Hãy tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ
(GDTĐ) – Không phải người cha, người mẹ nào cũng biết rằng, một trong những câu nói của cha mẹ khiến con mình “tan nát cõi lòng”, đó chính là câu: “Trông con người ta mà thèm…”. Là cha mẹ, chúng ta cảm thấy thế nào nếu một ngày nào đó con mình cũng nói câu ngược lại như vậy: “Trông bố mẹ người ta mà thèm…”.
Không ít người lớn, kể cả các thầy giáo, cô giáo nghĩ rằng để trẻ chăm học, học giỏi, có ý chí phấn đấu thì cần phải “khích tướng”, phải so sánh trẻ với những đứa trẻ khác, mà việc so sánh phải mang tính “dìm hàng”, có thế trẻ mới tự ái mà cố gắng. Chính vì thế, những câu nói như: “Nhìn con người ta mà thèm, cũng cơm ấy, gạo ấy mà con người ta chẳng phải học thêm, học nếm gì, cứ tằng tằng mỗi năm một lớp, lại còn là học sinh giỏi nữa chứ…”, hoặc: “Thấy con người ta mà thèm, vừa cao khỏe, đẹp trai vừa chăm học, ngoan ngoãn, không bao giờ đi chơi, không biết ăn quán, chỉ ăn cơm mẹ nấu, lại còn biết rửa bát, giặt đồ cho cả nhà nữa chứ…”. Cậu con trai nghe mẹ “khích tướng” thế đã hỏi mẹ mình: “Con người ta là ai mà suốt ngày mẹ nói đến thế?”. Có những phụ huynh không chỉ so sánh con mình với “con người ta”, mà còn so sánh với anh, em ruột, anh em con chú bác, cô dì của trẻ. Đây là cách ứng xử không đúng, không mang lại hiệu quả về mặt giáo dục, ngược lại, nó sẽ tạo ra tâm lý bực tức, giận dỗi, thậm chí là căm thù cả người so sánh mình lẫn người trở thành “hình mẫu” để so sánh.
Thực tế, không có 2 con người giống nhau như đúc, kể cả anh chị em sinh đôi. Mỗi con người là một thế giới, một “tiểu vũ trụ”, có những bản sắc rất riêng. Người lớn cũng vậy, không ai giỏi toàn diện. Nhà văn, nhà thơ chắc gì đã biết tính nhẩm nhanh hay thay một cái bóng đèn cháy? Một kỹ sư giỏi, vậy mà vẫn bị chê “miệng ăn thì có miệng nói thì không” bởi kỹ năng giao tiếp của anh ấy kém. Tiến sĩ Toán học có khi lại rất khù khờ trong việc xử lý các vấn đề của cá nhân, gia đình, xã hội, cứ ra khỏi lĩnh vực Toán thì anh ấy trở thành “ngố rừng”. Anh nào thông minh, nhanh nhẹn, có sáng tạo, thường không được coi là “ngoan” vì khó chấp nhận sự chỉ đạo theo mệnh lệnh, làm việc một cách dập khuôn, máy móc. Những người hiền lành, chất phác thường ít sáng kiến và khó trông mong chờ đợi gì nhiều ở họ. Con quạ có mỏ dài được coi là thông minh khi nó có thể uống nước trong cái bình có cổ dài và hẹp. Nhưng nó sẽ trở nên tội nghiệp khi được mời ăn cháo loãng được đổ ra cái đĩa rộng lòng. Trong khi đó, con cáo chỉ lè lưỡi liềm vài đường là hết đĩa cháo!
Đặc biệt, chúng ta có thói quen đánh giá trí thông minh thông qua việc học giỏi môn Toán, môn Văn. Nhưng các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng có 8 loại trí thông minh. Đó là trí thông minh tự nhiên, trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh toán – lôgic, trí thông minh vận động, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh không gian, trí thông minh tương tác xã hội và trí thông minh tự nhận thức bản thân.
Người có trí thông minh ngôn ngữ rất nhạy cảm với từ ngữ, ý nghĩa sâu xa của lời nói, biết sử dụng ngôn ngữ một cách có hiệu quả. Những người này có thể học giỏi Văn, thích viết lách, ham giao lưu, trò chuyện, rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Họ sẽ phát huy thế mạnh của trí thông minh này vào những nghề như luật sư, nhà giáo, nhà báo, nhà thuyết trình, diễn giả. Tương tự như thế, người có trí thông minh vận động rất ham các môn như thể dục, thể thao, múa, nhảy, đi lại biểu diễn. Họ sẽ thành công trong lĩnh vực thể thao, nghệ thuật, biểu diễn, nhưng có thể học dốt môn Toán… Rất ít người có đủ cả 8 loại trí thông minh này, nhưng ai cũng có ít nhất một loại trí thông minh nào đó, số người có vài ba loại trí thông minh cũng không nhiều. Đó là lý do người phương Tây hay nói: “Con cái chúng ta đều tài giỏi cả” hay “bạn giỏi, tôi giỏi, chúng ta đều giỏi”. Một nhận xét vừa rất khoa học lại rất nhân văn!
Vì vậy, để giúp con phát triển và trưởng thành, cha mẹ cần đồng hành cùng con. Không nên so sánh con mình với con người khác mang tính xúc phạm con mình. Hãy tạo cơ hội cho con được trải nghiệm nhiều hoạt động, chứ không phải lúc nào cũng chỉ có điệp khúc “học, học đi!”. Cho con được đi học võ, tham gia lớp vẽ, lớp múa, đừng ngại nếu con thích thử mình trong lĩnh vực văn nghệ, cầu lông, bóng đá, được đi đây đi đó, được lên sân khấu, tham gia diễn đàn. Có thử trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bản thân trẻ cũng như cha mẹ mới phát hiện ra đâu là loại trí thông minh nổi trội của con, đâu là sở thích, đâu là sở trường, là khát khao của con. Từ đó có cái nhìn nhận công bằng về con. Cha mẹ sẽ có lúc nhận ra rằng: Con tôi không học giỏi Toán, nhưng cháu vẽ đẹp và có khả năng học ngoại ngữ nhanh; Con tôi không học giỏi môn Hát – Nhạc, nhưng cháu khỏe mạnh và rất ham mê thể thao, đặc biệt là bóng bàn; Tuy cháu còn mải chơi, nhưng được cái tiếp thu nhanh, nếu tập trung chú ý, cháu đều hoàn thành tốt các bài học; Tuy cháu học tập bình thường, chưa phát hiện ra cháu giỏi lĩnh vực nào, nhưng cháu là đứa trẻ bình thường…
Hãy nhớ, một cầu thủ bóng đá giỏi, một vận động viên chạy xa giỏi, một vũ công giỏi, một võ sĩ giỏi, một hoạt náo viên giỏi … cũng có giá trị xã hội như một giảng viên Toán giỏi, bác sĩ giỏi, nhà báo giỏi. Các thầy giáo, cô giáo thấm nhuần tư tưởng này cũng mới hiểu được bản chất thực sự của đổi mới giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm, đánh giá học sinh theo năng lực và phẩm chất…
Xin nhắc lại, mỗi đứa trẻ đều có “cái giỏi”, có loại trí thông minh nổi trội của mình. Đừng so sánh mà hãy tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ, bởi con cái chúng ta có đâu dám nói: “Nhìn bố người ta mà thèm, cùng bằng tuổi nhau, học cùng trường, mà bố người ta thì đã là giám đốc, còn bố mình thì mãi mãi chỉ là một… nhân viên quèn!”.
Đinh Thủy – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 94+95, tháng 11/2017