Đừng tự trói mình

Đừng tự trói mình

(GDTĐ) – ??? Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thông tin – Thư viện. Ba năm trước tôi được tuyển dụng vào làm nhân viên thư viện của một trường tiểu học, hưởng mức lương trung cấp. Qua thời gian tập sự, tôi mới được hưởng mức lương khởi điểm là 1,86, mỗi tháng được khoảng hai triệu đồng.

Được nhà trường bố trí thêm việc là theo dõi, giám sát giờ ăn trưa, ngủ trưa của học sinh, tôi được phụ cấp thêm mỗi tháng 500 nghìn đồng nữa. Suốt ngày 8 tiếng có mặt ở cơ quan, về nhà tôi vẫn phải hoàn thành tất cả công việc gia đình như nấu ăn, chăm sóc con cái, thu dọn nhà cửa. Chồng tôi cũng bận rộn tối ngày bởi anh ấy vừa là cán bộ quản lý, vừa là cán bộ nghiên cứu khoa học của một học viện. Thấy tôi vất vả, thu nhập thấp, chồng tôi và cả gia đình đôi bên nói tôi nên nghỉ  việc để dành thời gian cho gia đình nhiều hơn và chăm lo sức khỏe của mình. Chồng tôi còn nói vui rằng: “Nếu em chịu nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình, lo cho bố con anh, anh sẽ trả lương gấp đôi”. Tôi thấy tự nhiên bỏ việc thì ngại, bởi tôi mất công theo học đại học, đi làm cũng đã quen. Bạn bè tôi nhiều người bảo tôi có chồng yêu thương, lo cho như thế mà không nghe lời thì đúng là “ấm đầu”. Tôi cũng có lúc hoang mang nên muốn xin ý kiến của các anh chị trong Tòa soạn, dù sao cách nhìn của các anh, các chị cũng khách quan hơn!

                                                  ( Trịnh Lệ Thu, Hòe Nhai, Ba Đình, Hà Nội)

Ảnh minh họa

*** Hai tuần trước đây tôi có nhận được một lá thư của một người phụ nữ, trong thư chị ấy tâm sự rằng: “Ba năm trước em là một giáo viên mẫu giáo. Khi lấy chồng, anh ấy bảo rằng lương em ba cọc ba đồng, nên nói em nghỉ việc ở nhà trông nhà chăm con. Nghĩ rằng mình may mắn, gặp được người chồng tháo vát để nương nhờ nên em cũng nghe lời, bỏ nghề dạy học của mình. Từ đó em chẳng có niềm vui nào hơn, chỉ suốt ngày ở nhà lo giặt giũ, cơm nước và chờ chồng về. Bạn bè đồng nghiệp hồi đầu còn đến chơi, sau thưa dần vì mọi người cũng còn phải lo cho cuộc sống của mình. Khi con em lớn đi nhà trẻ, tự nhiên em thành “người ở” trong gia đình. Tiền tiêu, một đồng cũng phải chìa tay xin chồng. Áo quần cũng chẳng cần may mặc, bởi có đi đến đâu mà phải ăn mặc lịch sự. Thỉnh thoảng chồng đi vắng, em ở nhà lấy bộ quần áo đồng phục ngày trước ra mặc, đi đi lại lại vài vòng trong nhà rồi lại thay bộ đồ tuềnh toàng để đi chợ, nấu cơm, vừa làm vừa ứa nước mắt nhớ hồi còn ngày ngày lên lớp. Bây giờ em biết mình dại, song xin đi làm trở lại đâu có dễ. Có lúc em nghĩ chẳng lẽ mình lại cứ để cuộc sống buồn tẻ thế này trôi đi mãi. Đúng là đi làm không chỉ vì lương, vì thu nhập. Điều quan trọng nhất là có được niềm vui trong công việc, được giao lưu trò chuyện, được dự các cuộc hội họp, được nghỉ mát, tham quan, du xuân cùng tập thể. Từ ngày nghỉ việc, em chẳng đi đến đâu, ít được cập nhật thông tin, người cứ mụ mẫm cả ra. Gặp mấy người bạn cũ, thấy họ tươi vui, trao đổi chuyện chuẩn bị năm học mới, em thấy mình như người ngoài hành tinh…”.

Đọc xong thư của người phụ nữ ấy, tôi nghĩ bạn vẫn còn may mắn vì vợ chồng bạn chưa có chuyện gì bất hòa, bạn cũng chưa quyết định nghỉ việc. Cuộc sống có lúc vất vả, hãy khéo léo thu xếp để ổn thỏa mọi việc, khó khăn chỉ là tạm thời. Đừng đánh đổi công việc đang làm để trở thành người sống phụ thuộc hoàn toàn. Khi một người đã phụ thuộc về kinh tế, thì kéo theo cũng phụ thuộc về tinh thần, vị thế trong gia đình. Bạn thử nghĩ mà xem, khi bạn đi làm, buổi chiều, chồng bạn về mà thấy chưa nấu được cơm, có khi hai người chung tay, mỗi người một việc cùng nấu cũng vui, bởi anh ấy cũng biết bạn “vừa đi làm về”. Ngược lại, bạn nghỉ việc ở nhà, chồng về mà bạn chưa kịp nấu cơm, có thể anh ấy sẽ phàn nàn rằng “Em ở nhà có mỗi việc chăm con, đi chợ, nấu ăn mà bây giờ còn chưa có cơm nước gì à?”. Đúng là nghỉ việc ở nhà tự nguyện trở thành “quản gia” là hành động tự trói tay mình. Chuyện lương thấp thì mọi người đều thế cả, bạn còn may hơn nhiều người là có chồng làm ăn khá, thu nhập tốt, chứ không ít gia đình cả hai vợ chồng đều hưởng lương nhà nước, chẳng có thu nhập gì thêm đâu.

Tôi tin đọc xong lá thư của người phụ nữ mà tôi vừa chia sẻ cùng những lời tâm sự của tôi, bạn đủ tỉnh táo để đưa ra cho mình một quyết định đúng đắn!

Đinh Đoàn – (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 80, tháng 9/2016)