Đóng góp của thanh niên Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
(GDTĐ) – Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, lớp lớp thanh niên Hà Nội không ngại hy sinh, gian khổ sẵn sàng xung phong ra tiền tuyến với tinh thần của “Ba sẵn sàng”, và chí khí “Xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước chỉ mong Bắc – Nam sớm được sum họp một nhà. Những điều được kể ra có lẽ cũng chỉ là những mảnh ghép trong bức tranh lịch sử vĩ đại của dân tộc bởi thật khó để có thể liệt kê, đong đếm hết được những tình cảm và đóng góp của Thủ đô Hà Nội trong những ngày tháng khó khăn ấy.
Những người thắp đuốc và truyền lửa
Sau Đại hội III của Đảng (tháng 9/1960), cả nước sôi nổi trong phong trào thi đua tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ I (1961-1965). Trong bối cảnh đó, phong trào thanh niên – học sinh Thủ đô tình nguyện đi xây dựng và phát triển kinh tế – văn hóa miền núi do Thành đoàn Hà Nội phát động đã ra đời. Sáng 15/8/1963, trên sân ga Hàng Cỏ, 5.000 thanh niên và nhân dân Thủ đô đã góp mặt tiễn gần 1.000 học sinh lớp 7, lớp 10 và giáo viên Thủ đô trong đội ngũ: “Đội thanh niên tháng 8 Thủ đô” tình nguyện đi tham gia phát triển kinh tế – văn hóa ở miền núi. Có thể nói đây là một trong những mốc mở đầu cho các phong trào xung phong, xung kích, tình nguyện sau này của thanh niên Hà Nội, là khúc nhạc dạo đầu của dàn đồng ca, hợp xướng với đỉnh cao là phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên Thủ đô.
Tiếp nối “Đội thanh niên tháng 8 Thủ đô”, đầu năm 1964, tuổi trẻ trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có cuộc vận động “Tam bất kỳ” với nội dung: Đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần; làm bất kỳ việc gì Tổ quốc giao phó; vượt qua bất kỳ khó khăn, gian khổ nào để hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, cuộc vận động “Tam bất kỳ” được đổi tên thành “Ba bất kỳ” và cuối cùng, cái tên “Ba sẵn sàng” chính thức được lựa chọn. Khí thế “Ba sẵn sàng” của sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhanh chóng lan rộng đến các cơ sở Đoàn trên toàn Thủ đô. Đâu đâu cũng tràn ngập khí thế của tuổi trẻ sẵn sàng vào Nam đánh Mỹ.
Tối ngày 7/8/1964, tại phòng họp trụ sở cơ quan Thành đoàn Hà Nội 43 Lý Thái Tổ (nay là trụ sở Thành uỷ Hà Nội), Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp và thống nhất phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với 3 nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.
2 ngày sau, đêm 9/8/1964, 26 nghìn thanh niên Thủ đô Hà Nội đã xuống đường lên án hành động phiêu lưu chiến tranh của Mỹ. Từ quảng trường Nhà hát lớn Thành phố (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám) lớp lớp thanh niên công nhân, nông dân, trí thức, học sinh… ba lô trên vai, lá ngụy trang đầy người rầm rộ diễu hành qua các đường phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ… biểu thị quyết tâm sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao cho.
Bất cứ thanh niên nào ngày ấy cũng chỉ khao khát được tham gia Ba sẵn sàng. Lực lượng sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y khoa… hừng hực khí thế sôi sục Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Chỉ sau một tuần đã có 240.000 người ghi tên tham gia, trong đó 80.000 người xin được vào miền Nam chiến đấu. Hàng ngàn sinh viên, học sinh đã viết thư bằng máu xin được ra trận. Những bức huyết thư ấy vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Nhiều người đang du học ở Liên Xô tức tốc gửi đơn xin về nước chiến đấu. Hàng trăm người chấp nhận tạm dừng việc học, kể cả ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, nóng lòng mong được ra trận cầm súng… Họ ra đi không một chút tính toán, không một yêu cầu nào.
Từ ngày khởi đầu, phong trào “Ba sẵn sàng” đã sớm trở thành một phong trào cách mạng rộng lớn, thu hút hàng chục vạn thanh niên Thủ đô và 22 tỉnh, thành miền Bắc đã hướng tất cả tình cảm, suy nghĩ và hành động của mình vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Tháng 3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô và bổ sung thêm vào nội dung của phong trào: Sẵn sàng chiến đấu, gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng học tập, lao động xây dựng cuộc sống mới; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc yêu cầu.
Như vậy, thủ đô Hà Nội có vinh dự là nơi khởi nguồn cho phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và tuổi trẻ thủ đô trở thành người thắp đuốc và truyền lửa cho một phong trào hành động cách mạng, một trường học rèn luyện của thanh niên thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Phong trào “Ba sẵn sàng” đã thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy và cổ vũ phong trào cách mạng cho lớp lớp thanh niên miền Bắc náo nức “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, gợi mở phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” và phong trào “Năm xung phong” của tuổi trẻ miền Nam. Từ đất thiêng Đông Đô – Thăng Long – Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” lan nhanh ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ. “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc cùng với “Năm xung phong” ở miền Nam hoà thành bản anh hùng ca của tuổi trẻ đánh Mỹ, cổ vũ mọi tầng lớp thanh niên đoàn kết và chiến đấu dưới khẩu hiệu: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”
Góp sức người cho tiền tuyến miền Nam
Có thể nói, ngay từ cuối những năm 1950 – 1960 của thế kỷ XX, tuổi trẻ Thủ đô đã sát cánh cùng đồng bào miền Nam chiến đấu, hy sinh bảo vệ sự toàn vẹn của một nhà nước Việt Nam độc lập. Nếu ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nhiều nam, nữ thanh niên Hà Nội đã trở về giải phóng Thủ đô, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thì ngay sau đó, nhiều con em Hà Nội lại có mặt từ buổi đầu trong Binh đoàn 559 “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Thanh niên Thủ đô cùng cả miền Bắc luôn làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhiều gia đình có từ 3 – 5 thanh niên đi bộ đội vào Nam đánh Mỹ. Phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên và “Ba đảm đang” của phụ nữ là những động lực lớn thúc đẩy công tác tuyển quân. Báo cáo tổng kết công tác động viên tuyển quân ở Hà Nội trong 10 năm chống Mỹ, cứu nước (1965-1975) của Thành uỷ Hà Nội, họp ngày 17/9/1977 đã cho thấy tổng chỉ tiêu động viên tuyển quân của thanh niên Thủ đô Hà Nội trong 10 năm (1965-1975) là: 80.108 người, trên thực tế, số đoàn viên thanh niên nhập ngũ là 86.064 người, vượt gần 10%.
Số thanh niên Thủ đô tòng quân nhập ngũ trong năm 1965- thời kỳ đầu của phong trào “Ba sẵn sàng” là năm đạt con số cao nhất với 15.329 người, trên tổng dân số Thủ đô là 1.061.000 người mới thấy rằng tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc khi có giặc xâm lăng của thanh niên Thủ đô lớn lao như thế nào.
Vào những thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến trên các mặt trận thì số thanh niên Hà Nội nhập ngũ cũng là cao nhất. Cụ thể: Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) số huy động là 12.930 người, đã nhập ngũ: 13.226 người, đạt 102%. Mùa Hè đỏ lửa tại Thành cổ Quảng Trị (1972) và Mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội (1972), quân đội yêu cầu nhập ngũ là 14.196 chiến sỹ, đã có 14.579 ĐVTN tòng quân xung phong vào các đơn vị ra mặt trận, vượt 105%. Đợt Tổng tiến công mùa Xuân 1975, khi chiến tranh sắp kết thúc, nhu cầu về bổ sung lực lượng cho quân đội là rất lớn, một lần nữa thanh niên Thủ đô lại nô nức lên đường tòng quân nhập ngũ. Đã có 8.212 ĐVTN nhập ngũ trong khi yêu cầu chỉ có 7.600 người, đạt 108%.
Đã có một thế hệ thanh niên, sinh viên Hà Nội, những người con ưu tú nhất của Thủ đô ngày ấy, từ trường đại học cầm súng bước thẳng ra mặt trận, nhiều người đã ngã xuống. Tiêu biểu như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Thượng Lân… Họ đã trở thành bất tử, đại diện cho cả một thế hệ thanh niên Việt nam anh hùng thời kỳ chống mỹ, cứu nước. Sự dũng cảm, hy sinh của các chiến sĩ năm xưa vẫn là nguồn cảm hứng mãnh liệt, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay sống có lý tưởng, hoài bão, mang hết sức lực, tài năng cống hiến cho hòa bình, phát triển của Thủ đô và đất nước.
Tô An – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 99, tháng 3/2017