Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Những điểm mới đáng lưu ý

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Những điểm mới đáng lưu ý

(GDTĐ) – Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình phổ thông mới được Bộ GD&ĐT công bố cho thấy chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều điểm khác biệt so với chương trình hiện hành. Có thể thấy rõ nỗ lực của Bộ GD&DT; trong việc định hình “sản phẩm” giáo dục, đồng thời giảm áp lực học tập trên vai học sinh.

Chương trình GDPT mới đưa ra những phẩm chất, năng lực chủ yếu của người học

Định hình rõ phẩm chất, năng lực của người học

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể phân tích: Thế nào là phẩm chất, theo tâm lý học, phẩm chất được hiểu là bao gồm phẩm chất tâm lý (mặt đạo đức) và phẩm chất trí tuệ (mặt tài năng) nhưng đặt ở đối sánh với năng lực thì phẩm chất là đạo đức, còn năng lực là tài. Phẩm chất được đánh giá bằng hành vi, một người có phẩm chất tốt (chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm…) không chủ yếu thể hiện ở lời nói mà phải bằng hành vi. Đánh giá phẩm chất là đánh giá thông qua hành vi. Còn năng lực là tài năng được thể hiện bằng hiệu quả của hoạt động. Chương trình giáo dục phổ thông mới đề ra những phẩm chất chủ yếu của người học và công dân tương lai của Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh chủ yếu thông qua phương pháp dạy học.

Về năng lực, định nghĩa đã được nêu trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Năng lực là sự kết hợp giữa tố chất sẵn có với quá trình học tập và rèn luyện của con người. Năng lực là sự tích hợp giữa kiến thức, kỹ năng và hứng thú, niềm tin… Năng lực chỉ có thể hình thành, phát triển thông qua hoạt động và thể hiện ở hiệu quả hoạt động. Ngồi nghe giảng chưa ra năng lực mà phải thông qua hoạt động.

Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định nhà trường có trách nhiệm hình thành và phát triển cho học sinh các năng lực cốt lõi và phát hiện, bồi dưỡng các năng lực đặc biệt. Năng lực cốt lõi là năng lực ai cũng cần phải có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại. Năng khiếu có ở mỗi người khác nhau, không phải ai cũng có năng khiếu. Năng lực cốt lõi có hai loại: Năng lực chung và năng lực chuyên môn. Năng lực chung (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo) là những năng lực mà môn học nào, hoạt động giáo dục nào cũng có trách nhiệm hình thành cho học sinh. Năng lực chuyên môn (gồm năng lực ngôn ngữ; tính toán; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; năng lực công nghệ; tin học; thẩm mỹ; thể chất) là những năng lực mà một số môn có ưu thế phát triển cho học sinh.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình GDPT mới có ba điểm nhấn. Thứ nhất là dạy học phân hóa để phù hợp với từng người, khơi dậy tiềm năng của từng người và càng lên cao càng phân hóa sâu. Thứ hai là dạy học tích hợp bởi năng lực là sự huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện hiệu quả hoạt động, giải quyết các vấn đề trong thực tế. Dạy tích hợp cũng phù hợp với quy luật nhận thức của con người khi đi từ những điều chung nhất, khái quát, tổng hợp rồi dần dần phân hóa. Thứ ba là dạy học thông qua hoạt động.

Về kế hoạch dạy học, Tiểu học có 11 môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Nghệ thuật; Tự nhiên và Xã hội (lớp 1,2,3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4,5), Khoa học (lớp 4,5), Ngoại ngữ 1 (lớp 3,4,5); Tin học và Công nghệ (lớp 3,4,5); Giáo dục thể chất; Hoạt động trải nghiệm. 2 môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số; Ngoại ngữ 1. Riêng môn Ngoại ngữ 1 chỉ dạy từ lớp 3 trở lên ở toàn quốc, nhưng những vùng phát triển như trung tâm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc các đô thị lớn phụ huynh có nhu cầu cho con học ngoại ngữ từ lớp 1,2, thậm chí từ mầm non. Vì vậy đây sẽ là chương trình tự chọn.

Cấp THCS có 12 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Như vậy so với chương trình hiện hành thì từ lớp 1 đến lớp 9 số môn học giảm. Lớp 1,2 giảm được 3 môn; lớp 6, 7 giảm được 4 môn; Lớp 8,9 giảm được 5 môn; Các lớp 3,4,5 giảm 1 môn.

Cấp THPT có 7 nội dung giáo dục bắt buộc, trong đó có 3 môn vừa có lý thuyết, vừa có thực hành (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1). Còn các môn học khác, hoạt động khác chủ yếu là thực hành. Ngoài ra có các môn học tự chọn theo định hướng nghề nghiệp.

Một trong những điểm mới nữa là hoạt động trải nghiệm ở tiểu học và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở bậc thcS, THPT là nội dung hoàn toàn mới lạ trong chương trình giáo dục phổ thông sắp được triển khai. Nội dung cơ bản của chương trình này xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân, giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp. Nội dung này được triển khai qua bốn nhóm hoạt động chính: hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hướng nghiệp. Học sinh dựa trên sự huy động tổng hợp kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên. Hoạt động này giúp hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng lực thành phần đặc thù như năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực thích ứng với những biến động trong cuộc sống và các kỹ năng sống khác.

Hà Nội chuẩn bị điều kiện áp dụng Chương trình GDPT mới

Ngay sau khi Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình phổ thông mới được Bộ GD&ĐT công bố, Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới với sự tham dự của gần 3.500 đại biểu, đại diện của hơn 1.500 cơ sở giáo dục trên địa bàn để bàn về công tác chuẩn bị cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Hội nghị tập trung vào 6 nội dung lớn: Giới thiệu tổng quan về Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể; Giới thiệu chương trình giáo dục tích hợp trong môn Khoa học xã hội; Giới thiệu chương trình giáo dục tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên; Một số vấn đề về công tác xây dựng cơ sở vật chất trong các nhà trường; Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới; Công tác truyền thông giáo dục.

Sau khi lắng nghe và cùng trao đổi xung quanh những ý kiến từ cơ sở, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; kế hoạch kiểm tra, rà soát lại đội ngũ, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới; kế hoạch phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên; rà soát việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đưa ra đề xuất với Bộ GD&ĐT là cần sớm ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tiêu chuẩn về đội ngũ, cơ chế tài chính cho công tác mua sắm, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ… phục vụ đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 – 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 – 2022, cụ thể:

– Năm học 2019 – 2020: lớp 1;

– Năm học 2020 – 2021: lớp 2 và lớp 6;

– Năm học 2021 – 2022: lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

– Năm học 2022 – 2023: lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

– Năm học 2023 – 2024: lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Trong thời gian chưa triển khai trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới được thuận lợi.

Hùng Sơn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 99, tháng 3/2017