Một số biện pháp giúp trẻ có thái độ ứng xử tích cực với tiền

Một số biện pháp giúp trẻ có thái độ ứng xử tích cực với tiền

(GDTĐ) – Ở các trường mầm non, việc dạy trẻ có thái độ ứng xử đúng đắn với tiền bạc là hoạt động dạy kỹ năng sống cần thiết, có hệ thống tạo cho trẻ một thói quen tốt về sử dụng và quản lý tiền bạc, tài chính sau này. Dạy trẻ thái độ ứng xử với tiền là dạy trẻ có cái nhìn đúng đắn với tiền, biết được tiền là gì, ở đâu ra, dùng để làm gì, dùng như thế nào và cao hơn nữa là dạy trẻ hiểu đúng được việc tiền mang lại điều gì cho cuộc sống mỗi con người. Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu SKKN đoạt giải cấp Thành phố năm học 2017-2018 “Một số biện pháp giúp trẻ 5 – 6 tuổi có thái độ ứng xử tích cực với tiền” của cô giáo Nguyễn Thị Dung, trường mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy.

Biện pháp 1: Xác định đúng mục tiêu dạy trẻ

Trẻ mỗi lứa tuổi có nhận thức và cách tiếp nhận vấn đề khác nhau, đối với trẻ 3 – 4 tuổi nên dạy trẻ nhận biết đồng tiền và cho trẻ hiểu tiền để làm gì trong cuộc sống. Trẻ 5 – 6 tuổi cần được dạy nhiều hơn về giá trị của tiền bạc với cuộc sống; cần sử dụng nó, tiếp xúc với nó như thế nào; làm gì khi thấy tiền rơi, dạy trẻ thái độ tích cực đối với tiền bạc và đặc biệt trẻ cần hiểu rõ rằng: Tiền là phương tiện phục vụ cho cuộc sống con người.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Biện pháp 2: Lựa chọn nội dung phù hợp nhằm cung cấp kiến thức, kĩ năng và trải nghiệm cho trẻ

Tài chính là vấn đề được cho là của người lớn bởi khi nhắc đến tài chính ta hiểu đó là sự tính toán, giao dịch, mua bán và nó có liên quan đến nhiều điều phức tạp mà trẻ không hiểu được. Nhưng nhiều chuyên gia tài chính và nhà giáo dục đã chứng minh rằng nên cho trẻ làm quen với tiền từ khi còn nhỏ, điều đó sẽ giúp ích cho đứa trẻ quản lý tài chính thông minh sau này. Điều quan trọng là dạy trẻ như thế nào cho phù hợp với nhận thức và độ tuổi của trẻ.

*Nhận biết tiền, một số mệnh giá tiền:

Để trẻ có thái độ ứng xử tích cực với tiền, trước tiên chúng ta cần cho trẻ tiếp xúc, nhận biết một số loại tiền và mệnh giá. Tiền có nhiều mệnh giá như 1000, 2000, 5000, 100.000, 500.000… Cho trẻ nhận biết bằng cách cầm quan sát, sờ chất liệu, ghi nhớ màu sắc, hình ảnh trên từng mệnh giá. Trẻ mẫu giáo lớn chưa biết đọc nên cách ghi nhớ màu sắc, hình ảnh ứng với con số sẽ giúp trẻ nhận biết và phân biệt được mệnh giá tiền. Bên cạnh đó, trẻ lứa tuổi này đã nhận biết và viết số cũng như học đếm nên người lớn có thể trò chuyện với trẻ về mệnh giá tiền để trẻ biểu thị bằng số ngón tay, tập viết mệnh giá lên giấy.

*Giá trị của tiền đối với cuộc sống con người:

Trên thực tế, đa số trẻ lên 5 tuổi đã biết được tiền là thứ có giá trị bởi các em thấy cha mẹ có nói đến hay dùng nó để mua đồ đạc, đi chợ … Tuy nhiên, chúng ta cần cho trẻ hiểu đúng về giá trị của tiền như nói cho trẻ biết rằng tiền là thứ quý giá, có thể mua được nhiều thứ phục vụ cho cuộc sống con người từ những thứ to như nhà cửa, xe hơi đến những thứ nhỏ như chiếc kẹo mút hay gói bim bim. Cho trẻ biết rằng không phải chỉ những thứ to tát mới phải mua bằng tiền mà những thứ dù nhỏ nhất nếu người ta bày bán mà mình muốn có được thì phải trả tiền. Ví dụ: 5000 đồng có thể mua được 1 gói bim bim; 100.000 đồng có thể mua được 1 con cá… Nếu muốn có thức ăn để ăn mẹ cần ra chợ và cầm tiền đưa cho người bán hàng rồi mới được mang đồ về, con đi học bố mẹ cũng cần đóng tiền ăn học cho nhà trường…

*Tiền từ đâu mà có:

Hầu hết trẻ nhỏ chưa hiểu được vấn đề này, đối với trẻ mầm non từ 4 -6 tuổi khi được hỏi các em đều có suy nghĩ ai cũng có tiền, tiền có trong ví, trong túi, trong két, bố mẹ hay người lớn là những người cho trẻ con tiền… Chúng ta cần cho trẻ hiểu rằng: Tiền không tự nhiên mà có, con người phải bỏ sức lao động của mình để làm việc và được trả công một thứ có giá trị tương đương đó là tiền.

* Một số nơi, đồ dùng, vật dụng để cất giữ tiền:

Song song với việc dạy trẻ giá trị của tiền, nên dạy trẻ nhận biết những nơi, đồ dùng, vật dụng để tiền và giữ gìn, cất tiền như ngân hàng, ví, thẻ ATM, két sắt… Đó cũng là xây dựng ý thức của trẻ với thứ có giá trị nuôi sống mình và gia đình, trân trọng sức lao động của bố mẹ, có tính gọn gàng ngăn nắp.

*Ý thức tiết kiệm tiền:

Biết tiết kiệm tiền là kĩ năng mà một người có thể học vào bất cứ độ tuổi nào, nhưng thuở nhỏ được học càng sớm, trẻ sẽ càng sẵn sàng khi đến giai đoạn tự lập. Dạy trẻ ý thức tiết kiệm tiền sẽ giúp trẻ biết nâng niu, quý trọng đồng tiền, bên cạnh đó nó còn giúp cho trẻ khi lớn lên có động cơ, động lực kiếm tiền chân chính.

* Làm gì khi được người khác cho tiền:

Dạy trẻ thái độ ứng xử khi được người khác cho tiền cũng là một nội dung vô cùng quan trọng. Giáo viên, cha mẹ cần dạy trẻ: Không nhận tiền từ người lạ; không nên nhận tiền từ những người thân, người quen bạn bè của bố mẹ khi không có mặt và có sự cho phép của bố mẹ; nếu được nhận tiền hãy dạy cho trẻ cách để sử dụng chúng; khi nhận tiền phải nhận bằng hai tay, có thể cúi xuống và nói lời cảm ơn…

* Làm gì khi thấy tiền rơi:

Đây là một trong những thái độ ứng xử quan trọng thúc đẩy hành động của trẻ, nó liên quan đến việc hình thành nên tích cách, thói quen và cao hơn nữa là nhân cách của trẻ sau này. Vì vậy, cần cho trẻ biết rằng “Nhặt được của rơi, trả người bị mất”, “Không tham đồ vật không phải của mình”.

 

Biện pháp 3: Tiến hành linh hoạt các hình thức tổ chức hoạt động dạy trẻ

*Trò chuyện tập trung trẻ:

Khi tập trung trẻ trò chuyện, cô giáo có thể truyền đạt kiến thức thông tin ngay một lúc đồng thời cho rất nhiều trẻ và trẻ sẽ có sự trao đổi, tương tác qua lại với nhau khiến cho kiến thức thẩm thấu vào trẻ dễ hơn.

* Nghe đọc sách, kể chuyện:

Dạy trẻ thông qua các câu chuyện là một cách truyền đạt kiến thức tự nhiên mang tính làm gương hoặc cho trẻ nhận định tình huống của người khác qua đó rút ra bài học cho bản thân. Đôi khi không nhất thiết cô phải đọc hay kể một cuốn sách có thật mà cô tự kể một câu chuyện sáng tạo theo ý đồ của cô về kiến thức cô muốn truyền đạt cho trẻ. Những cuốn sách đọc là những cuốn sách về kĩ năng, câu chuyện kể về các tấm gương tốt, các nhân vật nên là những bạn nhỏ cùng độ tuổi, những nhân vật thú ngộ nghĩnh gần gũi với trẻ.

* Xem tranh ảnh, clip:

Xem tranh ảnh đặc biệt là clip giúp trẻ hình dung và quan sát vấn đề dễ nhất. Khi học về nhận biết tiền, cô cho trẻ được cầm và quan sát tiền thật, trẻ có thể xem những hình ảnh về nhà máy in tiền, ngân hàng, một số hoạt động của cây ATM tự động, cách ứng xử của các bạn nhỏ khi nhận tiền lì xì, tiền thưởng, nhận quà tặng hay cho trẻ xem hình ảnh những người lao động làm việc vất vả kiếm tiền ra sao.

* Thực hành tình huống:

Học phải đi đôi với hành, hơn nữa đây là vấn đề dạy trẻ kỹ năng sống nên cần cho trẻ thực hành tình huống. Cô giáo tạo tình huống giả định cho trẻ để trẻ ứng xử từ đó trẻ học và nhớ được cách ứng xử đúng và phù hợp nhất.

*Dạy trẻ thông qua hoạt động góc:

Trong hoạt động chơi góc – đóng vai theo chủ đề ở lớp, cô giáo tổ chức cho trẻ chơi đóng vai trong đó có hoạt động trao đổi mua bán ở cửa hàng bách hóa, siêu thị, tiệm bánh ngọt, cửa hàng tự chọn… nhằm cho trẻ trải nghiệm hình thức mua bán, trả tiền, giao tiếp ứng xử trong mua bán trao đổi hàng hóa.

Biện pháp 4: Tăng cường trải nghiệm thực tế

Giáo viên lập kế hoạch và cho trẻ thực hành trải nghiệm thực tế thông qua các buổi hội chợ do trường, lớp tổ chức; Trải nghiệm qua các buổi đi dã ngoại, tham quan; Thực hành trải nghiệm tình huống giả định ngoài đường phố, ngoài công viên…

Biện pháp 5: Kết hợp chặt chẽ, thường xuyên với phụ huynh học sinh

Trên thực tế nhà trường là nơi giáo dục ý thức, cách thức và cho trẻ trải nghiệm giả định. Môi trường mà trẻ được thực hành và có tầm ảnh hưởng nhất lại là gia đình trẻ. Vì vậy, giáo viên nên thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh, trưng cầu ý kiến của phụ huynh về những biểu hiện chưa tốt, chưa đúng mực ở trẻ và cùng phụ huynh học sinh giải quyết. Một số vấn đề cha mẹ cần lưu ý đó là không nói dối khi trẻ vòi vĩnh mua đồ, làm tấm gương tốt cho con, chia sẻ với con về tình hình tài chính của gia đình…

BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 113+114, tháng 5,6/2019