Nhà giáo Nhân dân Vũ Hữu Bình: Truyền lửa tri thức cho lớp lớp học trò

Nhà giáo Nhân dân Vũ Hữu Bình: Truyền lửa tri thức cho lớp lớp học trò

(GDTĐ) – Ngành GD&ĐT Thủ đô đang hướng tới dấu mốc kỷ niệm 65 năm thành lập.Trong sự phát triển của ngành, có sự đóng góp không nhỏ của những nhà giáo luôn âm thầm, miệt mài cống hiến tâm sức của mình cho sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô, nhiệt huyết truyền lửa tri thức cho lớp lớp học trò.NGND Vũ Hữu Bình- nguyên giáo viên Toán trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) là một nhà giáo như vậy. Cả đời ông chắt chiu cho nghề dạy học, với tâm niệm: “Vừa dạy chữ – vừa rèn người, vì đàn em nhỏ trọn đời hiến dâng”…

Trò chuyện với NGND Vũ Hữu Bình trong căn nhà nhỏ nằm ở ngõ Yên Thái, nghe hai vợ chồng nhà giáo chia sẻ về cuộc sống, về nghề dạy học (vợ của thầy giáo Bình nguyên là giáo viên trường Tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm) thấy cái nóng hầm hập đầu hè, cuộc sống ồn ã bên ngoài kia dường như được xoa dịu và lắng xuống. Nét mặt nhân hậu, nụ cười sáng ngời, giọng nói nhẹ nhàng, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ở nhà giáo Hà thành vẫn toát lên sự tinh anh, lạc quan và một trí nhớ tuyệt vời khi kể về những ký ức của một thời cầm phấn, về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ… Ở ông, còn toát lên sự sáng suốt, sâu sắcvà uyên bác khi nói về đời sống giáo dục, đào tạo của ngày hôm nay.

 

Hình ảnh Bác soi sáng cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Hà thành

Vẫn vẹn nguyên niềm vinh dự, hân hoan, háo hức khi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, NGND Vũ Hữu Bình xúc động kể lại: Năm 1956, khi còn là một học trò lớp 6 của Trường cấp 2 – 3 Chu Văn An – Hà Nội, với thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc, tôi vinh dự được cùng một số bạn học lên Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ và được Bác chia kẹo. Thời gian được gặp Bác tuy ngắn ngủi, nhưng chúng tôi được nghe Bác ân cần dặn dò về nhiệm vụ của người học sinh trong học tập, trong cuộc sống và lao động. Chiếc kẹo được nhận từ tay Bác, tôi đã mang về khoe với các bạn và giữ rất lâu. Hồi ấy, tuổi còn nhỏ, chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc được gặp Bác, nhưng hình ảnh của Bác, lời dạy của Bác không bao giờ phai mờ mà theo mãi trong tâm trí tôi. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, công việc hay khi đạt được thành tích, tôi đều nhớ đến hình ảnh Bác.

Năm 1973, thầy Bình về công tác tại trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm.Tựa như một cơ duyên, ngôi trường cấp 2 – 3 Chu Văn An nơi thầy gắn bó cả thời trung học và trường THCS Trưng Vương mà thầy tận tụy với sự nghiệp trồng người suốt 30 năm đều vinh dự nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm.

Thầy bộc bạch: Khi tôi về trường THCS Trưng Vương thì Bác đã đi xa. Thế hệ giáo viên chúng tôi lúc đó và bây giờ không còn được chứng kiến những lần Bác về thăm trường, nhưng qua những tư liệu ở phòng Truyền thống của trường, chúng tôi vẫn nhớ có 5 lần trường vinh dự được đón Bác.

Lần đầu tiên vào năm 1945, không lâu sau ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần thứ hai, vào tháng 12 năm 1954, bốn ngày trước khi nhân dân Hà Nội tổ chức lễ đón Bác Hồ và Chính phủ về Thủ đô. Ba lần sau là vào các năm 1956, 1959, 1960.

 

Lần nào đến thăm trường, Bác cũng căn dặn thầy và trò những điều cụ thể. Trong lần thứ tư Bác thăm trường, thầy trò Trưng Vương mang tặng Bác một chiếc nồi nhôm là sản phẩm tự tay làm trong phong trào gắn học tập với lao động sản xuất. Bác cầm chiếc nồi và hỏi:

-Cái này là cái thứ bao nhiêu?

Khi được biết đó là chiếc nồi thứ 49, Bác khen và nói:

-Bao giờ các cô, các chú làm được chiếc nồi thứ 4.900 thì Bác nhận.

Có riêng một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân nói về những lần Bác Hồ đến thăm trường với tiêu đề “Người đến thăm trường”, trong đó có câu: “Bác đã đến đây/Dưới mái trường này/Dưới lùm cây ấy/Từng ô cửa này/Mãi mãi còn in/Hình dáng của Bác”…

Thầy Bình chia sẻ: Thầy, trò trường Trưng Vương mang theo hành trang vào đời không chỉ là những kiến thức văn hóa, đạo làm người mà còn có những lời dạy ân cần của Bác.Với tôi, những lời căn dặn của Bác về giáo dục đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là kim chỉ nam cho hành động trong suốt cuộc đời dạy học.

NGND Vũ Hữu Bình bắt đầu dạy học năm 1961 tại huyện Gia Lâm. Khi các cuộc bắn phá của đế quốc Mĩ mở rộng đến Thủ đô, sự ác liệt của chiến tranh và cái dữ dội của bom đạn hẳn đã bóp nghẹt trái tim thầy khi phải chứng kiến sự hi sinh của một nữ đồng nghiệp ở trường cấp 2 Lệ Chi và cái chết của một em học sinh lớp thầy chủ nhiệm. Em học sinh đó là Phan Thanh, con một cán bộ miền Nam tập kết. Trong đợt máy bay Mĩ bắn phá Thị trấn Gia Lâm năm 1972, năm mà bầu trời Hà Nội ngập tràn khói lửa, bom Mĩ đã cướp đi tính mạng của cậu học trò 12 tuổi, cướp đi cả ước mơ trở về xây dựng quê hương miền Nam thân yêu!

Nhà giáo nặng lòng: “Chính trong những giờ phút như vậy, lời dặn của Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” lại vang lên đầy thúc giục, giúp mỗi người tự vượt lên chính mình, tự nguyện làm nhiệm vụ trồng người. Những hi sinh mất mát của giáo viên và học sinh, những chiến công rực rỡ của đồng bào và chiến sĩ cả hai miền Nam Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã trở thành động lực to lớn cho tôi và đồng nghiệp trong phong trào thi đua Dạy tốt – Học tốt mà Bác Hồ phát động”.

Từ chiến lược đúng đắn, tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghị lực vô bờ của những người giáo viên hết lòng vì đàn em thân yêu mà nền giáo dục nước ta từ chỗ 95% dân số mù chữ đến nay đã bao lần ghi danh trên bảng vàng các đấu trường quốc tế. Trong số đó, có không ít những học trò chuyên Toán của thầy giáo Vũ Hữu Bình.

Một tâm hồn và nhân cách lớn

42 năm gắn bó với công việc dạy học, NGND Vũ Hữu Bình đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh trưởng thành.Nhiều học trò của thầy học giỏi, giành nhiều giải thưởng danh giá trong các kì thi trong nước và quốc tế. Trong đó, phải kể đến 25 học sinh đoạt giải Toán quốc gia, 13 học sinh sau này đoạt giải quốc tế. Có năm, lớp thầy chủ nhiệm có tới 22 học sinh đoạt giải thành phố hay như năm học 1997-1998, có 5 học sinh cũ của thầy cùng đỗ thủ khoa 6 trường đại học. Nhiều học trò thành công trong sự nghiệp, hiện giữ những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó song vẫn không quên mang theo mình hành trang là những lời dạy của thầy thuở còn là những trò nhỏ được thầy dạy dỗ, bảo ban và yêu thương như những đứa con của mình.

Cội nguồn của thành công ấy có lẽ phải nói đến quan niệm đầy tính khoa học và nhân văn của thầy: Học sinh không phải là những chiếc bình chứa kiến thức mà phải là những động cơ được vận hành bằng sức đẩy của chính mình”. Bởi vậy thầy luôn chú trọng đến việc hướng dẫn phương pháp học tập. Bí quyết ấy được thầy gói gọn trong 6 chữ: “Để học tốt, hãy STÔPS là say mê, T là tự lực, Ô là ôn tập, P là phương pháp. Trong giao thông, STOP là hiệu lệnh dừng lại, còn trong học tập, STÔP giúp ta tiến lên. Quả thực, Kiến thức rồi cũng quên đi, chỉ còn phương pháp mãi ghi trong đầu” như thầy đã từng đúc kết.

Với thầy, người dạy học phải truyền lửa cho học trò. Thầy dạy tốt, không chỉ rót kiến thức mà phải biết dẫn dắt vấn đề, tạo động lực học tập cho các em. Khi học trò yêu thích môn học, say mê môn học sẽ tự mình trưởng thành và tiến bộ trong học tập.

Bản thân thầy Bình luôn dạy học trò không chỉ kiến thức mà quan trọng là khơi dậy được khả năng tiềm tàng, năng lực của học sinh. Với thầy, khả năng tiềm tàng ấy là vô tận, nếu không được giáo viên khơi dậy, các em sẽ không thể phát huy, nếu được phát hiện và khích lệ, các em sẽ thành công. Thầy còn dạy cho các em cách suy nghĩ, tư duy, suy luận khi giải quyết các bài toán cũng như nhiều vấn đề trong cuộc sống. Thầy cho rằng, khi học trò biết cách giải quyết vấn đề sẽ giành được chiến thắng, vươn lên những đỉnh cao…

Trong các giờ học Toán của mình, thầy Bình luôn chuẩn bị bài giảng theo cách khơi dạy tiềm năng của học sinh, từ cách chọn bài tập phù hợp, đưa ra những câu hỏi thích hợp, thầy đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, nhận xét, còn học sinh chủ động, sáng tạo trước mỗi bài toán. Thầy chia sẻ: Những câu hỏi đưa ra phù hợp với các em tưởng như bình thường nhưng không tầm thường. Mỗi câu hỏi từ dễ đến khó sẽ kích thích học sinh dù ở trình độ khác nhau đều có thể tham gia phát biểu, các em được rèn luyện bộ óc và thoát khỏi tâm lý sợ học. Từ đó, các em yêu thích môn học, giờ học và học tập hiệu quả, tiến bộ hơn…

Một điều tâm niệm khác của thầy Bình khi dạy học, đó là người giáo viên phải luôn công bằng, khích lệ được học trò. Giáo viên không nên tiếc lời khen với học sinh, tất nhiên là khen đúng, đánh giá đúng để động viên các em. Được khích lệ từ những thành công nhỏ, các em sẽ tự tin để chinh phục những thành công lớn hơn… Thầy Bình bộc bạch: Tôi luôn coi học trò như người thân, như con em của mình. Tất cả những điều này đều xuất phát từ Tâm, từ tình cảm chân thành mong muốn các em học hành giỏi giang, thành đạt và trở thành những công dân có ích cho xã hội…

Đau đáu với sự nghiệp giáo dục

42 năm miệt mài với bảng đen và phấn trắng, thầy Vũ Hữu Bình đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý nhất: Huân chương Lao động hạng Ba;Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú từ đợt đầu tiên năm 1988; Bằng Lao động sáng tạocủa Tổng LĐLĐ Việt Nam; Giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm; Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân… Đặc biệt, cho đến nay, sau 14 lần phong tặng, thầy Vũ Hữu Bình vẫn là nhà giáo duy nhất ở cấp THCS của TP Hà Nội được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Cả cuộc đời, thầy đã thực hiện theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, giáo dục toàn diện, rèn đức luyện tài, đào tạo những con người vừa hồng vừa chuyên như thầy đã từng viết: “Vừa dạy chữ -vừa rèn người, vì đàn em nhỏ trọn đời hiến dâng”!

 

Không chỉ vậy, một trong những cách thầy tự học chính là sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình để viết sách tham khảo. Thầy bắt đầu viết sách năm 1982 và sau đó mỗi năm viết một nhiều hơn. Nhớ đến lời Bác dặn người cầm bút phải xác định viết cho ai, viết để làm gì nên thầy tìm cách viết thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Thật hiếm có người thầy nào vừa đứng lớp vừa tham gia biên soạn Sách giáo khoa Toán 6,7,8,9 đồng thời là tác giả của hơn 170 cuốn sách Toán. Trong đó, các bộ sách Một số vấn đề phát triển Toán và Nâng cao phát triển Toán được đông đảo bạn đọc hoan nghênh.

Là dân Toán, nhưng với tâm hồn thanh cao, lạc quan yêu đời, yêu nghề, thầy Bình còn sáng tác nhiều bài thơ có vần điệu, hình ảnh. Nhiều vần thơ dí dỏm của thầy góp phần khơi gợi hứng thú và mang đến niềm vui cho học trò mỗi khi làm các bài Toán vốn xưa nay chưa bao giờ đơn giản! Thầy cười hiền từ và nói rằng Bác Hồ làm thơ là để động viên toàn dân kháng chiến và kiến quốc. Học tập Bác, thầy làm thơ là để phục vụ công việc dạy – học trong vai trò của người thầy giáo và người viết sách, để động viên phong trào thi đua trong cương vị Bí thư chi bộ Trường Trưng Vương trước đây và Phó Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư khi về nghỉ hưu..

Tháng 9 năm 2015, được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, thầy viết những vần thơ cuộc đời:

Được trao huy hiệu đảng viên

Ba mươi tuổi Đảng càng thêm tự hào

Con đường đã chọn năm nào

Càng thêm sáng tỏ, dạt dào niềm tin

Lời thề sau trước đinh ninh

Giữ cho thắm mãi nghĩa tình bền lâu.

Về nghỉ hưu nhưng NGND Vũ Hữu Bình vẫn quan tâm theo dõi và đau đáu với sự nghiệp GD&ĐT. Thầy thẳng thắn: Giáo dục gần đây xảy ra một số vụ việc, hiện tượng khiến cho những người làm trong ngành và những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự việc, hiện tượng rất nhỏ trong sự nỗ lực, miệt mài cống hiến cho nghề dạy học của lớp lớp các thế hệ giáo viên. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm soi xét những sự việc, đôi khi bị truyền thông thổi phồng lên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự nhiệt huyết của phần đông các thầy cô giáo luôn mẫu mực, nỗ lực, hết lòng vì học sinh…

Với thầy, vấn đề bạo lực học đường cần được ngăn chặn. Môi trường giáo dục không thể có chỗ cho những hành vi lệch chuẩn, các em đến trường để được học tập trong sự an toàn, thân thiện chứ không phải sự lo lắng, bất an…

Được mời tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, NGND Vũ Hữu Bình nhận định: Chương trình mới sẽ có nhiều đổi mới, khi triển khai sẽ tạo được động lực cho giáo viên. Giáo viên sẽ không nặng nề dạy kiến thức mà giờ học sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, vui hơn với những kiến thức gần gũi thực tế, nội dung phù hợp, mang giá trị phục vụ cuộc sống… Thầy sáng tạo còn trò sẽ trở nên thích học và tích cực hơn. Hy vọng chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai sẽ đón nhận được những hiệu ứng tích cực từ thầy, trò các nhà trường và toàn xã hội.

Rời ngôi nhà nhỏ của vợ chồng NGND Vũ Hữu Bình thấy bình yên và thân thương đến lạ. Một tâm hồn và nhân cách lớn trong một nhà giáo Thủ đô bình thường đã lan tỏa đến cuộc sống hôm nay những điều đẹp đẽ, chân thành và tươi sáng nhất. Sự phát triển và lớn mạnh của ngành GD&ĐT Thủ đô hôm nay luôn có bóng dáng của những người thầy đáng quí như thế…

Kiều Giang – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 113+114, tháng 5,6/2019