Mẹ chồng nàng dâu “nội chiến” vì người giúp việc

Mẹ chồng nàng dâu “nội chiến” vì người giúp việc

(GDTĐ) – Là thạc sĩ nọ, tiến sĩ kia, trưởng phó phòng… nhưng nấu ăn, chăm sóc con nhỏ, quan tâm đến bố mẹ chồng đều không bằng người giúp việc.

Sự so sánh này của một bộ phận mẹ chồng đã khiến cho mối quan hệ giữa họ với con dâu bất hòa.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Khi biết tin chị Tuyết (Cầu Giấy, HN) thuê nhà ra ngoài sống riêng, nhiều người trách chị cố tình trốn tránh trách nhiệm làm dâu. Bởi chồng chị là con trai một, xét về nghĩa vụ phải có trách nhiệm sống gần bố mẹ để chăm sóc họ lúc tuổi xế chiều. Còn xét về điều kiện sống, ngôi nhà năm tầng rộng rãi ấy thoải mái cho gia đình nhỏ của anh chị và ông bà sống. Nhìn cảnh hai vợ chồng, con cái sống trong căn phòng trọ chật chội, ai cũng ái ngại.

Những ngày đầu về làm dâu, quan hệ chị và mẹ chồng rất tốt. Nhưng từ khi công việc của chị bị điều chuyển sang vị trí mới không có thời gian dành cho gia đình nhiều phải thuê người giúp việc thì mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu liên tục xảy ra. Nguyên nhân, mẹ chồng luôn lấy giúp việc ra để so sánh với con dâu. Đi làm thì chớ về đến nhà là chị lại nghe được những lời bóng gió của mẹ chồng kiểu “mượn gió bẻ măng”: “Này ông, cũng là phụ nữ cả mà sao con bé giúp việc nó nấu ăn khéo thế, vừa miệng người già lẫn trẻ nhỏ. Chẳng bù cho con dâu nhà này lúc nào cũng chém to kho mặn nuốt không nổi”. “Con xem là con gái nhà quê ra thành phố mà nói năng thưa gửi với ông bà già rất từ tốn lễ phép, chẳng như vợ mày nói năng với mẹ chồng cứ nhát gừng.

Nó mang tiếng học cao mà chẳng bằng đứa học xong lớp 9”… Lần đầu nghe, chị còn thanh minh, cố gắng thay đổi để làm vừa lòng mẹ chồng. Nhưng chị có thay đổi thế nào cũng chẳng khiến bà dừng việc so sánh con dâu với giúp việc. Thậm chí càng ngày mức độ so sánh càng nặng nề hơn, nó khiến chị thấy tổn thương. Bao lần chị bảo chồng góp ý với mẹ đừng xúc phạm con dâu bằng cách ấy nhưng hễ anh vừa mở lời là bà lập tức mắng lại con trai: “Mày nghe vợ rồi “dạy dỗ” lại mẹ mày thế à…” khiến anh đành phải đứng ngoài “cuộc chiến” của mẹ với vợ vì sợ sự tham gia của mình lại giống như đổ dầu vào lửa. Những mâu thuẫn mẹ chồng con dâu ấy cứ thế tích tụ đến một ngày bị “nổ tung” khiến chị phải ép chồng ra ngoài thuê nhà sống riêng.

“Cô mang tiếng là thạc sĩ nọ, trưởng phòng kia nhưng nhìn lại chẳng bằng con bé giúp việc nhà này. Đi tối ngày về cho con ăn không nên bữa, nói năng với bố mẹ chồng không nên câu. Mang tiếng con dâu sống cùng một nhà mà không hiểu được thói quen của bố mẹ chồng như thế nào. Cô đúng là chẳng bằng một con bé người dưng nước lã”. “Làm mẹ kiểu như cô, một ngày con cái xem giúp việc còn hơn mẹ đấy”… Cùng với lời mắng nhiếc của bà Hạnh là nước mắt lã chã của Ngọc.

Ngọc kể, cái kiểu dùng người giúp việc để mắng chửi con dâu là thói quen của bà Hạnh. Cô làm kế toán trong ngành ngân hàng, công việc bận rộn nên lúc nào cũng tối mịt mới về nhà. Việc nhà và con nhỏ đều phải trông cậy vào người giúp việc. Hàng ngày bà nội và cô giúp việc cho thằng bé ăn bằng cách người bế người bón cháo rong từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Thằng bé quen nếp ăn rong đó nên không chịu ngồi ăn một chỗ theo cách của mẹ. Mỗi lần mẹ cho ăn là nó khóc quấy khiến bà Hạnh “chướng mắt” mắng mỏ con dâu.

Công việc bận rộn, áp lực cơm áo gạo tiền hàng ngày luôn đè nặng nên thời gian dành cho gia đình của Ngọc hạn chế. Việc quan tâm cũng như thấu hiểu mọi sở thích của bố mẹ chồng cũng không được sát sao như người giúp việc hàng ngày. Biết vậy nên thời gian đầu cô nín nhịn trước sự so sánh của mẹ chồng. Nhưng càng ngày mức độ so sánh của bà càng nhiều đến mức gây tổn thương cho cô. Thậm chí khi gia đình có khách, bà cũng không ngừng xúc phạm cô bằng việc “khen” giúp việc, chê con dâu. Việc đó khiến cô bức xúc rồi phản kháng lại và trở thành cô con dâu “hỗn láo” trong mắt mẹ chồng. Một ngày không chấp nhận được con dâu “hỗn láo” ấy, bà xúi giục con trai ly hôn. Hạnh phúc của Ngọc đứng bên bờ vực thẳm.

Bà Hạnh đột ngột bị tai biến, cô giúp việc mà bà khen hàng ngày đó thay tính đổi nết. Cô ta mạnh tay mỗi lúc tắm rửa cho bà, nhấm nhẳng văng tục khi bà làm rơi vãi thức ăn do không tự điều khiển được bản thân. Còn đứa con dâu mà bà thường chê bai lại nhẫn nại hơn bao giờ hết. Nó vẫn ít nói lời quan tâm như trước nhưng thường mang về những loại thuốc mới cho bà uống, tìm mua các loại máy massax, máy tập giúp bà phục hồi chức năng đi lại, chịu khó đưa mẹ chồng đến các thầy thuốc giỏi để chữa trị. Hóa ra, nó không phải là đứa con dâu vô tâm, kém cỏi như trước đây bà vẫn nghĩ. Cũng nhờ nó mà bà mới nhanh chóng phục hồi trở lại.

 

Tại một buổi sinh hoạt của CLB Tâm Giao, bà Hạnh kể lại câu chuyện của mình. Bà nhận ra những sai lầm trong cách ứng của mình khi so sánh con dâu với người giúp việc sau lần “chết hụt” do cơn tai biến. Có thể người giúp việc giỏi hơn con dâu trong việc nấu ăn, chăm sóc trẻ nhỏ và người già. Nhưng họ làm tốt những việc đó vì đó là công việc để có được khoản thu nhập tương xứng. Còn con dâu, có thể vụng về nhưng gắn bó với mẹ chồng không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì mối ràng buộc gia đình.

Những lúc bà gặp khó khăn, người giúp việc “hoàn hảo” ấy có thể ra đi bất cứ lúc nào nhưng cô con dâu vụng về thì vẫn đứng lại. Sự quan tâm, yêu thương đối với mẹ chồng của con dâu đôi khi không nằm ở một cử chỉ quan tâm hàng ngày, một lời nói ngon ngọt mà bằng sự hi sinh, nhẫn nại mỗi  khi mẹ chồng ốm đau, gặp khó khăn trong cuộc sống. Yêu thương là phải từ hai phía, quan hệ mẹ chồng nàng dâu không thể tốt lên nếu chỉ có một phía vun đắp còn một phía thì coi thường, ruồng bỏ.

Theo Phụ nữ Thủ đô