“Điều tâm đắc nhất trong cuộc đời tôi là sự tiến bộ của học trò”
(GDTĐ) – NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn từng làm Phó Ban Tuyên giáo của tỉnh Hòa Bình, rồi Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục của Ban Khoa giáo Trung ương. Ông cũng từng làm Hiệu trưởng của các trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình), THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), Trường song ngữ Hà Nội Academy và trường Phổ thông liên cấp Vinschool. Với tâm huyết cháy bỏng và nghệ thuật quản lý của mình, ở cương vị công tác nào, mô hình giáo dục nào ông cũng để lại những “di sản” ấn tượng, được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh tin yêu và đánh giá cao. Trải nghiệm tại cơ quan Trung ương và tại cơ sở đã giúp TS Nguyễn Thanh Sơn có cái nhìn bao quát nhưng cũng rất cụ thể và vì vậy trong cuộc gặp gỡ với PV Tạp chí Giáo dục Thủ đô nhân dịp chào đón năm học mới 2015 – 2016, ông không đi sâu vào lý thuyết hàn lâm kinh viện mà nói về những vấn đề, việc làm cụ thể. Đặc biệt, đó là những kinh nghiệm quý được rút ra từ hơn 40 năm công tác trong ngành giáo dục.
Mỗi mùa khai trường là một kỷ niệm
TS Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, mỗi mùa thu đến, trong lòng ông lại dấy lên cảm xúc hân hoan, bồi hồi. Ông nhớ tiếng trống trường rộn rã, nhớ nhịp điệu rộn ràng, náo nức của thầy và trò, nhớ không gian rợp mầu cờ và hoa… Đã hơn 40 năm gắn bó với công tác giáo dục, mỗi mùa khai trường là một kỷ niệm mà ông không thể nào quên. TS Nguyễn Thanh Sơn nhớ lại khi trường THPT Hoàng Văn Thụ, nơi đầu tiên ông công tác, đang tổ chức kỷ niệm 50 thành lập trường và chào năm học mới thì có 15 sĩ quan quân đội, oai phong lẫm liệt bước vào trường. Thầy và trò đều chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì bỗng cả đoàn sĩ quan ùa về phía TS Nguyễn Thanh Sơn chúc mừng và khoe “gần như cả ban chỉ huy quân sự của tỉnh là học trò của thầy”. Rồi khi chuyển về Hà Nội, làm Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông, vào lễ khai giảng năm học mới, hai vị đại tá công an và quân đội cũng bất ngờ đến gặp thầy và chúc mừng nhà trường. Dù cả hai vị đại tá đều đã đứng tuổi, tóc điểm sợi bạc nhưng vẫn kính cẩn “Chào thầy” khiến ông xúc động nghẹn ngào và hãnh diện.
TS Nguyễn Thanh Sơn là sinh viên khóa 4 Khoa Văn của trường Đại học sư phạm Việt Bắc. Sau khi tốt nghiệp tháng 9/1973, ông trở về Hòa Bình và làm giáo viên ở mái trường nơi ngày xưa ông từng học, trường THPT Hoàng Văn Thụ. Với trình độ, năng lực và tâm huyết, ông đã được bầu làm tổ trưởng chuyên môn, rồi Phó hiệu trưởng. Tới năm 1991, khi tỉnh Hà Sơn Bình được tách thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình cũng là thời điểm TS Nguyễn Thanh Sơn được bầu làm hiệu trưởng của trường THPT Hoàng Văn Thụ, lúc này đã trở thành trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình. Với tài năng quản lý của mình, ông đã đưa ngôi trường vượt qua nhiều khó khăn, trở thành đơn vị giáo dục tiên tiến của cả nước. Tỷ lệ HSG quốc gia của trường luôn dẫn đầu các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long, có những năm tới hàng trăm em đoạt giải. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao, nhiều năm đạt 95% .
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, một trong những bí quyết để tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao là làm tốt công tác hướng nghiệp cho các em. Không đơn thuần chỉ tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ngay tại trường, TS Nguyễn Thanh Sơn còn gặp gỡ CMHS, tư vấn cho họ dựa trên những đánh giá về năng lực thực sự và nguyện vọng của học sinh. Chẳng hạn, nhiều em muốn thi vào ĐH Y, nhưng nếu dựa vào năng lực thì các em khó có thể đỗ vào ĐH Y Hà Nội vì vậy ông khuyên nên đăng ký vào những trường có điểm tuyển sinh thấp hơn như ĐH Y Thái Bình, Thái Nguyên…
Một trong những việc làm mà ông tâm đắc nhất chính là đã giải thành công bài toán về mối quan hệ giữa mục tiêu chính trị và chất lượng giáo dục, cụ thể là làm sao để có nhiều học sinh dân tộc đạt thành tích cao. TS Nguyễn Thanh Sơn nhận thấy học sinh dân tộc có thể lực tốt và nhiều em có năng khiếu thể dục thể thao. Chính vì thế, ông đã tham mưu cho tỉnh Hòa Bình mở hệ năng khiếu thể dục thể thao, năm đầu tiên mở 5 lớp, mỗi lớp tuyển 30 em. Đây là hướng đi đúng đắn và giàu tính nhân văn của giáo dục khi tìm kiếm và tạo điều kiện cho các em học sinh dân tộc được phát huy hết tài năng của mình. Sau này khi về Hà Nội công tác, TS Nguyễn Thanh Sơn đã gặp nhiều giáo viên thể thao ở các trường, từng là học sinh lớp năng khiếu ông đã mở. TS Nguyễn Thanh Sơn cũng nhận thấy, học sinh dân tộc rất thông minh nhưng do chưa có điều kiện học tập nên kết quả khiêm tốn. Để phát huy hết tiềm năng của các em, ông đã xuống các trường cấp 2 tuyển chọn học sinh giỏi và mở lớp dự bị tạo nguồn cho các hệ chuyên. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh người dân tộc được tuyển vào trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tăng lên và tỷ lệ học sinh dân tộc đỗ đại học cũng tăng lên. Tuy vậy cho đến khi về nghỉ hưu ông vẫn trăn trở một điều là trong sự nghiệp của mình chưa có học sinh dân tộc ít người đạt giải HSG quốc tế.
Với những kết quả ấn tượng khi công tác tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, năm 2000, TS Nguyễn Thanh Sơn được cử làm Phó Ban tuyên giáo tỉnh Hòa Bình và một năm sau đó ông được chuyển về công tác tại Ban Khoa giáo Trung ương, lần lượt giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe, rồi Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục.
Cảm hóa học sinh chưa ngoan
Tháng 12/2004, không ít người bất ngờ khi TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục của Ban Khoa giáo Trung ương về làm Hiệu trưởng THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội). Nhiều người nghĩ ông bị xuống chức, tụt lùi trong sự nghiệp. Tuy vậy, sự thật lại khác. Ông chia sẻ: “Để đưa ra quyết định này, tôi phải trăn trở rất nhiều. Công tác ở Trung ương giúp tôi có cái nhìn tổng thể, bao quát hơn về giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, con tim luôn thôi thúc tôi quay về trường, đảm trách một cương vị cụ thể của một ngôi trường… Nó phù hợp với suy nghĩ, tính cách của tôi. Tôi thích gắn bó với trường lớp, học sinh, muốn được hàng hàng ngày nghe tiếng trống trường ngân lên, nghe tiếng học sinh cười đùa, tiếng thầy cô giảng bài. Về trường Trần Nhân Tông là tôi trở về với con người thật của mình”.
So với trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình), TS Nguyễn Thanh Sơn nhận thấy môi trường giáo dục ở Thủ đô sôi động hơn, nhưng điều kiện kinh tế xã hội phát triển cũng ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp tác động lên học sinh. Hơn nữa, trường Trần Nhân Tông lại nằm gần gần chợ Giời, ảnh hưởng không nhỏ đến tác phong, lối sống của học sinh, thậm chí có những học sinh mang cả dao, kiếm đến lớp. Từ thực tế đó, TS Nguyễn Thanh Sơn xác định mục tiêu đầu tiên trong chiến lược phát triển nhà trường là ổn định nền nếp, tập trung vào công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Để cải thiện chất lượng trí dục trước hết các em phải có đạo đức và có ý thức học tập tốt. Hơn nữa, chất lượng “đầu vào” của học sinh nhà trường thấp nên để giải bài toán chất lượng cần một quá trình.
Để “cải tạo” các học sinh chưa ngoan, TS Nguyễn Thanh Sơn tranh thủ sự ủng hộ của phụ huynh, địa phương, đặc biệt nhà trường đã “kết nghĩa” với công an phường Đồng Nhân. Hai bên giao ước, nếu nhà trường có sự việc gì là công an sẽ sang hỗ trợ kịp thời. Vào sáng thứ 2 hàng tuần, TS Nguyễn Thanh Sơn mời một số đồng chí công an đến dự lễ chào cờ, nói chuyện với học sinh. Những ngày đầu khi chưa ổn định nền nếp, trong các hoạt động tập thể toàn trường, đội sao đỏ của trường phải tổ chức các đợt kiểm tra cặp của học sinh, đặc biệt học sinh hư. Cuộc kiểm tra diễn ra một cách an toàn bởi dưới sân trường hiện diện hình bóng của các đồng chí công an. Ngoài ra, trường cũng phát huy vai trò của tất cả các lực lượng trong nhà trường, trong đó có đội ngũ bảo vệ. TS Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: “Người quản lý phải xây dựng được một tập thể đoàn kết, biết phát huy mặt mạnh của từng người. Thành công của một tập thể là đóng góp của tất cả mọi người”.
Cùng với đó, TS Nguyễn Thanh Sơn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong công tác giáo dục. Với những học sinh mắc sai phạm như nhuộm tóc, đeo khuyên tai, mang vũ khí tới trường… nhà trường sẽ giữ học sinh đó lại và gọi điện cho CMHS đến đón thay vì đuổi các em ra khỏi trường. Theo TS Nguyễn Thanh Sơn nếu bị đuổi ra khỏi trường các em sẽ không về nhà mà đi chơi, la cà tại các quán xá, như vậy càng nguy hiểm. Nhà trường trao đổi với CMHS, nêu rõ vi phạm của các em, đồng thời đề nghị CMHS cam kết rằng các em sẽ sửa những lỗi đó vào buổi học hôm sau. Việc làm này đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của các bậc phụ huynh bởi cùng với nhà trường, những lời dạy bảo của họ đã tăng hiệu lực.
Để tăng cường giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh, TS Nguyễn Thanh Sơn đã đẩy mạnh các hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống, phát huy năng khiếu. Nhà trường khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động của Quận đoàn, Thành đoàn. Vì vậy, Trần Nhân Tông trở thành địa chỉ đỏ của các hoạt động Đoàn của Thành phố. Các em học sinh nhờ đó cũng phát huy được năng lực, sở trường của mình và sau này nhiều em trở thành những ca sĩ, diễn viên, MC nổi tiếng.
Với chiến lược giáo dục đúng đắn, nhân văn như thế, kết thúc năm học đầu tiên đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng, TS Nguyễn Thanh Sơn đã giúp học sinh ngoan hơn, hình thành nền nếp học tập. Cũng trong năm học đầu tiên ấy, Trường Trần Nhân Tông có tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%. Ông đã làm được điều mà CMHS và nhân dân mong mỏi là làm sao để học sinh ngoan hơn, không quậy phá và tiến bộ trong học tập. Chính vì vậy, không khó hiểu khi uy tín của ông ngày càng tăng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, niềm tin yêu của đồng nghiệp, học trò, CMHS và nhân dân địa phương.
Trăn trở với mô hình giáo dục ngoài công lập
TS Nguyễn Thanh Sơn tâm sự, điều tâm đắc nhất của cuộc đời ông là sự tiến bộ của học trò. Mỗi ngôi trường có điều kiện khác nhau và cần những chiến lược giáo dục phù hợp. Tuy nhiên, ở ngôi trường nào ông cũng trăn trở làm sao để học sinh từng bỏ học muốn đi học và tốt nghiệp được, học sinh hư trở nên ngoan và học tập tốt, phát huy hết sở trường, năng khiếu của các em…
Sau khi về nghỉ chế độ, TS Nguyễn Thanh Sơn đã được mời về làm Hiệu trưởng trường song ngữ Hà Nội Academy và đón khóa học sinh lớp 10 đầu tiên. Đây là trường hoạt động theo mô hình trường quốc tế. Đa số học sinh đều có mục tiêu du học sau khi tốt nghiệp. TS Nguyễn Thanh Sơn phân tích, để học tập được ở nước ngoài thì cần chuẩn bị thật tốt cho các em ngoại ngữ và kỹ năng sống. Từ đó, ông đã cùng nhà trường đầu tư nhiều cho việc dạy tiếng Anh và kỹ năng sống. Tuy nhiên, vấn đề ông gặp phải là đa số học sinh được sống trong điều kiện đầy đủ về vật chất, không lo lắng cho tương lai vì thế các em thiếu động lực học tập.
Làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục khi học sinh thiếu động lực học tập là bài toán không dễ và một lần nữa TS Nguyễn Thanh Sơn đã tìm ra giải pháp. Ông đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ và phương pháp giảng dạy của giáo viên để truyền cảm hứng đến học sinh. Bên cạnh đó, trường dạy các môn học sinh thích và cần thiết cho các em.
Không chỉ có vậy, cán bộ quản lý và giáo viên cũng chịu áp lực lớn từ gia đình học sinh. Họ kỳ vọng rất cao vào con và luôn nghĩ rằng con mình rất giỏi. Vì thế phải thật khéo léo để giúp họ nhận ra năng lực thực sự của con mình. Ông đề nghị giáo viên không nhận xét học sinh bằng những câu như “Con các bác kém lắm”, “dốt lắm”, “không có tương lai”… vì như vậy chẳng khác nào dội cho họ một gáo nước lạnh. Thay vì thế, giáo viên phải chỉ ra cả điểm mạnh và điểm yếu của từng em, ví dụ như “con của anh chị rất thông minh nhưng chưa tập trung cao trong học tập”. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên, nhân viên phải hiểu rõ trách nhiệm, vị trí của mình và có cách ứng xử chuẩn mực, văn hóa để tranh thủ sự ủng hộ của phụ huynh.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, nhiều vấn đề không thể ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của tất cả CMHS. Chính vì vậy, người quản lý phải biết tranh thủ sự ủng hộ của số đông và tiếng nói của những người có uy tín. Thứ hai là phải biết hy sinh quyền lợi và hãy làm tốt đã rồi mới đòi hỏi. Ví dụ, tại trường Hà Nội – Academy, khóa học sinh lớp 12 chỉ có 13 em, trong đó 4 em sức học đuối, trong khi kỳ thi tốt nghiệp đang đến gần. TS Nguyễn Thanh Sơn đã chia thành 2 lớp và vận động giáo viên dạy phụ đạo miễn phí cho các em. Không chỉ thế, ông còn sẵn sàng mời CMHS tới dự giờ để hỗ trợ giáo viên “quản” học sinh trong giờ. Năm đó, tất cả học sinh đều đỗ tốt nghiệp, phụ huynh học sinh vô cùng phấn khởi.
Năm 2013, TS Nguyễn Thanh Sơn tiếp tục được mời làm Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Vinschool. Là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục của tập đoàn Vingroup, với kinh nghiệm và tầm nhìn của một nhà quản lý giáo dục, ông đã góp sức xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện, hiện đại cho Vinschool ngay từ năm học đầu tiên.
Nhìn lại hơn 40 năm công tác tại cơ quan Trung ương và 4 trường với 4 mô hình giáo dục khác nhau, TS Nguyễn Thanh Sơn đúc kết: “Một người quản lý giỏi là phải biết tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh của quần chúng. Làm cái gì cũng phải có lòng say mê, tâm huyết. Mỗi nghề có những tiêu chí khác nhau nhưng có chung một điểm là đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức tốt, điều này đặc biệt quan trọng với những người làm công tác giáo dục.”
Vũ Toàn, Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 68 (tháng 9/2015)