Lo lắng vẫn bao trùm không khí tuyển sinh

Lo lắng vẫn bao trùm không khí tuyển sinh

(GDTĐ) – Sự bất ổn và rối trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 càng bộc lộ rõ trong những ngày cuối TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Ngày 17/8, rất nhiều thí sinh (TS) và phụ huynh đến các trường ĐH top đầu và top giữa để nộp, rút hồ sơ và điều chỉnh nguyện vọng (NV). Ở những trường top đầu, số TS đến rút hồ sơ nhiều hơn số nộp vào. Sự bất ổn và rối trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 càng bộc lộ rõ trong những ngày cuối TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.


Rút nhiều hơn nộp
Từ sáng sớm đến trưa, khu vực đăng ký xét tuyển của ĐH Kinh tế Quốc dân luôn nườm nượp TS và người nhà đến đăng ký nộp, rút hồ sơ. Tâm trạng ai nấy đều căng thẳng, mệt mỏi và điều rõ nhất là luôn không yên tâm với những gì mình đã chọn. Thế nên không ít phụ huynh vừa điều chỉnh NV cho con sang ngành khác lại muốn thay đổi, bởi sau khi nghiên cứu thấy số điểm của con mình không nằm trong top an toàn. Chị Nguyễn Thị Quyên (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) cho biết, con gái chị được 23 điểm (khối A), đăng ký xét tuyển NV1 vào ngành Quản trị kinh doanh ngày 10/8, nhưng đến chiều 16/8, điểm trúng tuyển dự kiến của ngành này lên tới 24,75 và có khả năng tăng nữa nên phải rút hồ sơ nộp vào ngành Quản trị kinh doanh dạy bằng tiếng Anh.

Mặc dù đã cận ngày nộp hồ sơ, lượng TS đến nộp không nhiều bằng số người đến rút và điều chỉnh NV sang ngành có điểm trúng tuyển tạm thời thấp hơn. Còn có rất nhiều TS đến ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội… xem điểm số trong danh sách đăng ký, rồi về nhà tiếp tục nghiên cứu đến ngày 19/8 sẽ nộp. PGS Nguyễn Quang Dong – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay: “Hôm qua (16/8), chúng tôi công bố kết quả xét tuyển tạm thời, cho nên số TS đến rút hồ sơ nhiều hơn số người nộp vào. Hiện, số liệu thống kê trong hệ thống có khoảng 5.300 TS trong diện danh sách xét tuyển. Sáng 17/8 có khoảng 300 TS nộp vào và cũng có ngần ấy em rút hồ sơ ra. Điều đáng chú ý là số nộp mới có điểm rất cao. Bên cạnh đó là có nhiều người đến với tâm lý chờ đợi ngày 19/8, nhà trường thông báo danh sách rồi mới đăng ký”.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Đại học Kinh tế Quốc dân sáng 17/8. Ảnh: Trần Oanh


Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, số TS đến nộp và rút hồ sơ cũng rất đông. Ông Nguyễn Vũ Thắng – Phó Trưởng phòng Đào tạo của trường thông tin, đến hết sáng 17/8, nhà trường nhận được 10.623 hồ sơ nộp vào và 3.137 hồ sơ rút ra. Với tổng chỉ tiêu 6.000, dự tính sẽ có khoảng 1.500 TS nằm trong top không an toàn sẽ rút hồ sơ. Thống kê sơ bộ của trường, 4 ngày gần đây, mỗi ngày có từ 400 – 600 hồ sơ rút ra và từ 200 – 300 hồ sơ nộp vào. “Trong 10 – 12 ngày đầu, điểm chuẩn dự kiến của trường tăng lên khá nhanh, nhưng 3 – 4 ngày gần đây tăng ít, từ 0,01 – 0,02 điểm (theo thang điểm 10). Những ngành điểm cao, có ngành điểm giữ nguyên; còn những ngành điểm thấp, có ngành điểm chuẩn tăng lên 0,05 điểm” – ông Thắng cho hay.
Không nên để ngày cuối cùng
Dự đoán tình hình TS rút, nộp hồ sơ đông, nên nhiều trường đã điều chỉnh nhân sự cũng như lượng máy móc thiết bị phục vụ cho công tác xét tuyển. ĐH Kinh tế Quốc dân bố trí hẳn hội trường lớn có sức chứa hàng ngàn người để tiếp đón TS và phụ huynh. Phía trên hội trường được thiết kế thành 3 khu vực: Khu vực nhận hồ sơ nộp vào, cập nhật dữ liệu vào máy tính và điều chỉnh NV; khu vực phục vụ TS rút hồ sơ; và một dãy bàn đựng rất nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS. “Mỗi TS đến rút hồ sơ ra hết 2 phút, nộp hồ sơ cũng 2 phút, hay thay đổi NV cũng chỉ chừng ấy thời gian” – ông Dong cho hay.
Ông Thắng cũng cho biết, hiện nay, lượng TS đến rút hồ sơ nhiều, nhà trường quyết định giải quyết ngay trong ngày. Đặc biệt, TS ở tỉnh xa đến rút hồ sơ vào buổi chiều cũng được tạo điều kiện ngay. Để làm tốt việc này, trường đã bố trí tới 11 nhân sự nhận, trả hồ sơ một cách hợp lý. Ngoài ra, còn có 3 cán bộ làm công việc tư vấn và giải quyết những trường hợp đặc biệt. TS nào muốn điều chỉnh NV sẽ tự thực hiện trên máy tính bởi trước đó các em đã được cấp một tài khoản riêng. Các em có thể thay đổi NV bao nhiêu lần cũng được. Thời gian cho phép thay đổi NV được kéo dài đến 11 giờ ngày 19/8.
Còn 3 ngày nữa là hết thời hạn đăng ký xét tuyển đợt 1. Đưa ra lời khuyên đối với những TS vẫn còn chưa nộp hồ sơ, ông Dong chia sẻ: “Tôi khuyên các vị phụ huynh có con chưa nộp hồ sơ thì ngày 18/8 nhanh chóng đăng ký vào các trường mình mong muốn. Trên cơ sở đó, các trường sắp xếp danh sách TS có thứ tự, các em sẽ biết mình thế nào và ngày 19/8 có thông tin của ngày 18/8. Nếu ngày 19 các em mới nộp thì không thể có thông tin để báo cho các em”. Còn ông Thắng thì cho rằng, Bộ GD&ĐT cho TS 4 NV. Cách tốt nhất là đầu tiên TS chọn trường mình thích, sau đó đăng ký 2 ngành NV đầu mình thích có điểm trúng tuyển dự kiến mấp mé với điểm của mình; đăng ký 2 ngành NV sau có điểm trúng tuyển dự kiến ít hơn nhiều điểm của mình để có độ an toàn cao. Nếu ngày 19/8, nhiều em mới nộp, cán bộ tuyển sinh không xử lý kịp thì độ rủi ro sẽ rất cao. Tại thời điểm này, các trường đã cập nhật điểm xét tuyển trên website của trường, do đó, các em không nên để đến ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ.

Dự kiến trong những ngày cuối đợt xét tuyển NV1, lượng TS đến các trường để nộp, rút hồ sơ có thể rất đông. Để chủ động phục vụ TS, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT và Hiệu trưởng các trường huy động đủ nhân lực, tập trung phương tiện kỹ thuật, tăng thời gian làm việc hàng ngày để tiếp nhận hồ sơ nộp, rút của TS. Các trường chỉ đạo cán bộ tham gia công tác tuyển sinh chủ động phân loại, sắp xếp, quản lý hồ sơ của các TS có điểm thấp hơn mức điểm trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh để việc rút hồ sơ của TS được thuận lợi.

Theo Kinh tế và Đô thị