Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có gì mới?

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có gì mới?

(GDTĐ) – Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đã đạt mục tiêu và yêu cầu đặt ra, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; kết quả đánh giá sát thực tế. Việc đổi mới kỳ thi này là bước tiến quan trọng và tạo ra những tiền đề cơ bản để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Nhằm phát huy những mặt mạnh này, kỳ thi năm 2016 sẽ vẫn giữ ổn định về cơ bản, nhưng sẽ có một số điều chỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi. Những nội dung cụ thể về sự điều chỉnh này sẽ được Bộ GD&ĐT quy định trong quy chế kỳ thi, hiện đang được hoàn thiện và sẽ công bố trong thời gian tới.

 

Kỳ thi diễn ra sớm hơn, thời gian thi ngắn hơn

Nếu như năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 4/7, thì năm 2016, thời gian Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi là từ ngày 13 đến ngày 15/6. Như vậy, thời gian tổ chức thi sẽ được rút ngắn hơn, từ 4 ngày xuống còn 3 ngày. So với năm trước, thời gian diễn ra kỳ thi cũng sớm hơn nửa tháng. Đây là dự kiến điều chỉnh rõ nét nhất của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi năm 2016, dựa trên những ý kiến góp ý từ phía các nhà trường, HS, phụ huynh và xã hội.

Phương án này dự kiến cũng sẽ giúp các nhà trường, HS không bị “hổng” kiến thức vì thời gian và áp lực do thời gian từ lúc kết thúc năm học đến khi kỳ thi diễn ra quá lớn (1 tháng). Sự điều chỉnh này sẽ hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Việc tổ chức thi sớm hơn cũng sẽ tạo thuận lợi để các trường ĐH, CĐ có thời gian hoàn thiện các thủ tục liên quan đến tuyển sinh để khai giảng năm học theo quy định.

Đề thi là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà trường, HS và phụ huynh thời điểm này. Theo thông tin từ phía lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực HS; tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, câu hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó. Cấu trúc, nội dung của đề thi các môn sẽ có độ phân hóa cao hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh và đáp ứng mục tiêu của kỳ thi.

Ghi nhận ý kiến từ các địa phương và các nhà trường trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tổ chức đánh giá một cách khoa học về đề thi năm trước xem các câu hỏi đã đạt mục tiêu của kỳ thi hay chưa, độ phân loại của đề thi ra sao… Đây là căn cứ để Bộ GD&ĐT xây dựng ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi những năm tới. Điều này có ý nghĩa rất lớn với các nhà trường trong việc định hướng dạy, học và kiểm tra đánh giá theo xu hướng hiện nay là hình thành tư duy, năng lực của người học.

Giải tỏa mối lo của phụ huynh, HS về tình trạng nghẽn mạng, khó cập nhật kết quả thi như đã xảy ra ở kỳ thi năm 2015, Bộ GD&ĐT khẳng định điều này sẽ được khắc phục ở kỳ thi năm tới. Cụ thể, sau khi hoàn thành việc chấm thi và lên điểm, các cụm thi sẽ cập nhật dữ liệu điểm thi vào hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng thêm các cổng công bố kết quả thi để thí sinh có thể tra cứu kết quả thi THPT quốc gia sớm nhất, kịp thời triển khai các thủ tục tiếp theo của kỳ thi.

Thí sinh được tạo nhiều thuận lợi hơn trong kỳ thi THPT quốc gia 2016

Thí sinh được tạo nhiều thuận lợi hơn

Với mọi chủ trương đổi mới nói chung và trong đổi mới tổ chức thi cử nói riêng, Bộ GD&GD luôn kiên trì quan điểm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Bộ GD&ĐT luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của xã hội, trong đó có ý kiến của thí sinh- đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc đổi mới thi cử. Phương án thi được chọn có mục tiêu quan trọng là hướng đến bảo đảm quyền lợi của thí sinh một cách tốt nhất. Nhằm phát huy những ưu điểm ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 trong công tác tổ chức, kỳ thi năm 2016 tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục duy trì hình thức tổ chức thi theo cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh. Tuy nhiên, điểm khác biệt, cũng là nhằm rút kinh nghiệm của kỳ thi năm trước, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh ở các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi sao cho phù hợp với điều kiện đi lại của bản thân và gia đình. Ở các vùng đặc thù có nhiều khó khăn, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, nghiên cứu thực tế để tổ chức các điểm thi ngay tại địa bàn để tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc tham gia dự thi.

Việc có phải điều chỉnh cách dạy, cách học để đáp ứng với yêu cầu của kỳ thi hay không là câu hỏi thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà trường và HS thời điểm này, khi mà chỉ còn 6 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ chính thức diễn ra. Trước những băn khoăn này, đại diện lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT khẳng định: kỳ thi năm tới và những năm trước mắt chưa đòi hỏi các em phải thay đổi cách học hay bổ sung kiến thức mới. Tuy nhiên, các nhà trường và HS cần lưu ý, trong năm tới đây, đề thi các môn sẽ tiếp tục được ra theo hướng “mở”, tăng cường các câu hỏi kiểm tra việc các em ứng dụng những kiến thức đã được học, kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Như vậy, đòi hỏi giáo viên, các em HS cần tập trung giảng dạy, học tập theo hướng rèn tư duy, sáng tạo, chứ không đơn thuần chỉ là học thuộc lòng kiến thức như những năm trước. Tóm lại, để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, các em cần tập trung học và ôn tập theo nội dung sách giáo khoa phổ thông hiện hành và sự hướng dẫn của thầy, cô giáo dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT. Định hướng này sẽ được triển khai đến khi nào chương trình, sách giáo khoa mới chính thức được áp dụng trên cả nước, khi ấy Bộ GD&ĐT sẽ có những hướng dẫn điều chỉnh cụ thể đến các nhà trường và HS.

Những thông điệp từ Bộ GD&ĐT cho thấy, việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ tiếp tục được thực hiện theo hướng giảm áp lực cho thí sinh, tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh có thể lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với nhu cầu và khả năng. Những dự kiến điều chỉnh của Bộ GD&ĐT đều được tính toán để không gây khó khăn cho HS đang học chương trình và sách giáo khoa hiện hành, bởi vậy, các em có thể hoàn yên tâm học tập, ôn luyện để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

An An – Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 72, tháng 12/2015