Khi người trẻ đắm say… tà áo cổ
(GDTĐ) – Vốn là dân truyền hình, sau vài năm đi quay phim, chàng trai trẻ 9X Nguyễn Đức Lộc đã tìm lại bản ngã của chính mình. Hiện nay, Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự của anh đã phục dựng thành công một số trang phục áo dài cổ của người Việt như áo ngũ thân, áo giao lĩnh, hài, quạt, gối xếp…
Xuất phát từ tình yêu với lịch sử văn hóa dân tộc
Hỏi Lộc về cơn cớ đến với một công việc tưởng như quá “lạ” không chỉ với người trẻ, chàng trai 9X có vóc dáng thư sinh nho nhã cho rằng, bởi từ nhỏ Lộc đã rất thích tìm hiểu văn hóa lịch sử, thích tìm hiểu những thứ xa xưa, thích đọc rất nhiều sách sử, học tiếng Trung… Thế rồi, trong quá trình tham gia các nhóm Ðại Việt Cổ Phong, Ðình làng Việt, Vietnam Center…, tình yêu với lịch sử văn hóa dân tộc, nhất là với trang phục cổ trong Lộc càng thôi thúc cậu nghiên cứu, tìm hiểu. Từ đây, những bộ sưu tập áo dài truyền thống, áo giao lĩnh, hài, gối, guốc, quạt… mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền đã lần lượt được giới thiệu tới công chúng.
Không đơn độc trong hành trình tìm về văn hóa Việt, Lộc và những người trẻ, các cộng sự của mình nhận được sự giúp sức của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cổ trong vai trò cố vấn như nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức, học giả Trần Quang Đức (tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ), nhà nghiên cứu phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc. Các sản phẩm văn hóa này còn có sự góp sức của nghệ nhân nhiều làng nghề truyền thống, trong đó phải kể đến nghệ nhân Công Tôn Nữ Trí Huệ, chắt nội vua Minh Mạng sinh sống ở Huế. Đặc biệt chất liệu tạo nên các sản phẩm nói trên đều là của những làng nghề truyền thống nức tiếng khắp ba miền như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A.
Nói tới tính ứng dụng của trang phục cổ xưa trong đời sống đương đại, chàng trai 9X cho rằng các nhà thiết kế phải hiểu đúng và đủ về tinh hoa truyền thống mới có thể cách tân, phải hiểu trang phục truyền thống đẹp ở đâu để kết hợp những cái mới mà vẫn giữ được tinh hoa truyền thống. Có như thế, khi đứng giữa cộng đồng quốc tế, chúng ta và bạn bè thế giới vẫn nhận ra đó là trang phục của người Việt. Ðức Lộc cho biết, khó khăn lớn nhất khi làm những sản phẩm chứa đựng giá trị truyền thống là phải khiến cho mọi người hiểu được những giá trị này. Bởi vậy, không chỉ nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, Nguyễn Đức Lộc còn nghiên cứu cả những nghi lễ cung đình và dân gian, tái hiện kết quả nghiên cứu qua nghệ thuật sân khấu, trình diễn nhằm phục vụ du lịch và cộng đồng, góp phần đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với công chúng.
Mong muốn lan tỏa niềm đam mê vốn cổ
Trên hành trình tìm về vốn cổ, Lộc đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước, đến những nơi khởi sinh của tà áo, của đôi hài, của chiếc nón, của lụa… Lộc tỉ mẩn cùng những nghệ nhân còn lại để học hỏi, để thêm quý thân thương đến tận cùng với từng món đồ tưởng như nhỏ bé như cái khuy, khuyên cài, tua rua nón quai thao tựa như chiếc khuyên tai lớn để làm dáng của người phụ nữ xưa. Và hơn ai hết, Lộc hiểu, để làm nên cái áo xưa không hề đơn giản, còn tùy vào độ khéo léo của người làm, nhưng đã làm thì người đó đã quá đam mê và quyết chí nên dù xấu hay đẹp, đúng hay chưa đúng vẫn là những đứa con tinh thần những sản phẩm từ tấm lòng của người tạo dựng nên.
Và nữa, nói về sự khác biệt, ở An Nam xưa, chân là một nét đẹp của phụ nữ, vì vậy họ luôn để đôi chân ẩn hiện trên đôi hài, để vẻ đẹp của đôi “gót son” có thể được phô ra toàn diện. Trong khi người châu Âu chẳng bao giờ nghĩ tới gót chân, thì ở đây gót son lại là tiêu chí nét đẹp hàng đầu. Vì vậy, nhiều phụ nữ An Nam dù giàu có vẫn đi chân đất, hoặc đi những đôi hài nhỏ chỉ che được ngón chân. Có một điều đáng chú ý là trong khi phụ nữ Trung Quốc không bao giờ được để lộ chân, thì người An Nam lại hoàn toàn ngược lại. Vì lẽ đó, đôi hài, đôi dép của người phụ nữ An Nam đa phần lại để lộ gót chân, thậm chí kể cả các chiếc hài thêu loan phượng của các Hoàng hậu và Công chúa trong cung. Đây chính là một nét rất riêng của phụ nữ An Nam không lẫn vào đâu được.
Không những thế, theo Lộc, áo dài của phụ nữ Việt xưa cũng hoàn toàn riêng có, không hề giống áo trường sam của người Tàu. Đó là áo dài Việt hay để lộ cổ áo lót trắng ở trong ra ngoài, trường sam thì hiếm khi như vậy. Cổ áo dài nam thường cao và vuông khép kín, trường sam thì cổ thấp và bo tròn theo kiểu “cổ tàu”. Đường vạt áo của trường sam thẳng chứ không cong võng như áo dài, phần eo của áo dài Việt vẫn có độ ôm hơn. Tà áo của trường sam thường dài gần chấm chân, áo dài Việt thường chỉ quá gối. Cúc áo của áo dài thường chỉ cài đến eo, còn trường sam có khi đến tận hông, số lượng và vị trí cũng có khi nhiều hơn so với áo dài. Ống tay áo của trường sam thường rộng hơn, có thể xắn lên được, còn ống tay áo dài Việt thì ôm chít lại, tiện cho việc nhà mà không phải xắn áo. Ngoài ra người Việt mặc áo dài kết hợp đi kèm với khăn vấn tóc cũng làm tổng thể tạo nên sự khác biệt với người phương bắc.
Nói đến việc may áo dài xưa, áo ngũ thân thoạt nói tưởng chỉ giống cách cắt may áo dài bình thường, nhưng xoay quanh lại lắm chuyện lạm bàn. Với áo dài ngũ thân, chỉ riêng việc đặt làm nút áo cũng đã rất công phu. Đơn cử, làm nút thắt thì cũng phải lao tâm, phải may tay cái vải làm khuya rồi lộn và kéo thắt thành nút thắt sao cho nhỏ và tinh nhã, lại phải biết kết giấu mối chỉ cho khéo léo. Cao cấp hơn thì kiếm chỗ đặt nút bằng ngà, hay xương động vật. Hạt nút chỉ nhỏ tầm 5 đến 6 li nhưng có 5 hạt nút phải mất nửa ngày công thợ mới xong. Còn ở dạng nút đồng, thì càng nhiêu khê, người thợ bạc, gò miếng đồng trong khuôn tròn bán nguyệt rồi úp hai nửa tròn lại, tỉ mỉ hàn két tròn, rồi hàn cái khoen vào. Cả ngày trời mới được hai ba cái nút, rồi mài giũa, đánh bóng…
Với lụa, từ những sợi tơ tằm nguyên bản, ngưng đọng tài hoa và sự khéo léo của người nghệ nhân, kết tinh thành tấm lụa mềm mướt mát. Lụa vân thọ đỉnh, niềm tự hào của nghề dệt cổ truyền Vạn Phúc luôn là lựa chọn hàng đầu về chất liệu cho chiếc áo dài năm thân của các quý cô. Chất liệu, tựa như nền gấm thêu hoa, là thứ tiên quyết làm nên vẻ sang trọng của chiếc áo dài năm thân. Thứ đến là dáng áo. Dáng áo xòe rộng vừa phải, không bó sát cũng không quá lòa xòa. Nách áo rộng cho từng cử chỉ được thoải mái, còn cổ tay lại ôm sát như giữ lấy sự gọn gàng, nề nếp…
Hỏi Lộc về những kỉ niệm, những ám ảnh khi tìm về… quá khứ, Lộc kể, nhiều người đã khóc khi nhìn thấy những chiếc gối, những tà áo ngũ thân, đó là hình bóng của bà, của mẹ họ, của dòng tộc vang bóng một thời… Và Lộc đã nghe nhiều những tâm sự, những kí ức miên man đẹp đẽ và cả ám ảnh như thế… Mới đây, Lộc cùng các đồng nghiệp lần đầu được trực tiếp nghiên cứu một hiện vật cung đình quý hiếm, một bộ Phượng bào của Hoàng phi thời Đồng Khánh Đế. Bộ Phượng bào này vừa được đấu giá thành công và hồi hương cố quốc, hiện lưu giữ ở Hà Nội. Dù không phải là lần đầu, nhưng khi chạm tay vào cổ vật, cảm xúc rất khó tả, khi được nhìn tận mắt, chạm tận tay, từng đường kim mũi chỉ, từng họa tiết đều vô cùng tinh xảo và được chế tác với kỹ thuật rất cao…. Mới đây nhất, giữa tuyết trắng Thụy Điển, một khách hàng đã gửi về tấm ảnh áo dài cổ, chiếc áo đỏ giữa xứ tuyết xa xôi dường như là những nhớ thương đến kì lạ, ẩn chứa, xao xuyến, nức nở trong từng vạt áo, vành khuyết, chiếc khuy… Như ở nơi xa lạ ấy, vẫn có cả quê hương thương nhớ, trầm ấm trong bữa cơm ngày 30 Tết…
Thu Uyên – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 112, tháng 4/2019