Hà Nội tổ chức giao ban báo chí thông tin kế hoạch chuẩn bị năm học mới 2020-2021

Hà Nội tổ chức giao ban báo chí thông tin kế hoạch chuẩn bị năm học mới 2020-2021

(GDTĐ) – Chiều 7/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban báo chí thường kỳ thông tin về kết quả năm học 2019-2020 và công tác chuẩn bị cho năm học 2020-2021. Chủ trì hội nghị có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học; Cùng dự có Ban Giám đốc, Trưởng các phòng thuộc Sở GDĐT Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số Phòng GDĐT, trường học trên địa bàn…

Duy trì chất lượng giáo dục, chuẩn kiến thức và kỹ năng cho học sinh

Năm học 2019-2020, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Giáo dục Thủ đô đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học với mục tiêu vừa chống dịch, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục. Việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho học sinh được triển khai hiệu quả; bảo đảm tốt các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại; hỗ trợ tích cực cho giáo viên, học sinh khó khăn thông qua chương trình “Máy tính cho em”.

Toàn thành phố có 2.748 trường mầm non và phổ thông với hơn 2 triệu học sinh. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố đạt 71,6%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5-4-2012 của HĐND thành phố. Học sinh Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 144 giải quốc gia, 338 giải và huy chương tại các kỳ thi quốc tế.

Năm 2019 để lại dấu ấn đậm nét về mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế lĩnh vực GDĐT. Giáo dục Hà Nội đã tổ chức thành công 02 kỳ thi quốc tế gồm: kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) với sự tham gia của 657 học sinh đến từ 24 tỉnh, thành phố và 13 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) có sự tham gia của 719 học sinh dưới 13 tuổi đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, việc triển khai đồng đều các mặt giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh cũng được ngành GDĐT Thủ đô đặc biệt quan tâm và đạt kết quả cao.

Đảm bảo các điều kiện tốt nhất chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021

Năm học 2020-2021, quy mô học sinh Thủ đô tăng khoảng 68.000 học sinh. Công tác chuẩn bị cho năm học mới đang được khẩn trương triển khai. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng, thành lập mới 38 trường học ở các cấp học với tổng kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng; khối trực thuộc có 72 trường được cải tạo với kinh phí 445 tỷ đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức xét tuyển viên chức đối với 2.034 trường hợp lao động hợp đồng giảng dạy tại các trường công lập từ năm 2015 trở về trước; tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức tại các trường học năm học 2020-2021.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học phát biểu tại hội nghị

Chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và thi tuyển sinh vào lớp 10, ngành GDĐT Hà Nội đã xây dựng phương thức thi và tuyển sinh phù hợp. Về công tác chuẩn bị tổ chức tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10), Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp. Tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày. Đảm bảo năm rõ: Tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh; Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu. Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1; Tiếp tục sử dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến thông qua cổng điện tử http://tsdaucap.hanoi.gov.vn; tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh…

Tại hội nghị, các cơ quan báo chí trao đổi xoay quanh các nội dung: Công tác thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10, tuyển sinh các lớp đầu cấp; Lựa chọn SGK chuẩn bị cho Chương trình và SGK phổ thông mới; Phân luồng học sinh THCS lớp 9; Mạng lưới trường lớp học phục vụ số lượng học sinh ngày càng tăng; Chất lượng dạy và học trực tuyến trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19; Hỗ trợ các nhà trường và giáo viên gặp khó khăn trong thời điểm phòng chống dịch…

Đại diện lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội đã cung cấp những thông tin cụ thể tại hội nghị. Theo đó, trước băn khoăn về việc thành phố Hà Nội có hơn 104.000 học sinh lớp 9 xét tốt nghiệp, nhưng tỷ lệ chỉ tiêu được tuyển vào các trường THPT công lập chỉ chiếm 62%, vậy thì số thí sinh còn lại học ở đâu, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho biết: Toàn thành phố có gần 89.000 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi vào lớp 10. Như vậy còn khoảng 15.000 học sinh không đăng ký dự thi, nhiều hơn 5.000 học sinh so với năm học trước. Sở GDĐT Hà Nội đã rà soát, thống kê về nguyện vọng học tập của những học sinh này. Theo đó, các em đã đăng ký dự tuyển vào các trường ngoài công lập, vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; số còn lại đăng ký theo học ở 38 trường trung cấp nghề. Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại nhận định: Với tỷ lệ 62% số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào trường THPT công lập, trong khi có gần 89.000 học sinh dự thi, thì có 65.000 học sinh đỗ. Như vậy là tỷ lệ đỗ rất lớn, phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng.

Về việc chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Kiều Văn Minh cho biết, từ năm 2019, Sở GDĐT Hà Nội đã chủ động tổ chức bồi dưỡng cho CBQL, GV tiểu học nắm vững toàn bộ những vấn đề của Chương trình GDPT mới; tập trung bồi dưỡng cụ thể trong năm 2020 đối với giáo viên dạy học lớp 1. Hiện, TP đã hoàn thành việc bồi dưỡng trực tiếp cho GV, trong tháng 7 sẽ xong việc bồi dưỡng về chủ đề 1 những vấn đề dạy học SGK lớp 1 cho GV dạy lớp 1…

Về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, TP đã thành lập BCĐ, họp giao nhiệm vụ, ban hành kế hoạch, quy trình tổ chức theo đúng quy chế. Rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ tham gia kì thi, đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng qui trình, quy chế…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đánh giá cao những kết quả ngành GDĐT Thủ đô đạt được trong năm học 2019-2020. Đồng chí nhấn mạnh: Năm học vừa qua, ngành GDĐT đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì và đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển bền vững. Thầy, trò trong toàn ngành đã nỗ lực, sáng tạo, kịp thời có nhiều giải pháp hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm học… Thời gian tới, thành phố tập trung tổ chức tốt kì thi tốt nghiệp THPT; tuyển sinh lớp 10; tuyển sinh vào các lớp đầu cấp cũng như chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Trưởng ban Phạm Thanh Học đề nghị các cơ quan báo chí đồng hành với ngành GDĐT Thủ đô để thông tin, tuyên truyền kịp thời những nội dung liên quan đồng thời định hướng dư luận đồng thuận với các hoạt động của ngành, đảm bảo quyền học tập của học sinh Thủ đô…

Kiều Giang