TS Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Giáo dục Thủ đô chủ động đổi mới, đón đầu hội nhập
(GDTĐ) – Đón xuân Mậu Tuất, TS Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã dành cho phóng viên Tạp chí Giáo dục Thủ đô cuộc trò chuyện để tổng kết lại thành quả “trồng người” của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm 2017 và chia sẻ về kế hoạch phát triển giáo dục Thủ đô trong năm 2018.
*PV: Năm 2017 Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, đào tạo. Xin Giám đốc điểm qua một số kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT Hà Nội trong năm 2017?
– TS Chử Xuân Dũng: Với quy mô 2.669 trường học, hơn 1,8 triệu học sinh, 104.605 giáo viên các cấp học (so với cùng kỳ năm trước tăng 42 trường, 1.041 nhóm lớp, 95.247 học sinh và 7.204 giáo viên), năm 2017, ngành GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả “Năm kỷ cương hành chính 2017”, tiếp tục khẳng định là đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, đào tạo.
Đi vào cụ thể từng lĩnh vực công tác, có thể điểm lại một số dấu ấn đặc biệt của ngành GD&ĐT Hà Nội trong năm 2017 như sau:
1 – Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn tiếp tục đạt kết quả xuất sắc:
Điều này được thể hiện qua những con số ấn tượng như: số học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 98,49% (khối THPT tỷ lệ tốt nghiệp là 99,36% và khối GDTX tỷ lệ 96,24%). Trong đó có 84,54% học sinh xét tuyển vào Đại học đạt từ điểm sàn trở lên. Thi HSG quốc gia, các bộ môn văn hóa, đạt 146 giải (11 giải Nhất). 23/24 đề tài thi Khoa học kỹ thuật đạt giải cấp quốc gia.
Đặc biệt, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng của mình trên trường quốc tế. Tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2017, học sinh Hà Nội đã đạt được những thành tích xuất sắc, nổi bật với 138 giải và Huy chương (39 Huy chương Vàng, 42 Huy chương Bạc, 44 Huy chương Đồng, 13 Bằng khen). Riêng trong các kỳ thi Olympic Toán học, Vật lý, Hóa học, Thiên văn học và Vật lý Thiên văn, Olympic Vật lý Châu Á, học sinh Hà Nội đã giành được 03 Huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc và 02 Bằng khen. Thành tích này đánh dấu sự trưởng thành trong việc nghiên cứu về lĩnh vực Thiên văn học, Vật lý thiên văn, Vũ trụ, thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu, học tập của học sinh trong thời gian tới. Trong kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh lứa tuổi dưới 13, lần thứ 14, tổ chức tại Singapore, lần đầu tiên Hà Nội có học sinh giành Huy chương Vàng ở môn Khoa học, bước đầu khẳng định khả năng và tiềm năng nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông Hà Nội.
2 – Cơ sở vật chất được tăng cường, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục:
Năm 2017, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các Sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới và quy hoạch sử dụng đất trường học theo quy định.
Với đề xuất và tham mưu của Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố Hà Nội đã rất quan tâm đến giải quyết cơ sở vật chất, trường lớp cho các trường học. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo các khu chung cư, đô thị mới buộc phải có quy hoạch xây dựng trường học. Ngoài ra, thành phố cũng đã chỉ đạo các quận, huyện tìm quỹ đất để xây dựng trường học cũng như có phương án cải tạo, nâng cấp xây dựng trường lớp. Còn ở những quận trong nội thành Hà Nội không còn quỹ đất để xây dựng trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã và đang tham mưu với UBND Thành phố, Bộ GD&ĐT cho phép trường phổ thông được nâng tầng và có thể xây dựng nhiều tầng, cho học sinh đi cầu thang máy… Hiện tại, Thành phố đã đầu tư và hoàn thành xây mới 26 trường cho 13 huyện khó khăn theo tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn hiện hành; năm 2018 Thành phố tiếp tục phê duyệt và giao triển khai xây dựng thêm 16 trường.
3 – Đổi mới trong công tác tuyển sinh đầu cấp và tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia 2017:
Sở GD&ĐT đã triển khai phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 từ năm học 2016-2017 trên toàn Thành phố, đánh dấu sự quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong đổi mới quản lý, điều hành và cải cách thủ tục hành chính; góp phần tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Thủ đô. Kết quả tuyển sinh các lớp đầu cấp, Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh các cấp học.
Năm 2017, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thi THPT Quốc gia. Chính vì vậy, áp lực đặt lên vai ngành GD&ĐT Hà Nội khá nặng nề. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 trên địa bàn thành phố đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì có quy mô lớn nhất cả nước với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 72.939 (trong đó có hơn 5 nghìn thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét vào đại học). Có 112 điểm thi với 3.057 phòng thi được tổ chức ở tất cả các quận, huyện, thị xã trong toàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Kết quả thi THPT của Hà Nội cũng rất ấn tượng, dẫn đầu cả nước về số lượng điểm 10. Cụ thể, toàn thành phố có 621 điểm 10 ở các môn thi THPT quốc gia.
4 – Chủ động, tích cực trên hành trình hội nhập quốc tế:
Ngành GD&ĐT Hà Nội đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Hà Nội triển khai thí điểm đào tạo chương trình song bằng (Tú tài Trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và Tú tài Anh quốc – Chứng chỉ A level) tại trường THPT Chu Văn An, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hội nhập và quốc tế hóa chuẩn đào tạo THPT của Thành phố.
Hà Nội cũng đã triển khai dạy chương trình Tin học quốc tế MOS, IC3 và IC3 Spark trong các trường phổ thông (hiện đang được triển khai ở 06 trường THPT và một số trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm). Chứng chỉ đầu ra Tin học MOS được thế giới công nhận trên toàn cầu, được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận tương đương Chứng chỉ Tin học nâng cao, được miễn học bộ môn Tin học ở nhiều trường Đại học trong và ngoài nước, có giá trị quốc tế cao, đặc biệt là tại Mỹ.
Ngành chỉ đạo các nhà trường tăng cường hợp tác tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ giáo dục ở cấp độ quốc tế, tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích cho học sinh Hà Nội như: giải vô địch Tranh biện Hà Nội mở rộng lần thứ nhất (HN-VSDC 2017) lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam theo mô hình World Schools Debating Championships (“WSDC”) chuẩn quốc tế của Giải Vô địch Tranh biện cấp trung học thế giới; Vô địch Toán cấp trung học Úc mở rộng (AIMO – được tổ chức bởi Quỹ Ủy thác Toán học Úc; cuộc thi Toán quốc tế Kangaroo (IKMC 2017); kỳ thi quốc tế “Toán học Hoa Kỳ (AMC)” và kỳ thi “Thách thức tư duy Thuật toán Bebras”…
5 – Nâng tầm chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục:
Giáo dục đào tạo Hà Nội luôn coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, giáo viên. Hiện nay, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước; Tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học đạt chuẩn là 100%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn giáo viên Mầm non là 53.5%, Tiểu học: 93.8%; THCS: 75.6%; THPT: 21.3%; GDTX: 16.5%. Cùng với đó, số giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp học đạt tỷ lệ cao; đạt nhiều kết quả ấn tượng trong các Hội thi Giáo viên dạy giỏi toàn quốc…
Năm 2017, Sở đã hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, công chức, viên chức ngành GD&ĐT Hà Nội với tổng kinh phí là 25,873 tỷ đồng; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 85 nghìn lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cấp học trên toàn Thành phố. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chức danh nghề nghiệp được chú trọng, tập trung vào một số nội dung như: nâng chuẩn về trình độ đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; bồi dưỡng Tin học theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và bồi dưỡng Ngoại ngữ, Thông tư số 01/2014/TT-BGD&ĐT ngày 24/01/2014 của Bộ GD&ĐT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020. Đến thời điểm này, toàn Thành phố đã công nhận được 16/20 trường đạt 75% kế hoạch (gồm 11 trường công lập, 05 trường ngoài công lập).
6 – Tăng cường chất lượng dạy và học ngoại ngữ:
Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng chương trình Tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”; Chuẩn hoá, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy Ngoại ngữ trong trường phổ thông (tiếp tục triển khai các hoạt động liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, thi cấp chứng chỉ B2, C1…); Tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn khoa học tự nhiên cấp THPT. Phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình liên kết với các Công ty, Trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài để tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông và chương trình làm quen Tiếng Anh cho trẻ Mầm non.
Tổ chức tốt công tác bồi dưỡng cho giáo viên, 80% giáo viên được đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh theo khung chuẩn chung Châu Âu và 45% được bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy. Trình độ ngoại ngữ của học sinh được cải thiện đáng kể, học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, giáo viên các cấp học đạt 80% các giờ dạy nghe, nói, đọc, viết hoàn toàn bằng tiếng Anh. Học sinh được tham gia vào nhiều sân chơi tiếng Anh bổ ích như các kỳ Olympic, Festival của thành phố, các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh, IOE, Trạng Nhí, Em học giỏi tiếng Anh…
7 – Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục:
Từ năm học 2016-2017, Sở áp dụng quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử tất cả các trường THCS, THPT và Trung tâm GDTX trên toàn Thành phố; Với khoảng 1 triệu học sinh phổ thông, Hà Nội đang tiến tới việc quản lý điểm, học bạ điện tử, kết nối với Cổng thông tin của thành phố và có thể cung cấp tài khoản cho phụ huynh truy cập bất cứ lúc nào để có thể theo dõi tình hình học tập, rèn luyện của con em mình ngay từ năm học này.
Ngành cũng triển khai một cách đồng bộ Hệ thống thông tin quản lý giáo dục trực tuyến cho tất cả các đơn vị trường học, trung tâm. Đến nay, 100% phòng GD&ĐT, 95% cơ sở giáo dục công lập, 30% cơ sở giáo dục ngoài công lập đã thực hiện cập nhật đầy đủ dữ liệu lên hệ thống, khai thác các chức năng của Hệ thống trong công tác quản lý, điều hành. Kho học liệu điện tử ngành GD&ĐT lưu trữ hàng trăm nghìn bài giảng Elearning, sáng kiến kinh nghiệm, phần mềm giáo dục, các văn bản chỉ đạo, hình ảnh, đề thi… có chất lượng đã được tuyển chọn từ các cuộc thi để các đơn vị giáo dục và giáo viên, học sinh khai thác, sử dụng.
8 – Vượt kế hoạch xây dựng trường Chuẩn quốc gia:
Năm 2017, chỉ tiêu Thành phố giao xây dựng 80 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: Mầm non 29 trường; tiểu học 22 trường; THCS 22 trường; THPT 7 trường. Kết quả, tổng số trường được kiểm tra thẩm định công nhận là 130 trường đạt 162,5% kế hoạch, nâng tỷ lệ trường đạt CQG toàn Thành phố lên 52%, trong đó công lập là 62%.
Có thể nói, việc xây dựng trường học đạt CQG là một điểm ấn tượng của ngành GD&ĐT Thủ đô. Xác định trường CQG không phải là danh hiệu thi đua mà là mục tiêu cần đạt được, đồng thời có trường chuẩn thì “sản phẩm” đào tạo ra sẽ chuẩn, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc đầu tư, xây dựng trường chuẩn, ngành GD&ĐT Thủ đô đã tập trung xây dựng trường chuẩn theo đúng 5 tiêu chí trường CQG. Các nhà trường cũng đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng trường CQG nên đã nỗ lực đẩy mạnh chất lượng giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, xây dựng môi trường học đường xanh – sạch – đẹp. Đồng thời, đưa ra các lộ trình và giải pháp đạt được các yếu tố, tiêu chí của trường đạt CQG.
9 – Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội:
Đây là một trong những nét riêng của giáo dục Thủ đô. Năm 2017, Hà Nội tiếp tục triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” nhằm hướng dẫn kỹ năng sống có văn hóa cho HS phổ thông, định hướng và chỉ dẫn hành vi cá nhân trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh cho các em. Từ việc dạy và học bộ tài liệu, học sinh Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, lối sống, ứng xử, giao tiếp… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh. Bước vào năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy thí điểm Bộ tài liệu chuyên đề “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông thành phố Hà Nội”. Theo kế hoạch, Bộ tài liệu sẽ được giảng dạy thí điểm tại 6 quận, huyện trên địa bàn Thành phố là quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm và các huyện Đông Anh, Thanh Trì và Gia Lâm. 28 trường ở các khối đầu cấp (lớp 1, 6 và 10) gồm 12 trường Tiểu học; 12 trường THCS và 4 trường THPT sẽ tham gia giảng dạy thí điểm. Thời gian thực hiện dự kiến bắt đầu từ học kỳ II năm học 2017 – 2018. Có thể nói, đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh Thủ đô, góp phần hạn chế học sinh vi phạm pháp luật về ATGT.
* Năm 2017 vừa qua, cùng với cả nước, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 và Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xin Giám đốc cho biết cụ thể hơn về những nét đổi mới mà ngành đã triển khai?
– Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời sẵn sàng “đi trước, đón đầu” trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm học 2018 – 2019, Hà Nội xác định nhiệm vụ then chốt là tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2017-2022 của toàn ngành là nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn.
Ngành GD&ĐT Thủ đô đã phối hợp với các sở ban ngành tham mưu cho Thành phố ban hành Quyết định số 2315/QĐ-UBND, ngày 17/4/2017 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020. Điểm mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2016 – 2020 là tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức (trước đây, Hà Nội đã tập trung và làm tốt công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và viên chức). Nội dung đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng và nâng cao, tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ, năng lực quản lý điều hành của công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức và giáo viên cốt cán các trường mầm non và phổ thông tại Việt Nam do chuyên gia nước ngoài giảng dạy… Nhờ vậy, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đây là yếu tố giữ vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng cho ngành GD&ĐT Hà Nội phát triển bền vững.
Việc đổi mới hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá có chuyển biến tích cực. Theo đó, mô hình dạy học được đổi mới theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới mạnh mẽ cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực của học sinh như: chủ động xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi, đề kiểm tra các môn theo ma trận ở các mức độ từ thấp đến cao; việc thi, kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ được tập trung ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kết hợp đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá, biết nhận xét góp ý cho nhau; Tăng cường xây dựng nguồn học liệu mở để chia sẻ, dùng chung trong toàn ngành, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục tăng cường mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các cơ sở giáo dục nước ngoài, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ. Trao đổi giáo viên với các nước có quan hệ hợp tác với Bộ GD&ĐT và Thành phố, đây là bước tiếp cận, chuẩn bị về đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH Trung ương.
* Năm 2018 được Hà Nội chọn chủ đề là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, công tác GD&ĐT của Thủ đô sẽ tập trung vào những nội dung nào để thực hiện tốt chủ đề trên, đồng thời tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo hiệu quả, thưa Giám đốc?
– Năm 2018, cùng với việc tập trung thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 nhóm giải pháp của năm học 2017 – 2018, toàn ngành cần chú trọng triển khai có hiệu quả, sáng tạo và đổi mới 5 nội dung sau:
Thứ nhất là rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp đến 2020, tầm nhìn 2030. Ngành sẽ đề xuất giải pháp hiệu quả với sự phối hợp của các ban ngành TP, tham mưu và hoàn thành xây dựng trường lớp học từng bước thực hiện quy hoạch, đề xuất xây mới, bổ sung quỹ đất và sắp xếp lại các trường học trên địa bàn Thành phố; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển trường ngoài công lập ở các khu vực ngoại thành, vùng khó khăn. Rà soát trường lớp học để đề xuất kế hoạch bổ sung trường lớp, mở rộng diện tích khuôn viên trường học đảm bảo đạt chuẩn. Tham mưu với Thành phố xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, các khu di dân tái định cư nhằm đảm bảo có đủ chỗ học cho học sinh các cấp học. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa hiện đại hoá trường, lớp học, có chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường học. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. Bảo đảm đến năm 2020 số học sinh mỗi lớp, số lớp trên mỗi trường không vượt quá quy định của từng cấp học…
Thứ hai là đẩy mạnh công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia, tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất để phục vụ các hoạt động giáo dục. Năm 2018, Hà Nội phấn đấu xây dựng chỉ tiêu 80 trường đạt CQG, trong đó cấp THPT là 6 trường; đồng thời phấn đấu hoàn thành công nhận lại cho 100 trường đạt chuẩn. Sở đã kiến nghị với Thành phố, đối với các xã miền núi, thành phố cho phép tiếp tục thực hiện các nội dung tại Kế hoạch 166/KH-UBND ngày 30/11/2012 để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng trường đạt chuẩn. Đối với các huyện khó khăn, thành phố có chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các huyện khó khăn trong việc tăng cường đầu tư cơ sở chất và xây dựng trường đạt chuẩn. Hỗ trợ, quan tâm bố trí kinh phí xây dựng trường CQG và kinh phí chống xuống cấp cho các trường cấp bách, nguy hiểm của các ngành học, cấp học.
Thứ ba là nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng đến việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên và nâng cao kỹ năng quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý. Kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên chú trọng kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng kế hoạch dạy học. Ngoài ra còn một số kỹ năng như: kỹ năng dạy học tích cực để phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh; kỹ năng kiểm tra đánh giá; kỹ năng tin học, kỹ năng tìm kiếm thông tin, xây dựng kho học liệu… Với cán bộ quản lý, tập trung bồi dưỡng kỹ năng quản trị nhà trường cho hiệu trưởng.
Thư tư là tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Hà Nội sẽ chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về GD&ĐT nhằm tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm các mô hình giáo dục tiên tiến đi đôi với phát huy nội lực, giữ vững bản sắc dân tộc, độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài… Năm 2018, Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) lần thứ 15 với sự tham gia của các tỉnh, Thành phố trong toàn quốc và các đoàn quốc tế (trong khối Asian và một số đoàn đến từ các nước Châu Âu). Ngày 22/11/2017, Ngành GD&ĐT Hà Nội đã bảo vệ thành công đề án tổ chức đăng cai kỳ thi “Olympic Toán và Khoa học quốc tế – IMSO lần thứ 16”, được Ủy ban IMSO quốc tế chính thức đồng ý để Việt Nam (Hà Nội) đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế – IMSO lần thứ 16 vào năm 2019.
Thứ năm là bổ sung học liệu, biên soạn các bộ tài liệu giảng dạy tại các trường phổ thông. Cụ thể như bổ sung tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh; giáo dục ATGT cho học sinh phổ thông TP.Hà Nội; Đề án nâng cao năng lực tiếng Anh của học sinh Hà Nội, đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0… Trong việc bổ sung tài liệu giảng dạy, Hà Nội không viết SGK riêng mà vẫn sử dụng SGK của Bộ GD&ĐT nhưng chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch dạy học, đồng thời xây dựng, bổ sung các bộ tài liệu để phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô trong thời đại mới.
* Tạp chí Giáo dục Thủ đô là cơ quan ngôn luận, nghiên cứu lý luận của ngành GD&ĐT Hà Nội. Giám đốc đánh giá như thế nào về hoạt động của Tạp chí trong năm qua và trong năm 2018, Tạp chí sẽ cần lưu ý những điều gì?
– Những năm qua, công tác truyền thông tại Sở GD&ĐT Hà Nội luôn được chú trọng. Sở đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức các cuộc họp báo cung cấp thông tin về các hoạt động của Ngành, cũng như những việc được dư luận quan tâm đối với Ngành GD&ĐT như: công tác thi và tuyển sinh, chuẩn bị cho năm học mới, thu chi tài chính, dạy thêm học thêm, đạo đức nhà giáo,… công tác này ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh của ngành GD&ĐT Thủ đô.
Trong công tác truyền thông của Sở GD&ĐT Hà Nội, Tạp chí Giáo dục Thủ đô đóng vai trò quan trọng. Sự ra đời và phát triển của Tạp chí đã tạo ra dấu ấn riêng bởi đến nay trong phạm vi cả nước chỉ duy nhất Hà Nội có Tạp chí riêng của ngành GD&ĐT. Trong năm qua, Tạp chí đã phát huy tốt vai trò của mình là cơ quan ngôn luận, nghiên cứu lý luận của ngành. Quy tụ được Hội đồng khoa học tâm huyết, uy tín, đội ngũ phóng viên vững nghề và đội ngũ cộng tác viên đông đảo (trong đó có cả các giáo viên, học sinh), Tạp chí đã có những sự phát triển vững chắc về cả chất lượng nội dung và hình thức trình bày. Không chỉ đơn thuần là các thông tin hoạt động của ngành, cuốn Tạp chí mỗi tháng là tài liệu hữu ích giúp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong toàn ngành hiểu rõ hơn về chủ trương, đường hướng phát triển giáo dục của Thủ đô và đất nước, giới thiệu những cách làm hay, tấm gương đẹp; đăng tải các bài nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ giàu hàm lượng khoa học và mang tính thực tiễn cao góp phần nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành.
Tạp chí trong năm qua đã có sự gắn kết chặt chẽ với các phòng thuộc Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT quận, huyện và cơ sở giáo dục. Kế hoạch tuyên truyền trong năm 2017 với các phòng thuộc Sở đã giúp cho toàn ngành hiểu hơn về những nội dung trọng tâm công tác mà Sở đang triển khai, từ đó đồng tâm, chung sức phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Đặc biệt, với sự nhạy bén, chuyên nghiệp, Tạp chí đã phản ánh kịp thời các hoạt động GD&ĐT trên Cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT Hà Nội và Trang thông tin điện tử tổng hợp của Tạp chí giúp các thông tin, chủ trương đến với nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác.
Năm 2018, sự phát triển của CNTT, khoa học kỹ thuật sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, báo chí cũng sẽ phải có sự đổi mới trong công tác để bắt kịp xu thế phát triển ấy. Cán bộ, phóng viên Tạp chí Giáo dục Thủ đô cần nâng cao hơn nữa kỹ năng, nghiệp vụ, tận dụng khoa học, công nghệ để đưa nội dung đến gần hơn, hấp dẫn với thầy trò và nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, cần có những bài viết sâu sắc, thực tế và định hướng dư luận trước những luồng thông tin chưa đúng sự thật, giúp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và nhân dân Thủ đô có cái nhìn chính xác hơn trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
* Xin trân trọng cảm ơn Giám đốc!
Kiều Giang, Vũ Toàn (thực hiện) – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 97+98, tháng 1,2/2017