Gặp nhạc sĩ “Mùa thu ngày khai trường”
(GDTĐ) – Giai điệu, ca từ của bài hát “Mùa thu ngày khai trường” đã quen thuộc với bao thế hệ học sinh Việt Nam và được ngân lên ở các ngôi trường trên mọi miền Tổ quốc mỗi dịp chào đón năm học mới. Thế nhưng không phải ai cũng biết, người sáng tác ca khúc ấy, nhạc sĩ Vũ Trọng Tường từng là thầy giáo, đã nhiều năm công tác trong ngành GD&ĐT Hà Nội, được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Và trong cuộc trò chuyện với PV Tạp chí Giáo dục Thủ đô có rất nhiều điều thú vị lần đầu tiên ông chia sẻ.
* Thưa nhạc sĩ, xin ông cho biết đôi nét về hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Mùa thu ngày khai trường”?
“Mùa thu ngày khai trường” được sáng tác khi tôi đang là cán bộ của phòng giáo dục Ba Đình, xuống dự lễ khai giảng của trường Cấp 1-2 Mạc Đĩnh Chi năm 1982. Tiếng trống khai giảng năm học mới đã làm tôi “giật mình”, bỗng có cái gì đó chợt đến, cảm xúc bùng lên và tôi đi lấy ngay tờ giấy viết xong 4 câu đầu: “Tiếng trống trường rộn rã làm tan cái nắng hè, dịu đi những tiếng ve còn vương trên vòm cây xanh lá. Mùa thu sang đẹp quá, xao xuyến bao tâm hồn”. Lúc đầu, tôi viết câu tiếp theo là “Vui tiếng trống tựu trường, trang giáo án đầu tiên” nhưng về sau chuyển thành “trong khúc hát mùa thu”. Về đến nhà tôi đã hoàn thiện ca khúc khi nhớ đến những khuôn mặt hồn nhiên của trẻ thơ, ánh mắt rạng ngời đầy lạc quan, tin tưởng của cả thầy và trò khi bước vào năm học mới.
“Mùa thu ngày khai trường” đã giúp ông được cả nước biết đến. Chắc hẳn ông có không ít kỷ niệm với ca khúc này?
Tôi thấy hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được đón nhận rộng rãi và được học sinh yêu quý. Tôi thấy tự hào mỗi lần được nghe học sinh hát ca khúc của mình, một trong những tiết mục khiến tôi ấn tượng nhất là năm 1998, khi vào Sài Gòn, nhạc sĩ Từ Huy và một số nhạc sĩ khác mời tôi đến nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Tôi thật bất ngờ khi ca khúc “Mùa thu ngày khai trường” được dàn dựng công phu với sự tham gia của 300 em học sinh. Một dịp khác khi đến thăm Trường Sa, các cháu nhỏ trên đảo ai cũng thuộc bài hát “Mùa thu ngày khai trường” của tôi, đó là niềm hạnh phúc không gì có thể diễn tả nổi.
Được biết ông đã từng nhiều năm công tác trong ngành giáo dục và đã được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình công tác của mình?
Tôi sinh ngày 4/9/1946 tại thành phố Hải Dương. Từ năm 1957, tôi chuyển về Hà Nội học tập và sinh sống. Năm 1964, tôi đi bộ đội. Với khả năng chơi đàn và hát, tôi tham gia văn nghệ và làm công tác chỉ đạo nghệ thuật ở Đội tuyên văn Binh chủng Ra-đa thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân. Năm 1970 tôi học Cao đẳng sư phạm âm nhạc và sau khi tốt nghiệp từ năm 1973 đến năm 1993 về công tác tại ngành GD&ĐT Hà Nội. Ban đầu tôi dạy Âm nhạc tại trường cấp 1 – 2 Hoàng Diệu (Ba Đình), tới năm 1978 về phòng giáo dục Ba Đình. Từ năm 1994, tôi chuyển công tác về Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Tôi đã nhiều lần được nhận Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng đã đoạt được nhiều giải thưởng âm nhạc khác của Bộ Giáo dục, Hội Âm nhạc Hà Nội, Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh… và được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục. Tôi cũng là một trong 50 nhạc sĩ được báo Thiếu Niên Tiền phong vinh danh thế kỷ XX.
Ông bắt đầu viết nhạc từ khi nào và ca khúc “Mùa thu ngày khai trường” có phải sáng tác đầu tay của ông?
Tôi sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả. Gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng bố tôi là người yêu nghệ thuật, thơ ca. Từ nhỏ tôi đã được gia đình cho học đàn. Tôi cũng thích bóng đá và được đánh giá là cầu thủ xuất sắc. Vì vậy, khi lớp tôi vô địch giải Bóng đá của trường, tôi đã viết ca khúc đầu tiên là “Lớp tôi lớp 9G”. Tới năm 1967, tôi viết bài “Cây sáo diều của em”, đó là ca khúc chính thức đầu tiên cho thiếu nhi của tôi. Đến nay, tôi không nhớ nổi mình đã sáng tác bao nhiêu ca khúc, nhưng có khoảng 50 ca khúc dành cho thiếu nhi. Nhiều ca khúc được học trò yêu thích như: Mùa thu ngày khai trường, Cây bàng mùa hạ, Hạt nắng sân trường, Khi Hà Nội vào thu, Chơi đu… Tôi cũng có một số bài hát viết về các ngôi trường của Thủ đô, trong đó ca khúc “Trường em mang tên Hoàng Diệu” là ca khúc đầu tiên viết về một ngôi trường cụ thể.
Khi công tác tại Binh chủng Ra-đa, tôi viết nhiều ca khúc về người lính, trong đó có một số bài hát nổi bật như: Mắt thần trên đỉnh trường sơn, Anh là chiến sĩ ra-đa… Những ca khúc này thành công và mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Khi chui vào hầm tối có người lính vẫn nhận ra tôi là nhạc sĩ đã viết ca khúc “Mắt thần trên đỉnh Trường Sơn”. Năm 1966, khi đến thăm Trường Sa, một chiến sĩ cùng hát ca khúc “Anh là chiến sĩ ra-đa” cách đó 30 năm vẫn nhớ và nhận ra tôi.
Được biết, ông cũng có nhiều bài hát hay về Trường Sa, xin ông chia sẻ thêm về những ca khúc này?
“Ơi Trường Sa yêu thương” được tôi viết khi tham gia thực hiện chương trình “Bông hoa nhỏ” năm 1996 là ca khúc đầu tiên về Trường Sa của tôi. Dù chưa từng được đặt chân đến Trường Sa nhưng tôi viết bằng kiến thức và bằng tình yêu đất nước. Bài hát được sáng tác dưới góc nhìn từ đất liền hướng ra Trường Sa: “Nhỏ bé giữa biển khơi, một góc trời Tổ quốc, Trường Sa xa xanh thẳm, lẫn giữa nước và trời, trông giống con thuyền trôi, bồng bềnh trên ngọn sóng, mong từng cơn mưa nhỏ, mong từng lá thư nhà”.
Tôi được đến thăm Trường Sa 2 lần. Lần đầu vào năm 1996, sau khi sáng tác xong ca khúc “Ơi Trường Sa yêu thương”. Được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa trời biển bao la, tôi vô cùng hạnh phúc, dào dạt cảm xúc đến mức viết được tới hơn chục ca khúc, trong đó phải kể tới “Trường Sa chiều biển nhớ” (giải Nhất hội nhạc sĩ năm 1996). Nếu ca khúc “Ơi Trường Sa yêu thương” mang góc nhìn từ đất liền tới Trường Sa thì ca khúc “Trường Sa chiều biển nhớ” được viết ở Trường Sa nhìn về đất liền: “Trăng sớm đừng vội lên, hải đăng đừng vội sáng, cho lính biển Trường Sa ngắm hoàng hôn xa”. Ngắm hoàng hôn xa, tức là hướng về phía tây, nơi đó có đất liền, quê nhà của các chiến sĩ.
Lần thứ 2 đến thăm Trường Sa vào tháng 5/2014 đã giúp tôi có cảm xúc để sáng tác ca khúc “Những chiến sĩ đi trong lòng biển”. Ca khúc được nhiều người yêu thích và đánh giá giai điệu hào hùng, ca từ sâu sắc. Cũng trong chuyến đi này tôi đã đến thăm 3 ngôi trường ở các đảo Nam Yết, đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây và sáng tác một số ca khúc cho thiếu nhi như: “Trường Sa dây bí dây bầu”, “Bàng vuông ở Trường Sa” (được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải B ở nội dung ca khúc dành cho thiếu nhi xuất sắc nhất năm 2014)…
Nhiều người cho rằng, chúng ta đang thiếu ca khúc cho thiếu nhi và trẻ phải hát ca khúc người lớn trong các cuộc thi, ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Nếu như ngày xưa cả nước nghe đài, bất cứ bài hát nào ra đời, phát trên đài thì cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều biết và thuộc. Còn hiện nay có nhiều kênh truyền hình, nhiều sân chơi, cuộc thi cho trẻ. Vì vậy để có một ca khúc đọng lại cho các em là điều khó. Tôi nghĩ trong các cuộc thi nên có chủ đề rộng và khuyến khích trẻ hát bài hát mới. Nếu đi thi thì nên chọn những ca khúc mang tính nghệ thuật đòi hỏi người hát phải có cảm xúc và trình độ âm nhạc. Tuy nhiên, hiện nay các bài hát thiếu nhi viết theo tiêu chí nghệ thuật cao không nhiều. Đa số vẫn là các bài hát âm vực hẹp, sáng tác theo kiểu “áp phích”, ai cũng có thể hát và vỗ tay theo nhạc. Các nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi có vẻ dễ dãi quá, các bài giống giống nhau, không có cái “tôi”, không bộc lộ được suy nghĩ, cá tính của trẻ.
Theo ông, sáng tác ca khúc cho thiếu nhi hiện nay cần lưu ý điểm gì?
Sáng tác cho thiếu nhi ngày nay khác nhiều so với trước, từ ngôn ngữ, ca từ và đặc biệt âm nhạc. Âm nhạc có tiết tấu nhanh hơn, thậm chí khó hơn, đưa cả tiết tấu hiện đại vào ca khúc. Mặc dù ca từ nghe có vẻ trẻ con đấy nhưng ẩn sâu trong những câu hát đơn giản phải là triết lý giáo dục. Vì vậy, người nhạc sĩ cần được đào tạo về âm nhạc và am hiểu văn học, triết học.
Xin cảm ơn ông!
Tô An (thực hiện)/Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 68, tháng 9/2015