Giúp trẻ vượt qua thất bại
(GDTĐ) – Trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ người lớn cảm nhận được sự đau khổ, chán chường khi gặp phải thất bại trên đường đời mà ở tuổi học đường, con trẻ cũng có nỗi buồn tủi khi không thành công trong học tập, trong hoạt động thể thao, vui chơi giải trí. Điều nguy hại là đối với học sinh, tuổi đời còn nhỏ nếu không biết cách vượt qua những thất bại ban đầu sẽ khiến trẻ sợ hãi, mất tự tin với nỗi ám ảnh về sự thất bại, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển tính cách của trẻ sau này. Vì vậy, nhà trường, xã hội và các bậc ông bà, cha mẹ cần có biện pháp để giúp con trẻ vượt qua tâm lý thất bại ấy.
Bên cạnh nhà tôi có một cặp vợ chồng rất thành đạt, khá giả về kinh tế và có một cuộc sống rất hạnh phúc. Tuy vậy, họ luôn lo lắng và phiền lòng vì cậu quí tử học lớp 6 không cố gắng trong học tập. Lần nào cũng vậy, cứ đến giờ làm bài tập toán, cậu ta loay hoay không biết cách giải. Thấy vậy, bố cậu bé chê trách và có những động tác tỏ ra thất vọng. Cậu bé vì thế càng quẫn trí, chán nản. Từ đó, cứ nhìn thấy toán là cậu sợ hãi. Rõ ràng, bố mẹ không đánh mắng nhưng qua những lời chê trách, những cử chỉ diễn tả bên ngoài đã vô tình làm con cái mất đi khả năng tự xử lý trước một khó khăn, thất bại. Nên chăng, bố mẹ cần gần gũi, động viên, khích lệ để con tự tin, kiên trì, tìm cách giải bằng được bài toán dù phải làm lại nhiều lần. Cần giúp con hiểu rằng: “Tự chinh phục mình là chiến thắng vĩ đại nhất” (Plato).
Nỗi ám ảnh về sự thất bại còn đến với trẻ nhỏ ở tuổi mẫu giáo khi tham gia các trò chơi ghép hình mà nhiều lúc người lớn không chú ý. Trong khi có nhiều trẻ tỏ ra thích thú bởi ghép được hình bông hoa, ngôi nhà, con chim… thì cũng có những trẻ loay hoay, bần thần, buồn bực vì không ghép được hình như mong muốn. Điều này dẫn đến những phản ứng tiêu cực như tách khỏỉ cuộc chơi, quăng bỏ, đập phá đồ chơi. Vì thế, nhà trường, gia đình cần lưu ý rèn luyện tính kiên nhẫn để trẻ có thói quen ứng xử khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Đối với học sinh ở bậc THPT đang bắt đầu trưởng thành trong mối quan hệ xã hội đa dạng hàng ngày, bên cạnh những niềm vui thành đạt cũng cần biết cách đương đầu với thất bại để không hụt hẫng, bi quan trước cuộc đời. Trong thực tế, không ít học sinh chưa thể thực hiện được ước vọng của mình qua những lần thi cử, qua việc chọn ngành nghề yêu thích. Việc chưa thành công ấy cũng là lẽ thường tình đối với một con người. Có điều, mỗi học sinh cần bình tĩnh, không bi quan để có ý chí phấn đấu, làm lại từ đầu. Thời điểm khó khăn khi học sinh cuối cấp THPT với tuổi đời 17 còn rất trẻ, rất cần sự cảm thông, giúp đỡ của các thầy cô giáo, của các bậc ông bà, cha mẹ để biết ngẩng cao đầu đứng dậy từ thất bại, tiếp tục phấn đấu quyết đạt mục đích cuộc đời. Đúng như lời khuyên của Brian Tracy- một triết gia người Canada: “Mỗi lần thất bại lại thêm một cơ hội để bắt đầu lại một cách khôn ngoan hơn”. “Thất bại là điều kiện tiên quyết để dẫn đến thành công”.
Trong lĩnh vực thể thao, văn nghệ cũng vậy. Muốn chơi tốt các môn bóng đá, cầu lông, bóng rổ, cờ vua, muốn có giọng hát hay đòi hỏi các em phải kiên nhẫn học hỏi, rèn luyện. Phải biết đổ mồ hôi trên sân tập, phải trải qua thất bại mới rút ra bài học thành công. Ngay cả những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội cũng vậy, sự nỗ lực của bản thân là yếu tố hết sức quan trọng, đúng như thủ môn nổi tiếng người Ý Buf Fon đã từng nói: “Thiên tài: 5% do cảm hứng, 95% do khổ luyện”.
Cuộc sống hàng ngày của con trẻ, của học sinh phổ thông nói chung, bên cạnh niềm vui thành công cũng có khi phải nếm mùi thất bại. Thất bại có thể hiện diện ở mọi lĩnh vực: trong trường học, ngoài xã hội, trong thi cử, trong mối quan hệ giữa con người nhưng điều quan trọng mà mỗi học sinh cần phải ghi nhớ là dù thất bại nhưng không bi quan mặc cảm, luôn có ý chí vươn lên với niềm tin sẽ đạt được thắng lợi lần sau. Các bậc ông bà, cha mẹ cần giúp các em vững vàng về mặt tâm lý để không lùi bước trước thất bại, coi thất bại là bài học kinh nghiệm để vươn tới thành công.
Trần Cự – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 88, tháng 4/2017