Nhìn nhận về ngôn ngữ tắt của giới trẻ
(GDTĐ) – Ở Việt Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây, những tiến bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin, truyền thông đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Giới trẻ luôn có sự bắt nhịp nhanh nhất với những thay đổi này. Cùng với tâm lý lứa tuổi, giới trẻ đã tạo ra cho mình những thay đổi lớn đến mức người ta dễ dàng nhận ra và đặt cho tên riêng như “thế hệ 8X”, “9X”, “công dân thời @” hay “tuổi teen”. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi dùng khái niệm giới trẻ để nói về những cách gọi tên ở trên và phạm vi trình bày là một phần thực trạng ngôn ngữ trong thời kì phát triển công nghệ. Đó là ngôn ngữ của giới trẻ trong đời sống thực (thế giới thực) và ngôn ngữ của giới trẻ trong đời sống ảo (thế giới ảo).
Tôi đã từng hốt hoảng đọc một tin nhắn trên điện thoại của con gái khi cháu học lớp 11. Tôi không thể hiểu gì: “Mjn h0ng bjs ns j hun. Chuk pan sjh nkat zuj ze nhen. Hep py bit day tu dju !” (Mình không biết nói gì hơn. Chúc bạn sinh nhật vui vẻ nhé. Chúc mừng sinh nhật bạn). Giới trẻ, bao gồm học sinh và sinh viên có “kênh” ngôn ngữ riêng để giao tiếp và hiểu nhau, còn các bậc cha mẹ và thầy cô giáo thực sự gặp khó khăn, dường như chúng ta đứng trước một ngôn ngữ mới cần phải học. “Từ điển @” chỉ ra cách viết của giới trẻ:
– wá, wyển (quá, quyển), wen (quen), wên (quên) – thay phụ âm kép qu = w
– rùi (rồi); mí (mấy) – thay bằng nguyên âm khác
– bit k? (biết không?), dc (được), ko, k (không) – viết tắt
– iu lém (yêu lắm), đi tém (đi tắm) – thay ă = e
– vk (vợ), ck (chồng) – theo quy ước tự định v.v…
Dường như giới trẻ đã tạo ra một sân chơi ngôn ngữ mới cho chính họ, thỏa mãn cái tôi, thể hiện sự độc đáo trong một nhóm đối tượng giao tiếp cụ thể. Chữ viết ngắn gọn đồng thời nghĩa của từ bị sử dụng với hàm ý khác hẳn nghĩa thông thường và rất mới như: chuối (= dở hơi), khoai (= khó), phở (= đẹp đẽ, ngon lành), điên đảo (= cực kì), vãi (= kinh khủng), hack (= siêu), hic (= buồn), haha (= vui)… cùng các icon (hình mặt người) biểu hiện tình cảm, thái độ của người sử dụng ngôn ngữ như vui, buồn, hào hứng, chán…
Lý giải cho ngôn ngữ viết tắt của giới trẻ
Những năm gần đây, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kĩ thuật và công nghệ, cơ cấu truyền thông và công nghệ truyền thông trên toàn thế giới và ở Việt Nam có những thay đổi đáng kể. Trên cơ sở đó, ngôn ngữ cũng thay đổi, được con người chế tác lại để phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Hệ quả trực tiếp của quá trình biến đổi trên là xuất hiện một khối lượng từ viết tắt (abbreviation) và chữ viết tắt (acronym) với tất cả các hình thức, các kiểu cấu tạo khác nhau. Nguyên nhân bởi ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp hữu hiệu trong quá trình trao đổi thông tin, tình cảm, tư tưởng giữa con người với con người trong xã hội, giữa con người với con người qua thiết bị công nghệ hoặc giữa các thiết bị máy móc công nghệ với nhau. Hàng loạt khái niệm mới, hiện tượng mới, sự vật mới… xuất hiện đòi hỏi ngôn ngữ phải có ứng xử phù hợp với hoạt động truyền thông bằng các phương tiện truyền thông điện tử hiện đại. Ngôn ngữ không thể được diễn giải dài dòng, tiêu phí lượng thời gian lớn mà chỉ nhận được lượng thông tin ít ỏi. Vì thế, người sử dụng ngôn ngữ đã nén thông tin vào kí hiệu để giảm độ dài của văn bản mang tin. Chữ viết tắt xuất hiện và ngày càng được sử dụng phổ biến cũng là điều dễ hiểu khi tuân theo quy luật phát triển của xã hội.
Vì sao giới trẻ tạo ra và sử dụng ngôn ngữ tắt? Có thể xem xét một vài nguyên nhân sau:
– Sử dụng từ viết tắt để gõ nhanh, kịp thời hồi đáp thông tin nhận được khi nhắn tin hay bình luận trên mạng xã hội, lược bỏ các chi tiết rườm rà mà vẫn bảo đảm được nội dung cần truyền đạt.
– Viết/gõ tắt nhanh, tiết kiệm thời gian và tiện dụng, đặc biệt là các từ đã trở nên phổ biến. Mấy từ nhạy cảm, thô tục thì viết tắt cho đỡ thô hơn là nói thẳng.
– Giới trẻ muốn tạo không gian giao tiếp riêng, ngoài đời cũng như trên mạng xã hội, nơi chỉ có bạn bè, tự do, thoải mái nói lên suy nghĩ của mình, viết/nói đầy đủ hay viết/nói tắt đều hiểu nhau. Và giới trẻ không muốn người lớn biết hoặc hiểu những thông tin bí mật của họ, bởi giữa bố mẹ/người lớn với giới trẻ có khoảng cách lớn về tư duy, môi trường và cách sống…
– Một số bạn trẻ ban đầu thấy ngôn ngữ “tuổi teen” hay hay thì sử dụng theo phong trào, dần dần thành thói quen viết/nói…
Giới trẻ sử dụng ngôn ngữ viết tắt với mục tiêu trước nhất là nhanh, tiết kiệm thời gian bằng các hình thức cơ bản:
– Viết tắt dưới hình thức là chuỗi những ký tự đầu tiên trong cụm từ đề cập. Hình thức này khá thông dụng trong quy ước ngôn ngữ chung khi viết và nói về định danh ngôn ngữ như các tổ chức, hiệp hội (ASEAN, UNICEF), các quốc gia (USA, UAE)… Và giới trẻ ứng dụng khi viết tắt những cụm từ như KLQ (không liên quan), QTQĐ (quá trời quá đất)… đặc biệt trong các comment trên mạng xã hội: CLGT (cần lời giải thích, cũng còn có nghĩa lời tục), ATSM (ảo tưởng sức mạnh), ĐM (định mệnh – cũng là câu chửi tục)…
– Viết tắt bắt nguồn từ một từ với cấu trúc nửa tây nửa ta như: OMC (Oh my chuối) – phiên bản tự chế từ cụm OMG…
– Viết tắt bằng hình thức tự tạo như: j (gì), thik (thích), gato (ghen tức)…
– Viết tắt bằng số: 7 luv (thất tình), 8 (tám – tán chuyện) 19 (one night – một đêm) 29 (tonight – đêm nay)…
– Viết tắt có nguồn gốc từ tiếng Anh: LOL (Laugh out loud – cười to), BTW (By the way – nhân tiện), 4u (for you – cho bạn/cậu), Bb (bye bye – chào tạm biệt), BF (boyfriend – bạn trai)…
Việc viết tắt kết hợp các chuỗi ký tự, số, ký hiệu, tiếng Anh lẫn tiếng Việt tạo nên một cấu trúc rối mắt mà người không thuộc nhóm đối tượng cụ thể, chưa có thời gian tìm hiểu thì khó có thể tiếp nhận và phản hồi tức thì. Ví dụ:
– Mấy pà 8 zì mà 8 hòi thía? 4 tui 8 ví nè (Mấy bà tám gì mà tám hoài thế. Cho tôi tám với nè)
– I nho. Thanks u da nhac. (Tôi nhớ. Cảm ơn bạn đã nhắc!).
Không chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc một thiết bị công nghệ nào khác, giới trẻ tạo ra thứ ngôn ngữ viết tắt, có dấu hoặc không dấu xuất hiện tràn lan trên Internet, mà thứ ngôn ngữ này đang dần xâm lấn học đường, có mặt trong môi trường sư phạm quy chuẩn, có mặt trong những trang vở ghi hàng ngày và bài kiểm tra với nhiều đối tượng sử dụng. Điều này chứng tỏ, thói quen sử dụng ngôn ngữ tắt khi nhắn tin và “chat” đã ảnh hưởng đến việc học tập và giao tiếp trong cuộc sống như thế nào. Đó là chưa nói đến thứ ngôn ngữ này làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt, làm biến đổi ngôn ngữ chính thống ngoài tầm kiểm soát kéo theo một số biến đổi về nhận thức văn hóa, mất đi năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt khi sử dụng ngôn ngữ cụt lủn và những kí tự đơn giản…
Ngôn ngữ tắt đang thâm nhập vào đời sống sinh hoạt xã hội, nhiều người chấp nhận và dần thích nghi
Có lẽ chúng ta, các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ cần đối diện với thứ ngôn ngữ này thay vì lên án hay lẩn tránh.
Trước hết, cần thừa nhận sự tồn tại chứ không thể cấm đoán hay đề xuất xóa bỏ. Ngôn ngữ phát triển theo sự phát triển của xã hội, là hiện tượng xã hội đặc biệt và phát sinh do nhu cầu, không thể chi phối được. Tuân theo vận động của xã hội, có hiện tượng ngôn ngữ được tiếp nhận thì cũng sẽ có hiện tượng “chết” nên chúng ta phải thừa nhận, nhưng cần có nghiên cứu, đưa ra biện pháp hạn chế và định hướng cần thiết.
Sau nữa, sự bùng nổ của thế giới thông tin hiện đại luôn phát triển, các phương thức mới hơn để giao lưu trực tuyến được mở rộng, bao gồm các trang mạng xã hội mọc lên như nấm, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của rất nhiều người (MySpace, Facebook, Zalo, Instagram…) và nhiều cách thức thông tin trực tuyến mới lạ khác chưa được kể đến. Đồng thời, việc dùng tin nhắn (SMS, messenger, viber…) trên điện thoại di động hiện đã rất phổ biến cũng tạo ra một phương thức liên lạc sẽ làm thay đổi bản chất thông tin. Do đó không thể cấm/xóa bỏ loại hình ngôn ngữ tắt của giới trẻ. Các nhà nghiên cứu, những người có trách nhiệm hoàn toàn có thể “khoanh vùng”, định hướng sử dụng loại ngôn ngữ tắt này như chỉ được sử dụng trên “chat room” với nhóm đối tượng nhất định, hạn chế sử dụng cách diễn đạt thô tục. Đồng thời cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không cho thứ ngôn ngữ tắt của giới trẻ này hiện diện trên các văn bản viết trong nhà trường, trên các văn bản truyền thông, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và chúng ta cùng có trách nhiệm tìm ra giải pháp trong công tác giảng dạy ở nhà trường.
TS Trần Chi Mai – Giảng viên khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Thủ đô Hà Nội (nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017)