Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội
(GDTĐ) – Sáng 17/4, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội về công tác phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô. Cùng tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; TS Chử Xuân Dũng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cùng BGĐ và các phòng, ban của Sở; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của TP Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện toàn thành phố có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (tăng 70 trường so với cùng kỳ năm học 2017 – 2018) với hơn 1,9 triệu học sinh (tăng hơn 90 nghìn học sinh so với cùng kỳ năm học 2017 – 2018) và 155 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Công tác chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của từng năm học, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể.Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn.Ngành đã chủ động tham mưu UBND thành phố có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học.CNTT được ứng dụng trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. Hà Nội đã đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 cấp THPT công lập năm học 2019 – 2020 theo phương thức thi tuyển 4 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư là Lịch sử).
Giáo dục Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải HSG quốc gia năm 2019 (với 11 giải Nhất, 19 học sinh được dự thi vòng 2 chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế); 21 đề tài đoạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019…
Đặc biệt, giáo dục Hà Nội đã tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế.Hai năm liền tổ chức kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng HOMC với sự tham gia của các đoàn học sinh quốc tế.Năm 2018, kỳ thi có sự tham dự của 9 đoàn, năm 2019 tăng lên 13 đoàn học sinh đến từ cácquốc gia và vùng lãnh thổ. Hà Nội tiếp tục khẳng định chất lượng tại cuộc thi với 3 cúp đồng đội (Nhất, Nhì, Ba) và 23 huy chương cá nhân trong đó có 6HCV.
Hà Nội cũng đã triển khai Đề án sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày. Hiện toàn thành phố đã có gần 90% trẻ mẫu giáo, tiểu học tham gia chương trình.
TS Chử Xuân Dũng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trên cơ sở 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản trong chỉ thị năm học của Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp; tham mưu Thành phố và phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, triển khai có hiệu quả các điều kiện cho việc hội nhập quốc tế về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt công tác thi và tuyển sinh và phân luồng học sinh sau THCS hợp lý; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo các đơn vị tập huấn đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên về tăng cường kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm…
Tại buổi làm việc, lãnh đạoSở GD&ĐT Hà Nội và các sở, ngành của thành phố dành nhiều thời gian trao đổi các nội dung về: Quy hoạch mạng lưới trường lớp; phân cấp trong quản lý giáo dục; tự chủ tài chính trong giáo dục; xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao; xã hội hóa giáo dục; y tế học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường…
Thực tế hiện nay, công tác phát triển giáo dục và đào tạo của Hà Nội đang gặp phải một số khó khăn trong việc công nhận lại các trường đã đạt chuẩn quốc gia, áp lực trong công tác tuyển sinh do tăng dân số cơ học một cách cục bộ ở một số địa bàn, cơ chế quản lý các trung tâm GDNN – GDTX còn chồng chéo… Để giải quyết những khó khăn trên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD&ĐT. Kiến nghị với Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” nhằm đáp ứng đủ trường lớp và nhu cầu học tập của con em trên địa bàn thành phố; quan tâm nâng mức đầu tư để xây dựng các trường THPT, phấn đấu năm 2025, Hà Nội có 100% trường THPT đạt Chuẩn quốc gia; phân cấp cho Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội được bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Chính phủ tiếp tục cho phép tuyển dụng hoặc có cơ chế thuê hợp đồng nhân viên y tế cho các trường…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủyđánh giá cao kết quả ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được trong những năm qua. Cụ thể, ngành GD&ĐT Hà Nội đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời thường xuyên phát huy dân chủ, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành phố. Về công tác chuyên môn, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước trong giáo dục đại trà cũng như các kết quả mũi nhọn thi HSG quốc gia, quốc tế. Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng đã chủ động, tích cực trong công tác hội nhập quốc tế, mở ra các hình thức đào tạo theo hướng hội nhập.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp thu ý kiến các sở, ngành nêu ra trong buổi làm việc, triển khai các giải pháp để khắc phục những hạn chế. Bí Thư thành ủy cũng đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội lưu ý một số nội dung: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân về phát triển giáo dục và đào tạo;Lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của xã hội đối với quá trình phát triển giáo dục và đào tạo; Tăng cường đổi mới công tác thông tin truyền thông tạo sự nhận thức, đồng thuận của dư luận xã hội về giáo dục và đào tạo; Giáo dục chính trị, tư tưởng cho giáo viên và cán bộ quản lý trong điều kiện xã hội phát triển, thông tin phong phú như hiện nay; Đẩy mạnh cải cách hành chính; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm túc, kịp thời các sai phạm; Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tự chủ trong giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng học sinh; quan tâm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học…
Tô An