Các chương trình khảo sát quốc tế giáo dục phổ thông năm 2018

Các chương trình khảo sát quốc tế giáo dục phổ thông năm 2018

(GDTĐ) – Trong năm 2018, Việt Nam sẽ tham gia 3 chương trình khảo sát quốc tế: SEA PLM, TALIS và PISA liên quan đến các cơ sở giáo dục phổ thông. Dưới đây là một số thông tin liên quan đến các chương trình khảo sát nói trên.

  1. Chương trình khảo sát SEA PLM

Thông tin cơ bản về SEA PLM

Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (Southeast Asia Primary Learning Metric, gọi tắt là SEA PLM) đã được hội nghị Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (South East Asia Ministers of Education Organization, gọi tắt là SEAMEO) tán thành tại hội nghị lần thứ 47 diễn ra vào tháng 3 năm 2013.

Mục tiêu của SEA PLM

– Cung cấp cơ sở dữ liệu cần thiết, tin cậy và so sánh được về kết quả học tập theo bối cảnh cụ thể cho các nhà hoạch định chính sách, trong đó đưa ra thông tin trực tiếp sự phát triển chính sách giáo dục trong vùng.

– Xây dựng các chỉ báo về kết quả giáo dục để đưa ra sự so sánh có ý nghĩa về chất lượng.

– Tăng cường năng lực hiện có của các nước tham gia thiết kế các hoạt động thu thập dữ liệu hỗ trợ tất cả các khía cạnh của chu trình chính sách để xây dựng và thực hiện một kỳ khảo sát đánh giá đáng tin cậy, có giá trị và nghiêm túc như chương trình báo cáo có tính chất tương tự. Đồng thời để phân tích, diễn giải và công bố dữ liệu đánh giá một cách phù hợp dựa trên quan điểm là thông tin chính sách giáo dục dựa trên bằng chứng kèm theo.

Đối tượng khảo sát

– Học sinh đang học lớp 5 ở các trường tiểu học.

– Hiệu trưởng các trường rơi vào mẫu khảo sát.

– Giáo viên đang dạy lớp 5.

– Phụ huynh rơi vào mẫu khảo sát.

Các bộ công cụ khảo sát

– Bài kiểm tra học sinh: gồm 3 lĩnh vực đánh giá: Toán học, Đọc hiểu và Viết.

– Phiếu hỏi học sinh: gồm 2 phần là câu hỏi ngữ cảnh và công dân toàn cầu.

– Phiếu hỏi dành cho nhà trường.

– Phiếu hỏi phụ huynh học sinh.

Mục tiêu tham gia SEA PLM của Việt Nam

– Hội nhập với các nước trong khu vực về giáo dục;

– Đo được mặt bằng giáo dục Việt Nam so với các nước trong khu vực;

– Được đánh giá khách quan về chất lượng giáo dục so với các nước trong khu vực, đồng thời được ACER phân tích thực trạng giáo dục và các khuyến nghị thay đổi chính sách giáo dục để cải thiện chất lượng giáo dục;

– Thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với việc xây dựng và phát triển ngôi nhà chung ASEAN;

– Phục vụ cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của Việt Nam: thay đổi chương trình, thay sách giáo khoa mới.

Khảo sát thử nghiệm SEA PLM năm 2018

– Mục đích: Thử nghiệm một quy trình khảo sát SEA PLM để rút kinh nghiệm tổ chức đợt khảo sát chính thức cho tất cả các nước tham gia. Thử nghiệm các bộ công cụ khảo sát để giúp các chuyên gia quốc tế hoàn thiện các bộ công cụ sẽ sử dụng trong khảo sát chính thức.

– Việt Nam tham gia khảo sát thử nghiệm có 35 trường tiểu học thuộc 3 tỉnh/thành phố là: Hà Nội, Gia Lai và An Giang. Thành phố Hà Nội có 12 trường tiểu học rơi vào mẫu chọn, ngày khảo sát thử nghiệm diễn ra từ 16/01/2018 đến 19/01/2018.

Ảnh minh họa

2.Chương trình khảo sát TALIS

– TALIS là tên gọi tắt của cụm từ tiếng Anh: Teaching And Learning International Survey, là chương trình đánh giá việc dạy và học trong nhà trường phổ thông, được OECD nghiên cứu và xây dựng một cách bài bản, khoa học. Chu kỳ đánh giá 5 năm/lần, kỳ đầu tiên của TALIS là 2008.

– TALIS khảo sát các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và PISA-Link (các trường được chọn tham gia khảo sát PISA năm 2018). Mẫu khảo sát chính thức của Việt Nam trong năm 2018 là 201 trường Tiểu học, 200 trường Trung học cơ sở và 150 trường PISA-Link.

– Đối tượng tham gia khảo sát chính thức TALIS là Hiệu trưởng và giáo viên. Mỗi trường tham gia khảo sát sẽ chọn ra 20 giáo viên và Hiệu trưởng để tham gia khảo sát.

– Chương trình TALIS bắt đầu từ năm 2008 tại 24 quốc gia/vùng kinh tế OECD, đến kỳ khảo sát TALIS 2013 đã có 33 quốc gia/vùng kinh tế tham dự. Đến chu kỳ TALIS 2018, đã có trên 45 quốc gia/vùng kinh tế tham gia, trong đó có Việt Nam. Điều này càng khẳng định thêm uy tín và hiệu quả của TALIS.

Mục đích chung của các quốc gia tham gia TALIS

Các quốc gia tham gia TALIS nhằm đạt được các mục tiêu chung sau:

– TALIS cung cấp kịp thời, hiệu quả các chỉ số quốc tế và phân tích công tác quản lý của Hiệu trưởng, chính sách về giáo viên, công tác giảng dạy của giáo viên, cũng như các điều kiện cơ bản đáp ứng việc dạy và học tại trường nhằm giúp các nước nỗ lực rà soát và phát triển chính sách để thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc dạy và học có hiệu quả.

–  TALIS cung cấp những báo cáo phân tích xuyên quốc gia nhằm so sánh các nước với nhau hiện đang cùng đối mặt với những thách thức giống nhau để tìm hiểu về các phương pháp tiếp cận chính sách khác nhau và tác động của chúng tới môi trường giảng dạy, học tập ở trường.

–  TALIS kết nối dữ liệu với PISA nhằm tìm ra các yếu tố liên quan giữa kết quả học tập của học sinh với nhà trường, giáo viên và hiệu trưởng để đánh giá tổng thể chất lượng giáo dục của các quốc gia.

Mục tiêu tham gia TALIS của Việt Nam

Ngoài những mục tiêu cơ bản giống như các nước tham gia TALIS, Việt Nam còn có thêm những mục tiêu cụ thể như sau:

– Giống như tham gia PISA, đây là bước tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục;

– Đây là một cơ hội khách quan để đánh giá tổng thể chất lượng giáo dục Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế về giáo dục;

– Việt Nam có thể so sánh “mặt bằng” giáo dục quốc gia với giáo dục quốc tế để biết được giáo dục Việt Nam như thế nào, từ đó có sự cải tiến chính sách và đầu tư cho sự phát triển của giáo dục;

– Là cơ hội học tập về kĩ thuật và phương pháp đánh giá của các nước tiên tiến nhằm đưa ra cách tiếp cận mới về dạy, học từ đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo;

– Góp phần đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2018 của Việt Nam.

Tham gia khảo sát TALIS 2018, thành phố Hà Nội có 34 cơ sở giáo dục được chọn trong đó có 11 trường TH, 14 trường THCS và 9 trường THPT, thời gian khảo sát là giữa tháng 3/2018.

3. Khảo sát PISA năm 2018

PISA: là chương trình khảo sát học sinh ở độ tuổi 15 (độ tuổi ở năm cuối của 9 năm giáo dục phổ thông bắt buộc) trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã tham gia chương trình này vào các năm 2012 và 2015. Năm 2018 Việt Nam tiếp tục tham gia, kỳ khảo sát năm nay vẫn khảo sát trên 3 lĩnh vực: Đọc hiểu, Toán học và Khoa học nhưng sẽ chú trọng nhiều hơn đến lĩnh vực Đọc hiểu. Hiện Việt Nam đang đàm phán với OECD để tiến hành chọn mẫu đánh giá và các công tác liên quan. Kỳ khảo sát PISA năm 2018 sẽ diễn ra vào giữa tháng 4/2018.

Phùng Thanh Quang – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 99, tháng 3/2017