Lắng nghe những điều trẻ muốn từ cha mẹ
(GDTĐ) – Các bậc cha mẹ luôn coi những đứa con là bé dại, vì thế thường hướng con làm theo ý của mình. Mặc dù đôi khi ý kiến của cha mẹ chưa hợp lý, nhưng nếu con cái không nghe lời thì họ lại nghĩ là chúng hư và rất buồn phiền. Vậy có nên ép buộc trẻ hay không?
Những tình huống trong cuộc sống
Chị Lan có cô con gái học lớp 9 đang ở tuổi dậy thì nên tâm tính thay đổi, nhiều lúc chị không hiểu nổi con nghĩ gì và muốn như thế nào. Riêng chuyện ăn mặc, giữa hai mẹ con luôn xảy ra “cuộc chiến”. Một lần đi học thêm chị bảo con mặc quần áo dài tay cho khỏi bị nắng, nhưng con bé nhất quyết không chịu. Nó lấy quần ngố màu đen và mặc kèm với chiếc áo phông cộc tay có vẽ hình nhiều cô gái đang làm các động tác xì tin. Chị mắng con ăn mặc nhố nhăng như vậy thì đến lớp không được thầy cô cho vào và bắt nó thay, chẳng ngờ con bé phản ứng: “Thời của mẹ khác rồi, thầy giáo chúng con bây giờ thoáng và hiện đại lắm, nhiều bạn cùng lớp mặc như con mà có sao đâu. Mẹ lạc hậu quá, miễn con mặc không hở hang là được”. Cuối cùng, chị đành chịu thua và đưa con tới lớp nhưng trong lòng thì ấm ức vì con bé không chịu nghe lời. Hôm khác, con bé xin mẹ cho tự đi về với các bạn (vì nhà chị cũng gần trường học), nhưng chị Lan nhất định không chịu. Lúc đến đón con, chị thấy mặt nó phụng phịu và miễn cưỡng trèo lên xe mẹ đi về vừa đi vừa ấm ức: “Sao lúc nào mẹ cũng coi con là bé thế, con lớn rồi chẳng lẽ không thể tự đi về sao. Các bạn đang đặt nick cho con là “gà công nghiệp” đấy.” Chị Lan mắng át luôn: “Con có lớn nhưng không có khôn. Nhỡ đi về la cà có thằng nào nó “thịt” thì sao. Ngày nào báo chí cũng đưa bao chuyện xâm hại trẻ em, con không nghe hay sao?”. “Mẹ toàn thổi phồng thôi, có phải trong xã hội ai cũng là yêu râu xanh đâu. Con đi cùng các bạn cơ mà, các bạn về được con cũng về được”. Con bé cự nự khiến chị Lan nổi đóa: “Cả ngày trời mẹ đi làm vất vả, phải về đón con để đảm bảo an toàn cho con mà con lại trả ơn mẹ thế à?”. Con gái chị im lặng, nhưng giữa hai mẹ con không khí trở nên rất nặng nề.
Anh Khánh ở chung khu tập thể với tôi lại nhiều lần phàn nàn về cậu con trai mà anh cho là hư vì không nghe lời cha mẹ. Tiếp xúc với Khoa, tôi thấy đó là cậu bé thông minh không hỗn hào, nhưng đầy cá tính. Một hôm cháu nhờ tôi: “Cháu đang chọn trường để thi đại học, cháu thích khối A và đăng kí vào trường Đại học Bách khoa, nhưng bố cháu bắt học thêm môn Anh để thi khối D vào trường Đại học Ngoại ngữ. Cháu học Anh không tốt lắm, nên cảm thấy mất tự tin. Cô có thể nói giúp với bố cháu được không?”. Gặp anh Khánh, tôi lựa lời thăm dò chuyện Khoa nhờ. Anh Khánh phân bua: “Thằng bé cứ thích làm theo ý nó, mặc dù tôi phân tích cho nó thấy học ngoại ngữ sau này có thể xin vào cơ quan bố (anh làm ở Bộ Ngoại giao), nhưng nó vẫn cãi là thích được đi theo con đường đã chọn và nó sẽ tự quyết định tương lai của mình. Đấy cô thấy nó có ương bướng không?, “cá không ăn muối cá ươn”, sau này chẳng ra gì thì đừng có trách là bố mẹ không hướng nghiệp”.
Những câu chuyện xung đột với con cái như của chị Lan, anh Khánh thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày ở bất cứ gia đình nào. Nhưng các bậc cha mẹ đã khi nào lắng nghe tâm sự của những đứa con chưa? Trong một cuộc thăm dò của Tổ chức Plan Việt Nam với trẻ em, các em đã đưa ra những thông điệp mà chúng tôi xin đăng tải để các bậc phụ huynh cùng tham khảo và nhìn nhận lại cách ứng xử của mình với con cái.
Hãy lắng nghe những điều trẻ muốn từ cha mẹ
– Xin đừng làm giúp con những việc mà con có thể tự làm được. Điều đó khiến con thấy mình vẫn còn là trẻ con và con sẽ coi bố mẹ là những người phục vụ.
– Con luôn muốn được làm thử. Đó là cách để con học được điều mới, vì vậy xin bố mẹ hãy kiên nhẫn.
– Xin bố mẹ hãy đừng “sớm nắng chiều mưa” điều đó làm con bị rối trí.
– Xin đừng bỏ qua, coi thường khi con hỏi những câu hỏi thông thường. Nếu bố mẹ làm như vậy, con sẽ không bao giờ hỏi bố mẹ nữa và bắt đầu tìm kiếm câu trả lời từ nơi khác.
– Đôi khi hãy rộng lượng, bao dung với những hành vi cư xử chưa ngoan của con. Điều đó sẽ làm con suy nghĩ về hành vi ấy.
– Xin đừng chỉ trích khuyết điểm của con trước mặt người khác. Điều đó chỉ khiến con bị xấu hổ và tổn thương lòng tự trọng. Con sẽ tập trung hơn nếu bố mẹ bình tĩnh và góp ý riêng với con.
– Đừng quá bao bọc cho con. Bố mẹ sẽ rất ngạc nhiên sau khi thấy con có thể biết điều gì là đúng, điều gì là sai.
– Xin đừng khiến con cảm thấy tội lỗi mình gây ra rất nghiêm trọng. Con muốn học hỏi rút kinh nghiệm từ những sai lầm và con không phải là người xấu.
– Không nên dùng bạo lực với con vì điều đó sẽ làm con thấy rằng chỉ có bạo lực mới giải quyết được mọi việc.
– Bố mẹ đừng có lúc nào cũng phàn nàn và nói nhiều. Vì nếu làm vậy thì con sẽ giả vờ bị điếc.
– Đừng nói với con rằng bố mẹ là những người hoàn hảo và không bao giờ mắc sai lầm.
– Con không thể lớn lên mà không có sự hiểu biết và hỗ trợ của bố mẹ và những người xung quanh.
– Hãy đối xử với con như là người bạn của bố mẹ. Con sẽ học được nhiều điều từ tấm gương của bố mẹ hơn là những sự chỉ trích của bố mẹ.
Và quan trọng hơn tất cả đó là con rất yêu bố mẹ. Bố mẹ hãy yêu thương các con như vậy và hãy bớt chút thời gian để nghe con cái giãi bày tâm sự.
Thùy Dương (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 77+78, tháng 5-6/2016)