Những phương pháp dạy viết môn Tiếng Anh hiệu quả

Những phương pháp dạy viết môn Tiếng Anh hiệu quả

(GDTĐ) – Khi dạy kỹ năng viết tiếng Anh, giáo viên nên sáng tạo nhiều hình thức bài tập có ý nghĩa và phù hợp với trình độ học sinh, mục đích yêu cầu đặt ra, tránh máy móc sao y nguyên bài tập viết từ SGK và để các em chép đáp án từ sách giải mà không hiểu được gì. Để thực hiện một bài viết dưới dạng này giáo viên có thể thực hiện theo các bước sau:

Chuẩn bị viết (Pre – writing)

Nhìn chung các bài viết thường bắt đầu bằng một dàn ý (outline), một bài viết mẫu hoặc những từ, cụm từ gợi ý. Giáo viên giới thiệu từ vựng hoặc tình huống thông qua tranh ảnh hoặc qua hoạt động đọc hiểu, học sinh nắm được cách trình bày một bài viết theo mục đích hay yêu cầu nhất định. Sau đó học sinh sẽ thực hiện bài viết theo yêu cầu đề ra, có hướng dẫn, gợi ý cụ thể đối với học sinh yếu, trung bình hoặc viết mở rộng mang tính tự do sáng tạo đối với học sinh khá, giỏi. Trong bước chuẩn bị viết, giáo viên có thể đưa ra các hoạt động:

Hoạt động “Guided questions or questionaire”: Thông qua chủ đề bài viết hoặc một bài viết mẫu, giáo viên đưa ra một số câu hỏi gợi mở liên quan đến chủ đề bài sắp viết để dẫn dắt học sinh vào nội dung chính của bài viết.

Hoạt động “Brainstorming”: Giáo viên yêu cầu học sinh luyện theo nhóm, liệt kê các ý có liên quan đến chủ đề đang thảo luận. Sau đó giáo viên tổng hợp ý lên bảng hoặc yêu cầu đại diện của các nhóm trình bày.

Hoạt động “Ordering”: Giáo viên đưa ra một bài mẫu nhưng đảo lộn trật tự của nó và yêu cầu học sinh sắp xếp lại các câu, các đoạn văn cho đúng trật tự của một đoạn văn, một bài văn hay một bức thư. Từ bài mẫu này học sinh có thể rút ra outline.

Hoạt động “Picture Description”: Giáo viên cho học sinh quan sát tranh liên quan đến chủ đề chuẩn bị viết. Sau đó yêu cầu học sinh miêu tả về nội dung bức tranh. Học sinh dựa vào nội dung bức tranh và từ gợi ý để viết thành đoạn văn.

 

Tiến hành viết (While – writing)

Khi đã có dàn ý, giáo viên cho học sinh bắt đầu viết. Trong khi học sinh viết bài, giáo viên cần quan sát và trợ giúp các em làm. Học sinh có thể thảo luận với bạn cùng cặp hoặc cùng nhóm. Giáo viên cũng có thể hỗ trợ về từ vựng, cấu trúc ngữ pháp nếu cần thiết. Giáo viên cần đảm bảo chắc chắn rằng học sinh nào cũng được làm việc. Khi viết xong các em trao đổi bài viết cho nhau để góp ý và cùng nhận xét.

Một số hoạt động dưới đây sẽ giúp học sinh có thể hiểu bài và hoàn thành bài viết theo yêu cầu:

Hoạt động “Transformation”: Giáo viên đưa cho học sinh một bài viết mẫu. Học sinh đọc bài và tìm hiểu bài viết. Sau đó giáo viên yêu cầu học sinh thay đổi một số thông tin được giáo viên đưa ra và viết lại bài viết.

Hoạt động “Question – answer writing”: Trong hoạt động này giáo viên đưa ra những câu hỏi liên quan đến chủ đề sắp viết, học sinh trả lời câu hỏi. Sau đó học sinh sắp xếp lại các câu trả lời và dùng các biện pháp kết hợp câu để viết thành bài văn mạch lạc.

Hoạt động “Writing based on a text”: Học sinh đọc qua một bài viết mẫu, sử dụng một dàn ý có thay đổi một số chi tiết để viết thành một bài viết hoàn chỉnh tương tự như bài viết mẫu.

Sau khi viết (Post- writing)

Giáo viên kiểm tra bài của học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo cách truyền thống, giáo viên thu bài và đọc rồi sửa lỗi cho tất cả học sinh trong lớp. Có nhiều cách sửa lỗi, nhưng tốt nhất là gợi ý để học sinh tự nhận ra lỗi của mình và tự sửa.

Theo một cách khác, giáo viên gọi học sinh đọc bài viết của chính mình hoặc của bạn mình viết (bài viết được viết vào handout để cầm đọc hoặc dán lên bảng). Cả lớp cùng nhận xét, phát hiện và chữa lỗi bài viết.

Tuy nhiên, ở bước này giáo viên cần đưa ra các tiêu chí đánh giá bài viết để giúp học sinh có thể tự nhận xét bài viết của mình. Các tiêu chí cần chú ý khi sửa bài là: Nội dung: Đủ, thiếu hay thừa? Tính chính xác về ngôn ngữ: Từ, cụm từ, câu đã sử dụng đúng hay sai, phù hợp hay chưa? Cách diễn đạt: Rõ ràng? Bố cục? Lôgic?..

Các hoạt động đánh giá:

Hoạt động “Sharing and comparing”: Yêu cầu hai học sinh không ngồi cạnh nhau trao đổi bài viết của mình và sửa bài cho nhau.

Với hoạt động này học sinh có thể phát hiện ra lỗi sai và sửa cho bạn, so sánh ý tưởng với bạn mình để làm phong phú cho bài viết của mình. Sau đó giáo viên nhận xét bổ sung.

Hoạt động “Exhibition”: Học sinh viết bài nháp lên một bảng phụ hoặc tờ giấy khổ lớn và treo lên trước lớp. Học sinh đọc to bài viết cho nhau, trao đổi, so sánh bài viết của bạn mình. Giáo viên nhận xét, bổ sung.

Cuối cùng, giáo viên cho học sinh chuyển sang bước đánh giá chất lượng bài viết. Một phương pháp đánh giá chất lượng bài viết hữu hiệu đó chính là sử dụng một danh mục các tiêu chí đánh giá cho sẵn. Danh mục này giúp học sinh tìm ra những phần cụ thể trong bài viết có hiệu quả như câu chủ đề, các chi tiết bổ trợ trong bài viết, các dấu hiệu chuyển tiếp câu hay phần kết luận, các phương tiện liên kết: liên kết từ vựng, dấu chấm câu…

Lê Thị Thủy (Trường cao đẳng CSND I), Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 65+66 (tháng 5,6/2015)