Phương pháp tổ chức phục vụ bạn đọc trong thư viện trường

Phương pháp tổ chức phục vụ bạn đọc trong thư viện trường

(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm của cô thủ thư Lê Thị Tới – trường THPT Tân Dân, huyện Phú Xuyên đoạt giải B cấp ngành với đề tài “Một số phương pháp và kinh nghiệm tổ chức phục vụ bạn đọc trong thư viện trường”.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Tổ chức phục vụ bạn đọc trong thư viện là tổ chức cho bạn đọc đọc tại chỗ, ngay trong thư viện. Để việc phục vụ bạn đọc đạt hiệu quả cao, người thủ thư cần thực hiện một số phương pháp:

Bổ sung thường xuyên nguồn tài liệu

Để phục vụ nhu cầu đọc mượn của cán bộ, giáo viên và học sinh được tốt hơn, người thủ thư phải nâng cao chất lượng kho sách của thư viện sao cho đa dạng về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phong phú về nội dung, bổ sung thường xuyên các loại tài liệu theo từng tháng, từng quý, từng năm học.

Về cơ sở vật chất

Thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh, nhà trường cần xây dựng thư viện trở thành “Lớp học thứ hai”. Xây dựng thư viện với một hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ chia thành 3 khu: khu đọc, khu tra cứu Internet, kho sách.

Về nghiệp vụ thư viện

Kho sách của thư viện được quản lý theo đúng nghiệp vụ thư viện trường học. Sách, báo, tạp chí nhập về đều được thực hiện nghiêm túc theo các bước như: Đăng ký, phân loại, mô tả, tổ chức mục lục, tổ chức kho sách, giới thiệu sách mới, tổ chức phục vụ bạn đọc và được sắp xếp theo đúng nghiệp vụ.

Phục vụ bạn đọc

Để đáp ứng tốt nhu cầu đọc, ngoài kho sách chung, người thủ thư cần tổ chức phòng đọc với tủ sách riêng. Tủ sách được rút ra từ kho sách chung tập hợp đầy đủ các loại sách có trong thư viện, mỗi loại sách có ít nhất một bản. Ngoài ra ở phòng đọc còn có các loại sách tra cứu mà có thể trong kho phòng mượn không có như các loại từ điển, kỷ yếu, sách hướng dẫn nghiệp vụ, các thư mục giới thiệu sách mới, thư mục chuyên đề…

Bên cạnh các loại sách tham khảo, tài liệu tra cứu tại phòng đọc, bạn đọc có thể tìm kiếm và khai thác những thông tin mới nhất qua các báo ngày hay tìm hiểu, theo dõi những tin tức, nghiên cứu tài liệu qua các tạp chí chuyên ngành…

Với vốn tài liệu phong phú như vậy, để thu hút được đông đảo bạn đọc đến đọc sách báo và tạo điều kiện cho bạn đọc dễ dàng tìm được những tài liệu cần thiết cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, kho sách phòng đọc được tổ chức với hình thức kho mở tự chọn. Như thế bạn đọc được tiếp xúc trực tiếp với nguồn tài liệu thư viện, được tự do chọn tài liệu nên nhu cầu tin nhanh chóng được đáp ứng, độ chính xác cao, không mất nhiều thời gian tra cứu.

Phục vụ mượn

Không phải bạn đọc nào cũng có thời gian đến thư viện đọc sách. Phần lớn giáo viên và học sinh vẫn thường tranh thủ thời gian buổi tối để học tập, soạn bài và đọc sách, hình thức cho mượn sách về nhà sẽ có ích rất nhiều đối với họ. Do đó, người thủ thư cần bổ sung thêm sách tham khảo, sách nghiệp vụ, sách giáo khoa và tổ chức kho sách phòng mượn.

Áp dụng công nghệ thông tin trong thư viện

Hoạt động của thư viện

Xã hội ngày càng phát triển với sự bùng nổ của thông tin, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, lượng kiến thức cần cập nhật ngày càng nhiều, ngoài việc giáo viên truyền đạt kiến thức cho học sinh trên lớp, thư viện có nhiệm vụ theo dõi từng đối tượng học sinh để hướng cho các em phải biết tự học trên sách, báo, Điều này đòi hỏi công tác thông tin thư viện phải thực hiện một loạt các công đoạn có cấu trúc hợp lý mà người ta gọi là dây chuyền thông tin tư liệu. Dây chuyền thông tin tư liệu bao gồm các công đoạn sau đây:

–         Chọn lọc và bổ sung

Nguồn chọn lọc và bổ sung của trường dựa vào: báo, tạp chí cho học sinh đọc, bổ sung tài liệu. Do nhu cầu người dùng tin đa dạng mà thông tin trong tạp chí ngày càng có nhiều thay đổi và chuyển biến cần cập nhật nên mỗi quý, mỗi năm nhà trường cần chọn lọc và bổ sung thêm sách.

–         Xử lý tài liệu (phân loại)

Do cán bộ thư viện không có nhiều thời gian nên việc xử lý nội dung tài liệu nên làm trước. Công tác phân loại sẽ giúp cho mô tả khép kín quy trình từ nội dung đến hình thức để thực hiện hoàn chỉnh các phích mô tả.

–         Xử lý hình thức (mô tả tài liệu)

Tiếp theo việc phân loại tài liệu là những công đoạn giúp kiểm tra và tìm ngay được tài liệu khi cần thiết, đó là mô tả tài liệu. Thư viện trường mô tả tài liệu theo tiêu chuẩn quốc tế (ISBD).

Các phích đã được xử lý xong và được sắp xếp vào tủ mục lục truyền thống. Trường có một tủ mục lục, phân làm hai phần, xếp theo môn loại, có 30 lớp. Xếp theo thứ tự A.B.C… bắt đầu tên tác giả hay tên sách.

Tài liệu băng từ: được cất vào tủ và xếp theo môn loại. Tài liệu được sắp xếp thành 6 khu vực: Sách giáo viên, sách giáo khoa, sách tham khảo, báo- tạp chí Đảng pháp luật, tủ sách đạo đức .

Toàn bộ tài liệu được sắp xếp theo sổ đăng ký cá biệt từ 1.2.3…. theo trật tự nhất định. Tất cả tài liệu đều để trên giá và tủ tránh côn trùng bằng cách xịt thuốc chống mối mọt. Hàng năm thư viện tu bổ lại sách, thanh lọc bỏ một số tài liệu quá cũ rách và lạc hậu.

–         Tìm tin và phổ biến thông tin (công tác đối với người đọc)

Để thu hút người đọc vào thư viện thì cán bộ thư viện phải tiến hành tốt và quán triệt được hai yêu cầu đó là tính quần chúng và tính giáo dục, phải xem xét việc đọc của người đọc một cách cụ thể, thực tiễn và khoa học.

Công tác mượn, trả và tuyên truyền giới thiệu sách

Phục vụ nhu cầu mượn, đọc sách của cán bộ giáo viên và học sinh

Đối với cán bộ giáo viên và nhân viên: Mỗi người có một sổ mượn riêng, mỗi lần mượn từ 3- 5 cuốn đối với sách tham khảo và thời gian mượn từ 7- 10 ngày, sau khi trả sách cũ mới được mượn sách mới. Sách nghiệp vụ mượn đủ dùng và trả sau khi giảng dạy xong chuyên đề đó.

Đối với học sinh: Hằng năm cứ vào đầu năm học, thư viện nhà trường cho toàn bộ học sinh trong trường mượn mỗi em một bộ sách giáo khoa, trước khi mượn yêu cầu các em phải làm đơn xin mượn sách có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm lớp, khi mượn về các em phải bọc nilon để giữ gìn và bảo quản sách được lâu bền. Ngoài mượn sách giáo khoa các em còn được mượn thêm sách tham khảo, mỗi lần được mượn từ 2 cuốn trở lên với thời gian từ 7-15 ngày, sau khi trả các em lại được mượn tiếp.

Riêng các em trong đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường, thư viện ưu tiên cho các em mượn trong suốt thời gian ôn thi đến khi thi xong với lượng sách nhiều hơn so với quy định.

Tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách mới một cách sáng tạo

Đây là một biện pháp hữu hiệu góp phần đẩy mạnh các hoạt động của thư viện thu hút đông đảo bạn đọc đến với thư viện. Thư viện cần phối hợp với Đoàn thanh niên, giáo viên dạy bộ môn giáo dục ngoài giờ lên lớp tổ chức tốt các buổi tuyên truyền giới thiệu sách dưới nhiều hình thức khác nhau như:

Tiến hành điểm sách, đọc các bài báo hay có tính thời sự, tính giáo dục cao trong các buổi chào cờ đầu tuần.

Giới thiệu sách chuyên đề thông qua các buổi sinh hoạt truyền thống.

Điểm sách, giới thiệu sách mới, tài liệu bồi dưỡng chuyên đề cho giáo viên thông qua các buổi họp hội đồng sư phạm, họp tổ chuyên môn.

Xây dựng văn hoá đọc trong nhà trường

Hoạt động của thư viện trường học chỉ thực sự khởi sắc bền vững khi làm tốt vai trò đào tạo người đọc, bao gồm cả giáo viên và học sinh, theo nghĩa “xây dựng được văn hoá đọc trong nhà trường”.

Người cán bộ thư viện cần xây dựng phương pháp đọc sách có hiệu quả qua các buổi chuyên đề, hướng dẫn học sinh tùy theo mục đích và khoảng thời gian cho phép, khi đọc sách cần phân thành 4 loại sau:

– Đọc lướt

– Đọc cả cuốn

– Đọc có ghi chép

– Đọc có suy nghĩ và ghi nhớ.

Từ những hoạt động tích cực của thư viện nói trên, nhất là công tác tuyên truyền và giới thiệu sách báo đã tạo ra những thay đổi đáng khích lệ trong hoạt động chung của nhà trường, đặc biệt là sự thay đổi cả về chất lượng và số lượng bạn đọc đến thư viện, số học sinh có ý thức đến với thư viện nhà trường để đọc sách, tìm kiếm tri thức ngày càng một nhiều hơn.

Trên đây là một số nét chính của đề tài Một số phương pháp và kinh nghiệm tổ chức phục vụ bạn đọc trong thư viện trường” của thủ thư Lê Thị Tớitrường THPT Tân Dân. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hannoiedu.vn.

BBT