Kì thi THPT Quốc gia 2019: Đảm bảo giám sát chặt chẽ tất cả các khâu của kỳ thi
(GDTĐ) – Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học vừa qua, Bộ GD&ĐT cho biết nhằm khắc phục bất cập trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2019, Bộ đã chỉ đạo toàn ngành rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật đảm bảo giám sát chặt chẽ, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi. Bộ cũng sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi đáp ứng mục đích, tính phân hóa hợp lý…
Đề thi sẽ không còn những câu quá khó
Theo đó, về kỳ thi 2019, Bộ GD&ĐT cho hay, thực hiện Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018. Trên cơ sở đó, Bộ đề ra chủ trương giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm 2019 và các năm tiếp theo cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục mới với những điều chỉnh kỹ thuật từ việc nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi, tuyển sinh 2018, nhất là khâu chấm thi.
Trước mắt, để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT tập trung rà soát, đánh giá, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi. Sửa đổi, bổ sung quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia kỳ thi. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của kỳ thi THPT quốc gia và thời gian làm bài của thí sinh.
Bộ GD&ĐT cũng cho hay sẽ tăng cường công tác phối hợp, nhất là vai trò giám sát của các trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi: tăng cường huy động các trường ĐH, CĐ có năng lực và điều kiện, uy tín tham gia phối hợp tổ chức thi; đồng thời, thực hiện nguyên tắc các trường ĐH, CĐ không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương nơi trường đặt trụ sở.
Về chấm thi, sẽ hoàn thiện phân hệ quản lý phách độc lập trong phần mềm quản lý thi để tăng cường tính bảo mật trong chấm thi tự luận; hoàn thiện phần mềm chấm trắc nghiệm để vừa đảm bảo chấm thi thuận lợi, vừa ngăn ngừa nguy cơ gian lận và hỗ trợ phát hiện sai phạm trong chấm thi. Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi. Theo đó, sẽ tổ chức chấm theo cụm hoặc chấm chéo bài thi giữa các tỉnh, bảo đảm nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các đối tượng tham gia kỳ thi; tăng cường ứng dụng các thiết bị kỹ thuật vào tổ chức thi, bố trí các phương tiện kỹ thuật cao (như camera) giám sát quá trình chấm thi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo hướng thực chất và hiệu quả hơn.
Về công tác tuyển sinh năm 2019, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2018, trong đó, tăng cường tập huấn kỹ thuật nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyển sinh; tiếp tục phối hợp với các tỉnh xác định nhu cầu sử dụng giáo viên, khảo sát việc làm của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp để làm căn cứ giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm theo nhu cầu sử dụng.
Các trường đại học sẽ tuyển sinh như thế nào?
Sau sự việc gian lận từ kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh với công bố không còn kì thi “2 trong 1”, nghĩa là vừa lấy điểm xét tốt nghiệp, vừa lấy điểm xét ĐH. Vậy khi không còn kì thi “2 trong 1” các trường ĐH sẽ tuyển sinh ra sao?
Nói về phương án tuyển sinh năm 2019, nhiều trường ĐH cho biết, Bộ chưa có văn bản chính thức nào về phương án tuyển sinh năm 2019, do đó, các trường chưa có cơ sở để bàn bạc cho phương án tuyển sinh. Các trường phải đợi phương án chính thức rõ ràng của Bộ mới có thể quyết định. Bởi thế rất khó để nói trường sẽ tuyển sinh như thế nào, có dựa vào kết quả thi THPT quốc gia như năm trước hay không, bởi còn tùy thuộc vào độ khó của đề thi đến đâu. Nếu kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, thì vẫn có thể sử dụng một phần kết quả, còn không, các trường sẽ phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Còn việc sử dụng bao nhiêu phần trăm kết quả thi THPT quốc gia thì cần phải xem xét.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia từ khi tổ chức đến nay vẫn phục vụ cả 2 mục đích, vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ: “Năm nay Bộ thay đổi, chủ trương phục vụ chính cho việc xét công nhận tốt nghiệp thì cũng sẽ phải thay đổi quy chế thi THPT quốc gia, không còn mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Việc này cũng sẽ đặt ra những thách thức cho các trường cao đẳng, đại học. Trong bối cảnh ấy, các trường sẽ tuyển sinh như thế nào? Lý tưởng nhất thì nên có một cuộc thi đánh giá năng lực độc lập do Trung tâm khảo thí của Bộ tổ chức, để từ đó các trường lấy kết quả xét tuyển. Nhưng khi chưa có, các trường sẽ phải tự tính. Năm nay, mỗi trường sẽ đều phải nghĩ đến việc sẽ tuyển sinh như thế nào, có tổ chức thi đánh giá năng lực hay không, tận dụng kết quả thi đánh giá năng lực của một số trường hay tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mặc dù kỳ thi này không còn mục tiêu quan trọng là xét tuyển đại học, cao đẳng”. Tuy vậy, TS Lê Trường Tùng dự đoán rằng sẽ vẫn có nhiều trường sử dụng phương án này, rất ít trường đứng ra tổ chức thi riêng, hoặc sẽ chỉ kiểm tra thêm một số môn.
Còn PGS. TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, từ năm 2015 đến nay, kết quả của kỳ thi THPT quốc gia vừa được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Hầu hết các trường đều sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển cao đẳng, đại học. Đến giờ ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chưa có bất cứ phương án nào, vì chưa biết rõ cách thức cũng như định hướng đề thi. Nếu như đề thi chỉ để xét tốt nghiệp thì liệu có thể phân hóa được thí sinh hay không, nếu vậy các trường buộc phải tổ chức thi riêng. Nếu phân hóa được thì các trường vẫn có thể sử dụng kết quả đó. Chẳng hạn như có thể xem kết quả thi THPT quốc gia mới chỉ là điều kiện sàng lọc ban đầu. Sau đó nhà trường sẽ tổ chức một kỳ thi khác gọn nhẹ để phân hóa, chọn tiếp những thí sinh phù hợp.
Có thể nói, dù Bộ GD&ĐT sẽ thiết kế lại đề thi, chấn chỉnh lại mục đích kì thi song nhiều chuyên gia giáo dục vẫn lo ngại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 không có đổi mới đột phá. Bởi nếu kết quả thi không đủ độ tin cậy, các trường đại học sẽ ồ ạt tổ chức kỳ thi riêng. Khi đó, các em bị cuốn vào nhiều kỳ thi khác ngay sau thi tốt nghiệp, sẽ rất tốn kém và làm khổ thí sinh. Chưa kể, chuyện thi THPT quốc gia được tách hẳn sang phục vụ một mục đích sẽ như chưa từng có kì thi “ba chung” hay “2 chung”, nghĩa là các Sở tổ chức thi tốt nghiệp, các trường đại học tự tổ chức thi.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên PGĐ Đại học quốc gia TP HCM cũng cho rằng, thay đổi mục tiêu ra đề là phù hợp với nhu cầu thực tế vì một đề thi không thể nào hoàn thành tốt cùng lúc 2 nhiệm vụ xét tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học. Nhưng, về lâu dài cần tính đến việc xét tốt nghiệp THPT cho học sinh như thế nào cho hiệu quả. Hiện nay công thức tính kết quả xét tốt nghiệp phổ thông gồm 50% điểm trung bình lớp 12 và 50% kết quả thi THPT quốc gia. Tổ chức một kỳ thi quốc gia chỉ để phục vụ 50% kết quả xét tốt nghiệp là lãng phí và chưa thực sự hiệu quả.
Dù nhiều lãnh đạo đại học đều bày tỏ, nếu chủ động trong tuyển sinh thì trường nào cũng muốn, nhưng hiện giải pháp đưa ra chỉ là để hạn chế tiêu cực chứ chưa có cải tiến. Và các chuyên gia giáo dục đều chung quan điểm, dù có thay đổi, điều chỉnh ra sao thì vấn đề cốt yếu là ở con người. Sẽ không có phương pháp nào tốt nhất để loại bỏ tiêu cực, chỉ khi nào ngành giáo dục không còn chạy theo thành tích và nhà trường là nơi dạy người, dạy nghề thật sự thì mới mong những thế hệ sinh viên sau này trưởng thành và không vướng bận vào điểm số…
Uyên Nguyễn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 108, tháng 12/2018