Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển
(GDTĐ) – Quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo, trong dịp đến thăm làm việc với ngành giáo dục mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, thời gian qua, ngành Giáo dục đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và đạt được những thành tựu quan trọng”.
Chủ tịch nước cho rằng, chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần tích cực vào phát triển giáo dục và đào tạo của toàn xã hội. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến quan trọng.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục. Cùng với đó, Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng đã được ban hành với cấu trúc thành 08 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân…
Dẫn câu nói của Anh hùng Giải phóng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”, Chủ tịch nước nêu rõ, hiện nay giáo dục và đào tạo đang trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều nước trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo.
Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo; tạo sự đồng thuận cao coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; hướng các hoạt động hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Ngành Giáo dục cũng cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn”; đổi mới việc giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống, kiến thức, kỹ năng, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, xã hội, tác phong ứng xử đối với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi…
Chủ tịch nước đề nghị, việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng người thầy chẳng những phải cung cấp tri thức, phát triển năng lực nhận thức, mở mang trí tuệ, mà còn phải bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học, tức là giáo dục toàn diện, như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức”, “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Ngành cũng cần quan tâm công tác giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ… Bắt nhịp với xu thế hội nhập, một nhiệm vụ mà ngành Giáo dục cũng cần chú trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế…
Nguyễn Vũ – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 87, tháng 3/2017