Giáo dục truyền thống cho học sinh THCS thông qua các tiết Ngữ văn
(GDTĐ) – Làm thế nào để những truyền thống tốt đẹp của chúng ta được bảo tồn và phát huy trong giai đoạn hội nhập hiện nay? Làm thế nào để mọi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy tự hào về truyền thống dân tộc, tự hào khi là công dân Việt Nam?
Trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống xã hội đang trong quá trình toàn cầu hóa đã mang lại cho nước ta nhiều cơ hội lớn để phát triển nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề mang tính báo động, đó là sự tha hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ dân cư, những tệ nạn xã hội đang len lỏi phá hoại nếp sống văn minh, đạo lý truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.
Nhà trường với đặc trưng riêng của mình là nơi thuận lợi nhất cho việc truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu, yêu, tự hào với các truyền thống tốt đẹp của dân tộc và biết cách phát huy nó. Có rất nhiều cách để các nhà trường giáo dục truyền thống cho học sinh như lồng ghép giáo dục trong các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể; lồng ghép giáo dục trong các tiết dạy, các môn học. Bài viết này đề cập đến việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các tiết dạy trong nhà trường.
Tạo lập cho học sinh thói quen ứng xử theo các chuẩn mực truyền thống
Từ điển Tiếng Việt đã chỉ rõ: “Truyền thống là cách suy nghĩ, cư xử, hành động, thừa hưởng từ thế hệ trước”. Truyền thống có nhiều cấp độ khác nhau. Có truyền thống gia đình, truyền thống địa phương, đơn vị, truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc. Truyền thống là những quy tắc sống, những kinh nghiệm xã hội được hình thành từ lâu đời được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và nói đến truyền thống là đề cập đến những quy tắc, thói quen tốt đẹp cần giữ gìn, phát huy. Giáo dục truyền thống cho học sinh qua các tiết học là quá trình tác động có tổ chức, có mục đích của thầy cô giáo tới các em học sinh để hình thành cho các em ý thức, tình cảm, niềm tin, niềm tự hào với những quy tắc, thói quen tốt đẹp, những giá trị chuẩn mực của thế hệ đi trước từ đó tạo lập cho học sinh thói quen, hành vi ứng xử theo các chuẩn mực truyền thống của dân tộc.
Tại trường THCS Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng, từ nhiều năm nay, Ban giám hiệu nhà trường đã đưa vào chương trình hoạt động một nhiệm vụ trọng tâm:“Đẩy mạnh phong trào dạy và học đi sâu vào chất lượng tạo nên hiệu quả thúc đẩy công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, giáo dục những truyền thống tốt đẹp cho học sinh, tạo nét đẹp riêng, phong cách riêng cho giáo viên, học sinh Tây Sơn”.
Bên cạnh việc tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh hướng về các giá trị đạo đức cần phát huy như cuộc thi “Chúng em hát Quốc ca và những bài hát cách mạng”, “Em yêu lịch sử Hà Nội”, “Chúng em là chủ nhân văn minh của Hà Nội thanh lịch”, hội thi “Phá cỗ trung thu”… trong các tiết học, giáo viên nhà trường cũng đã đưa việc giáo dục những quy tắc, thói quen tốt đẹp, những giá trị chuẩn mực vào nội dung bài dạy để qua đó dần hình thành ý thức, tình cảm, niềm tin, cho học sinh.
Lồng ghép giảng dạy để học sinh thêm yêu quê hương, đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Truyền thống có nhiều cấp độ, nhưng truyền thống đẹp nhất, đáng trân trọng nhất của nhân dân Việt Nam chính là truyền thống yêu nước. Chính truyền thống này đã giúp chúng ta tạo dựng nên tên tuổi quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Làm thế nào để bồi đắp cho các em lòng yêu Tổ quốc? Giáo viên dạy văn qua từng tiết dạy giới thiệu với học sinh những nét đẹp khác nhau của đất nước Việt Nam được thể hiện trong các văn bản đã được biên soạn trong sách giáo khoa. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên vùng biển Bái Tử Long trong bài “Cô Tô”(Ngữ văn 6), vẻ đẹp của Động Phong Nha trong bài “Động Phong Nha” (Ngữ văn 6), vẻ đẹp của Huế mộng mơ trong “Ca Huế trên sông Hương”… Và không chỉ vẻ đẹp của thiên nhiên, mà điều đáng trân quý hơn là vẻ đẹp của con người Việt Nam. Đó là vẻ đẹp chịu thương chịu khó của người lao động trong các câu ca dao; vẻ đẹp sẵn sàng hy sinh cái riêng vì cái chung to lớn của đất nước thể hiện qua các nhân vật như: Ông lão trong văn bản “Làng”; những cô thanh niên xung phong trong “Những ngôi sao xa xôi”; những người lính trong “Đồng chí” hay “Tiểu đội xe không kính”, anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”… Với việc cảm nhận được các vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người, học sinh sẽ yêu hơn, tự hào hơn với quê hương Việt Nam.
Trong khi lồng ghép, giáo dục học sinh, giáo viên nên chú ý tới cả những vấn đề rất đời thường như trang phục, ăn uống…
Trong xu thế hội nhập hiện nay, đối với thế hệ trẻ, Tết không còn ý nghĩa thiêng liêng nữa. Với nhiều bạn, Tết chỉ là một đợt nghỉ dài ngày, là dịp các bạn đi du lịch đến những vùng đất mới, những quốc gia láng giềng. Vì vậy, muốn thổi vào tâm hồn các em tình yêu đối với ngày Tết cổ truyền của dân tộc, muốn các em hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết, những phong tục, tập quán đẹp trong ngày Tết … giáo viên, khi dạy văn bản “Mùa xuân của tôi” -Tác giả Vũ Bằng, trích trong Thương nhớ mười hai (Ngữ văn lớp 7), bên cạnh việc chú ý khai thác những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản như định hướng trong sách giáo viên, cần giáo dục học sinh tình yêu, sự trân trọng với Tết cổ truyền của dân tộc, giáo dục các em truyền thống kính trọng tổ tiên, kính trọng những người đi trước, truyền thống gia đình gắn kết. Giáo viên có thể chọn bình các chi tiết như: Nghi lễ đón xuân (nhang trầm, đèn nến trên bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên); Không khí trong gia đình (đoàn tụ, trên kính dưới nhường; Lòng người ngày xuân (ấm áp, vui, nhựa sống trong người căng lên, tươi trẻ hơn, thêm khao khát yêu thương).
Hay khi dạy văn bản “Cốm- một thức quà của lúa non”- Thạch Lam, giáo viên lại có thể giới thiệu cho các em một món ngon rất riêng của Hà Nội, giáo dục học sinh văn hóa ẩm thực. Qua việc bình chi tiết “Ăn cốm: từng chút ít, thong thả, ngẫm nghĩ”, học sinh sẽ cảm nhận được “Chỉ khi ấy, cái hạt cốm tinh khôi mới tan, mới thấm trong ta cái hương ngọt mềm của trời mây non nước, của sóng lúa rì rào, của đầm sen ngan ngát, của màu mây lãng đãng, nghĩa là cả hồn mình hòa lẫn với hồn thu. Cốm là cái lộc của Trời, cái khéo léo của con người. Mua cốm, thưởng thức cốm phải hiểu được ý nghĩa sâu xa đẹp đẽ của thức quà độc đáo này”.
Ở mỗi văn bản Ngữ văn, bên cạnh việc khai thác các tầng nội dung và các biện pháp nghệ thuật được tác giả chọn sử dụng một cách tinh tế, người giáo viên cần tìm ra và nâng lên để giáo dục học sinh một nét truyền thống nào đó của dân tộc.
Trong những ngày đầu năm 2016, ngành GD&ĐT quận Hai Bà Trưng đã thực hiện một chuyên đề Ngữ văn tích hợp giáo dục truyền thống cho học sinh tại trường THCS Lê Ngọc Hân. Thông qua tiết dạy “Tục ngữ về con người và xã hội”, một loạt phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam được học sinh tự tìm hiểu và được giáo viên giải quyết khá thấu đáo. Học sinh hiểu được tại sao con người cần phải “Thương người như thể thương thân”, cần sống “Tôn sư trọng đạo”, cần biết “Giấy rách phải giữ lấy lề”… Học sinh được trực tiếp nói lên suy nghĩ, cảm nhận của các em. Những bài học ý nghĩa rút ra từ tiết học thấm vào các em nhẹ nhàng như vô thức mà ý nghĩa vô cùng. Đặc biệt trong tiết học, học sinh còn được chơi những trò chơi dân gian, đóng những tiểu phẩm dân gian rất lý thú. Tiết học sôi nổi nhưng lắng đọng. Mục tiêu về mặt thái độ xác định trong phần giáo án đã được đảm bảo: “Trân trọng những kinh nghiệm quý báu đã được nhân dân ta đúc kết và gửi gắm qua các câu tục ngữ. Có ý thức giữ gìn và phát huy những nét đẹp của văn hóa dân gian trong đời sống hiện tại”.
Đặng Thị Thúy Quỳnh – (THCS Tây Sơn, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) – (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 77+78, tháng 5-6/2016)