Những kỹ nghệ “móc túi” bố mẹ
(GDTĐ) – Trong khi nhiều sinh viên vừa học vừa tranh thủ thời gian rỗi để đi làm thêm hay về nhà đỡ đần cha mẹ ở quê thì có một bộ phận “cử nhân tương lai” lại dành thời gian ấy “nướng” vào những thú vui riêng của mình: chơi điện tử, nhậu nhẹt, cờ bạc… Để có tiền, họ đã không ngần ngại trổ hết kỹ nghệ… “móc túi” bố mẹ mình.
Giả xin tiền học
Vừa chân ướt, chân ráo vào Trường Đại học Công đoàn, Vũ Nguyên (Tuyên Quang) bị “hớp” ngay lối ăn chơi của một số đám bạn quen “vãi” tiền. Nguyên thấy những cuộc ăn nhậu thâu đêm hấp dẫn hơn rất nhiều so với việc chong đèn đọc sách. Nguyên đã nhanh chóng ra nhập đội quân nhậu ấy. Họ nhậu ngày càng nhiều, nhậu vì bất kỳ lý do gì: vì mừng vui, sinh nhật, đám cưới-hỏi-giỗ, vì tương phùng, vì chia ly, uống vì thất bại, vì thành công, vì trúng số, có áo mới, có người yêu, có cả vì … thất tình. Hay đơn giản chỉ vì nhậu cho…“sành điệu”.
Những cuộc nhậu với rượu, bia và vài ba món mồi nhắm kéo dài khiến cho chiếc ví của sinh viên vốn đã lép nay càng lép hơn. Và để có tiền nhậu, Nguyên và hội bạn “ý tưởng lớn gặp nhau” gọi điện về… xin tiền bố mẹ. Tất nhiên, họ đã không nói lý do thực mà “vẽ” ra chuyện học thêm ngoại ngữ, vi tính …. Nguyên đắc ý: “Bố tôi tin sái cổ, mỗi lần gọi về “nã” là “ông bô” lại cuống quýt gửi tiền đáp ứng cho mình ngay”. “Ông bô” làm nghề sửa xe máy đầu làng, không phải lúc nào cũng có tiền nhưng chỉ cần tôi “ới” một cái là đi vay bằng được. Lần thì 1 triệu lần thì 2 triệu đồng”.
Không nhậu nhẹt nhưng Tùng (Từ Liêm, Hà Nội) lại có thú vui “đốt tiền” bằng cách bao… gái. Sở thích của Tùng là yêu được những em xinh xắn và sành điệu. Để những người đẹp nhận lời yêu, ngoài khéo miệng, Tùng biến mình thành người đàn ông ga lăng. Người yêu sành điệu tất nhiên không thể hẹn nàng ở quán trà đá và đi ăn ở quán cơm bình dân mà phải những quán cà phê, quán ăn có tiếng ở Hà Thành. Và cũng chẳng thể tặng các nàng những món quà vài chục nghìn mang dáng vẻ “tinh thần” mà phải là mỹ phẩm cao cấp, quần áo hàng hiệu.
Tiền bố mẹ gửi ăn học chẳng thể đáp ứng đủ “thú vui” ấy, thế nên Tùng đành đi vay lãi tiền của một người gần trường học. Vài tháng yêu các em xinh tươi, Tùng đã tiêu hết số tiền tương đương với chiếc xe máy Nouvo. Tất nhiên chiếc xe ấy vào tay không ai khác là chủ nợ. Khi không có xe, mang vẻ mặt đau khổ về nhà, Tùng giở chiêu khóc lóc nói đi mua sách không may bị mất. Thương cậu con trai, bố mẹ liền an ủi: “Thôi của đi thay người, vài hôm nữa, bố mẹ rút tiền tiết kiệm mua cho con cái khác” trước sự hoan hỉ của Tùng.
Một bức thư đổi lấy hơn trăm triệu!
Gần 2 năm trở thành sinh viên cũng là “tuổi đời” ghi đề của Trung (sinh viên ĐH Công nghiệp). Mới ngày đầu Trung ghi cho vui nhưng giờ thì thành quen, chiều nào cũng phải ra “đóng đô” ở hàng nước trước ngõ để nghe mọi người kháo chuyện lô đề và chọn cho mình một con. Trung kể: “Em ghi mỗi ngày chỉ 5.000 đến 10.000 đồng “cò con” cho vui thôi, biết đâu lại trúng chứ em không nghiện”. Nhưng ngay trên bàn học của Trung, bên cạnh cuốn vở chỉ mới ghi được vài trang giấy, một tờ giấy A4 ghi đặc những con số. Trong lúc cô giáo đang giảng bài thì Trung lại mơ màng nhớ lại giấc mơ đêm trước để luận số đề. Mong gỡ gạc, số tiền Trung đánh ngày càng lớn, trung bình mỗi ngày Trung đánh tới vài trăm nghìn đồng.
Trúng thì ít mà thua thì nhiều, 2 năm “làm bạn” với lô đề, Trung ngập sâu vào món nợ 50 triệu đồng. Chủ nợ thúc giục, Trung nghĩ ra “mưu kế” để “vòi” tiền bố mẹ. Trung đã giả viết bức thư tuyệt mệnh gửi về cho gia đình: “Bố mẹ kính mến, con đã trót đam mê lô đề nên đang nợ số tiền 100 triệu đồng. Chủ nợ thúc ép con từng giờ khiến con chẳng thiết sống nữa, con ra đi để khỏi mắc nợ. Vĩnh biệt bố mẹ!”. Đọc xong thư tuyệt mệnh, bố mẹ Trung phát hoảng tức tốc gọi điện cho con trai bảo “khoan đừng chết, bố mẹ tìm cách cứu con”.
Nhà Trung vốn làm ruộng, nuôi Trung ăn học đã toát mồ hôi, nay phải “cõng” thêm khoản nợ những 100 triệu đồng thì lấy đâu ra. Nhưng vì tính mạng của con, bố mẹ Trung phải ngửa tay đi vay lãi từng nhà trong xóm, người thì vài ba trăm nghìn, người thì vài ba triệu. Sau một hồi “trùng chân, mỏi gối”, họ mới chỉ thu xếp được 20 triệu. Bức quá, chẳng còn cách nào khác, bố mẹ Trung đành cắn răng rao bán ngôi nhà- nơi trú chân của cả gia đình và cũng là nơi thờ cúng tổ tiên để “quý tử” trả nợ. Cầm tiền trong tay, Trung cười lớn: “Chiêu này hiệu quả thật, một bức thư đổi lấy trăm triệu. Trả nợ một nửa còn một nửa tiếp tục “ngâm cứu” số đề… phục thù!
“Kiếp người tôi sao khổ quá!”– mẹ Trung nghẹn lời. Ngày Trung thi đỗ đại học, cả gia đình, họ tộc đều đến chúc mừng. Vậy mà “Nghĩ đến cảnh, giữa vùng đất nông thôn, mẹ bồng em, bố xách mấy túi đồ, cả nhà dẫn nhau đi ở nhờ nhà hàng xóm, tôi không thể quên được cái cảm giác ê chề nhục nhã khi đó. Cố gắng cho con đi học những mong con tu chí học hành sau này đỡ khổ, ai dè, nó đầy đọa bố mẹ đến đường này. Biết thế, cho ở nhà bắt cua bắt ốc, có khi bố mẹ đỡ khổ, chứ không đến nỗi rơi vào cảnh đến một tấc đất cắm dùi cũng không còn như thế này” – mẹ Trung than thở.
Những người làm bố làm mẹ, ai cũng mong muốn con cái được ăn học đàng hoàng với niềm tự hào con họ sẽ trở thành cử nhân tương lai. Họ sẵn sàng đổ mồ hôi công sức để kiếm tiền nuôi con ăn học bằng bạn bằng bè nhưng họ đã bị chính những người con ấy chà đạp không thương tiếc trổ hết kĩ nghệ để “móc túi” bố mẹ chỉ vì muốn thỏa mãn nhu cầu ích kỷ của riêng mình.
Bảo Châu (Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 67, tháng 8/2015)