Bộ GD&ĐT triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019
(GDTĐ) – Sáng 2/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ GD&ĐT và các điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu của Bộ GD&ĐT.
Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao
Phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết năm học 2017 – 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 của ngành GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ các kết quả nổi bật, cũng như những vấn đề còn hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ năm học vừa qua. Bộ trưởng nhấn mạnh: Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, trong năm học 2017-2018 vừa qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra và đạt được một số kết quả nổi bật: Chất lượng các hoạt động GD&ĐT ở tất cả các bậc học từng bước được cải thiện, nâng cao. Mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển; tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các độ tuổi. Mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định, từng bước được rà soát, sắp xếp.
Nhiều trường đại học của nước ta đã có tên trong bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao như đánh giá của Ngân hàng Thế giới: 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam (hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục).
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2017 – 2018, toàn ngành đã tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được một số kết quả nổi bật: Rà soát hiện trạng đội ngũ, tính toán dự báo nhu cầu sử dụng, nhu cầu đào tạo giáo viên để thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm từ năm 2018 sát với nhu cầu sử dụng; hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy hoc, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông được ban hành đã góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT; Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân được điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy học tiếng Anh trong giai đoạn tới; công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để trong công tác quản lý và giảng dạy; mô hình tự chủ đại học dần định hình và được xã hội chấp nhận.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại, đó là: Công tác sắp xếp mạng lưới trường lớp ở một số địa phương còn chưa phù hợp, thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu, lạc hậu. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết dứt điểm, chưa đủ giáo viên mầm non và thiếu giáo viên các môn chuyên biệt ở cấp phổ thông. Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông còn chậm, trong đó có việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới không đảm bảo lộ trình đề ra. Việc dạy thêm, học thêm và lạm thu chưa được giải quyết triệt để. Tự chủ đại học còn nhiều hạn chế.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong công tác quản lý giáo dục các cấp năm học vừa qua, trong đó, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương trong từng vấn đề cụ thể. Đồng thời, dành thời gian thỏa đáng để thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Giáo dục trong năm học tới.
Các nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018 – 2019 được Bộ GD&ĐT đưa ra là: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; Nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ QLGD; Đổi mới chương trình giáo dục MN, phổ thông và đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quá trình đổi mới cần theo xu thế quốc tế
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá chung tình hình đổi mới căn bản, toàn diện của ngành giáo dục trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29. Phó Thủ tướng khẳng định: Thời gian qua giáo dục và đào tạo đã có nhiều đổi mới. Việc tự chủ chương trình có sự thay đổi, cách dạy, cách học có chuyển biến khá rõ nét. Về tự chủ đại học, hiện đã có 24 trường thí điểm và nhiều trường đang trông đợi Chính phủ ban hành quyết định sớm để thực hiện tự chủ. Xây dựng trường mầm non tư thục được chú ý hơn, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (hơn 300 trường, nhóm lớp tư thục được bổ sung).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện cần bám sát các nội dung trong Nghị quyết 29 đã nêu. Đổi mới căn bản, toàn diện có 2 điểm xuyên suốt mà trong năm học mới 2018 – 2019 cần thực hiện nghiêm túc: Thứ nhất, đổi mới giáo dục là cả quá trình, cần lộ trình cụ thể. Trong lộ trình ấy không có giải pháp nào hoàn hảo và chúng ta cần kiên trì đi theo các giải pháp đúng. Giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình – nhà trường – xã hội mà còn liên quan đến tình hình chung của đất nước. Thứ hai, trong quá trình đổi mới cần theo xu thế quốc tế. Không chỉ các trường đại học, tới đây các trường THPT – quản lý cũng phải thay đổi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: Đổi mới giáo dục và đào tạo được toàn dân quan tâm, nhiều người, nhiều chuyên gia góp ý cho giáo dục. Mỗi người góp ý về một góc độ. Trong quá trình ban hành mọi chủ trương, chính sách cần chú trọng mở ra diễn đàn để mọi người góp ý, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời tìm ra các giải pháp phù hợp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT làm tốt công tác biên chế giáo viên. Bộ GD&ĐT nắm được tình hình giáo viên của từng trường về số lượng, trình độ chuyên ngành đào tạo… Đây là nền tảng để làm tốt công tác biên chế. Bộ cũng cần khẩn trương trình Chính phủ về ban hành tự chủ đại học, đổi mới quản lý trường phổ thông, ở một số trường phổ thông có thể tự chủ lương của giáo viên.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương quan tâm cơ sở vật chất trường học, cố gắng phấn đấu cho học sinh được học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó cần lưu ý đến việc xây dựng nhà vệ sinh trường học. Với nhà trường, quản trị nhà trường cần đổi mới, giảm bớt thời gian điều hành hành chính và cần có sự tham gia của cộng đồng, giáo viên, phụ huynh, học sinh theo hướng minh bạch, dân chủ. Các thầy cô giáo cần thực sự gương mẫu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng mong muốn gia đình, cộng đồng các bậc phụ huynh tham gia công tác quản lý, quản trị nhà trường, đồng thời có thể yêu cầu các cháu tham gia lao động, vệ sinh nhà trường hình thành cho các em biết yêu lao động, tôn trọng người lao động.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ nêu những giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề “nóng” mà các đại biểu đưa ra tại hội nghị như: tinh giản biên chế, chất lượng chuyên môn và đạo đức đội ngũ giáo viên, quy hoạch trường lớp học, thiếu giáo viên mầm non… Phó Thủ tướng cũng mong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, vệ sinh lớp học, bạo lực học đường.
Thi THPT quốc gia cần đảm bảo công bằng cho học sinh trong cả nước
Điểm cầu TP Hà Nội có sự tham dự của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng các đồng chí trong Ban giám đốc, lãnh đạo CĐGD Hà Nội, các phòng thuộc Sở và phòng GD&ĐT các quận, huyện thị xã.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Ngô Văn Quý thành phố đã báo cáo tóm tắt những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục Thủ đô. Theo đó, năm học vừa qua thành phố Hà Nội đã dành 19 nghìn tỷ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm tỷ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách. Hà Nội đã xây dựng 66 trường học và hơn 22 nghìn phòng học mới; tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn đạt 78%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%. Năm học 2018-2019, Hà Nội tiếp tục triển khai giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Hà Nội”, triển khai thí điểm bộ tài liệu về an toàn giao thông cho học sinh…
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Nội có trên 80 nghìn học sinh tham gia với quy mô 123 điểm trường, trải rộng trên địa bàn 30 quận, huyện thị xã và đã nhận được sự phối hợp tốt của các trường đại học trên địa bàn. Thành phố Hà Nội đã rà soát lại tất cả các khâu trong kỳ thi vừa qua, từ khâu chuẩn bị đến coi thi, chấm thi, phúc khảo, tất cả các khâu đều thực hiện đúng quy chế của Bộ GD&ĐT, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc và công bằng. “Chúng tôi thấy việc thi THPT quốc gia như hiện tại là phù hợp, tiết kiệm cho học sinh, phụ huynh học sinh. Kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng và đảm bảo an toàn. Đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì hình thức thi như hiện nay, trong đó cần có các khâu kiểm tra, kiểm soát, rút kinh nghiệm đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh trong cả nước”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý khẳng định.
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cũng nêu lên một số kiến nghị với Bộ GD&ĐT. Cụ thể, liên quan đến nghị định 86 về học phí đã có quy định nhưng, hiện mức thu học phí và khung học phí với trường công lập tự chủ chi thường xuyên chưa có trong nghị định này, chính vì vậy Hà Nội mong muốn Bộ tiếp tục tham mưu với Chính phủ bổ sung khung, mức thu học phí với các trường công lập tự chủ chi thường xuyên. Thứ hai, việc chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục từ công lập sang ngoài công lập hiện nay đã có chủ trương, nghị quyết nhưng mô hình và cách thức triển khai chưa rõ ràng vì vậy Bộ cần có hướng dẫn để các địa phương thực hiện. Thứ ba, liên quan đến Nghị định 16, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn về tự chủ trong đơn vị sự nghiệp của ngành GD&ĐT, trong đó có các trường phổ thông. Thứ tư, hiện nay các thành phố lớn, đặc biệt là nội đô khó khăn về quỹ đất trong xây dựng trường học, vì vậy Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng cần thống nhất cho phép được nâng tầng so với quy chuẩn xây dựng trường học hiện nay.
Tô An