Cho đi là còn mãi
(GDTĐ) – Khi mà đây đó vẫn còn những chuyện đau lòng xảy ra, sợi dây tình người trở nên xa cách, đạo đức sa sút…, thì xã hội vẫn còn đó những điều tốt đẹp và diệu kỳ. Lòng người vẫn vời vợi sự sẻ chia với tâm niệm “cho đi là còn mãi”. Những người vợ, người mẹ vượt lên nỗi đau mất chồng, mất con để tặng lại sự sống cho nhiều người khác là minh chứng rõ nét cho giá trị sống cao đẹp này…
Khi sống không chỉ cho riêng mình
Từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhi ung thư, nhưng với TS Phạm Việt Hương, khoa Nhi (Bệnh viện K), cô bé Hải An 7 tuổi (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiến giác mạc khi qua đời là một bệnh nhi vô cùng đặc biệt.
TS Hương cho biết, nguyện vọng hiến mô tạng của mẹ bé mới xuất hiện khi bé nằm nội trú tại khoa Nhi. Chứng kiến những cháu bé khác bị cưa tay, chân, khoét nhãn cầu bị bệnh tật, mẹ cháu bắt đầu xuất hiện ý tưởng đó. Mỗi ngày, người mẹ đều thủ thỉ tâm tình với con gái về sự sẻ chia các món đồ chơi của con cho các bạn nhỏ, ánh mắt con rất đẹp, tặng lại cho các bạn khác nhé để con vẫn có thể nhìn thấy mẹ trên cõi đời… Là một người mẹ, TS Hương khâm phục sự vĩ đại của mẹ cô bé Hải An khi quyết định hiến giác mạc, tặng lại ánh sáng cho bệnh nhân mù.
Vượt lên lòng ích kỉ chỉ muốn giữ mãi đứa con bé bỏng cho riêng mình, chị Nguyễn Trần Thùy Dương ân cần bước cùng con ở những chặng đường cuối cùng, thực hiện di nguyện của con và tạm biệt con tới một hành trình khác. Chị không day dứt, không hổ thẹn bởi sau tất cả, chính Hải An là người thanh thản nhất. Qua câu chuyện này, chị Dương không mong có thể thay đổi những suy nghĩ cũ đã ăn mòn vào tiềm thức nhiều người, cũng không mong những người chỉ trích chị sẽ quay ra tung hô, mà chị chỉ hi vọng có thể tiếp thêm động lực và cảm hứng cho người khác, những người như chị, như Hải An, có thể trao đi để cuộc đời này kết thúc thì cuộc đời khác được mở ra. Chị tâm sự: “Đôi giác mạc của Hải An đã được hiến cho 2 người khác, mình may mắn hơn rất nhiều người là đã được gặp họ. Mình hạnh phúc lắm, mình đã chờ đợi được gặp con trong hình hài của người khác và một lần nữa, vẫn ánh mắt ấy, con nhìn…”.
Trường hợp hiến tạng của Thiếu tá Lê Hải Ninh (Ninh Bình) cũng là tấm gương sáng ngời về lòng nhân ái. Sự ra đi của anh không là hư vô vì từ cái chết này, sự sống khác được hồi sinh. Anh Ninh không may qua đời vì đột quỵ ở tuổi 45 nhưng đã để lại cho đời 6 tạng, giúp cho 6 người khác được hồi sinh. Điều đáng trân trọng là vợ anh, chị Tạ Thị Kiều đã vượt lên nỗi đau xé lòng khi mất đi người chồng là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình để xin được hiến tạng của anh cho y học. Trước khi anh mất, chị đã chạm tay khẽ vào anh và nói như thể anh còn đang nghe thấy: “Em không biết việc làm của em đúng hay sai, không biết anh giận em hay không nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời theo dõi mẹ con em sống như thế nào”.
Trung tướng Mai Hồng Bàng – GĐ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xúc động nói: “Giây phút ấy chúng tôi không thể nào quên. Chị Kiều không chỉ muốn anh ra đi thanh thản, mà muốn anh ấy còn tiếp tục được cống hiến cho Tổ quốc, được tiếp tục dõi theo gia đình và vợ con”. Trung tướng Bàng chia sẻ, chính nhờ quyết định đó, giờ đây trái tim của anh Ninh đang đập trong lồng ngực của một chàng trai 30 tuổi. Hai lá phổi của anh đang thở trong lồng ngực của anh Trần Ngọc Hanh (SN 1964, ở Nam Định), còn 2 quả thận của anh đang sống trong cơ thể của 2 người khác nhau ở 2 đầu Nam – Bắc. Hai giác mạc của anh cũng vậy, đã giúp cho 2 người bệnh mù lòa được nhìn thấy ánh sáng…
Việc chị Võ Thị Ánh Phụng (48 tuổi, quê Bến Tre) ký đơn hiến tạng của con trai chết não khi mới 20 tuổi cũng khiến nhiều người xúc động và cảm phục. Chị kể: “Lúc con trai tôi đang sắp lìa xa cõi đời, bác sĩ Thu (TS Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người Chợ Rẫy) vừa an ủi tôi, vừa động viên và gợi ý để tôi đồng ý hiến tạng con trai. Bác sĩ Thu nói con sẽ cứu được 5 người khác”.
Người đàn bà ít học, rối bời khi lần đầu được nghe hai từ “hiến tạng”. Song, trái tim nhân hậu của người mẹ ấy lại suy nghĩ rất giản đơn: “Con trai dù gì cũng đã chết, chết là hết, cát bụi rồi trở về cát bụi. Nó hiền lành làm bao nhiêu tiền cũng đưa mẹ nuôi em, giúp đỡ bà con xóm trọ, thôi thì sống ở đời sao đến khi chết vẫn vẹn nguyên tấm lòng”. Người mẹ đặt bút ký vào đơn hiến tạng con. Và điều kỳ diệu đến với cuộc sống, quả tim, hai quả thận và hai giác mạc của anh đã tiếp nối cuộc đời cho những con người khác. Còn người mẹ bất hạnh nén nỗi đau trở về căn phòng trọ nhỏ tiếp tục vật lộn mưu sinh và dành trọn yêu thương còn lại cho đứa con trai nhỏ Võ Sơn Lâm.
Còn với bà Cấn Thị Ngần (60 tuổi, trú tại xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) quyết định hiến nội tạng con trai chết não khi vừa 20 tuổi thì quan niệm: “Nếu phần tạng của con trai tôi được hiến tặng thì có nghĩa một phần cơ thể của cháu vẫn sống trong những người khác, con trai tôi sẽ không tan vào hư không, không ra đi vĩnh viễn”… Và việc làm cao đẹp của bà Ngần và con trai bà đã góp phần cứu sống được 6 người khác.
Cho đi để nhận lại… hạnh phúc
Hành động hiến tặng giác mạc của Hải An đã trực tiếp giúp đôi mắt của 2 người khác sáng trở lại, đồng thời câu chuyện của em cũng đã truyền cảm hứng cho bao người về lòng tốt, sự sẻ chia và tình người ấm áp. Hơn 2300 lá đơn hiến tạng và những bộ phận trên cơ thể đã được gửi đi chính là bằng chứng rõ ràng nhất về ngọn lửa cảm hứng mà em lan tỏa. “Con gái tôi đã trao tặng sự sống cho người khác, tôi tự hào về điều đấy. Cho đi là còn mãi. Cho đi là nhận lại. Nhận lại điều gì? Nhận lại niềm hạnh phúc”. Chị Thùy Dương, mẹ bé Hải An bộc bạch.
Cũng như chị Dương, bà Cấn Thị Ngần, chị Tạ Thị Kiều, chị Võ Thị Ánh Phụng hay nhiều người vợ, người mẹ khác đã sống không chỉ cho riêng mình. Họ nén nỗi đau tưởng chừng như không gì bù đắp, vượt qua những rào cản xã hội, những nghi kỵ về tấm lòng nhân hậu của mình để mang đến những điều kỳ diệu cho cuộc sống.
Dù vẫn biết rằng “cho đi là còn mãi” nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để hiến tặng những bộ phận của chính con mình đẻ ra, của người thân yêu nhất với mình. Những người mẹ, người vợ mạnh mẽ ấy đã mất đi một đứa con, một người chồng nhưng họ không hề cô đơn. Chị Thùy Dương đã có rất nhiều bạn nhỏ, là bạn học của bé Hải An xin được gọi chị là mẹ. Bà Phụng cũng có thêm 5 người con yêu thương bà như người mẹ thứ hai của mình…
Người ra đi tiếp sức niềm tin cho người ở lại. Người ở lại tiếp tục truyền cảm hứng đến với những người xung quanh mình. Cuộc sống sẽ trở nên nhân văn, tốt đẹp hơn, bớt đi những nỗi đau từ sự ích kỷ, hiềm khích, thiếu tình người…, khiến niềm tin đôi khi bị lung lay, khủng hoảng. Xã hội cần lắm lòng nhân ái, hướng thiện, sự sẻ chia và những trái tim nhân hậu, biết sống vì người khác.
Thu Uyên – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 101+102, tháng 5-6/2018