Vận dụng quan điểm tiếp cận đồng bộ vào dạy bài “Người lái đò Sông Đà”

Vận dụng quan điểm tiếp cận đồng bộ vào dạy bài “Người lái đò Sông Đà”

(GDTĐ) – Cùng với sự ra đời của văn chương, khoa học tiếp cận cũng xuất hiện như một công cụ hữu hiệu giúp người đọc, người học chiếm lĩnh giá trị tác phẩm, đồng sáng tạo với nhà văn. Theo GS. Phan Trọng Luận: Người nghiên cứu và giảng dạy văn học luôn phải nắm vững quan điểm tiếp cận đồng bộ – một sự vận dụng hài hòa các phương pháp tiếp cận gồm lịch sử phát sinh, cấu trúc văn bản và lịch sử chức năng khi tiếp cận tác phẩm văn chương.

Nếu hướng tiếp cận từ góc độ lịch sử phát sinh giúp HS nắm vững bối cảnh xã hội, đặc điểm phong cách tác giả thì hướng tiếp cận cấu trúc văn bản giúp cho các em hiểu sâu hơn, rộng hơn thế giới nghệ thuật được tái hiện trong tác phẩm còn hướng tiếp cận chức năng lại góp phần đánh thức khả năng tiếp nhận một cách chủ động, sáng tạo của HS.

Ảnh minh họa

Những yêu cầu khi dạy học tùy bút Người lái đò Sông Đà theo hướng tiếp cận đồng bộ

 

Dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của người học

Theo sách “Những vấn đề chung về đổi mới giáo dục THPT môn Ngữ văn”, NXB Giáo dục, Hà Nội – 2007 thì Phương pháp dạy học tích cực (PPDHTC) “là cách thức dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh”. PPDHTC hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học. Học sinh từ chỗ thụ động nghe – nhìn – ghi chép đến chỗ chủ động tìm tòi, phát biểu, trao đổi với thầy cô giáo và các bạn. Trong quá trình này, hoạt động dạy học diễn ra đa chiều, phong phú, lấy hiệu quả làm mục tiêu.

Vận dụng thích hợp tri thức ngoài văn bản

* Tri thức lịch sử – địa lý vùng đất Tây Bắc

Tây Bắc là vùng núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Vùng núi non ấy, từ ngàn đời nay, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Thái, Nùng, Mông, Dao… Đây cũng là vùng đất ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại trong quá trình khai mở cương vực bờ cõi của các bậc tiền nhân, từ các vương triều Trần – Lê – Nguyễn, đến thời kỳ độc lập sau năm 1945.

Thời kỳ cách mạng và kháng chiến, Tây Bắc là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc với thơ của Tố Hữu, Quang Dũng, Chế Lan Viên; văn xuôi của Tô Hoài, Hữu Mai… âm nhạc của Đỗ Nhuận, Cầm Giang – Bùi Đức Hạnh… họa phẩm của Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái…

*  Tri thức về tác giả

Nguyễn Tuân sinh năm 1910 trong một gia đình Nho học ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục, huyện Từ Liêm, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1930 nhưng chỉ thực sự nổi tiếng từ năm 1938 với các truyện ngắn sau này được in trong tập truyện “Vang bóng một thời”. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân  trở thành cây bút tiêu biểu của nền văn học Mác xít với nhiều tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống chiến đấu: Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Thắng càn (1953), Tùy bút kháng chiến và hòa bình (1955)…

Đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân là nhà văn thường phát hiện và miêu tả đối tượng từ phương diện văn hóa mĩ thuật. Mọi sự vật, dù nhỏ bé bình thường cũng được quan sát, tái hiện dưới góc độ của cái đẹp. Thể hiện đặc điểm này, nhà văn sử dụng bút pháp tô đậm, nhấn mạnh cái khác thường để gây ấn tượng và cảm xúc mãnh liệt…

* Nắm vững đặc trưng thể loại tùy bút Nguyễn Tuân

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong tùy bút của Nguyễn Tuân là yếu tố truyện. Mỗi tác phẩm của ông đều có nội dung, nhân vật, tình tiết; nhân vật được khắc họa nổi bật với tính cách, tâm trạng tiêu biểu cho một lớp người, một giai tầng trong xã hội. Về mặt bút pháp, ông sử dụng trí tưởng tượng để dựng cảnh, dựng truyện. Miêu tả cảnh vật bằng những liên tưởng chuyển đổi cảm giác tinh tế. Tùy bút của nguyễn Tuân đồng thời lại mang đậm tính chất ký, ghi chép sự thật và thông tin thời sự chính xác. Nguyễn Tuân có một kho từ vựng rất phong phú, lối hành văn biến hóa, linh hoạt, câu văn có nhiều kiểu cấu trúc đa dạng, nhiều sắc điệu, giàu âm thanh, có lúc phá vỡ quy tắc thông thường.

Biện pháp dạy học tùy bút Người lái đò Sông Đà

*Hướng dẫn học sinh đọc văn bản

Phương thức đọc văn bản Người lái đò Sông Đà: đọc rõ ràng, khúc chiết, đúng về ngữ âm, ngữ pháp, biểu đạt được giọng văn, nhịp văn, dòng cảm xúc của chủ thể sáng tạo.

* Sử dụng hệ thống câu hỏi phù hợp, đa dạng

Hệ thống câu hỏi có vai trò quan trọng trong quá trình tiếp cận tác phẩm. Câu hỏi phù hợp với nội dung, phù hợp với học sinh sẽ giúp cho quá trình tiếp cận đạt hiệu quả cao nhất. Câu hỏi rõ ràng, ngắn mà hay góp phần đánh thức năng lực tư duy của người học, tạo tâm thế chủ động, sáng tạo cho thầy và trò. Câu hỏi phải đa dạng, phong phú nhưng cũng cần chọn lọc, vừa bao quát “diện” vừa nhấn mạnh “điểm”, vừa bám sát làm rõ nội dung tư tưởng vừa nhấn mạnh đặc điểm nổi bật của phong cách nghệ thuật.

Câu hỏi khái quát: đây là dạng câu hỏi mang tính định hướng, gợi mở cho các em học sinh xác lập các luận điểm của bài học.

Ví dụ: Hoàn cảnh ra đời của tùy bút Người lái đò Sông Đà giúp em hiểu gì về giá trị tác phẩm?

Dạng câu hỏi này yêu cầu học sinh phải có tư duy khái quát, mang tính hệ thống về tác giả, tác phẩm.

Câu hỏi chi tiết: trong mỗi bài giảng, mỗi tiết dạy sẽ có hệ thống nhiều câu hỏi chi tiết khác nhau. Có câu được người dạy chuẩn bị trước, nhưng cũng có tình huống câu hỏi nảy sinh bất ngờ.

Ví dụ: Hình tượng người lái đò được miêu tả như thế nào? Hãy so sánh với nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước năm 1945?.

Dạng câu hỏi này yêu cầu học sinh phải đọc kỹ văn bản, nắm rõ các chi tiết, có khả năng tư duy hình tượng để phân tích, so sánh, từ đó rút ra nhận xét.

Câu hỏi về phong cách/giá trị nghệ thuật: Chọn cho HS phân tích một số câu văn thể hiện rõ nhất nét tài hoa về bút pháp trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân. Yêu cầu ở đây, HS không chỉ tìm ra đoạn văn phù hợp với câu hỏi mà phải biết cảm nhận, trình bày một cách ngắn gọn, đủ ý. Người lái đò Sông Đà được viết bằng ngôn ngữ đa thanh, có ngôn ngữ khoa học, có ngôn ngữ thể thao, có ngôn ngữ quân sự… Dù là kiểu ngôn từ nào thì nét nổi bật vẫn là chất tài hoa uyên bác.

* Dùng thao tác phân tích, bình giảng

Phân tích, bình giảng là một trong những thao tác chủ đạo của phương pháp dạy học Ngữ văn, nó giúp tạo ra những giờ dạy học sinh động, giàu chất nghệ thuật. Khi sử dụng thao tác này, cả người dạy và người học đều có cơ hội thể hiện khả năng nghệ sĩ của mình. Thao tác phân tích, bình giảng dù còn nặng chất lý tính và có phần áp đặt, thì vẫn là công cụ khá hữu hiệu để học sinh hiểu được vấn đề “tác giả viết cái gì, viết như thế nào?”.

Tiếp cận đồng bộ không phải là con đường duy nhất nhưng là con đường hiệu quả để khám phá thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò Sông Đà. Để đạt được điều đó, trước hết, người giáo viên cần có nhiệt huyết và lòng đam mê với tác phẩm mà mình sẽ nghiên cứu. Bên cạnh đó, để dạy học thành công tác phẩm tùy bút Người lái đò Sông Đà theo hướng tiếp cận đồng bộ, người giáo viên phải nắm vững lý thuyết và những yêu cầu khi dạy học tác phẩm này. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đặc điểm tâm lý lứa tuổi HS bậc THPT để xây dựng phương án, vận dụng phương pháp dạy học phù hợp. Đồng thời, người giáo viên phải biết chọn lọc, kế thừa ưu điểm của phương pháp cũ, kết hợp hài hòa với các phương pháp dạy học hiện đại nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Trên cơ sở đó, hướng dẫn các em tự tìm tòi, tranh luận để khám phá giá trị tác phẩm.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình, Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 68 (tháng 9/2015)