Nghỉ hè không học hè thì…làm gì?
(GDTĐ) – Khi nói đến hai chữ “học hè”, nhiều người lớn tiếng cho rằng trong thời gian nghỉ hè, các con phải được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, về quê, tắm biển… Có người còn tuyên bố rằng cho con đi học hè là “tước mất tuổi thơ” của con, rồi kêu gọi “hãy trả lại cho các em tuổi thơ”… Nói thì hay, song chưa sát thực tế.
Phải thừa nhận một thực tế hiện nay rằng việc các con nghỉ hè là điều lo lắng của nhiều bậc phụ huynh học sinh. Con cái được nghỉ hè, nhưng cha mẹ đâu có nghỉ? Để con ở nhà một mình thì không yên tâm, nhất là học sinh bậc mầm non, tiểu học. Không phải gia đình nào ở thành phố cũng có ông bà nội, ngoại để gửi con trong những ngày hè. Có gia đình đưa con về quê chơi với ông bà, cũng chỉ được dăm bữa, nửa tháng, lại tất tả về quê đón con lên bởi có nhiều trẻ không quen sống với môi trường ở nông thôn nên suốt ngày ngồi trong nhà chơi điện tử trên điện thoại, xem ti vi, tối tối thì buồn, nhớ bố mẹ, nhắn tin bố mẹ về “cứu con”. Đừng ai ảo tưởng rằng cho con về quê, con sẽ có những ngày nghỉ vui chơi với bạn bè trên dòng sông xanh mát, chạy chân trần trên bờ cát trắng ven biển, hay tha thẩn trong khu vườn đầy hoa thơm, cỏ lạ, có tiếng chim hót líu lo. Chuyện ấy chỉ còn trong “cổ tích”. Làng quê cũng đã thay đổi hết cả rồi, đường làng đã bê tông hóa, các dòng sông đều ô nhiễm, môi trường cũng không còn hoàn toàn an lành cho con trẻ.
Ở thành phố, dù là khu chung cư mới hay khu tập thể cũ kỹ, dù là phố cổ hay khu mới đô thị hóa, khu vực dành riêng cho trẻ con vui chơi cũng không nhiều. Một số nơi có, lại bị người dân tận dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông xe. Khái niệm “cho trẻ xuống sân khu tập thể chơi” cũng dần trở thành “từ cổ”, ít dùng. Cũng ít có ông bố, bà mẹ nào dám “cả gan” thả cho con chơi quanh khu nhà ở mà không theo dõi, giám sát. Những hoạt động của thanh niên ở khu dân cư, việc tổ chức cho các em sinh hoạt hè thì nơi có, nơi không, mang tính hình thức, nghèo nàn về nội dung nên khó hấp dẫn trẻ con.
Suy đi, tính lại, chỉ còn mỗi con đường “học hè” là có vẻ yên tâm nhất. Bố mẹ học sinh mầm non ước ao các cô giáo không nghỉ hè, hoặc chỉ nghỉ mười ngày, rồi lại về trường trông coi các cháu. Chưa họp phụ huynh, chưa tổng kết phát thưởng cuối năm, nhiều phụ huynh đã lo ngại chuyện “gửi con đi đâu?” khi bắt đầu nghỉ hè, nên một trong những nội dung cuộc họp cuối năm được các bậc cha mẹ học sinh quan tâm lại là “Cô có tổ chức học hè không cô?”, “Cô có biết chỗ nào hè vẫn học cả ngày không?”. Trước nhu cầu của phụ huynh HS, trước sự quán triệt tinh thần “không dạy hè” của Hiệu trưởng, của ngành, các cô đành ậm ờ trả lời nước đôi rằng để chúng tôi nghiên cứu, xem xét, xin ý kiến chỉ đạo… rồi trả lời sau.
Khi xã hội ác cảm với dạy thêm, dạy hè, thì “cái khó ló cái khôn” hàng loạt các hình thức “học” khác nhau được triển khai.
Đầu tiên phải kể đến là các lớp học kỹ năng sống, các câu lạc bộ nghệ thuật. Thôi thì học gì cũng được, phụ huynh cũng không quá quan tâm đến chương trình “hoành tráng” của các trung tâm giới thiệu, cũng đành “nhắm mắt” trước vấn đề học phí không “bình dân”. Họ chỉ biết rằng con mình có chỗ để “sáng đưa đi, tối đón về”, còn học gì thì học, nhưng được cái an toàn, yên tâm mà làm ăn.
Loại hình “học hè” thứ hai phải kể đến là các trung tâm ôn luyện văn hóa. Dịp hè, nhiều trung tâm quá tải, phải mở thêm chi nhánh, thuê thêm nhà dân bên cạnh để giãn lớp, tách lớp vì nhu cầu quá nhiều. Các trung tâm thường tổ chức học ba ca, sáng, chiều, tối. Không ít gia đình cho con học luôn hai ca, sáng học ngoại ngữ, tin học, chiều ôn luyện văn hóa. Vẫn với một mục tiêu duy nhất là “gửi con cả ngày”. Nếu con học một ca, giữa trưa nắng gắt, bố mẹ phải bỏ cơ quan về đón con, thì đúng là “hành nhau”. Nhà văn hóa, cung văn hóa thiếu nhi cũng nằm trong “dạng này”.
Không chịu bó tay trước nhu cầu của gia đình các em học sinh, một số thầy giáo, cô giáo cũng “liên danh, liên kết” tổ chức các lớp học tại nhà. Đó có thể là nhà của thầy cô nào rộng rãi, hoặc có thể là nhà đi thuê. Các con được vui chơi, làm bài tập, ôn luyện… cho hết ngày. Cảnh cô giáo sáng đi chợ, người đứng đón học sinh ở cửa là cô em chồng cô giáo, cô giáo vừa đọc chính tả cho học sinh viết, vừa nhặt rau, nấu cơm để trưa cả cô và trò cùng ăn. Đã có học sinh kêu rằng hôm nay cô giáo mệt, người đọc chính tả là mẹ chồng cô mới ở quê ra, cụ đọc giọng quê, nhiều khi nói ngọng, khiến học sinh viết sai…
Ai cũng có thể tham gia ý kiến về chủ đề “nghỉ hè” của các con học sinh, đều ác cảm với việc bắt con đi học hết cái này đến cái khác, đều thương học sinh “mất tuổi thơ”, bị quá tải, không có điều kiện để phát triển nhân cách hoàn thiện… Nhưng để giải quyết vấn đề “Nghỉ hè, học sinh đi đâu, làm gì để an toàn?”, thì chưa thấy có nhiều sáng kiến. Thế là ai kêu cứ kêu, ai phản đối cứ phản đối, trẻ vẫn đi học dưới hình thức này hay hình thức khác vào mỗi dịp hè. Cũng giống như biết ăn thức ăn, thực phẩm không an toàn là có hại, nhưng không ăn còn… hại hơn, nên đành nhắm mắt ăn liều.
Tôi mơ đến một ngày mỗi khu tập thể, mỗi cụm dân cư có một “nhà thiếu nhi” được tổ chức tử tế, hấp dẫn, thu hút các em tham gia. Tôi mơ mỗi nhà trường trong dịp hè được biến thành “nhà văn hóa” với các hoạt động phong phú, mang tính giáo dục cao, chứ không còn chỉ là nơi “gửi con” hay “ôn tập văn hóa”, vừa đáp ứng nhu cầu của cha mẹ gửi con trong dịp hè, vừa góp phần “làm giáo dục” với nghĩa rộng của từ này. Mong thì vậy, nhưng trước mắt chưa có được, thì giải pháp tìm chỗ học hè cho con vẫn còn là vấn đề nổi cộm của nhiều gia đình ở thành phố.
Đinh Thủy, Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 65+66 (tháng 5,6/2015)