Năm trật tự và văn minh đô thị 2014:Nhốn nháo giao thông nơi cổng trường
(GDTĐ) – Đã từ lâu, cảnh tượng nhốn nháo tại khu vực ngoài cổng các trường mỗi giờ tan học không còn quá xa lạ. Đặc biệt, vào khung giờ từ 16 đến 17 giờ hàng ngày, các phương tiện của các bậc phụ huynh đến đón con trước các cổng trường học lại tràn cả xuống lòng đường, gây ùn tắc giao thông cục bộ nhiều tuyến đường, khiến cho bức tranh giao thông giờ cao điểm của Thủ đô đã rối nay lại càng rối hơn. Cùng với đó, khu vực cổng trường của nhiều trường học còn bị bủa vây bởi pa-nô, áp-phích quảng cáo gây mất mỹ quan và văn minh trường học.
Lộn xộn giờ cao điểm
Nằm ngay mặt đường tại số 31A phố Cát Linh, quận Đống Đa, trường TH và THCS Cát Linh sát cạnh nhau. Vào giờ tan lớp, bất kỳ ai đi qua hai ngôi trường này đều dễ dàng chứng kiến cảnh xe đạp, xe máy của phụ huynh đến đón con nườm nượp để từ trong ra ngoài, từ phải qua trái, từ trên vỉa hè xuống dưới tận lòng đường.
Mặc dù 16 giờ 30 phút mới đến giờ tan lớp nhưng ngay từ 15 giờ 30 phút đã có rất nhiều phụ huynh đến đón con với đủ loại phương tiện từ xe đạp, xe máy đến ô tô. Khi được hỏi vì sao đến đón con, cháu sớm như vậy, ông Đỗ Văn Huy đến đón cháu học lớp 2 cho biết: “Tôi đi sớm quen rồi, phải đến sớm một chút, đi muộn sợ đông rồi không vào được”.
Được biết, khu vực chờ đón học sinh tại trường TH Cát Linh đã được quy định rõ ràng, tính từ cổng phụ phía trong trường ra đến cổng ngoài giáp đường. Khu vực chờ dành cho phụ huynh cũng được nhà trường quy định rạch ròi lần lượt là: trong cùng, nơi có lợp mái che dành cho phụ huynh học sinh lớp 1, tiếp đến là nơi chờ của phụ huynh học sinh lớp 2, ngoài cùng tức ở phía ngoài cổng trường (phần vỉa hè) dành cho phụ huynh học sinh lớp 3, 4 và 5. Tuy nhiên, do không gian quá chật hẹp nên việc nhà trường phân chia là một chuyện còn việc phụ huynh có thực hiện hay không lại là chuyện khác.
Điều đáng lo ngại là tình trạng các phương tiện của phụ huynh đến đón con còn dàn hết cả một hàng ngang xuống lòng đường. Ban đầu các xe còn được để theo hàng lối nhưng sau đó thì không theo một trật tự nào gây ra cảnh nhốn nháo nơi cổng trường, thậm chí đe dọa tới tính mạng người đi đường cũng như của chính các em học sinh trong lúc ngơ ngác tìm kiếm người thân ngay dưới lòng đường với bao nhiêu xe cộ đang lưu thông. Bà Vũ Thị Lộc đứng đợi cháu ở cổng trường cho biết: “Khổ lắm cháu ạ, không học ở đây thì biết học ở đâu. Ngày nào cũng như thế này, tôi chỉ muốn ở đây người ta chuyển bớt một trường đi nơi khác”.
Hai trường TH Dịch Vọng B và trường THCS Dịch Vọng nằm đối diện nhau trên đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy. Cả hai trường đều tan học gần như cùng nhau, nhiều học sinh khi tan học không về ngay mà đứng lại nói chuyện. Hơn nữa giờ tan học cũng là thời điểm tan tầm của nhiều người lại cộng thêm một số lượng không nhỏ phụ huynh đứng đợi đón con nên đoạn đường Nguyễn Khánh Toàn đi qua hai cổng trường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Chị Nguyễn Thị Mai, phụ huynh học sinh đến đón con cho biết: “Bên trong sân trường cũng đã chật kín rồi nên chỉ có thể đứng ở ngoài này. Mình biết là sẽ ảnh hưởng tới giao thông nhưng không đứng đây thì biết đứng ở đâu?”.
Anh Trần Văn Trung, một phụ huynh khác cũng chia sẻ: “Tôi đứng bên ngoài này để con ra là nhìn thấy mình ngay, đi về cho nhanh, đi vào trong sân đông người cháu khó nhìn thấy”.
Được biết, trường TH Dịch Vọng B đã mở cửa để phụ huynh vào trong sân trường đón con, nhưng do số lượng học sinh quá đông, sân trường không thể chứa hết được nên rất nhiều phụ huynh phải đứng bên ngoài cổng, thậm chí tràn cả xuống lòng đường.
Cảnh tượng nhốn nháo tương tự cũng diễn ra trong giờ cao điểm tại cổng trường THCS Thăng Long (đường Nguyễn Văn Ngọc, Ba Đình). Theo những người chạy xe ôm ở đây cho biết: đã có nhiều em học sinh đi xe đạp qua cổng trường bị ngã do va quệt với các phương tiện của các bậc phụ huynh đứng chờ tại đó.
Nguyên nhân của tình trạng này là do phần lớn các trường học chật chội, sân trường nhỏ, cho nên không bố trí được chỗ dành cho phụ huynh dừng đỗ phương tiện đón con. Thêm vào đó, ý thức tham gia giao thông chưa tốt của nhiều bậc phụ huynh cũng là một nguyên nhân khiến cho khu vực cổng trường thêm lộn xộn.
Lực lượng an ninh cho biết: xe được phép để ở dưới lòng đường vì phía trên hẹp. Nhưng cũng có nhiều phụ huynh, khi được lực lượng an ninh hướng dẫn cho xe vào những chỗ trống đúng nơi quy định thì lại tỏ ra phớt lờ và vẫn ngang nhiên để xe theo ý mình. Nhiều người đi đường đã rất bức xúc với tình trạng trên.
Quảng cáo lấn át cổng trường
Vấn nạn pa-nô, quảng cáo, rao vặt từ lâu không còn là đề tài mới ở những đô thị như Hà Nội và khu vực cổng của nhiều trường học hiện nay cũng không phải là ngoại lệ của vấn nạn này. Việc các quảng cáo ngang nhiên hiện hữu ngay trước mặt tiền của nhà trường – nơi gắn với văn minh, lịch sự, thực sự đã làm mất đi cảnh quan sư phạm.
Quanh cổng trường THCS Thăng Long có 5 tấm biển quảng cáo về các lớp học nghệ thuật, thể thao và du học rất to. Trong thời đại thông tin, người ta tận dụng mọi địa điểm công cộng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ… Và thật dễ hiểu khi các trung tâm, các doanh nghiệp lựa chọn trường học để đặt các biển quảng cáo.
Tại trường THCS Mỹ Đình – Từ Liêm, bên cạnh dòng chữ “Trường chuẩn Quốc gia”, choán lấy không gian hai bức tường của cổng chính là các tờ quảng cáo, giới thiệu sản phẩm kinh doanh với đủ nội dung: Từ giới thiệu trung tâm gia sư, học tiếng Anh, dịch vụ vệ sinh công cộng, mạng Internet, chuyển nhà, sơ đồ các cửa hàng ăn uống, photocopy, chụp ảnh thẻ, tuyển nhân viên, cho thuê phòng trọ… cho đến cả các biển quảng cáo chỉ dẫn lối vào nhà nghỉ. Kích cỡ của những tấm biển này cũng rất đa dạng: Nhỏ thì vài tấm poster cỡ A4, lớn thì đóng khung, lớn hơn là cả bức hình nhân vật biểu trưng cho sản phẩm… Không chỉ được treo hay dán, nhiều pa-nô quảng cáo còn được người ta ngang nhiên treo lên những cây lớn, thậm chí cả những cột điện ở cổng trường.
Gần cổng trường TH Dịch Vọng B có đến 4 tấm biển quảng cáo được treo với các nội dung thông báo tuyển sinh, dạy khiêu vũ, khóa học tiếng Anh và cuộc thi Olympic tiếng Anh.
Tương tự, “mặt tiền” của trường THPT Trần Phú cũng bị biển quảng cáo tuyển sinh, du học lấn át. Dù không bị treo lộn xộn như ở một số nơi khác nhưng rõ ràng sự hiện hữu của những tấm biển quảng cáo đã lấy đi không gian thoáng đãng cần có nơi cổng trường.
Chị Đặng Phương Anh, một phụ huynh học sinh nói: “Các trường học không nên cho treo những băng rôn, biển quảng cáo sản phẩm, tuyển sinh thế này. Nhiều quảng cáo sản phẩm phản cảm gây mất mỹ quan trường học, ảnh hưởng tới con em chúng tôi”.
Bên cạnh đó, tại các trường như TH Mỹ Đình, THCS Mỹ Đình, TH Mai Dịch, TH Đặng Trần Côn A… đều có mạng lưới dây điện, dây mạng chằng chịt rối loạn ngay ở cổng trường. Không những ảnh hưởng tới cảnh quan và không gian trường học, tình trạng này còn có thể gây nguy hiểm đối với người đi đường và học sinh vào những ngày mưa bão hay điện bị chập, bị đứt dây bất ngờ.
Không chỉ xuất hiện nhan nhản dọc các con đường, góc phố, giờ đây băng rôn, áp phích quảng cáo còn đang lấn át không gian cổng trường của nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô. Để giải quyết tình trạng này cần sự vào cuộc “mạnh tay” của các trường học và các cơ quan chức năng.
Trong kế hoạch tổ chức thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị 2014, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học phòng chống tai nạn thương tích và giáo dục trật tự an toàn giao thông. Một số nội dung cụ thể:
|
Đỗ Thủy – Đinh Sáu – Văn Thắng