Hiệu quả của phần mềm Lectora trong hỗ trợ dạy học môn Lịch sử
(GDTĐ) – Ứng dụng phần mềm Lectora trong dạy học có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu môn học, góp phần đào tạo những con người lao động có năng lực thực hành, chủ động, sáng tạo. Với môn Lịch sử, việc ứng dụng phần mềm Lectora vào dạy học lại càng cần thiết hơn vì nó giúp giáo viên có thể cung cấp cho học sinh nhiều nguồn tư liệu khác nhau để học sinh tự học, tự tìm ra tri thức cho bản thân. Nếu sử dụng tốt, phần mềm Lectora sẽ góp phần đổi mới PPDH Lịch sử và mang đến những tiết học thú vị, hiệu quả hơn cho HS tạo được sự say mê và hứng thú học tập cho các em.
Sự tương thích, linh hoạt khi sử dụng phần mềm Lectora
Phần mềm Lectora chạy ổn định trên tất cả các hệ điều hành Windown và không xung đột với các phần mềm khác. Cụ thể, phần mềm Lectora là phần mềm soạn bài giảng nằm trong hệ thống dạy và học tương tác (Digital Interative Classroom), dùng Authoring Tools để tạo khóa học. Theo cách này, cấu trúc khóa học Lịch sử được thể hiện rõ ràng, nội dung, các hoạt động học tập được thiết kế tập trung, cho phép tạo ra các hoạt động với sự tương tác cao theo ý đồ người dạy. Phần mềm này hỗ trợ nhiều định dạng thông tin khác nhau như: chữ, hình ảnh, âm thanh, phim hay hoạt hình… và có thể liên kết dễ dàng với phần mềm: Word, Powerpoint…
Lectora tạo ra môi trường tương tác giữa thầy và trò trong tiến trình giảng dạy, cho phép giáo viên xây dựng các mô phỏng về sự kiện, hiện tượng lịch sử để nghiên cứu chi tiết quá trình, biến đổi của các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Phần mềm này có khả năng đáp ứng đầy đủ các tính năng cần thiết của một bộ phần mềm soạn bài giảng theo hướng tương tác, giúp người học dễ dàng lĩnh hội được các kiến thức trọng tâm của bài học.
Hiệu quả tiếp thu kiến thức lịch sử cơ bản của học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó vấn đề PPDH có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc ứng dụng Lectora trong dạy học chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho cơ chế khoa học về phát huy tính tích cực của học sinh được thực hiện. Bởi lẽ, qua Lectora thao tác của thầy bao giờ cũng được xem xét trong một hệ thống hoàn chỉnh, nó luôn lấy trò làm đối tượng vận động, làm tiền đề tất yếu cho hoạt động dạy của thầy. Đặc trưng cơ bản này của Lectora “buộc” người giáo viên phải thường xuyên chú ý tới hoạt động của trò, thường xuyên khai thác tiềm năng sáng tạo của HS. Thầy đã thực hiện đúng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn hoạt động nhận thức của học sinh. Đó là kết quả quan trọng của việc thực hiện Lectora trong dạy học Lịch sử.
Hiệu quả khi sử dụng phần mềm Lectora
Hướng dẫn HS tìm hiểu kiến thức mới
Hoạt động này có tác dụng thu hút sự chú ý, huy động những kiến thức HS đã học và kích thích hoạt động trí tuệ, hứng thú của các em đối với vấn đề sẽ nghiên cứu. Công việc này còn có ý nghĩa định hướng HS những nội dung chính cần tìm hiểu trong quá trình nghiên cứu bài. Có nhiều cách để nêu mục đích học tập trước khi nghiên cứu kiến thức mới, song một trong những phương pháp hiệu quả nhất là GV dùng lời nói sinh động trình bày tạo tình huống “có vấn đề” đồng thời đưa ra “bài tập nhận thức” (câu hỏi nêu vấn đề) được thiết kế bởi phần mềm Lectora lên màn hình để HS quan sát, suy ngẫm. Ví dụ, khi dạy bài 11 “Tình hình các nước tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918- 1939)”, GV nêu vấn đề như sau: “Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) kết thúc, một trật tự thế giới mới được thiết lập nhưng mâu thuẫn giữa các nước đế quốc Anh, Pháp, Mĩ và Đức, Italia, Nhật về vấn đề thuộc địa vẫn chưa được giải quyết, quan hệ hòa bình giữa các nước tư bản trong thời gian này chỉ là tạm thời và mong manh. Từ năm 1918-1939 là thời kì hai bên lại tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới mới. Vậy quá trình này diễn ra như thế nào? Nguyên nhân nào đã khiến chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ? Bài học hôm nay sẽ giúp các em nắm được những vấn đề trên. Kết hợp với lời dẫn dắt, GV trình chiếu giới thiệu bài giảng. Việc đưa HS vào tình huống “có vấn đề” và phát triển “vấn đề” như trên giúp HS tập trung vào những kiến thức cơ bản của bài, tạo sự “xung đột”, “mâu thuẫn” kiến thức giữa các vấn đề đã biết (Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918) với “chưa biết” (Tình hình các nước tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918-1939), sẽ tạo sự “tò mò” cho HS tìm hiểu bài mới để giải đáp được câu hỏi của GV.
Hướng dẫn HS tự học ở nhà và tự kiểm tra, đánh giá
Tự học ở nhà là sự tiếp nối một cách logic các hoạt động tự học trên lớp, tự học ở nhà bao gồm các hoạt động: Nắm vững tài liệu đã học tập bằng cách nghiên cứu lại vở ghi, SGK và kết hợp với sự hỗ trợ của phần mềm Lectora để hiểu sâu kiến thức; Làm các bài tập và trả lời câu hỏi trong phần mềm Lectora; Tự làm việc với tranh ảnh, bản đồ ngoài SGK; Tự đọc thêm các tài liệu tham khảo để mở rộng kiến thức. Ví dụ: Sau khi HS học xong bài 11, GV đưa ra bài tập thống kê các nội dung, sự kiện cơ bản của bài và yêu cầu HS nối các sự kiện LS với mốc thời gian phù hợp.
Sau khi hoàn thành bài tập, HS nhấp chuột vào nút “Done” trên màn hình để kiểm tra bài làm của mình. Việc rèn luyện kĩ năng tự kiểm tra, đánh giá trong học tập LS là một trong những biện pháp góp phần hình thành tri thức LS cho HS và nâng cao chất lượng bộ môn. Tuy nhiên, để hoạt động tự kiểm tra, đánh giá của HS có kết quả, không chỉ là sự rèn luyện, nỗ lực của HS mà cần sự hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên của GV.
Dạy học Lịch sử ở trường phổ thông có sự hỗ trợ của phần mềm Lectora đã mang lại những hiệu quả tốt tạo được sự hứng thú, say mê học tập cho HS. Xu hướng dạy học trên hoàn toàn phù hợp với chủ trương “dạy học định hướng phát triển năng lực học sinh” và “vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học” của ngành giáo giáo dục hiện nay.
ThS. Đặng Danh Hướng (THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai)- Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 72, tháng 12/2015