Tiêu chuẩn thiết kế trường học cần có cách tiếp cận mới bám sát mục tiêu đổi mới giáo dục
(GDTĐ) – Theo KTS.TS Trần Thanh Bình, nghiên cứu viên cao cấp – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học (Bộ GD&ĐT), với cơ sở vật chất trường lớp các cấp phát triển như hiện nay, nhu cầu về xây dựng, cải tạo, thiết kế đang gia tăng đáng kể. Một trong những khâu quan trọng nhất nhằm đảm bảo chuẩn cơ sở vật chất và môi trường học tập cho thế hệ tương lai của đất nước theo Nghị quyết 29/NQ-TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, chính là việc soát xét, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế công trình trường học.
Tiêu chuẩn thiết kế trường học chưa theo kịp nội dung, chương trình giáo dục
*Xin TS cho biết tổng quan về hệ thống các văn bản quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế các công trình trường học của ta, các văn bản này có đáp ứng được yêu cầu thiết kế cho tất cả các mô hình trường học đa dạng như hiện nay?
– Hiện nay, ngoài bộ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, trong đó các công trình trường học được nêu chung ở phần các công trình dân dụng (tập 2, năm 1997), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về thiết kế các công trình giáo dục bao gồm những tiêu chuẩn (hiện hành) sau: TCVN 3907:2011 “Trường Mầm non – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 8793:2011 “Trường Tiểu học – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 8794:2011 “Trường Trung học – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 3981:1985 “Trường Đại học – Tiêu chuẩn thiết kế”, TCVN 4602:2012 “Trường Trung cấp chuyên nghiệp – Tiêu chuẩn thiết kế”, TCVN 9210:2012 “Trường Dạy nghề – Tiêu chuẩn thiết kế”. Ngoài ra, còn có TCVN 5719:1993 “Phòng học Trường phổ thông cơ sở – Yêu cầu vệ sinh học đường”, được coi như một phần yêu cầu riêng đối với phòng học.
Như vậy, so với các cấp học và cơ sở giáo dục tương ứng được quy định trong Luật Giáo dục 2005 (số 38/2005/QH 11) thì hệ thống văn bản Tiêu chuẩn thiết kế về cơ bản là đáp ứng được. Hiện chỉ còn thiếu Tiêu chuẩn thiết kế đối với những mô hình trường ít phổ biến hơn như: Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp; Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm Học tập cộng đồng; các loại trường chuyên biệt khác (phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; trường phổ thông chuyên; trường năng khiếu nghệ thuật, thể thao; trường dành cho người khuyết tật).
Nhìn chung, về cấu trúc nội dung và hàm lượng, các Tiêu chuẩn thiết kế hiện hành đều đã thể hiện được những nội dung cơ bản, cần thiết khi thiết kế từng loại hình trường. Đó là những phần về Quy định chung; Yêu cầu về khu đất xây dựng và tổng mặt bằng; Nội dung công trình và yêu cầu, giải pháp thiết kế kiến trúc; Yêu cầu thiết kế hệ thống kỹ thuật; Yêu cầu về công tác hoàn thiện. Theo đó, ở phần “nội dung công trình và yêu cầu giải pháp thiết kế kiến trúc” về cơ bản, bao quát được hầu hết các hạng mục, công trình đặc thù của từng loại hình trường cũng như sự khác biệt về dây chuyền công năng của mô hình trường học đó. Các Tiêu chuẩn hiện hành hầu hết đều được biên soạn lại và ban hành sau khi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (Luật 68/2006/QH 11) có hiệu lực. Do đó, phần biên soạn đã cập nhật được các quy định mới theo Luật, thống nhất để có thể áp dụng.
Tuy nhiên, các Tiêu chuẩn hiện hành chủ yếu là các Tiêu chuẩn sửa đổi, thay thế sau khi soát xét đối với các tiêu chuẩn trước đó. Ngoài ra, mức độ sửa đổi cũng chưa thật thống nhất như đã thể hiện ở từ ngay tên gọi (không có sự khác biệt giữa “Yêu cầu thiết kế” và “Tiêu chuẩn thiết kế”).
*Theo TS, các Tiêu chuẩn hiện hành chủ yếu là các Tiêu chuẩn sửa đổi dựa trên các tiêu chuẩn đã ban hành trước đó, như vậy điều này sẽ ảnh hưởng đến mức độ cập nhật cũng như tính thời sự thường gặp phải trong thực tiễn áp dụng Tiêu chuẩn thiết kế?
-Trong khi ngành giáo dục đã có nhiều cuộc cải cách đáng kể về nội dung, chương trình, cũng như mô hình trường, cơ sở giáo dục thì hệ thống tiêu chuẩn thiết kế công trình trường học do những điều kiện về khách quan và chủ quan vẫn còn chưa theo kịp với những thay đổi đó. Các tiêu chuẩn về trường học của chúng ta ban hành từ năm 1984 cho đến năm 2011 mới ban hành tiêu chuẩn mới, cả một quãng thời gian dài như vậy, bản chất về dạy và học cũng như nội dung chương trình đã rất khác nhau, vì vậy nếu không cập nhật nội dung mới mà chỉ dựa trên các tiêu chuẩn cũ để sửa đổi thì sẽ không phù hợp. Có thể lấy ví dụ như trong các trường phổ thông khi học chế thay đổi với chương trình học 2 buổi /ngày đã xuất hiện nhu cầu bán trú cũng như các diện tích chức năng tương ứng, hoặc sự thay đổi về phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm ở cấp trung học, rồi khái niệm mới về lớp học thông minh, lớp học linh hoạt theo phương pháp lấy học sinh làm trung tâm… đã làm thay đổi các yêu cầu về kích thước, quy mô phòng học. Hay như ở bậc đại học, học chế tín chỉ đã làm thay đổi cơ bản không chỉ ở chương trình, mà còn tác động đến cấu trúc lớp học, giảng đường và các không gian chức năng khác cũng như những yêu cầu thiết kế chúng. Bên cạnh đó, cách xây dựng tiêu chuẩn thiết kế của chúng ta cũng chưa được giống với kinh nghiệm quốc tế.
Do điều kiện về kinh tế nên chúng ta không thể tiến hành thực hiện những đề tài nghiên cứu, khảo sát toàn diện trước khi biên soạn, đây cũng là một hạn chế dẫn đến các tiêu chuẩn mới đưa ra được yêu cầu thiết kế mà chưa đưa ra được những tiêu chuẩn cụ thể. Khi xây dựng tiêu chuẩn thiết kế trường học cần đặt ra các chuẩn mực vào những thời kỳ nhất định. Cơ sở vật chất là một trong ba yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục đào tạo (nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) vì vậy cơ sở vật chất trường học phải thực hiện được 3 mức khác nhau đó là: đáp ứng yêu cầu giảng dạy, khuyến khích cải tiến thay đổi từ phía thầy và trò và phải có tính dự báo. Vì các công trình trường học xây lên không phải thay đổi một chốc, một lát được do đó khi biên soạn tiêu chuẩn thiết kế phải có tính dự báo. Hiện nay, có một vấn đề còn khá bất hợp lý trong tất cả các tiêu chuẩn (kể cả quy chuẩn) về trường học các cấp là các quy định về chỉ tiêu đất tính trên đầu học sinh, sinh viên và tầng cao khống chế đối với các công trình trong khuôn viên trường. Ở hầu hết các tiêu chuẩn hiện hành chưa căn cứ trên những cơ sở khoa học mà vẫn còn định tính, chủ yếu dựa trên xu hướng do những khó khăn về quỹ đất. Ngoài ra, trong các bộ tiêu chuẩn hiện hành còn thiếu những tiêu chuẩn mang tính nâng cao theo xu hướng phát triển tất yếu của thiết kế bền vững như Trường học Xanh, Trường học Mở…
Bên cạnh hệ thống tiêu chuẩn thiết kế (mà các cơ quan quản lý xây dựng các cấp thường căn cứ để làm cơ sở xem xét thẩm định hoặc cấp phép) còn có những quy định về chuẩn cơ sở vật chất nhà trường của các Bộ, Ngành quản lý (Điều lệ trường học các cấp, Quy định về trường chuẩn quốc gia, Quy định về vệ sinh học đường)… Những điểm khác biệt giữa các văn bản này thường làm khó cho việc áp dụng tiêu chuẩn thiết kế. Mặt khác, hệ thống tiêu chuẩn thiết kế cho trường học các cấp còn chưa đồng bộ về các mức chi tiết theo thông lệ quốc tế: Quy chuẩn, tiêu chuẩn-tiêu chuẩn thiết kế -yêu cầu thiết kế và hướng dẫn thiết kế. Trong đó, hướng dẫn thiết kế là rất cần cho người thiết kế với những khả năng áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau.
Trường học là một loại hình công trình công cộng hiện đang có nhu cầu xây dựng phát triển rất lớn. Tiêu chuẩn thiết kế không những cần thiết cho người trong cuộc mà còn góp phần xây dựng cho xã hội nói chung những mô hình trường hợp lý, hiện đại, phù hợp với điều kiện sinh khí hậu Việt Nam và bắt kịp với xu hướng tiên tiến trên thế giới. Do đó, đã đến lúc tiêu chuẩn thiết kế trường học các cấp phải có cách tiếp cận mới, đồng bộ, không chỉ dừng lại ở soát xét, sửa đổi những tiêu chuẩn của ngày hôm qua. Đây cũng là một bước đi quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 29/NQ-TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”
* TS có thể nói rõ hơn về những tiêu chuẩn mang tính nâng cao theo xu hướng phát triển tất yếu của thiết kế bền vững (Trường học Xanh, Trường học Mở)?
– Hiện nay, chúng tôi đang hoàn tất dự thảo tiêu chuẩn quốc gia “Trường học Xanh – Yêu cầu thiết kế”, tiêu chuẩn này không nhằm thay thế cho các tiêu chuẩn thiết kế hiện hành mà nó có các yêu cầu nâng cao về thiết kế bền vững, phù hợp với xu hướng kiến trúc xanh, thích hợp cho các điều kiện sinh khí hậu ở Việt Nam … Để đưa ra được những quy định trong tiêu chuẩn, chúng tôi đã thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp Bộ để xây dựng những căn cứ, cơ sở khoa học, kinh nghiệm trong và ngoài nước, những thay đổi về công nghệ dạy và học. Bộ tiêu chuẩn này đã đưa ra 6 nhóm tiêu chí về các yêu cầu nâng cao. Thứ nhất là nhóm tiêu chí về “quy hoạch xanh” (green planning); thứ hai là những yêu cầu về nhóm tiêu chí “không gian xanh” (green space); thứ ba là nhóm tiêu chí “thiết kế xanh” (green design); thứ tư là nhóm tiêu chí “năng lượng và tài nguyên xanh” (Energy and green resources); thứ 5 là “tiện nghi xanh – môi trường trong nhà” (green facilitities and indoor environment và cuối cùng là nhóm tiêu chí “cộng đồng xanh” (green community).
Cần hiểu đúng về vai trò của công trình vệ sinh trường học
*Nhà vệ sinh là một trong những hạng mục quan trọng trong trường học bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học cả ngày ở trường, nhưng hiện nay, nhiều trường học còn thiếu nhà vệ sinh và nhà vệ sinh thiết kế đúng quy chuẩn, TS nghĩ sao về điều này?
– Qua khảo sát và đánh giá của chúng tôi, nhà vệ sinh trường học vẫn là một trong những nỗi ám ảnh đối với học sinh và ở mức độ SOS nhất. Trong tiêu chuẩn thiết kế đối với công trình vệ sinh đều có quy định đầy đủ từ hướng gió, độ thông thoáng, quy chuẩn phòng vệ sinh dành cho trẻ khuyết tật… nhưng vì với quan niệm là công trình phụ nên khi thiết kế xây dựng nhiều trường vẫn chưa tuân thủ đúng theo quy định. Trước đây, người ta đã sử dụng những thiết kế mẫu các công trình vệ sinh trường học kể cả ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn, thực tế cho thấy không phải là chúng ta không làm được. Ở miền núi vẫn có thể làm được những nhà vệ sinh thân thiện với môi trường, tại sao ở thành phố và các nơi thuận lợi hơn lại không làm được.
Tôi được biết, một số trường đã làm tốt vấn đề vệ sinh như xây dựng công trình vệ sinh ở vị trí phù hợp, thuận lợi, có đội làm vệ sinh chuyên nghiệp, quy định bao nhiêu lâu thì thay thiết bị một lần, tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh cho giáo viên và học sinh… Điều quan trọng là mọi người phải hiểu đúng về vai trò của nó, vì vậy bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đúng quy chuẩn thì cũng cần nâng cao ý thức của mọi người đối với việc giữ gìn vệ sinh chung.
*Việc nâng tầng ở từng khối công trình để khắc phục hiện trạng về diện tích trong xây dựng trường Chuẩn quốc gia sẽ cần phải có tiêu chí gì để đảm bảo an toàn cho học sinh?
– Thực tế, giữa tiêu chuẩn thiết kế với quy định về xây dựng trường Chuẩn quốc gia của chúng ta không đi song hành với nhau. Nâng tầng để khắc phục tình trạng thiếu diện tích thế nhưng không phải công trình nào cũng có thể nâng tầng được. Có nâng tầng được hay không là phụ thuộc vào thiết kế cũ của khối công trình, mà theo tôi hầu như không thể nâng tầng được vì trước khi xây dựng các công trình đều đã có thiết kế, ví dụ định xây nhà 3 tầng thì có thiết kế móng của 3 tầng vì vậy nếu làm đúng theo thiết kế thì việc nâng tầng là không thể còn nếu không là lãng phí. Trong thiết kế có quy định về hệ số chất tải gồm tải trọng tĩnh và tải trọng động, vì vậy đứng ở khía cạnh là một nhà kỹ thuật tôi thấy việc nâng tầng chỉ là giải pháp tình thế không đảm bảo an toàn. Chúng ta không khuyến cáo xây dựng các trường học cao tầng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ số vận chuyển học sinh, lan can ở các tầng cao cũng phải đảm bảo… Vì vậy mặc dù các trường học không bị khống chế về số tầng nhưng các trường phải đầu tư để xây dựng đáp ứng đúng tiêu chuẩn đặt ra với từng khối công trình.
*Hiện nay, số lượng học sinh bị mắc các bệnh về mắt cũng như cột sống ngày càng tăng, nguyên nhân của tình trạng nói trên có phải một phần là do ánh sáng cũng như bàn ghế trong các lớp học chưa đảm bảo đúng quy chuẩn không, thưa TS?
– Đúng là các bệnh học đường như cận thị và cong vẹo cột sống một phần là do các lớp học chưa đảm bảo tiêu chuẩn về ánh sáng cũng như bàn ghế chưa đúng quy chuẩn. Trong thực tế, bệnh cận thị của học sinh không phải chỉ tập trung ở thành thị mà cả ở nông thôn, tuy nhiên vì ở nông thôn các em không có điều kiện để kiểm tra nên chúng ta không thấy rõ được tỷ lệ này của học sinh nông thôn. Ngoài ánh sáng chưa đạt tiêu chuẩn, với phương pháp dạy học mới như hiện nay, dùng máy tính, dùng bảng, hệ thống chống lóa trong lớp học thông minh… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh cận thị của học sinh. Còn bệnh cong vẹo cột sống, mặc dù học sinh ở các cấp học có chiều cao không đồng đều nhưng bàn ghế lại như nhau không thay đổi, đó cũng là tác nhân dẫn đến bệnh cong vẹo cột sống.
Theo quy định, các nhà trường phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn về ánh sáng, độ rọi khác nhau trong các lớp học cho học sinh, tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì ở các tỉnh phía nam, ánh sáng tự nhiên cho các trường học là thừa. Vì vậy có thể nói, các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống nguyên nhân có cả từ ở 2 phía: gia đình và nhà trường chứ không thể đổ lỗi hết cho nhà trường. Bởi ngoài thời gian học ở trường, thời gian còn lại là các em sinh hoạt, học tập ở nhà.
*Xin cảm ơn TS!
Hồng Hà – Từ Ngọc Lang (Thực hiện), nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 89+90, tháng 5 – 6/2017