Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018: Nắm vững quy chế để kỳ thi đạt kết quả tốt

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018: Nắm vững quy chế để kỳ thi đạt kết quả tốt

(GDTĐ) – Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 sẽ diễn ra trong 3 ngày 25, 26, 27/6/2018. Bắt đầu từ ngày 1/4 các đơn vị ĐKDT tiếp nhận hồ sơ đăng kí dự thi của thí sinh và kết thúc nhận hồ sơ vào ngày 20/4/2018. Để các nhà trường nắm rõ những điểm mới, những điểm cần lưu ý trong quy chế thi THPT Quốc gia năm 2018, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị hướng dẫn tổ chức kỳ thi để lãnh đạo các phòng GD&ĐT, các nhà trường có được những thông tin cần thiết về triển khai ở đơn vị mình.

Những điểm mới cần lưu ý

Kỳ thi THPT Quốc qua năm 2018 về cơ bản vẫn giữ phương thức thi như năm 2017. Kết quả của kỳ thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; Cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ, TC.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Toàn Thành phố tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì dành cho tất cả các đối tượng thí sinh đăng ký dự thi (người đã học hết chương trình THPT hoặc chương trình GDTX cấp THPT trong năm tổ chức kỳ thi; người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp). Bộ GD&ĐT sẽ điều động CB, giảng viên của các trường ĐH, CĐ phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi.

Cũng giống như năm 2017, kỳ thi năm nay sẽ tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân đối với thí sinh học chương trình GD THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT). Các bài thi Toán, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Theo quy chế thi năm 2018, năm nay sẽ có một số điều chỉnh mà các nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh cần lưu ý. Đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT: Thí sinh học chương trình giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh được đăng ký chọn dự thi cả hai bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào không có môn thi thành phần bị điểm liệt và điểm thi cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điều mà các thí sinh cần lưu ý là nếu các em đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả hai bài thi này, nếu TS bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Về cách chấm thi bài thi tự luận, bài thi được chấm theo thang điểm 10, tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân (năm 2017 làm tròn đến 0,25).

Một điểm mới mà các điểm tiếp nhận hồ sơ cần lưu ý đối với các thí sinh tự do là, năm nay, thí sinh tự do không phải nộp Giấy khai sinh trong hồ sơ đăng ký dự thi. Thí sinh tự do đã tốt nghiệp trung cấp chưa có bằng tốt nghiệp THPT và không có học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên phải có giấy công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh các điểm mới, các thầy cô giáo và học sinh cũng cần lưu ý về việc thực hiện quy chế thi. Theo đó, thí sinh đủ điều kiện được miễn tốt nghiệp (Ví dụ: đạt giải quốc tế, bị khuyết tật…) vẫn phải làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia để lấy thông tin xét đặc cách tốt nghiệp; Thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TC, quân đội, công an… nếu các trường đó yêu cầu có điểm văn hóa, thí sinh phải đăng ký dự thi môn văn hóa phù hợp. Thí sinh đã đăng ký miễn thi ngoại ngữ có thể đăng ký thi ngoại ngữ để lấy điểm xét tuyển đại học hoặc đăng ký không thi ngoại ngữ.

Về việc bảo lưu điểm thi, TS dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm 2017 nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi được bảo lưu điểm thi của bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, KHTN, KHXH và bảo lưu điểm thi của từng môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp cùa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 để xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018 nếu bài thi, môn thi đạt từ 5,0 điểm (theo thang điểm 10) trở lên. Lưu ý, TS chỉ được bảo lưu điểm bài thi tổ hợp nếu điểm toàn bài đạt từ 5,0 điểm (theo thang điểm 10) trở lên và điểm các môn thi thành phần trong bài thi đều lớn hơn 1,0 điểm (theo thang điểm 10); khi đăng ký bảo lưu điểm bài thi tổ hợp nào, TS phải ghi đủ điểm của tất cả các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đó trong phiếu ĐKDT.

Tránh sai sót khi nhập dữ liệu thí sinh

Nhập dữ liệu thí sinh là khâu còn gặp phải một số sai sót trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần chú trọng kiểm tra công tác nhập dữ liệu thí sinh. Những lỗi thường gặp trong khi nhập dữ liệu đó là nhập dữ liệu không đúng yêu cầu: Nhập sai thông tin cá nhân (sai kiểu gõ tiếng Việt, sai font chữ, kiểu chữ, thiếu dấu, sai thông tin về CMND hoặc thẻ căn cước, số điện thoại, địa chỉ email…. Ví dụ sai họ tên (thiếu dấu, thừa ký tự…); Nơi sinh (sai tên tỉnh, thành phố); Trùng số CMND hoặc thẻ căn cước. Ngoài ra, nhập sai thông tin đăng ký thi: sai chương trình học (THPT, GDTX); sai (thiếu) môn thi (bài thi); Nhập sai thông tin đăng ký xét tuyển, sai đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, nguyện vọng xét tuyển (thứ tự, nội dung, mã ngành, mã tổ hợp); Nhập sai dữ liệu hình ảnh của thí sinh: dùng ảnh không đúng quy định (năm 2017 có đơn vị đã dùng ảnh phong cảnh, ảnh tạm… lắp thay vào chỗ quy định ảnh của thí sinh), bị thiếu hoặc nhầm ảnh của thí sinh…

Lịch thi

Theo Thông tư ban hành quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình cả lớp 11 và lớp 12 THPT. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các trường phổ thông hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, học tập và tổ chức ôn tập cho học sinh theo công văn số 5816/BGDĐT – GDTrH ngày 8/2/2017 về việc tổ chức dạy học lớp 12 năm học 2017-2018 và ôn thi THPT Quốc gia năm 2018 của Bộ; tổ chức học tập quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; bồi dưỡng nghiệp vụ làm thi cho CB, GV. Các trường phổ thông tổ chức tốt việc giáo dục đạo đức tư tưởng cho thí sinh, động viên tinh thần tự tin, trung thực và thái độ ứng xử theo phong cách học sinh thủ đô văn minh, thanh lịch.

NGƯT.TS Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng 79 nghìn thí sinh dự thi, bởi vậy, lãnh đạo các nhà trường phải nắm rõ quy chế thi, những điểm mới, điểm cần lưu ý của kỳ thi, phổ biến quy chế thi đến tất cả giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và học sinh. Tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh, xem xét, bồi dưỡng, phù đạo cho học sinh yếu kém để các em có đủ điều kiện dự thi đồng thời chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nhân lực… để kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Võ Long – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2018