Nước mắt…đàn ông
(GDTĐ) – Thật hiếm khi nhìn thấy những giọt nước mắt của các đấng nam nhi. Vậy mà, tại Phòng khám tiết niệu và nam khoa Tâm Anh, GS.TS.Nhà giáo nhân dân Trần Quán Anh, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về chuyên ngành nam học, giám đốc phòng khám đã phải chứng kiến nhiều những giọt nước mắt chua xót, ngậm ngùi của những quý ông.
NHỮNG BỆNH NHÂN MANG… MÃ SỐ
Lật giở chồng hồ sơ bệnh án, chỉ vào một mã số, GS Trần Quán Anh kể: Đây là trường hợp của một đôi vợ chồng là giảng viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Họ cưới nhau 15 năm mà chị vợ vẫn còn… trinh trắng! Gặp tôi, chị kể chị khổ lắm. Chị luôn cố giữ để không tan vỡ gia đình vì cả hai đều là trí thức. Chị phải quên đi những đòi hỏi, ham muốn của con người khi ở bên cạnh người chồng “hờ hững”. Chuyện vợ chồng chị không có con, mọi tội lỗi đều đổ lên đầu chị, người thì bảo chị “điếc”, người lại cho rằng chắc kiếp trước chị ăn ở thất đức nên kiếp này không có con… Chị cắn răng chịu đựng mọi lời đàm tiếu suốt ngần ấy năm, bởi chỉ một mình chị hiểu. Khi tìm đến tôi, không chỉ chị khóc mà chồng chị nước mắt cũng lăn dài trên má. Sau một vài tháng, tôi đã chữa khỏi bệnh liệt dương cho chồng chị. Đến khi đó cuộc sống của vợ chồng chị mới được bình thường như những người khác. Hôm tìm đến tôi để cảm ơn, họ lại khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Tôi chữa cho anh trước hết vì trách nhiệm của một bác sĩ nhưng sâu thẳm trong tâm hồn là sự khâm phục phẩm chất cao thượng, trong sạch của người vợ suốt 15 năm sống trong hi sinh, chấp nhận. Chuyện thật hiếm nhưng cũng thật cảm động.
“Một mã số khác khiến tôi không thể quên, đó là một bệnh nhân nam 28 tuổi trông cao to, khoẻ mạnh, anh ta kết hôn mà lại không thể “gần gũi” với vợ. Anh ấy đã tìm đến tôi để điều trị. Tôi đã cho anh ấy uống thuốc để chữa chứng bệnh xuất tinh sớm. Một hôm, khoảng 1 giờ đêm thì anh ấy đến đập cổng nhà tôi thình thình, giọng hớt hải “Giáo sư ơi! Giáo sư ơi!”, tôi sợ quá vì tưởng anh ấy bị biến chứng gì khi uống thuốc. Tôi chạy vội ra mở cửa, ngỡ ngàng khi anh ấy đưa cả cô vợ đến mà khoe rằng “Thưa Giáo sư! Lần đầu tiên em hoàn thành nghĩa vụ với vợ. Em đến báo để Giáo sư chia vui với em ạ. Khuôn mặt anh ấy rạng rỡ, khác hẳn khuôn mặt thiểu não hôm mới tìm đến phòng khám tiết niệu và nam học Tâm Anh”- GS Trần Quán Anh nhớ lại.
Theo GS Trần Quán Anh: Không chỉ các “quý ông” trung niên mắc phải những nỗi đau khó giãi bày mà ngày càng có nhiều thanh niên trai tráng tìm đến ông để mong được “gỡ rối”. Dừng lại ở một mã số khác, ông tiếp tục câu chuyện của mình: Đây là trường hợp của một cậu sinh viên năm cuối Trường Đại học Kiến trúc cao gần 1m8, trông khỏe mạnh, cường tráng nhưng đã đau khổ tâm sự với tôi “cháu đã phải từ chối tới ba lời tỏ tình của các bạn gái”. Bộ phận sinh dục của anh hoàn toàn chưa có dấu hiệu phát dục, vẫn y như lúc 8-9 tuổi. Khi đã xác định do nội tiết tố, sau một thời gian điều trị, giờ đây anh chàng đã vui trở lại. Tương lai lại phơi phới trước mắt chàng kiến trúc sư trẻ.
10.000 BỆNH NHÂN, 10.000 BI KỊCH
Biết đặc thù tất cả bệnh nhân nam bị yếu sinh lý đều muốn giấu đến mức tối đa nên GS Trần Quán Anh đã mã hoá tên của người bệnh trong bệnh án. Nếu bệnh nhân không muốn, ngay cả bác sĩ điều trị cũng không biết người bệnh tên là gì và đang ở đâu. Ông có lý thuyết riêng của mình: “Khi người đàn ông khóc, nước mắt thường chảy ngược vào trong và họ sẽ kéo cả gia đình khổ theo. Vì vậy, chữa được cho một người đàn ông là đã góp phần cho một tiểu xã hội hạnh phúc hơn”.
Chỉ khi họ tự nguyện thổ lộ, GS Trần Quán Anh mới biết về hoàn cảnh gia đình và những ấm ức xung quanh căn bệnh “trời hành” nọ. Cẩn trọng đến thế nên có người đùa bảo ông Quán Anh chữa bệnh cứ như làm công việc thuộc dạng… bí mật quân sự!
Đã từng khám và điều trị cho trên 10.000 bệnh nhân mắc chứng bệnh “bất lực”, GS Trần Quán Anh chia sẻ: 10.000 bệnh nhân là 10.000 bi kịch khác nhau. Có ở trong cuộc mới hiểu được “nỗi đau” của các quý ông khi bị xếp vào diện “bất lực”. Nỗi đau ấy không chỉ mình các quý ông gánh chịu mà kéo theo đó là cuộc sống của cả một gia đình, tế bào nhỏ trong xã hội. GS cho hay: Tôi đã tổng kết bệnh nhân tìm đến tôi trong bốn tình trạng. Một là đã ly hôn, hai là đang sống ly thân, ba là vợ chồng định ly hôn nhưng dắt nhau đến chỗ chúng tôi xem có cứu vãn được không. Tôi còn nhớ rất nhiều người vợ của bệnh nhân đến rồi ngồi thụp xuống chân tôi khóc mà van xin rằng: “Giáo sư cố cứu chúng em vì em rất thương anh ấy, không muốn phải ly dị”. Còn tâm trạng thứ tư là hoàn cảnh của người vợ cố sống, ngụy trang với dư luận nhưng trong nội tâm có rất nhiều điều giằng xé. Nhiều người đàn ông khi mắc bệnh thì lại bị chính người vợ của mình khinh rẻ. Nhiều người khi biết vợ ngoại tình thì cũng đành ngậm ngùi chấp nhận, rồi sa vào cờ bạc, rượu chè. Đó là những bi kịch. Không bi kịch nào giống bi kịch nào. Tất cả đều rất khổ tâm.
Sẽ không thể kể hết những bi kịch khi quý ông bị “bất lực”. Trong cái nhìn xa xăm, GS Trần Quán Anh nói: Đàn ông thật ra cũng có thiệt thòi. Nếu phụ khoa đã có từ cả nghìn năm nay thì nam khoa còn rất non trẻ. Trong khi đó đàn ông cũng bị rất nhiều bệnh đặc thù của giới: rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, dị tật cơ quan sinh dục… Đó cũng là những căn bệnh bình thường nếu so với các bệnh của nữ. Nhưng nếu một người đàn ông bị gán cái tên đệm “bất lực” thì đó là điều làm họ xấu hổ cả một đời.
Thật bàng hoàng khi nhiều người đàn ông đến chữa bệnh với gương mặt nặng trĩu tâm sự, buồn rầu thả từng chữ một: “Vợ chồng tôi đã chia tay mấy năm rồi”.
TRẢ LẠI TÊN CHO ANH
GS Trần Quán Anh phân tích: “Chứng bất lực” ở đây thực chất là chuyên khoa nam học hay còn gọi là y học tình dục. Chuyên khoa này gồm nhiều loại bệnh khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung vào các biểu hiện: mãn dục nam giới làm giảm ham muốn, gây rối loạn cương, khó có con và xuất hiện một số bệnh toàn thân (nam giới từ 50 tuổi trở đi dễ mắc phải bệnh này); Bệnh nhân bị rối loạn cương dương (liệt dương) cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong những người bị mắc bệnh nam học. Nhiều bệnh nhân lại vướng phải bệnh vô sinh nam giới, rối loạn xuất tinh, tình dục đồng giới, suy sinh dục, dị tật bộ phận sinh dục… Trong số này xuất tinh sớm là phổ biến nhất và đang được thế giới rất quan tâm. Bởi vì quan hệ tình dục bây giờ được coi là một phần của chất lượng cuộc sống, không chỉ cho nam giới mà cả cho nữ giới.
GS khẳng định: Chữa bệnh nam học nhưng thực chất là đảm bảo cả cho cuộc sống tình dục của phụ nữ. Hiện, Việt Nam có khoảng 15,7% nam giới mắc bệnh rối loạn cương dương. Cứ 100 cặp vợ chồng thì có 15 cặp không thể có con, trong đó trên 50% là do nguyên nhân từ nam giới và tỉ lệ này đang có chiều hướng gia tăng mạnh.
Những nghiên cứu của GS Trần Quán Anh và các chuyên gia trong lĩnh vực tiết niệu, nam học đã phần nào lý giải cho những trục trặc trong cuộc sống gia đình của nhiều cặp vợ chồng cũng như nguyên nhân vô sinh không phải chỉ bởi người phụ nữ. “Vạch mặt” được chứng bất lực đồng nghĩa với việc các bác sĩ đã tìm được cách thức điều trị để “trả lại tên” cho những quý ông luôn mang trong mình mặc cảm của một “phế nhân”.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tâm lý của người bệnh và cả nước còn quá ít cơ sở khám chữa và điều trị chứng bệnh này”- GS Trần Quán Anh nhận định. Ông nói: Hầu hết bệnh nhân đến khám trong tâm trạng rụt rè, xấu hổ, ngại ngùng, ngại tiếp xúc nơi đông người. Trong khi đó, phòng khám của Trung tâm Nam học đầu tiên ở Việt Nam tại BV Việt Đức luôn trong tình trạng quá tải với trên dưới 100 ca bệnh mỗi ngày. Bộ Y tế nhận định, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nam khoa tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân toàn quốc.
Áp lực công việc, sự thay đổi môi trường sống đang tác động mạnh đến “thiên chức” của các quý ông, không phân biệt tuổi tác, thành phần. Sự gia tăng đáng lo ngại chứng bệnh nam khoa đe dọa sự bền vững của các tổ ấm gia đình. GS Trần Quán Anh tâm huyết: Khi gặp những vấn đề trục trặc về y học tình dục, quý ông hãy vượt qua ngại ngần tìm đến cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa để được tư vấn và điều trị. Với các gia đình nhỏ, kết quả điều trị sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn khi có sự phối hợp, chia sẻ của người vợ trước chứng bệnh khó nói của người chồng.
Thu Trang (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 77+78, tháng 5-6/2016)