Rèn kỹ năng an toàn trước những mối nguy hại

Rèn kỹ năng an toàn trước những mối nguy hại

(GDTĐ) – Mới đây, ngành y tế đã đưa ra cảnh báo về tính chất nguy hiểm chết người từ loại bóng bay galaxy bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Cũng như vậy, ngành Công an đã phát hiện loại ma túy “tem giấy” xuất hiện tại cổng trường học. Trước những mối nguy hại này, đặc biệt với trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên, nhà trường và gia đình cần có những cảnh báo và rèn kỹ năng phòng, tránh cho con em mình.

Bóng bay gây cháy nổ

Tối 26/2 vừa qua, các bác sĩ Phòng Cấp cứu, Bệnh viện E (Hà Nội) đã tiếp nhận 3 trường hợp bị bỏng nặng vùng mặt, hai tay và tóc, lông mày cháy xém do bóng bay galaxy phát nổ. Trước đó, một số sinh viên học đại học trên địa bàn Hà Nội đã mua bóng bay galaxy về bán tại cổng trường TH Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 80.000-100.000đồng/quả. Do gặp phải tàn lửa thuốc lá, số bóng trên bất ngờ phát nổ khiến ba sinh viên đang cầm bóng bay bị bỏng nặng.

 

Bóng bay galaxy là một loại bóng mới xuất hiện trên thị trường và gây sốt trong thời gian gần đây. Vào buổi tối, ánh sáng lấp lánh phát ra từ một hoặc cả chùm bóng bay trông rất bắt mắt, kích thích sự tò mò và đam mê của trẻ nhỏ. Chính vì vậy, không ít bố mẹ đã mua cho con chơi hoặc mua về tổ chức sinh nhật, các sự kiện có trẻ tham gia.

Theo các chuyên gia, bóng bay phát sáng galaxy thực chất là loại bóng bay hydro được trang trí bằng những dây đèn led nhiều màu sắc bắt mắt bên ngoài. Đèn led được gắn với nguồn điện bằng pin tiểu hoặc pin cúc tạo nên ánh sáng đẹp mắt. Bên trong bóng được bơm bằng khí hydro (nhẹ hơn không khí) để bóng bay lên được.

Bóng bay galaxy tiềm ẩn mối nguy hiểm khi cho trẻ nhỏ chơi với số lượng lớn hoặc dùng với số lượng lớn để trang trí cho các sự kiện. Đặc biệt khi những quả bóng bay galaxy không may bị nổ cộng thêm đèn led có chập điện, nguy cơ cháy nổ xảy ra cao hơn so với một quả bóng hydro bình thường.

BS Trần Duy Hiến, BV E cảnh báo, bóng bay galaxy tiềm ẩn nguy hiểm chết người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Bởi chỉ cần một tàn lửa thuốc lá, bóng sẽ phát nổ và gây bỏng cho người chơi. Do đó, các phụ huynh cần thận trọng khi mua loại bóng này cho trẻ, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Khi trẻ không may chơi bóng bay bị nổ cần xử lý đúng cách để hạn chế mức độ bỏng sâu hơn. Nên nhanh chóng ngâm những vùng da bị bỏng của trẻ vào nước lạnh khoảng 15-20 phút, nhặt vụn bóng bay trên vết thương. Sau khi ngâm nước xong cần cuốn một lớp gạc vô trùng và đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được các bác sĩ xử lý. Tuyệt đối không bôi nước mắm, mỡ trăn, kem đánh răng lên vết bỏng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

“Tem” hình thù đồ chơi gây ảo giác

Thời gian gần đây, một loại ma túy có hình dạng như miếng dán có tên “tem giấy” hay “bùa lưỡi” đã xuất hiện tại nước ta. Theo các bác sĩ, đây là một trong những loại ma túy chứa chất gây ảo giác mạnh nhất từ trước đến nay. Mới đây, Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 15 tuổi bị nghiện ma túy “tem giấy”.

 

Trước thông tin về ma túy “tem” xuất hiện tại cổng trường học ở TP. HCM, nhiều phụ huynh học sinh không khỏi lo lắng. Chị Hồng Anh, có con đang học lớp 11 lo ngại: “Thấy trên mạng internet thông tin về loại ma túy này nên chúng tôi mới để ý xem con có tò mò tìm mua hay không. Tôi chỉ sợ các cháu còn trẻ tuổi không biết lại bị dụ dỗ lừa phỉnh cho dùng, hoặc các cháu không biết mức độ độc hại thấy ai đó sử dụng lại a dua dùng thử thì rất nguy hiểm”.

Nắm bắt được thông tin về loại ma túy này, dù chưa phát hiện có ở cổng các trường học tại Hà Nội, nhưng nhiều trường học đã chủ động mời chuyên gia hoặc kịp thời thông tin tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh tác hại của loại ma túy nói trên đồng thời hướng dẫn các em cách phòng tránh nếu gặp phải.

Theo các chuyên gia, đây là một loại ma túy cực mạnh, không mùi, không vị có tên LSD. Dân chơi thường gọi là “bùa lưỡi” hay “tem”, “kẹo dán” do các tinh chất gây nghiện được tẩm vào loại giấy đặc biệt có nhiều hình thù chim muông, con vật hoạt hình, hoa lá… nhằm hóa trang tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Để sử dụng loại ma túy này, không phải hút hít hoặc tiêm chích mà đặt vào đầu lưỡi, chất ma túy thẩm thấu tạo cảm giác qua vị giác của con người.

BS La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, ma túy “đá” và “tem giấy” có mức độ nguy hiểm như nhau. Với ‘tem giấy”, người “chơi” sẽ bị ảo giác, thấy những hình ảnh kỳ lạ như nhìn người khác lại tưởng quỷ dữ, đứng dưới đất lại tưởng mình là siêu nhân bay lượn trên trời… Ngoài ra, “tem giấy” rất rẻ nên dễ tiếp cận và sử dụng. Nguy hiểm hơn là “tem giấy” nhắm vào đối tượng học sinh, lứa tuổi này các em chưa ý thức được nguy hiểm mà chỉ đơn giản nghĩ là một trò chơi. Như các loại ma túy khác, “tem giấy” đem lại cảm giác “phê” nên người dùng thích thú và dễ bị phụ thuộc. Ngoài việc thường xuyên quan tâm đến những thay đổi tâm sinh lý của trẻ, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo nếu thấy trẻ có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc thay đổi thời gian ngủ (ngủ ngày, thức đêm), hốt hoảng, sợ sệt, xuất hiện hành vi kỳ quặc… thì nên đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Học sinh, sinh viên tuyệt đối không được thử dù chỉ một lần các chất ma túy dù nó được quảng cáo là nhẹ hay nặng, dễ nghiện hay không dễ nghiện… Các em cần được tập huấn kỹ năng nhận biết các loại ma túy, nhận biết người sử dụng ma túy từ đó có các kỹ năng phòng, tránh an toàn.

Diệp Anh – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 99, tháng 3/2017