Để trẻ không sợ… bài tập về nhà

Để trẻ không sợ… bài tập về nhà

(GDTĐ) – Câu chuyện của tác giả Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản chia sẻ trên mạng xã hội về một bài tập về nhà có thật của giáo viên Nhật Bản đang khiến nhiều phụ huynh Việt “dậy sóng”.

Ảnh minh họa

Một ông bố có con học tiểu học. Khi cô con gái đi học về ông hỏi: “Hôm nay có bài tập về nhà không con?”.

Cô bé đáp: “Bài tập là được ai đó ôm bố ạ!”.

Ông bố cười và cúi xuống ôm thật chặt cô bé. Đến tối cả mẹ, chị, em cũng ôm cô bé.

Hôm sau, khi cô bé đi học về, ông bố lại hỏi: “Hôm nay có bài tập gì không con?”. Cô bé đáp: “Hôm nay cô giáo chỉ chữa bài tập về nhà thôi ạ”. Rồi cô bé kể, khi cô giáo hỏi bài tập về nhà hôm trước thì nhiều bạn ngượng ngùng cúi mặt nói “không được ai ôm”. Cô giáo liền cúi xuống, ôm chặt lấy từng bạn.

Câu chuyện nhỏ đã thu hút sự quan tâm của các bậc cha mẹ. “Bài tập về nhà” tưởng chừng rất đơn giản, nhỏ bé ấy nhưng có lẽ lại là niềm mơ ước của các bậc phụ huynh. Học sinh không sợ “bài tập về nhà” mà các em cảm thấy thích thú vì điều đó, bởi chính những bài tập này đã dạy cho các em bài học về tình yêu thương, sự sẻ chia.

Chị Hoàng Thanh Trang, có con đang học tiểu học ở quận Tây Hồ chia sẻ: Không thể ngờ lại có những “bài tập về nhà” ý nghĩa và nhân văn như vậy. Cả một ngày dài học ở trường, tối về nhà lại cặm cụi với bài tập về nhà, không chỉ bọn trẻ mà cha mẹ cũng thấy mệt mỏi.

Cũng như vậy, anh Phạm Thắng, có con đang học lớp 1 bộc bạch: Con tôi mới học lớp 1 mà đã “sợ học”, cả ngày gò lưng tập viết và làm toán, tối về lại thấy có phiếu bài tập tập viết và làm toán. Nhiều lúc muốn cho con đi chơi giải trí, nhưng con chưa làm xong bài tập về nhà nên đành thôi.

Mới đây, báo chí cũng đã đăng tải một nghiên cứu của Tiến sỹ Tâm lý xã hội Harris Cooper (hiện làm việc tại Trường đại học Duke, Mỹ) về việc giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Sau hơn 25 năm tiến hành nghiên cứu bài tập về nhà, nhà khoa học Harris Cooper rút ra kết luận rõ ràng rằng bài tập về nhà tàn phá trẻ tiểu học. Harris Cooper cho rằng, trong khi bài tập về nhà có tác dụng lớn đối với học sinh THPT, tác dụng này giảm đối với học sinh THCS và “hoàn toàn không có tác dụng gì đối với học sinh tiểu học”, bà Etta Kralovec – giáo sư ngành Giáo dục ở Trường đại học Arizona (Mỹ) cũng đồng ý như vậy.

Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Harris Cooper, có một số lý do cho thấy tại sao giáo viên không nên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Đó là bởi, bài tập về nhà có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ của trẻ về trường học. Trẻ mới đi học vì vậy các con còn nhiều năm ở phía trước. Điều các giáo viên không nên làm là khiến trẻ quay lưng lại trường lớp. Trẻ con nên được trải nghiệm vui vẻ khi học. Cùng với đó, bài tập về nhà khiến trẻ có ít thời gian hơn để là trẻ con. Rất nhiều trẻ thiếu hụt hoạt động thân thể, thiếu thời gian vui chơi, thư giãn. Một vấn đề khác với trẻ tiểu học là bài tập về nhà lấy mất thời gian ngủ của trẻ. Trung bình trẻ cần ngủ 10 tiếng mỗi ngày. Để trẻ có thể tham gia 100% hoạt động ở trường lớp, trẻ cần ngủ điều độ.

Theo chuyên gia, hoàn toàn có thể thay thế những bài tập về nhà khô khan, cứng nhắc chỉ toàn kiến thức, giáo viên và phụ huynh có thể tạo ra nhiều “bài tập về nhà” khiến trẻ không thấy sợ học mà lại có được động lực để học hỏi nhiều hơn. Những “bài tập về nhà” ấy có thể là: Khuyến khích trẻ đọc sách. Theo các nhà nghiên cứu, ở độ tuổi tiểu học, việc đọc sách tốt hơn nhiều so với làm bài tập về nhà. Bố mẹ và giáo viên có thể tìm những chủ đề mà trẻ thích thú và có thể động viên trẻ tự đọc, hoặc đọc to cho trẻ nghe. Bên cạnh đó nên dạy trẻ về trách nhiệm làm việc nhà. Thay vì lấy bài tập về nhà để cho trẻ hình thành tính trách nhiệm, có nhiều thói quen hàng ngày khác có thể dạy để trẻ trở nên có trách nhiệm, ví dụ như là thức dậy và làm vệ sinh cá nhân trong buổi sáng, gấp chăn, giúp bố mẹ làm việc nhà, hoặc thậm chí là chăm sóc vật nuôi, cây cảnh…

Những “bài tập về nhà” thực sự có ý nghĩa với học sinh sẽ góp phần giúp các em có sự phát triển toàn diện và hài hòa trong việc học tập, rèn luyện và phát triển kỹ năng sống. Hy vọng sẽ có những đổi mới trong hoạt động dạy và học gắn với tinh thần dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhằm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo do Bộ GD&ĐT công bố, đó là bên cạnh các yêu cầu về kỹ năng, hình mẫu sản phẩm học sinh mới là người có ba phẩm chất: sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm. Trong đó, phẩm chất sống yêu thương đã được Bộ đặt lên hàng đầu trong các phẩm chất hướng đến.

Thảo Anh (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 77+78, tháng 5-6/2016)