Duyên con gái

Duyên con gái

(GDTĐ) – Sự xinh đẹp phần lớn do trời cho, còn cái duyên của con gái là thứ mỗi người phải tự học, tự điều chỉnh, tạo dựng. Sợ nhất là sự vô duyên…

Ảnh minh họa

Trong bài ca dao “Mười thương”, nói về cái duyên của phụ nữ, có câu: “Một thương tóc xõa đuôi gà/ hai thương ăn nói mặn mà, có duyên”. “Tóc xõa đuôi gà” hiện nay đã bị coi là lỗi thời, nhưng lời ăn, tiếng nói, điệu cười của phụ nữ vẫn là một trong những điều làm nên “cái duyên con gái”.

Tôi đã chứng kiến một đôi trai gái chụm đầu vào nhau cùng lướt facebook trên ô tô buýt. Cả xe đang im lặng, bỗng thấy cô gái đấm thùm thụp vào lưng bạn trai, rồi cười như ma làm. Cô chỉ trỏ vào tấm hình mà một người bạn nào đó đăng lên mạng. Mọi người chỉ đánh mắt về phía cô một lát, rồi quay đi. Nhưng chắc chắn những lời bình phẩm về những tấm ảnh của cô đều lọt vào tai mọi người vì cô nói quá to. Cô bảo: “Eo ơi, con này chắc điên rồi, trời nóng thế này mà vào nghĩa trang Trường Sơn thắp hương mộ liệt sĩ, rồi chụp ảnh, trông kinh bỏ mẹ!”. Chắc không muốn ngắm những tấm ảnh “kinh bỏ mẹ” của bạn, cô lấy tay gạt nó sang một bên. Những hình ảnh khác hiện ra, chắc lần này là ảnh của các bạn trai. Tôi đoán thế, vì thấy cô lại bình luận: “Ô, thằng Long mõm chuột thế mà trông ngon nhỉ, chân dài phết, nhưng eo ơi, khiếp, con trai gì mà mặc quần bơi chật thế, lòi hết cả “hàng họ” ra ngoài thế này. Hay thằng này nó độn cái gì vào bên trong, chứ làm gì mà… khủng thế?”. Chàng trai ngồi bên cạnh nhắc cô gái “em nói khẽ thôi”, thì bị cô gái quặc lại “Anh ghen à? Anh thì sao sánh được với nó, vì thế anh có bao giờ dám đi bơi đâu, sợ lộ ra hai cái tăm (cái chân) chứ gì”. Không biết có phải chàng trai ghen khi thấy bạn gái mình khen chàng trai khác “ngon”, chê mình “như cái tăm”, hay không muốn bạn gái mình bình phẩm về những vấn đề tế nhị, mà anh chàng giật iphone trong tay bạn gái, miệng nói “vô duyên”, rồi anh chàng cất vào cặp.

Thứ hai đầu tuần, các em nữ sinh phải mặc đồng phục áo dài. Nhìn xa, các em như những thiên thần vừa từ trên trời xuống. Vậy mà khi họ ào vào một quán xúc xích nướng gần cổng trường, thì kinh khủng. Vừa vào, một cô gái bảo chủ quán: “Cô ơi, cho cháu hai cái xúc xích loại to to vào, một đĩa trứng cút lộn luộc nữa”. Khi chủ quán mang đồ ăn ra, một cô xếp cái xúc xích vào giữa đĩa, lấy hai trứng cút đặt hai bên, chỉ trỏ với nhau, rồi cười hô hố. Cô khác tuyên bố: “tao nghiện cái món một xúc xích – hai trứng cút này lắm, ngày nào không được “măm” thì thèm như thèm người yêu”. Một bạn trai ở bàn bên buông một câu nói đùa rằng xúc xích hơi bé, bị cô gái “áo trắng thiên thần” nói như té nước vào mặt rằng: “Bé cũng còn to hơn của mày, của mày chắc chỉ bằng ngón tay út. Của bố mày may ra mới to bằng này”. Những câu nói vô tâm, vô ý, vô duyên của nhóm bạn gái khiến mấy bác lớn tuổi ngồi ăn quà cạnh đấy lắc đầu, nhìn nhau, lẩm bẩm: “con gái mà vô duyên”.

Không chỉ các em, các cháu gái mới lớn mới bị coi là vô duyên, không ít chị em phụ nữ cũng khiến đàn ông đỏ mặt, ngán ngẩm vì cái sự vô duyên của họ.

Cô Hoa vừa bước vào phòng, thấy mấy chị em cùng phòng đang kể chuyện về sự vất vả vì phải chăm bố chồng bị “gút”, mẹ chồng bị tai biến. Trên gương mặt họ hiện lên sự ưu tư, lo lắng cho cha mẹ chồng. Khi nghe rõ câu chuyện, cô Hoa buông một câu mà ai cũng cho là vô duyên: “Bố mẹ chồng mà các chị cứ lo như bố mẹ đẻ mình không bằng! Mà năm nay tổ mình chưa đi đám bố chồng, mẹ chồng nào nhỉ. Các cụ ốm đau, già cả thế mà thọ ra phết!”. Đang sắp xếp lại bàn làm việc, thấy một anh đồng nghiệp bước vào, cô Hoa túm ngay lấy anh, nói một thôi, một hồi rằng: “Tại sao tối hôm qua không nghe điện thoại của em? Chắc lại đang ở cạnh con vợ già lắm mồm, nên sợ chứ gì? Bọn đàn ông các anh hèn lắm. Ở cơ quan thì mồm mép, tép nhảy, thế mà về đến nhà, trả lời điện thoại với đồng nghiệp mà cứ vâng vâng, dạ dạ, ậm à ậm ừ, tức chết được”. Mấy chị cùng phòng tỏ ý khó chịu vì cách ăn nói bỗ bã của cô Hoa, nhưng cô đâu có để ý.

Người ta bảo “hơn nhau tấm áo manh quần/ thả ra bóc trần, ai cũng như ai” là để khẳng định trang phục, cách ăn mặc cũng làm cho người ta trở nên duyên dáng hơn. Tuy nhiên, cũng không ít người bị coi là “vô duyên” do cách ăn mặc, trang điểm của họ.

Người con gái cần tế nhị, kín đáo

Hôm trước cơ quan đã thông báo rằng 7 giờ sáng hôm sau tất cả cán bộ nhân viên tập trung đi viếng đám ma một đồng nghiệp đã nghỉ hưu. Ai cũng ý tứ, mặc quần áo dài, sẫm màu. Có chị em còn mang theo bộ đồ đen để mặc khi đi viếng, sau đó về cơ quan thay bộ đồ đi làm khác. Vậy mà riêng cô Lan mặc váy ngắn, màu trắng, hoa đỏ, đeo túi màu đỏ chót. Khi xếp hàng đợi vào viếng, cô Lan nổi bật như một bông hoa rực rỡ lẫn trong hàng người mặc màu tang lễ, phía ngoài có mấy người chỉ trỏ, bình luận, không rõ họ nói những gì, nhưng ai cũng nghe thấy hai tiếng “vô duyên”.

Vẻ đẹp bên ngoài có sức hút người ta lại gần, song có giữ chân người ta ở gần bên mình hay không lại do chính cái duyên làm nên. Cái duyên là những hành vi, cách hành xử tế nhị, phù hợp với hoàn cảnh, với lứa tuổi, với môi trường làm việc. Một nụ cười tươi, cái cúi đầu e lệ, một lời nói bày tỏ lòng biết ơn, sự im lặng đúng lúc, đúng chỗ, một câu nói ý nhị, hóm hỉnh, cách ví von giàu hình ảnh, khiến người nghe “nói ít hiểu nhiều”, một tấm lòng rộng mở, độ lượng, khoan dung, nhìn cuộc sống bằng đôi mắt lạc quan, hướng thiện, một bộ đồ khéo may, hợp dáng, hợp tuổi… tất cả hòa quyện, tạo nên cái duyên của phụ nữ. Những điều nói trên không phải tự nhiên mà có, nó hình thành dần dần trong quá trình sống, từ sự quan sát, đúc rút kinh nghiệm và tự rèn mình. Hãy biết giật mình, xem lại và điều chỉnh bản thân mình mỗi khi nghe ai đó nói bạn là “vô duyên”!

Đinh Thủy (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 52, tháng 4/2014)