Chàng kỹ sư trẻ bỏ lương nghìn đô để làm thầy giáo
(GDTĐ) – Đang làm kỹ sư trong một tập đoàn lớn của nước ngoài với mức lương cao nhưng Trần Hữu Hiếu, sinh năm 1987, từng học Lớp kỹ sư tài năng, chuyên ngành Cơ điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội lại quyết định rẽ ngang, chuyển sang làm thầy, hướng dẫn và truyền tình yêu toán học đến với các bạn học sinh Tiểu học, THCS tại Hà Nội.
Đam mê cháy bỏng
Chia sẻ về quyết định gây sốc này, Trần Hữu Hiếu cho biết, từ nhỏ anh đã đam mê toán học nhưng không dám theo nghề giáo. Khi còn là học sinh phổ thông, Hiếu luôn được chọn vào đội tuyển Toán của trường để tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, sau này là cấp quốc gia. “Tôi vẫn nhớ lớp chuyên Toán cấp III của tôi có tất cả 35 học sinh. Trong một buổi học gần cuối của năm lớp 12, thầy chủ nhiệm nói chuyện với cả lớp nhưng chỉ dặn dò tôi về định hướng tương lai. Thầy nói: “Thầy chỉ khuyên riêng Hiếu vì không biết các bạn khác mong muốn gì và công việc nào thực sự phù hợp với mỗi em. Với Hiếu, thầy nghĩ nếu em tiếp tục học về toán được thì rất tốt”. Là một nhà giáo nhiều kinh nghiệm, dưới góc nhìn sư phạm, tôi nghĩ có thể thầy nhìn thấy khả năng nào đó mà bản thân tôi chưa nhận ra. Nhưng lựa chọn trường đại học nào cũng phải cân nhắc tới khả năng xin việc sau này. Nhìn thấy chị gái vất vả mới tìm được việc sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm nên tôi quyết định lựa chọn đại học Bách Khoa” – Trần Hữu Hiếu tâm sự.
Tuy nhiên, lựa chọn đó không có nghĩa Trần Hữu Hiếu thôi đam mê toán. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, anh lại mày mò giải toán trên mạng và các bài toán trên “Tạp chí toán học và tuổi trẻ”. Học về chuyên ngành Cơ điện tử, được trải nghiệm 4 năm (từ 2010 –T7/2014) trong một môi trường chuyên nghiệp như Panasonic giúp anh tích lũy nhiều kiến thức thực tiễn mà toán học có thể áp dụng, cũng như tính kỷ luật và các kỹ năng mềm mà công ty trang bị. Hơn nữa, công việc của một lập trình viên tuy chủ yếu sử dụng ngôn ngữ lập trình nhưng đâu đó vẫn có bóng dáng của toán, đó là những thuật toán, công thức toán học hoặc tư duy toán học…
Đặc biệt, với tình yêu Toán học cháy bỏng, suốt quá trình đi học, đi làm, Trần Hữu Hiếu vẫn say mê giải toán trên các trang mạng. Nhiều phụ huynh nhờ anh giải toán cho con họ. Những bài toán, chủ đề mà anh chia sẻ trên mạng được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm, yêu thích. Cái tên “Chú Tiểu thích học Toán” mà anh dùng để hướng dẫn học sinh học toán trên mạng khẳng định cho những chủ đề về Toán học chất lượng mà anh phụ trách. Thậm chí, năm 2013 khi đi công tác Nhật Bản 3 tháng theo chương trình của công ty, buổi tối Hiếu vẫn dành thời gian lên mạng, đưa bài lên cho các em học sinh thử nghiệm. Kết thúc chuyến công tác trở về, phụ huynh có con ôn thi vào cấp II nhờ anh dạy một nhóm 4-5 em. Anh đã dành toàn bộ thời gian ngày thứ 7 để giúp các em vì trong tuần vẫn phải đi làm tại công ty. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều phụ huynh nhờ Hiếu dạy cho con họ. Có lúc quy mô tăng lên tới 4-5 lớp, khoảng ít thì 10, lớp đông thì 18 em/lớp. Vì thế, ngoài thời gian đi làm tại công ty, Hiếu dành thêm 3 buổi tối và ngày thứ 7 để dạy học.
Rồi phụ huynh lại là chiếc cầu nối, giới thiệu Trần Hữu Hiếu tới các trường tiểu học, trung học, nhờ đó anh có cơ hội trở thành thầy giáo thực thụ, chính thức được đứng trên bục giảng. Hiện tại, anh đang tham gia dạy tại một trường cấp 2 tại Hà Nội.
Hiếu đã thành lập câu lạc bộ toán học để theo đuổi đam mê, lan tỏa tình yêu toán đến các em học sinh. Hiện nay, câu lạc bộ toán học mà Hiếu thành lập đã duy trì và phát triển được 5 năm với hơn 500 học sinh theo học.
Rào cản khi chọn đường rẽ
Nói về những khó khăn khi chuyển sang làm giáo viên, Trần Hữu Hiếu chia sẻ: “Công việc tại Panasonic ổn cả về thu nhập và cơ hội làm việc. Tiếp tục đi theo đúng chuyên ngành được đào tạo tại đại học, tôi có thể chủ động về định hướng trong tương lai. Về phía gia đình, công việc kỹ sư trong một tập đoàn lớn của nước ngoài là điều khiến bố mẹ tôi khá tự hào và yên tâm về kinh tế. Bởi vậy, khi tôi bày tỏ ý nguyện muốn rẽ ngang đi làm thầy giáo, bố mẹ khá bất ngờ và lo lắng”.
Theo Trần Hữu Hiếu, khó khăn lớn nhất với anh khi đó là về mặt kỹ năng, nghiệp vụ. Bởi khi dạy một lớp nhỏ chỉ vài học sinh, sự tương tác giữa thầy – trò rất dễ. Với một lớp nhiều học sinh hơn, chưa kể có trường hợp chất lượng không đồng đều, việc tương tác gặp khá nhiều khó khăn. Khi dạy gia sư theo yêu cầu của phụ huynh, việc dạy và học khá thoải mái vì anh chủ động được và ít học sinh nên tương tác với học sinh dễ dàng. Trở thành một thầy giáo theo nghiệp giảng dạy, nhất là trong một môi trường sư phạm chuyên nghiệp, anh sẽ có những giới hạn nhất định và gánh nặng trên vai cao hơn gấp nhiều lần.
Thời gian bắt đầu dạy chính khóa, thầy giáo Hiếu cũng gặp không ít khó khăn, chẳng hạn trong việc học sinh có thể chưa đồng đều, ngại học hoặc chưa hợp tác vì thầy trẻ và mới. Tuy nhiên, theo đuổi đam mê một cách kiên trì, không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm là điều mà anh đã thực hiện để từng bước vượt qua khó khăn. Suốt mấy năm trời kể từ khi rẽ sang con đường dạy học, Hiếu làm việc bền bỉ, thường xuyên từ 10 -15 tiếng/ngày. Ngoài ra, sau mỗi buổi đi dạy, anh nhớ lại quá trình dạy thành công chỗ nào, không thành công chỗ nào để tự rút ra bài học và sửa chữa.
Để không còn là “kẻ ngoại đạo”
Để không còn là “kẻ ngoại đạo”, Trần Hữu Hiếu đi học về nghiệp vụ sư phạm. Anh cập nhật kiến thức toán học cho bản thân và học sinh bằng cách đọc sách toán trong nước và nước ngoài, tham khảo dạng toán trong các kỳ thi để tiếp cận sách phục vụ quá trình giảng dạy.
Mong mỏi của anh là lan tỏa đam mê toán bởi anh cho rằng, người thầy phải biết truyền đam mê, cảm hứng cho học sinh. Khi trẻ có cảm hứng, tự các em sẽ có sức bật và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Anh trăn trở làm sao để học sinh đến học rồi yêu thích việc học, thấy toán là môn học nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống, cho con người cách tư duy, tiếp cận vấn đề bởi học để nhớ, lặp đi lặp lại không còn là cách học hay nữa, quan trọng là học để tư duy, biết cách tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Phương châm khi dạy toán của thầy Hiếu là khiến trẻ thấy “được học” toán chứ không phải là “phải học” toán. Bởi vậy, khi giảng bài cho học sinh, thầy luôn đặt mình vào vị trí của các em, tiếp cận bài toán dần dần từng bước để tìm ra lời giải chứ không đi theo hướng thầy biết rồi, thầy nói lại cho các con. Phải đặt được câu hỏi giống điều học sinh băn khoăn để đi đến vấn đề. Bài có thể khó nhưng đi dần dần, học sinh sẽ cảm thấy dễ dàng, không ngại hay sợ học toán.
Nói về phương pháp tạo hứng khởi cho trò, thầy Hiếu bật mí: “Trong các giờ học, tôi thường để học sinh làm việc nhiều hơn thầy và thường để học sinh hoạt động hơn khả năng của các em một chút. Có như vậy, học sinh mới suy nghĩ sâu và biết cách vận dụng, kết nối các kiến thức được học với nhau, tìm cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. Tôi hay trêu các con: “Nếu buổi nào thầy giao 10 bài mà các con làm hết 10 bài, có nghĩa buổi đó các con không học được gì nhiều. Ít nhất là phải có một vài bài các con thấy khó, cần thầy dẫn dắt, gợi ý dần dần rồi làm được thì mới tốt”. Bởi lẽ, mỗi bài toán đều có thể có nhiều cách giải hay. Vì vậy tôi không dạy theo phương pháp lặp đi lặp lại, hình thành kỹ năng, phản xạ khi học sinh gặp một dạng toán. Như vậy sẽ đánh mất khả năng sáng tạo của các bạn ấy”.
Luôn tự nhủ, người giáo viên không chỉ cần vững về kiến thức mà còn phải biết về tâm lý, thầy Hiếu cũng đọc rất nhiều sách về tâm lý trẻ con, quan sát biểu hiện sắc mặt, thái độ của các con trong mỗi tiết học để hiểu các em hơn. Bây giờ, chỉ cần nhìn ánh mắt học sinh, thầy có thể biết chúng hiểu hay không hiểu bài. Khi quan sát, hiểu tính cách của học sinh, thầy biết được mỗi học sinh cần có cách tác động khác nhau để chúng tự tin hơn, thích học toán hơn.
Với mong muốn truyền cảm hứng và tình yêu toán học tới nhiều học sinh, thầy Trần Hữu Hiếu còn lập một trang web học toán: MathX.vn, xây dựng cho mỗi học sinh có thể tự học toán ở nhà (từ bài cơ bản trên lớp tới chuyên đề nâng cao cho học sinh khá, giỏi) giống như giở một cuốn sách tự đọc. Trong toán học,“X” là một ẩn số, là lời nhắn các học sinh hãy nỗ lực đi tìm đáp án. Nó cũng là câu chuyện đến với toán học, với nghề giáo viên, là lời nhắc nhở bản thân anh phải không ngừng cố gắng.
Tới nay, thầy Hiếu có nhiều học sinh tham gia các cuộc thi quốc tế dành cho học sinh tiểu học và THCS như: Olympic Toán Châu Á – Thái Bình Dương APMOPS, Toán học trẻ quốc tế IMC, Kỳ thi IMAS, KANGAROO, AMC, MYTS… và đạt giải Bạch kim, Huy chương Vàng… Tuy nhiên, Thầy Hiếu khá khiêm tốn khi kể về công trạng của mình bởi thầy quan niệm việc học là cả một quá trình, tích lũy và trau dồi để biết cách vận dụng, tư duy, sáng tạo. Tham gia các kỳ thi là cơ hội để giao lưu, cọ sát, là dịp để ôn tập lại kiến thức cũng như thử thách bản thân, vun đắp tinh thần chinh phục. Đó cũng là chìa khóa thành công của các con. Thành tích của học sinh phụ thuộc rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là nội lực của các em. Thầy cô đóng vai trò là người phát hiện, bồi dưỡng, định hướng, dẫn dắt, sát cánh cùng.
Chia sẻ thêm về hạnh phúc khi được đứng trên bục giảng, thầy Trần Hữu Hiếu tâm sự: “Là một người thầy, ngoài nỗ lực của bản thân, sự ghi nhận và tình yêu học sinh dành cho chính là nguồn động viên vô cùng lớn. Vui nhất là những lần phụ huynh, học sinh nhắn tin, gọi điện thông báo kết quả học tập tiến bộ của con em. Còn có những học sinh từ rất xa, quen nhau qua những bài báo, bài toán trên mạng cũng viết thư cảm ơn. Tôi còn nhớ có bạn học sinh trong Thanh Hóa, Hà Tĩnh (chưa từng trực tiếp học, nhưng thầy – trò có trao đổi, giúp nhau trên mạng) trong một lần ra Hà Nội tham dự kỳ thi học sinh giỏi đã tìm cách gặp và cảm ơn tôi. Các bạn ấy đi từ 3 giờ sáng, tới Hà Nội là 6 giờ, tôi và các bạn chỉ kịp cùng nhau ăn sáng, rồi tôi đưa các bạn vào phòng thi. Cuộc gặp dù ngắn ngủi nhưng chắc chắn không bao giờ tôi có thể quên. Có một số học sinh ở Phú Thọ, Hải Phòng cũng tìm đến học một số buổi trước các kỳ thi, có bạn ở xa ở tại nhà tôi trong thời gian học. Và đến giờ, tôi vẫn giữ gìn và trân trọng tất cả những tấm thiệp chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc Tết do học sinh gửi tặng”.
Vân Anh – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 94+95, tháng 11/2017