Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên

(GDTĐ) – Giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên các trường đại học là hoạt động truyền bá, nhận thức và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng những tinh hoa tư tưởng chính trị của dân tộc và nhân loại nhằm hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp tư duy biện chứng và phương pháp hành động khoa học, góp phần phát huy tính tích cực của sinh viên trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Nhìn lại công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời gian qua, bên cạnh những thành quả đáng khích lệ, còn tồn tại không ít khuyết điểm, yếu kém. Vì vậy đ khắc phục những khuyết điểm, yếu kém cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. 

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị

Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy LLCT ở các trường đại học hiện nay cần phải có đội ngũ giảng viên LLCT đủ số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy LLCT là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục LLCT trong các trường đại học. Chất lượng cán bộ giảng dạy phụ thuộc vào phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm của từng giảng viên. Do đó để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy LLCT thì cần tập trung nâng cao:

Phẩm chất chính trị, đạo đức:

Giảng viên LLCT trước hết phải có những phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng mẫu mực. Đó là sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng của giai cấp công nhân, kiên định Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng. Giảng viên LLCT còn phải có đạo đức cách mạng trong sáng. Đó là trung thành với lý tưởng cách mạng, say mê với công việc giảng dạy, nghiên cứu. Phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng là cơ sở nền tảng, là động lực để người thầy luôn tìm tòi, nghiên cứu đổi mới nội dung, cải tiến phương pháp giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục LLCT. Đó cũng là tấm gương sáng cho sinh viên, hình thành ở họ lòng kính trọng, cảm phục và niềm hứng thú đối với các môn LLCT.

Trình độ chuyên môn:

Nâng cao trình độ chuyên môn ngoài việc trau dồi tri thức khoa học liên quan đến LLCT, giảng viên còn phải tích lũy vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn, thu thập, cập nhật thông tin cho bài giảng và nâng cao kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học tích cực, thực sự coi sinh viên là trung tâm của quá trình dạy và học, hướng đến sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi tích cực của sinh viên.  

Để có đội ngũ giảng viên lý luận có chất lượng bên cạnh việc có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ sau đại học cho đội ngũ này cần chú ý việc đào tạo tại chỗ bằng cách thường xuyên dự giờ để học tập rút kinh nghiệm và nêu cao tinh thần tương trợ, giúp đỡ giữa giảng viên với nhau.

Năng lực sư phạm:

Giảng viên LLCT cần có năng lực của nhà sư phạm như mô phạm trong phong cách, biểu cảm, lời nói đi đôi với việc làm. Trên cơ sở nắm chắc mục tiêu, đối tượng giảng dạy, nắm chắc nội dung, sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp, giảng viên LLCT cần trau dồi ngôn ngữ nói sao cho gần gũi với sinh viên, có sức truyền cảm, thuyết phục, tránh sử dụng quá nhiều ngôn ngữ mang tính học thuật cao với cách thể hiện “lên gân” hoặc nghiêm nghị quá mức cần thiết làm cho người học căng thẳng, mệt mỏi dễ chán nản. Giảng viên cần có cách truyền tải tri thức lý luận bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống, biến những vấn đề lý luận phức tạp thành đơn giản nhưng vẫn mang tính triết lý, khoa học, tính tư tưởng và thực tiễn bằng cách phân tích, lý giải các luận điểm, liên hệ với cuộc sống và đôi khi phải có tính hài hước hợp lý.

 

 Đổi mới chương trình, giáo trình, nội dung giáo dục lý luận chính trị

Đổi mới chương trình

Chương trình giáo dục LLCT cần phải được đổi mới trên các mặt:

– Đáp ứng được mục tiêu giáo dục. Mục tiêu giáo dục đặt ra như thế nào, nội dung, chương trình giáo dục phải tương ứng thực hiện được những mục tiêu đó. Đối với sinh viên thì chương trình giáo dục LLCT phải bảo đảm tính hệ thống, logic, cân đối nhằm trang bị thế giới quan và phương pháp luận, xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho sinh viên…

Phù hợp với đối tượng giáo dục. Với mỗi đối tượng đòi hỏi phải có một nội dung, chương trình đào tạo phù hợp. Đó là sự phù hợp về lứa tuổi, phù hợp về chuyên môn, khả năng nhận thức của người học v.v… Vì vậy, phải căn cứ vào từng loại đối tượng, tức là phải xem trình độ giác ngộ, nhu cầu nhận thức… của sinh viên các chuyên ngành khác nhau để xác định yêu cầu, nội dung, chương trình phù hợp.

Bảo đảm tính khoa học trong kết cấu chương trình. Một nội dung, chương trình giáo dục được cho là phù hợp, mang tính khoa học phải có kết cấu hợp lý. Sự hợp lý đó được thể hiện ở tính logic của chương trình, sự phù hợp về nội dung, về thời gian của mỗi phần trong chương trình. Toàn bộ sự bố trí, sắp xếp trong chương trình phải được tạo thành một thể thống nhất biện chứng, bổ sung cho nhau, phù hợp với nhận thức của người học, giúp người học không những tiếp thu được nội dung, mà còn hình thành cho mình một năng lực tư duy logic trong quá trình học tập.

Đổi mới giáo trình

Đối với hệ chuyên LLCT: Xây dựng chương trình, giáo trình theo hướng phải học đủ 5 môn LLCT (Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam); trong chương trình đào tạo nên dành thời lượng cần thiết để nghiên cứu các tác phẩm kinh điển.

Đối với hệ không chuyên LLCT: Trước mắt, cần chuyển đổi môn: “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin” thành môn “Chủ nghĩa Mác-Lênin” và cấu trúc lại, ghi rõ “học phần” để khẳng định ba môn khoa học Mác-Lênin tương ứng với ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Về lâu dài, cần xây dựng chương trình, giáo trình cho các đối tượng cơ bản khác nhau như: hệ đại học khối ngành kỹ thuật, nghệ thuật và cao đẳng, hệ đại học khối ngành khoa học xã hội nhân văn, hệ đại học khối ngành kinh tế – quản trị kinh doanh.

 Đổi mới nội dung

Cải tiến nội dung giáo dục LLCT là đảm bảo tính khách quan khoa học và tính thực tiễn phù hợp với đối tượng sinh viên. Tri thức lý luận phải đảm bảo tính hiệu quả, góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn và xây dựng niềm tin vững chắc, có căn cứ khoa học vào lý tưởng cách mạng cho sinh viên – chủ nhân tương lai của đất nước.

Nội dung từng bài giảng phải được tìm cách chuyển tải cho phù hợp nhu cầu hiểu biết kiến thức LLCT của sinh viên. Giảng viên phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng giải lý luận với định hướng xử lý tình huống thực tế có liên quan để giúp sinh viên hiểu sâu, nắm chắc kiến thức lý luận và rèn luyện phương pháp tư duy, năng lực xử lý những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Đổi mới phương pháp; đa dạng hóa phương tiện, hình thức giáo dục lý luận chính trị

Đổi mới phương pháp dạy và học

Giảng viên cần giảm bớt đến mức tối thiểu việc sử dụng phương pháp độc thoại, truyền thụ kiến thức theo kiểu kinh viện, áp đặt. Thay vào đó là tăng cường sử dụng phương pháp đối thoại, gợi mở vấn đề để lôi cuốn sinh viên cùng tư duy, có thể phản biện chính nội dung đang nghiên cứu.

Xây dựng bài giảng theo giáo án điện tử phù hợp với từng đối tượng sinh viên các trường, các ngành học. Thường xuyên cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn, lý giải những nguyên lý trừu tượng bằng những minh họa cụ thể, dễ hiểu, sống động, đặt ra nhiều tình huống, giả thuyết để sinh viên thảo luận và tự tìm phương án giải quyết vấn đề.

Tạo động lực cho đổi mới phương pháp theo hướng tích cực. Cần chú ý khâu tuyển chọn, bồi dưỡng giảng viên, chọn những giảng viên có phương pháp sư phạm, tâm huyết với nghề. Có kế hoạch bồi dưỡng, huấn luyện giảng viên về sử dụng các phương pháp tích cực linh hoạt trong từng hoàn cảnh phù hợp…

Đa dạng hoá phương tiện giáo dục

Bài giảng LLCT cần soạn theo giáo án điện tử sử dụng hình ảnh tĩnh, các đoạn video minh họa… Cần có các phương tiện phục vụ cho thảo luận, đóng vai, chí ít bài giảng cũng phải có những số liệu, ví dụ thực tiễn sinh động. Phòng học cần trang bị bàn ghế dễ di chuyển để có thể thảo luận nhóm, các phương tiện nghe nhìn, máy chiếu đa năng (Projector), máy vi tính nối mạng đến lớp học để có điều kiện thu – phát thông tin nhanh chóng, kịp thời cho giảng viên và sinh viên.

Nói tóm lại, đổi mới phương pháp và phương tiện giáo dục LLCT phải theo hướng coi người học là trung tâm của quá trình dạy và học; tăng đối thoại, trực quan, hạn chế độc thoại, “dạy chay”; tăng thời lượng tự nghiên cứu, tự học, giảm số tiết giảng, giờ giảng trên lớp; khuyến khích tư duy sáng tạo, tránh lối “học vẹt”, “học tủ”…

Đa dạng hóa hình thức giáo dục lý luận chính trị 

Giáo dục LLCT ngoài hình thức đào tạo qua trường lớp cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục khác. Tổ chức các buổi học ngoại khóa như nói chuyện chuyên đề, báo cáo thời sự, nghị quyết. Các hình thức tham quan, nghiên cứu thực tế, các hình thức văn hóa – thể thao, các cuộc thi tìm hiểu về LLCT, thi kể chuyện về các gương tốt… có tác dụng giáo dục truyền thống và tinh thần cách mạng hơn nhiều bài diễn thuyết dài dòng, khô khan. Tăng cường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao trong sinh viên với cơ chế có tổ chức, có khen thưởng động viên kịp thời, có kiểm tra chặt chẽ tránh hoạt động tự phát, tránh ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng.

Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên theo hướng hiện đại

Kiểm tra đánh giá theo mục tiêu mang đậm tính nhân văn, vì sự tiến bộ của người học, đáp ứng yêu cầu chất lượng, chứ không đơn thuần là để có điểm số. Quy trình kiểm tra, đánh giá được thực hiện tốt sẽ có tác động tích cực tới quá trình dạy và học, cũng như thái độ học tập của sinh viên.

Thực hiện nghiêm túc và kết hợp các biện pháp kiểm tra, đánh giá:

– Kiểm tra thường xuyên: đánh giá tính tích cực, chuyên cần, không nên chỉ căn cứ vào việc điểm danh, mà nên có điểm thưởng, phạt rõ ràng.

– Kiểm tra giữa kỳ và kết thúc môn học, dù bằng bất cứ hình thức nào (vấn đáp, viết, tiểu luận, trắc nghiệm) cũng phải căn cứ vào tất cả các mục tiêu đó được quy định trong mỗi nội dung của môn học.

Hình thức thi viết nên ra câu hỏi mở, cho sinh viên được sử dụng tài liệu khi làm bài. Điều quan trọng là đề thi phải nhằm vào những câu hỏi với các mục tiêu: hiểu, so sánh, vận dụng, phân tích, đánh giá. Không kiểm tra theo mục tiêu thuộc bài. Ít nhất phải dành 50% số điểm cho việc sử dụng tài liệu tham khảo. Người coi thi không cho sinh viên chép bài của nhau, hoặc cùng chép chung một tài liệu. Mỗi người chỉ được sử dụng tài liệu do mình chuẩn bị.

Riêng về hình thức thi trắc nghiệm cần lưu ý tỷ lệ về độ khó, dễ hợp lý (dễ: 50%, tương đối khó: 30%, khó: 20%). Xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm phải đảm bảo các yêu cầu: mỗi câu có 4 lựa chọn, không có phương án tổng hợp (bằng hai hoặc ba phương án còn lại), các phương án phải tương đương về độ dài, ngắn, và đều phải có tác dụng gây nhiễu. Cách trình bày câu hỏi, hoặc lời dẫn phải đúng quy cách. Cùng một khóa sinh viên phải được thi một đề giống nhau, nhưng khác nhau về vị trí các câu hỏi và các phương án trả lời (do máy tính quy định. Sinh viên phải làm bài trực tiếp trên máy, sau khi thi xong sinh viên có thể biết được kết quả ngay). Ngân hàng đề thi này cần có sự bổ sung, chỉnh sửa thường xuyên.

Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ dành cho người học, mà còn dành cho cả người dạy, tức là đánh giá toàn bộ quá trình dạy và học. Thông qua bài làm của sinh viên, giảng viên có thể rút được kinh nghiệm về cách dạy.

Như vậy, có thể nói nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội phải từng bước đổi mới các yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo như đã nêu trên. Tuy nhiên, để đổi mới các yếu tố đó không thể chỉ bằng những quyết tâm chung chung mà phải bằng những suy nghĩ và những hành động cụ thể có lộ trình và bước đi phù hợp và hiệu quả, đúng như nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương lần thứ 8 khóa XI đã đề ra.

Đỗ Minh Tuấn (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) – (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 79, tháng 8/2016)