luôn tâm niệm, làm nghệ thuật là hành trình người nghệ sĩ luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo và chẳng có gì quý hơn tình cảm mến mộ của công chúng.

Câu hò bên bờ Hiền Lương

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn nghệ, NSND Thu Hiền được thừa hưởng tố chất và sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Chị kể: “Mẹ gửi tôi về quê ngoại ở Đông Hưng, Thái Bình để đi kháng chiến. Ông bà ngoại tôi đều biết hát tuồng, chèo. Ngay từ nhỏ, tôi đã yêu ca hát. Cuối năm mười tuổi, tôi đi thoát ly, trở thành thiếu sinh quân và học ở đoàn ca kịch bài chòi quân khu 5 tập kết ra Bắc. Chúng tôi được học kiến thức chính trị, mỹ học, tập bắn… để chuẩn bị vào Nam”.

NSND Thu Hiền thời trẻ

Mười lăm tuổi vào chiến trường, nhỏ tuổi hơn tất cả mọi người, cô gái Thanh Hồng (bí danh của NSND Thu Hiền) mặc bộ quân phục “xắn trên, xắn dưới vẫn thấy rộng”. Chị kể: “Vì tôi quá bé, không thể với tay lên xe, nhiều anh chị xoa đầu, bảo: Ôi, bé thế mà đã đi văn công à?”. Đối với NSND Thu Hiền, tất cả thế hệ người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử ấy, từ người lính, người nghệ sĩ vào chiến trường đến những người nơi hậu phương, đều dành trọn nhiệt huyết tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.

Kỷ niệm hài hước về “chiếc loa bóp” luôn nằm trong ngăn tủ ký ức của NSND Thu Hiền vì “mải bóp công tắc thì quên hát, mải hát thì quên bóp loa”. Người nghệ sĩ lúc đó thậm chí từng hát bằng những chiếc ống bơ thịt hộp lấy được từ chiến lợi phẩm, đóng cây tre vào làm thành micro. Chị kể: “Nó chỉ vang một chút thôi, nhưng thực sự người nghệ sĩ lúc đó đã hát bằng hết nhiệt huyết cháy bỏng của mình”. Tiếng hát của chị và đồng đội hướng sang bên kia Thành Cổ, gửi gắm ước mong về ngày hai miền Bắc Nam sum họp.

Tiếng hát ấy còn dành cho những người lính, giúp động viên tinh thần của họ giữa những hiểm nguy luôn rình rập từ bom đạn của kẻ thù. Chị xúc động: “Lúc đầu, chúng tôi đi vào tuyến lửa khu 4. Tuyến lửa miền Trung vô cùng ác liệt. Chúng tôi cũng là những người chứng kiến ở Đồng Lộc năm 1968, các chiến sĩ thanh niên xung phong, giao thông vận tải hy sinh rất nhiều. Chúng tôi đứng trên hố bom ở Đồng Lộc, Cửa Việt, hay Linh Cảm, hát cho những người lính, đến hôm sau nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết khóc, thương đồng đội nằm xuống, nhưng không dám khóc to vì sợ bị nao núng tinh thần. Ai cũng như ai, tất cả là tinh thần, ý chí tiến lên”.

Năm 1972, chị cùng đoàn văn công Tây Nguyên tham gia giải phóng Quảng Trị; năm 1975, cùng đoàn Ca nhạc Dân tộc Trung ương tham gia giải phóng thành phố Huế. Chị tâm sự: “Tôi tự hào vì là một phần nhỏ bé trong giai đoạn lịch sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc”. Những ca khúc gắn với tên tuổi của NSND Thu Hiền trong giai đoạn này phải kể đến: “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Những cô gái đồng bằng Sông Cửu Long”… NSND Thu Hiền cũng là một trong những nghệ sĩ thể hiện rất thành công “Bài ca thống nhất” – ca khúc do nhạc sĩ Võ Văn Di sáng tác sau năm 1975, lấy cảm hứng từ ngày đất nước thống nhất. Chị nhớ lại: “Vì phương tiện thu âm hồi đó ở Đài Tiếng nói Việt Nam không hiện đại như bây giờ, tôi phải thu từng đoạn, hát được câu nào mừng rỡ đến đó”. Cho đến nay, mỗi khi nghe lại những giai điệu tràn đầy tự hào “Biển trời quê ta, Bắc Nam sum họp, vui một nhà, vang tiếng hò khoan”, mỗi người Việt Nam đều cảm thấy thêm yêu quê hương, đất nước, biết ơn thế hệ đi trước và trân trọng giá trị của hòa bình.

Bền bỉ theo đuổi, vun đắp dòng nhạc “nguồn cội”

Hơn 50 năm ca hát, giọng hát ngọt ngào, tâm tình của NSND Thu Hiền đã thổi hồn cho biết bao ca khúc và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng nhiều thế hệ. Ở tuổi lục tuần, chị vẫn đứng trên sân khấu để hát những bài ca đi cùng năm tháng, dòng nhạc mà chị gọi là “thuộc về nguồn cội”, đã đi vào tâm thức của mọi người dân Việt Nam. Chị bộc bạch: “Tôi tự hào vì đã cùng với các đồng nghiệp tiếp tục mang tiếng hát, lời ca phục vụ công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Theo tôi, đất nước càng phát triển, bản sắc của dân tộc càng cần được tôn vinh”.

Chị luôn tâm niệm, làm nghệ thuật là hành trình người nghệ sĩ luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo và chẳng có gì quý hơn tình cảm mến mộ của công chúng. Đó là lý do người ta luôn thấy chị chỉn chu từ hơi thở, phát âm, ngôn từ đến dáng đi, dáng đứng trên sân khấu. Chị giải thích: “Người nghệ sĩ phải chịu khó tìm hiểu, nắm bắt kỹ càng bản sắc văn hóa vùng miền mới thể hiện thành công các ca khúc mang âm hưởng dân ca. Chẳng hạn, cái chất “lanh lảnh” quan họ khác với chất “lanh lảnh” của miền núi. Hay như ở miền Trung, âm sắc Quảng Bình khác, Nghệ Tĩnh khác, sang đến Huế lại càng khác”.

 

Bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật và truyền nhiệt huyết cho các thế hệ sau, NSND Thu Hiền tâm sự rất yêu mến Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Tân Nhàn…, những ca sĩ đã miệt mài lao động nghệ thuật để tạo dựng tên tuổi của mình. Chị cũng rất vui vì giúp được 9 khóa Sao Mai, truyền cho họ ngọn lửa, tinh thần của người hát dân ca. Chị kể: “Các em đều được đào tạo bài bản ở trường nhạc, có đầy đủ kiến thức, nhưng các em lại thiếu thực tế. Tôi đã hướng dẫn các em cách xử lý, cách thổi hồn vào các ca khúc đó”.

Điều NSND Thu Hiền trăn trở hiện nay là nhiều ca sĩ trẻ thiếu tính sáng tạo và cá tính riêng. Chị bộc bạch: “Lao động nghệ thuật là không nên bắt chước ai. Hát phải từ xúc cảm, từ tận sâu trong trái tim của mình. Mỗi người nghệ sĩ phải biết làm cho mình trở thành một bông hoa của vườn hoa nghệ thuật. Mỗi bông hoa phải có một màu sắc, hương thơm khác nhau. Phải tìm cho mình một con đường riêng để đi đến trái tim công chúng”.

Từng đi chấm rất nhiều hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, NSND Thu Hiền nói bản thân luôn đề cao khả năng truyền cảm của người nghệ sĩ. Chị bảo: “Kỹ thuật rất quan trọng, nhưng không thể thiếu xúc cảm của người nghệ sĩ và sự sáng tạo cá nhân”. Năm 2017, chị trở thành một trong ba giám khảo của “Thần tượng tương lai” – chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm các tài năng ca hát yêu thích dòng nhạc dân ca trữ tình. Chị nặng lòng với dòng nhạc “nguồn cội”! Đó là lý do công chúng thấy người phụ nữ ở cái tuổi lục tuần vẫn tràn đầy năng lượng trong công việc và bền bỉ cống hiến cho âm nhạc, vun đắp cho thế hệ tương lai.

Trần Thắng – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017