TS.Hoàng Trung Học-Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục: Muốn có nhà trường hạnh phúc, trước hết thầy cô phải cảm nhận được hạnh phúc
(GDTĐ) –
Theo TS TS.Hoàng Trung Học- Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, học sinh hạnh phúc là mục tiêu của nhà trường tiến bộ nhưng không phải là nền tảng, cơ sở tạo nên nhà trường hạnh phúc. Muốn có nhà trường hạnh phúc, trước hết thầy cô phải cảm nhận được hạnh phúc vì thầy cô là người truyền ngọn lửa đam mê, niềm tin và nhiệt huyết đến học trò. Vì vậy, nếu thầy cô không có cảm hứng, không hạnh phúc thì trò cũng không thể cảm nhận được hạnh phúc trong các giờ học.
Thái độ nghề nghiệp, cảm xúc, hành vi của giáo viên quyết định cảm xúc, hành vi của học trò
*Thưa TS, hiện nay những áp lực về học hành, thi cử, sự kỳ vọng của cha mẹ, tính chất các mối quan hệ ở trường học… đã khiến nhiều học sinh không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy gì với tương lai của các em khi học sinh không thấy hạnh phúc và không có cái nhìn lạc quan vào cuộc sống?
-Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của cá nhân, được thể hiện bằng cảm giác vui vẻ, thỏa mãn đối với những điều kiện sinh hoạt và cuộc sống hiện tại. Trạng thái tâm lý này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của cuộc sống của mỗi người. Suy cho cùng, mỗi người chúng ta sống là để mưu cầu hạnh phúc. Trong cuộc sống, mỗi người có thể đạt được trạng thái này ở các cấp độ khác nhau.
Đối với học sinh, trạng thái hạnh phúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, chỉ số về sự hạnh phúc, mãn nguyện phản ánh chỉ số sức khỏe tâm thần của các em. Khi đứa trẻ không hạnh phúc trong đời sống học đường, đồng nghĩa với việc sức khỏe tâm thần học đường của các em đang có vấn đề. Thứ 2, sự bất an trong đời sống nội tâm của các em sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng nhận thức, có thể gây ra những xúc cảm tiêu cực và hành vi bất thường, cực đoan, thậm chí rối nhiễu. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập và sự phát triển nhân cách của các em. Thứ 3, không có cảm giác hạnh phúc mỗi ngày đến trường, thiếu lạc quan vào cuộc sống đồng nghĩa với việc các em đang trải nghiệm giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời (giai đoạn học sinh) với trạng thái bất an. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính tự tin, sáng tạo và niềm tin vào cuộc sống tương lai.
Do đó, hạnh phúc vừa là mục tiêu phải hướng đến, vừa là phương tiện giáo dục quan trọng trong các nhà trường hiện nay.
*Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chủ trương của ngành giáo dục là xây dựng mô hình: “Trường học hạnh phúc – Thầy cô hạnh phúc – Học sinh hạnh phúc”, với hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục là hạnh phúc và tiến bộ, xin TS cho biết suy nghĩ của mình về mô hình này?
– Tiến bộ và hạnh phúc là hai chỉ số quan trọng nhất trong một nhà trường tiên tiến. Trường học hạnh phúc là trường học tiến bộ và nhà trường tiến bộ thì cả thầy và trò phải được hạnh phúc. Đây là hai yếu tố cốt lõi của nhà trường tiên tiến. Tuy nhiên mô hình “Trường học hạnh phúc – Thầy cô hạnh phúc – Học sinh hạnh phúc” cần phải được thay đổi lại theo một logich phù hợp hơn, đó là: “Thầy cô hạnh phúc – Học sinh hạnh phúc – Trường học hạnh phúc”. Sự thay đổi này nhìn qua tưởng chừng như không có ý nghĩa và có vẻ như ta đang tiếp cận hướng vào người thầy. Tuy nhiên, điều này là rất cần thiết vì nó chỉ ra logich hợp lý của cách tiếp cận để xây dựng trường học hạnh phúc. Muốn có trường học hạnh phúc thì học sinh phải được hạnh phúc. Học sinh không thể có hạnh phúc nếu thầy cô dạy các em không hạnh phúc.
*Theo TS nền tảng của một trường học hạnh phúc là gì?
– Nhiều người cho rằng trường học hạnh phúc có nền tảng là học sinh hạnh phúc. Điều này có vẻ hiển nhiên đúng. Tuy nhiên, hiểu như vậy chỉ đúng một phần. Học sinh hạnh phúc là mục tiêu của nhà trường tiến bộ nhưng không phải là nền tảng, cơ sở tạo nên nhà trường hạnh phúc. Tôi cho rằng, nền tảng gốc rễ của nhà trường là giáo viên. Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng dạy và học. Giáo viên là linh hồn, là người kiến trúc sư trưởng và trực tiếp thi công trong các giờ học và các hoạt động giáo dục. Vì vậy, thái độ nghề nghiệp, cảm xúc, hành vi của họ sẽ quyết định cảm xúc, hành vi của học trò trong các hoạt động giáo dục.
Giáo viên là người truyền ngọn lửa đam mê, niềm tin và nhiệt huyết đến học trò. Do đó, cảm xúc của họ sẽ lan truyền trực tiếp đến học sinh trong các hoạt động giáo dục. Vì vậy, nếu thầy không có cảm hứng, không hạnh phúc thì trò cũng không thể cảm nhận được hạnh phúc trong các giờ học. Học sinh chỉ có thể có được hạnh phúc khi thầy, cô của các em hạnh phúc.
Đáng tiếc, ngọn lửa đam mê, cảm giác hạnh phúc của người giáo viên đang dần trở nên hiếm hoi trong thực tiễn giáo dục hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau.
*Trên thực tế đã có một số trường thành công khi xây dựng trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, xây dựng trường học hạnh phúc là một hành trình gian nan với rất nhiều khó khăn, TS có thể cho biết cụ thể những khó khăn đó?
-Xây dựng trường học hạnh phúc hiển nhiên là một việc rất khó khăn. Nếu nhà trường nào xây dựng được nhà trường thân thiện, hạnh phúc với 2 đối tượng trung tâm là giáo viên và học sinh hạnh phúc thì coi như đã xây dựng thành công một mái trường có triết lý giáo dục tiến bộ. Nhưng để làm việc này trong thực tiễn giáo dục, chúng ta đang vấp phải nhiều khó khăn.
Thứ nhất, để mang lại cảm xúc nghề nghiệp hạnh phúc thực sự cho người thầy, cần chăm lo để đảm bảo những điều kiện vật chất tối thiểu cho giáo viên. Nói gì thì nói, khi điều kiện vật chất chưa đảm bảo, phải lo toan cuộc sống thường nhật, người thầy khó chuyên tâm cho công việc giáo dục. Thu nhập của giáo viên hiện tại vẫn còn thấp, gây nhiều khó khăn cho các thầy, cô, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học. Thứ 2, giá trị nghề nghiệp của người thầy phải thực sự được trân trọng. Khoảng 20 năm trở lại đây, vị thế của người thầy có sự thay đổi đáng kể theo hướng tiêu cực. Xã hội có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn, gây áp lực nhiều hơn và sự trân trọng, thấu cảm dường như dần trở nên hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thái độ nghề nghiệp của người thầy. Thứ 3, người thầy cần phải được giải phóng khỏi những sức ép không cần thiết. Theo nhận thức của tôi, hiện tại giáo viên của chúng ta đang phải chịu quá nhiều áp lực trong và ngoài chuyên môn. Thứ 4, cả xã hội và cha mẹ học sinh cần đồng nhất về cách tiếp cận, trân trọng người thầy, chia sẻ cùng nhà trường và hiệp đồng để cùng giáo dục, mang lại hạnh phúc cho đứa trẻ và các thầy, cô. Nhà trường suy cho cùng cũng chỉ là một thành tố trong xã hội, phản chiếu đời sống xã hội. Vì vậy, nếu xã hội và cha mẹ học sinh không cùng đồng hành, hỗ trợ nhà trường thì sự nghiệp xây dựng nhà trường hạnh phúc khó thành công.
Đây là 4 yếu tố cơ bản sẽ gây trở ngại trực tiếp cho việc xây dựng nhà trường hạnh phúc.
Giáo dục bằng tình yêu thương là cách tiếp cận giáo dục tiến bộ
*Trừng phạt, bạo hành không làm học sinh thay đổi bền vững mà yêu thương mới tạo động lực, thay đổi nhận thức, hành vi và cảm hóa con người mạnh mẽ, như vậy tình yêu thương chính là cội nguồn của những giờ học hạnh phúc, có đúng không thưa TS?
– Đúng vậy, tình yêu thương là phương tiện giáo dục tuyệt vời nhất, giúp nuôi dưỡng tình yêu thương và hạnh phúc của chính đứa trẻ. Giáo dục bằng tình yêu thương cũng chính là cách tiếp cận giáo dục tiến bộ, tạo ra sự thay đổi bền vững nhất ở trẻ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, đồng nhất trong cách tiếp cận của cả gia đình và toàn thể xã hội. Để có thể giáo dục trẻ thành công bằng tình yêu thương đòi hỏi người thầy phải rất giỏi về tâm lý và nghiệp vụ sư phạm.
*Và để có những giờ học hạnh phúc, các thầy cô giáo cần có kỹ thuật dạy học như thế nào để truyền cảm hứng cho học sinh?
– Cần rất nhiều yếu tố để tạo nên một giờ học hạnh phúc. Về cơ bản, cần vận dụng linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, phù hợp với mục tiêu dạy học để đạt được hiệu quả dạy học tối ưu. Để có những giờ học tích cực, thầy, trò đều hạnh phúc, vai trò quyết định thuộc về người thầy. Thầy, cô phải thực sự là các chuyên gia tâm lý, các nhà sư phạm tài ba. Bầu không khí tâm lý, tính cởi mở, sự tôn trọng, thấu hiểu, lắng nghe cần được đặc biệt đề cao. Người thầy phải trở thành người kết nối, truyền cảm hứng và khuyến khích học trò trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập. Từ đó, học sinh mới có thể tìm thấy chính mình, là chính mình, phát huy hết tiềm năng của mình trong các giờ học. Hạnh phúc cũng bắt đầu từ đó.
*Thầy cô có hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc, vậy theo TS làm thế nào để mỗi giáo viên phải là người “gieo mầm” hạnh phúc?
– Chăm lo xứng đáng cho đời sống vật chất của các thầy, cô. Toàn xã hội cần tin tưởng, trân trọng thực sự công việc của các thầy, cô giáo. Những áp lực không cần thiết đến từ các phía cần được giải phóng để các thầy cô thực sự đam mê, chuyên tâm vào việc dạy học và giáo dục, tránh để giáo viên rơi vào tình trạng “Tự vệ nghề nghiệp”.
*Để việc xây dựng một trường học hạnh phúc đúng thực chất không phải theo phong trào, khẩu hiệu, theo TS chúng ta phải làm gì?
– Để xây dựng nhà trường hạnh phúc, chúng ta cần bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, cụ thể nhất. Mỗi nhà trường, cộng đồng, toàn thể xã hội cần chú ý hơn nữa đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo. Công tác quản lý giáo dục ở cả cấp vĩ mô và vi mô cũng cần được đổi mới toàn diện theo hướng đi vào thực chất, giảm tính hành chính để cởi bỏ áp lực cho cả thầy, trò. Mỗi giáo viên cần có ý thức rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của nhà giáo. Thầy cô thay đổi, nhà trường thay đổi, học sinh thay đổi, phụ huynh thay đổi và xã hội thay đổi theo hướng nhân văn, hạnh phúc, chúng ta sẽ có những nhà trường hạnh phúc.
*Xin trân trọng cảm ơn TS!
Kiều Giang – Hồng Hà (Thực hiện)
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số tháng 12/2019