Nâng cao kết quả sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học môn Địa lý
(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Lê Thị Thảo – trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ đạt giải B cấp ngành với đề tài “Một số phương pháp nâng cao kết quả sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học môn Địa lý ở cấp THCS”.
Mục lục
ToggleTổ chức và hướng dẫn học sinh kĩ năng sử dụng các thiết bị
Thiết bị và phương tiện dạy học phong phú, hiện đại thực sự là công cụ hữu ích cho học sinh trong việc nghiên cứu khám phá kiến thức một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất. Do vậy, giáo viên cần tổ chức hướng dẫn học sinh tiến hành các hoạt động học tập nhằm khai thác và lĩnh hội kiến thức với các phương tiện học Địa lí sau:
Bản đồ, lược đồ:
Đối với việc dạy học Địa lí, bản đồ là nguồn kiến thức quan trọng và được coi như quyển sách thứ hai của học sinh. Tổ chức cho học sinh làm việc với bản đồ, giáo viên cần lưu ý hướng dẫn học sinh khai thác kiến thức trên bản đồ theo các bước sau:
Đọc tên bản đồ để biết đối tượng địa lí thể hiện trên bản đồ là gì?
Ví dụ: Bản đồ địa hình thì đối tượng thể hiện trên bản đồ chủ yếu là địa hình; Bản đồ khí hậu thì đối tượng thể hiện chủ yếu của bản đồ sẽ là các yếu tố khí hậu (Nhiệt độ, khí áp, gió, mưa…)…
Đọc bảng chú giải để biết cách người ta thể hiện đối tượng đó trên bản đồ như thế nào? Bằng các kí hiệu gì? Bằng các màu gì? Dựa vào các kí hiệu, màu sắc trên bản đồ để xác định vị trí của các đối tượng địa lí.
Dựa vào bản đồ kết hợp với kiến thức địa lí, vận dụng các thao tác tư duy (so sánh, phân tích, tổng hợp) để phát hiện các mối liên hệ địa lí không thể hiện trực tiếp trên bản đồ (đó là mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên, các yếu tố kinh tế với nhau) nhằm giải thích sự phân bố cũng như đặc điểm các đối tượng, hiện tượng địa lí.
Biểu đồ:
Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phân tích biểu đồ theo các bước:
– Đọc tiêu đề phía trên hoặc phía dưới biểu đồ, xem biểu đồ thể hiện hiện tượng gì? (khí hậu, cơ cấu kinh tế, phát triển dân số…).
– Tìm hiểu xem các đại lượng thể hiện trên biểu đồ là gì? (nhiệt độ, lượng mưa, các ngành kinh tế, dân số…), trên lãnh thổ nào và thời gian nào, được thể hiện trên biểu đồ như thế nào? (theo đường, cột, hình quạt…), trị số các đại lượng được tính bằng gì? (mm, %, triệu người…).
– Dựa vào các số liệu thống kê đã được trực quan hóa trên biểu đồ đối chiếu, so sánh chúng với nhau và rút ra nhận xét về các đối tượng và hiện tượng địa lí được thể hiện.
Tranh ảnh địa lí:
Việc khai thác kiến thức từ tranh ảnh địa lí được tiến hành theo các bước:
– Nêu lên các bức tranh (hoặc ảnh) nhằm xác định xem bức tranh hay bức ảnh đó thể hiện cái gì?.
– Chỉ ra những đặc điểm, thuộc tính của các đối tượng địa lí được thể hiện trên bức tranh (hoặc ảnh).
– Nêu biểu tượng và khái niệm địa lí trên cơ sở những đặc điểm và thuộc tính của nó.
Tranh ảnh chỉ có tác dụng giúp học sinh khai thác được một số đặc điểm và thuộc tính nhất định về đối tượng, vì vậy, giáo viên cần gợi ý cho học sinh dựa vào kiến thức địa lí đã học, kết hợp với bản đồ, biểu đồ, các tư liệu địa lí khác để giải thích đặc điểm, thuộc tính cũng như sự phân bố (vị trí) của đối tượng địa lí được thể hiện trên bức tranh (hoặc ảnh) đó.
Bảng số liệu:
Khi hướng dẫn học sinh khai thác kiến thức từ các bảng số liệu thống kê (hoặc các số liệu riêng lẻ), giáo viên cần lưu ý học sinh:
– Không bỏ sót số liệu nào.
– Phân tích các số liệu tổng quát trước khi đi vào số liệu cụ thể.
– Tìm các trị số lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình.
– Xác lập mối quan hệ giữa các số liệu, so sánh đối chiếu các số liệu theo cột, theo hàng để rút ra nhận xét.
– Đặt ra các câu hỏi để giải đáp trong khi phân tích, tổng hợp các số liệu nhằm tìm ra kiến thức mới.
Khai thác kiến thức từ Át lát địa lý Việt Nam:
Át lát địa lí Việt Nam là một cuốn sách giáo khoa thứ hai đối với học sinh trong khi học địa lý. Tuy nhiên khi khai thác Át lát, học sinh không chỉ dựa trên các kiến thức có thể khai thác trực tiếp từ các bản đồ, mà cần bổ sung bằng các kiến thức rút ra từ SGK để có thể cập nhật kiến thức và phân tích sâu hơn, tổng hợp tốt hơn. Vậy để đọc và phân tích Át lát tốt cần phải:
– Nắm được các phương pháp thể hiện bản đồ sử dụng trong Át lát.
– Nắm được các kí hiệu trong bảng chú giải.
– Nắm được mục đích yêu cầu khi đọc Át lát để tìm kiếm và rút ra các thông tin cần thiết.
– Biết huy động kết hợp kiến thức đã học trong SGK vào việc cắt nghĩa sự phát triển và phân bố của các hiện tượng địa lý cần tìm hiểu qua Át lát.
Tổ chức hướng dẫn học sinh thu thập, xử lí thông tin trong SGK và trình bày lại
Sách giáo khoa Địa lí mới được biên soạn theo tinh thần cung cấp các tình huống, các thông tin đã được lựa chọn kĩ để giáo viên có thể tổ chức hướng dẫn học sinh thu thập, phân tích và xử lí thông tin. Vì vậy, trong quá trình dạy học ở trên lớp, giáo viên cần hướng dẫn học sinh thu thập, xử lí thông tin trong sách giáo khoa Địa lí.
Ví dụ: Bài 13: Môi trường đới ôn hòa (Lớp 7)
Nội dung: Bài được thể hiện qua hai kênh chữ và kênh hình.
– Kênh hình trong bài gồm có:
+Lược đồ những yếu tố gây biến động thời tiết ở đới ôn hòa
+ Ba ảnh: * Rừng lá rộng ở Tây Âu
* Rừng lá kim ở Liên bang Nga
* Rừng cây bụi gai ven Địa Trung Hải
+ Ba biểu đồ khí hậu bên cạnh ba kiểu rừng.
Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh thu thập thông tin qua bài viết, tranh ảnh, lược đồ để trả lời các câu hỏi trong bài và rút ra các kết luận về:
– Đặc điểm thời tiết bốn mùa và sự thay đổi quang cảnh thiên nhiên theo mùa ở đới ôn hòa.
– Sự đa dạng của môi trường đới ôn hòa.
– Mối quan hệ giữa chế độ nhiệt, mưa với các loại rừng ở đới ôn hòa.
Thông qua hoạt động thu thập, xử lí thông tin để khai thác lĩnh hội kiến thức, học sinh sẽ có được phương pháp học tập, biết cách thu thập và xử lí thông tin từ các nguồn tài liệu khác, từ đó hình thành năng lực tự học.
Tổ chức hoạt động của học sinh theo những hình thức học tập khác nhau
Để có thể tích cực hóa hoạt động học tập (TCHHĐHT) của học sinh, ngoài hình thức tổ chức học tập tập trung theo lớp, nên tổ chức cho học sinh học tập cá nhân và học tập theo nhóm ngay tại lớp.
Hình thức học tập cá nhân
Dạy học theo định hướng TCHHĐHT đòi hỏi có sự cố gắng của mỗi học sinh trong quá trình tự giành lấy kiến thức mới. Do đó, hình thức tự học tập cá nhân là hình thức học tập cơ bản nhất vì nó tạo điều kiện cho mỗi học sinh trong lớp được tự nghĩ, tự làm việc một cách tích cực nhằm đạt tới mục tiêu học tập. Học sinh phải vận dụng kiến thức, kĩ năng để có thể khai thác và lĩnh hội kiến thức mới. Đồng thời hình thức này cũng tạo điều kiện để học sinh bộc lộ khả năng tự học của mỗi người.
Việc tiến hành dạy học thông qua tổ chức hoạt động học tập cá nhân có thể như sau:
– Giáo viên nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh làm việc.
– Giáo viên chỉ định một vài học sinh báo cáo kết quả, các học sinh khác theo dõi, góp ý và bổ sung.
– Giáo viên tóm tắt, củng cố và chuẩn xác kiến thức.
Hình thức học tập theo nhóm
Tùy theo số lượng học sinh trong mỗi lớp mà giáo viên chia thành bao nhiêu nhóm, thông thường mỗi nhóm có từ 4 – 6 học sinh, tùy mục đích và yêu cầu vấn đề học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hoặc có chủ định (gồm có nam lẫn nữ, cả học sinh khá, trung bình, yếu, kém trong cùng một nhóm). Các nhóm có thể duy trì ổn định trong cả tiết hoặc thay đổi trong từng hoạt động, từng phần của tiết học, các nhóm được giao cùng nhiệm vụ hoặc giao những nhiệm vụ khác nhau.
Qua quá trình nghiên cứu và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kết quả học tập bộ môn của học sinh cao hơn so với những năm học trước. Học sinh nắm bài chắc hơn, hiểu bài sâu hơn, có kỹ năng phân tích, tổng hợp, so sánh… đồng thời phát huy được tính tích cực sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, bỏ được thói quen học thụ động, ghi nhớ.
Trên đây là một số nét chính của đề tài “Một số phương pháp nâng cao kết quả sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học môn Địa lý ở cấp THCS” của cô giáo Lê Thị Thảo – trường THCS Xuân La. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hanoiedu.vn.
BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 94+95, tháng 11/2017