Thu hút nhà khoa học trẻ: Cần chế độ đãi ngộ tốt hơn nữa
(GDTĐ) – Để những nhà khoa học trẻ có môi trường phát triển thuận lợi, cống hiến cho KHCN, những chế độ đãi ngộ, chính sách đi kèm cần có sức hấp dẫn hơn so với hiện tại.
Trong những năm gần đây, Chính phủ và Bộ KH&CN đã chú trọng nhiều hơn tới các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Tiêu biểu là trong Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định về sử dụng, trọng dụng các cá nhân hoạt động khoa học công nghệ đã dành riêng một mục quy định những chính sách đãi ngộ với các nhà khoa học trẻ tài năng.
Ngoài ra cũng phải kể đến những hành lang pháp lý thông thoáng như Nghị định 95/2014/NĐ-CP Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước… lần lượt gỡ bỏ những nút thắt trong nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho nhà khoa học nói chung, nhất là nhà khoa học trẻ có môi trường phát triển thuận lợi.
Đặc biệt, tháng 9/2015, lần đầu tiên, Bộ KH&CN tổ chức sự kiện “Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học trẻ”. Sự kiện này một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ KH&CN đối với các nhà khoa học trẻ – tương lai của nền KH&CN Việt Nam cũng như tương lai của nước nhà trong thời đại hội nhập và cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng, để phát triển trong giai đoạn mới, Việt Nam cần đầu tư phát triển khoa học công nghệ, trong đó phải dành sự quan tâm tới những người làm khoa học, các nhà khoa học trẻ. Điều này được thể hiện rõ qua Nghị định 40 với nhiều chê độ đãi ngộ cao như hưởng lương hệ số 5,08, cử đi nghiên cứu sau tiến sỹ ở nước ngoài, hỗ trợ kinh phí công bố kết quả công trình … Ngoài ra Nghị định 141 hướng dẫn một số điều luật Giáo dục cũng có liên quan đến việc trọng dụng và ưu tiên các nhà nghiên cứu trẻ.
Không dừng lại ở đó, Bộ KH&CN và các Bộ Ngành cũng căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng các văn bản khác nhằm tại điều kiện cho ngành khoa học phát triển hơn nữa, các sản phẩm ứng dụng KHCN có thể cạnh tranh trong thị trường trong nước và quốc tế, trong đó vai trò của các nhà khoa học trẻ được đặc biệt trú trọng, Thứ trưởng khẳng định.
Được biết, Bộ KH&CN cũng đang triển khai các phương thức hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu – ứng dụng bằng cơ chế Quỹ: Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted), các Chương trình phát triển KH&CN và đang tiếp tục hoàn thiện Quỹ Phát triển KH&CN của các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương, các nguồn lực khác. Song song với đó là việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tổ chức KH&CN nhằm hỗ trợ cho nhà khoa học nói chung và nhà khoa học trẻ nói riêng có điều kiện thực hiện các nghiên cứu của mình.
Ngoài ra, hiện Bộ KH&CN cũng đang triển khai Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Mỹ nhằm giúp các nhà khoa học trẻ hiện thực hóa các ý tưởng của mình. Tham gia đề án, các nhà khoa học trẻ có thể được tư vấn về mặt pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức giới thiệu về ý tưởng, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vốn,… nhằm đưa ý tưởng thành sản phẩm hàng hóa để đưa ra thị trường, Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng cũng cho biết, năm 2014, từ Đề án trên, Bộ KH&CN đã chọn được 10 nhóm và kêu gọi đầu tư khoảng 10.000 đô la cho mỗi nhóm. Những năm tiếp theo, Bộ sẽ tiếp tục triển khai mô hình này.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Phạm Công Tạc, GS.TS Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng vai trò của các nhà khoa học trẻ là rất quan trọng trong việc phát triển ngành KHCN nói chung và Viện Hàn lâm nói riêng.
Hiện tại, lực lượng cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm đang chiếm tỷ lệ tốt khoảng 30%. Đặc biệt, tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia hiện nay có trên 90% là cán bộ trẻ, tuổi trung bình của toàn cơ quan chỉ khoảng +/- 32 tuổi, ông Hải cho biết.
Bên cạnh những đãi ngộ về mặt chính sách, Viện Hàn lâm cũng có những ưu đãi riêng dành cho nhà khoa học trẻ. Có thể kể đến như các nhà nghiên cứu có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ có thể được xét đặc cách vào Viện, tạo điều kiện để có đề tài nghiên cứu cũng như có cơ hội hợp tác nghiên cứu học tập với các đối tác nước ngoài, ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo ông Hải, hiện nay Viện Hàn lâm vẫn có những khó khăn trong việc thu hút các nhà khoa học trẻ trong đó phần lớn là liên quan đến vấn đề tài chính như lương của sinh viên mới tốt nghiệp quá thấp, thiếu những kí túc xá … Mặc dù đã đã có nhiều luật, nghị định, thông tư cùng các chiến lược lớn về KHCN đi kèm nhiều chế độ đãi ngộ tốt nhưng vẫn chưa đủ, cần phải có thêm các chính sách tốt hơn nữa nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ, ông Hải chia sẻ.
Tiêu biểu là việc các nhà khoa học đang hưởng lương theo hệ số hành chính, điều này là chưa hợp lý và cần phải thay đổi về mặt cơ chế. Để các nhà khoa học trẻ có thể toàn tâm, toàn ý vào công việc, chúng ta cần phải có những chế độ đãi ngộ tốt hơn nữa, ông Hải cho biết.
Với vai trò là một nhà khoa học trẻ, ThS. Lê Văn Huyên, người đã có 11 sáng kiến, giải pháp giúp Tổng công ty Viễn thông Mobifone tiết kiệm 25 tỷ đồng chi phí đầu tư cũng cho rằng chế độ đãi ngộ, trong đó cơ chế lương là rất quan trọng để thu hút người trẻ hoạt động trong lĩnh vực KHCN.
ThS. Lê Văn Huyên chia sẻ, sau khi ra khỏi trường đại học, chỉ có một số ít bạn bè của anh vào làm việc trong những viện nghiên cứu, tuy nhiên có một số xin được học bổng ra nước ngoài tiếp tục nghiên cứu và nhiều năm vẫn chưa thấy về nước. Phần lớn thì đi làm thuê cho công ty nước ngoài hoặc tự kinh doanh riêng. Điều này có thể chế độ đãi ngộ của các viện hoạt động trong lĩnh vực KHCN chưa thực sự hấp dẫn đối với những nhà khoa học trẻ.
Theo Kinh tế và Đô thị